Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Suy niệm mồng 2 tết - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Chữ “HIẾU” rất quan trọng đối với người Á Đông, trong đó có người Việt Nam chúng ta, cho nên người ta nâng chữ hiếu lên thành ĐẠO HIẾU tức đạo làm con.
                             Công cha như núi Thái Sơn,
                             Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
                             Một lòng thờ mẹ kính cha,
                             Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.      
Trong mười giới răn của Đạo Công Giáo có một giới răn nói về vấn đề này:
”Thứ bốn thảo kính cha mẹ” (x. Xh 20,10). Thảo kính là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (x. Giáo Lý Công Giáo số 2215-2218).  Giúp đỡ cha mẹ khi đã qua đời cũng là một bổn phận phải làm đối với người công giáo cũng như người ngoại giáo.
Ngày kính nhớ tổ tiên, chúng ta nhớ đến những bậc tổ tiên còn sống cũng như đã qua đời. Chúng ta dễ dàng nhớ đến người còn sống, vì các ngài đang ở kề cận chúng ta, nhưng còn với những người đã chết thì như thế nào? Chúng ta biết gì về họ? và họ có những mối tương quan nào?
Ai sẽ trả lời cho chúng ta?
Rất ma, kinh nghiệm của những người cận tử sẽ khai sáng cho chúng ta, nhưng những người cận tử là ai, họ là những người như thế nào?
Trong chúng ta ít người có kinh nghiệm về sự sống lại, nhưng mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và người Mỹ đã chú ý  đến hiện tượng mà họ gọi là "kinh nghiệm cận tử" (near death experience): kinh nghiệm cận tử là kinh nghiệm của một người vì một tai nạn hay vì một lý do nào đó làm họ ngất đi trong một thời gian khá lâu. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết, nhưng sau đó họ sống lại. Đó là vấn đề của "kinh nghiệm cận tử".

Một "cận tử nhân" gặp những người thân và bạn bè đã diễn tả lại như sau:
"Rt nhiều linh hồn vây quanh tôi. Họ giống như người thân trong gia đình. Cuộc gặp gỡ với những linh hồn này giống như sự sum họp cùng những người quan trọng nhất của một đời người sau một thời gian dài xa cách. Trong chúng tôi dâng trào tình yêu và sự hân hoan khi gặp lại nhau.
Cha tôi đứng ngay bên phải,  chị gái tôi đứng bên trái. Chị tôi và những người khác trong gia đình tôi dường như đều đứng bên trái cả. Ngoài cha và chị tôi, tôi còn nhận ra một người nữa đó là bà tôi.
Tôi nghe giọng nói của mẹ tôi và con gái tôi. Con gái tôi hai tuổi nhưng tôi có cảm giác như nghe tiếng của một thiếu nữ, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là giọng nói của con tôi. Hai người đang gọi tên tôi..."[1]
Và một "cận tử nhân" khác là Jaime chia sẻ lại như sau:
"Tôi chợt nghĩ đến “bà ngoại”. Tôi không ngừng nói “bà vẫn chưa chết. Cháu vẫn chưa chết, bà vẫn chưa chết”. Bà nói: “Không, bà chưa chết và cháu cũng chưa chết”. Thực tế là bà đã chết cách đây ba năm do chứng tâm thần phân liệt...
Bà bảo tôi ngồi xuống và dùng cà phê cùng bà, chúng tôi vẫn thường cùng nhau uống cà phê như thế tại nhà bà khi bà còn sống. Tôi cũng nhìn thấy chiếc bàn và những chiếc ghế ngày xưa. Trông bà còn rất trẻ, khoảng dưới bốn mươi. Bà mặc bộ đồ màu tím, có nhiều hoa, chỉ có điều những bông hoa này dường như sáng rực, vàng óng và tỏa sáng.
Tôi nói với bà rằng mọi người luôn nhớ đến bà mỗi ngày. Bà nói bà biết điều đó. Bà biết rằng chúng tôi yêu bà rất nhiều và bà cũng yêu chúng tôi nhiều lắm.
Tôi nhận thấy rằng căn phòng giống một mái vòm, bên trái căn phòng có một chiếc rèm cửa, tôi trông thấy ông tôi đang lén nhìn, và tôi cũng trông thấy một phụ nữ khác, đậm người, thấp, tóc cột kiu đuôi ngựa. Tôi định nói gì đó thì bà nói với tôi rằng: “Cháu phải đi, cháu không thể ở đây nữa, chưa phải lúc”.
Tôi hoảng sợ, tôi òa lên khóc. Tôi nói với bà: “Nhưng bà ơi, cháu muốn ở lại đây”. Tôi không muốn rời bỏ nơi tuyệt vời này. Tôi van xin bà: “bà ơi, làm ơn đi, cháu muốn ở lại với bà. Cháu không bao giờ muốn rời khỏi đây”.
Bà nói, “Cháu sẽ trở lại đây vào lúc khác, đừng lo”. Sau đó, bà tiếp lời: “Hãy nhắn với mọi người rằng ta yêu mọi người và lúc nào ta cũng nghĩ đến mọi người”.
Tôi vẫn nằng nặc nói: “nhưng cháu muốn ở lại”, và sau đó tôi nghe một tiếng va đập lớn, như thể có gì đó đập vào ngực tôi như muốn tức thở. Tôi hồi tỉnh... tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Tôi nhận ra cha tôi và cả gia đình đang vây quanh mình. Tôi không nhớ những gì xảy ra tiếp theo, nhưng tôi nhớ tôi đã nói với cha tôi rằng tôi cần một tờ giấy. Tôi viết rằng: “Con đã gặp bà”.[2]  
Qua những sự kiện trên, những người cận tử muốn nói với chúng ta rằng:
1. Họ rất hạnh phúc khi được tiếp cận với thế giới bên kia
Các bác sĩ đã phỏng vấn 1.370 trường hợp. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm chung sau đây:
            - Họ không còn sợ chết nữa.
            - Cuộc sống ở "cõi bên kia" hạnh phúc hơn cuộc sống  ở đời này.
            -  Họ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa.
Điều duy nhất  mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Willie Hoffsuemmer).        
2.Những người cận tử còn cho thấy rằng họ đã được tiếp xúc với những người ở thế giới bên kia, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Điều này giúp chúng ta xác tín hơn với tín điều các thánh cùng thông công: một là Hội Thánh “Lữ Hành”, hai là Hội Thánh “Vinh Thắng”, ba là Hội Thánh “Đau Khổ”
 - Hội Thánh “Lữ Hành” là các tín hữu trong Hội Thánh lữ hành trần gian còn phải chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. 
- Hội Thánh “Vinh Thắng” trên trời gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa. Họ đang được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa.
 - Hội Thánh “Đau Khổ” thanh luyện gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa, nhưng khi chết vẫn đang ở trong tình trạng còn nhiều khuyết điểm, còn nhiều sai lỗi. Họ cần tiếp tục chịu đau khổ trong ngọn lửa tin yêu để được thanh luyện sạch mọi vết nhơ. Rồi khi hoàn toàn trở nên thánh thiện, họ sẽ được về hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
Đây chính là lý do chúng ta họp mặt nơi nghĩa trang này để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên trong ngày mồng hai Tết này. Amen



[1] Jeffrey Long, M.D. và Paul Perry, The Evedence of The Afterlife (Giải Mã Tâm Linh), trg.19

[2] Jeffrey Long, M.D. và Paul Perry, The Evedence of The Afterlife (Giải Mã Tâm Linh), trg.19




CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B (18/02/2018)

 HÀNH ĐỘNG & TUYÊN BỐ  ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC GIÊ-SU 

"Thời kỳ đã mãn,
và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (1,12-15):

(12) Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người.

(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

II. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (1,12-15):  

2.1 Ngày nay các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm đến những hành động và tuyên bố đầu tiên của các ứng cử viên trúng cử (tổng thống, thủ tướng, chủ tịch đảng, đại biểu quốc hội v...), vì những việc làm và lời nói đầu tiên ấy chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Bài Phúc âm Chúa Nhật I Mùa Chay năm B cho chúng ta xem những việc làm và nghe tuyên bố đầu tiên của Đức Giê-su Na-da-rét khi Người xuất hiện công khai. 

2.2 Hành động đầu tiên của Đức Giê-su là chịu phép rửa của Gio-an bên dòng sông Gióc-đan và sau đó là chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa.

Đức Giê-su chịu phép rửa không phải để tỏ lòng sám hối (vì Người không có tội gì nên không cần sám hối) mà là để thể hiện sự liên đới của Đấng Mê-si-a với những người Do-thái đang mong đợi Nước Thiên Chúa.

Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ để khẳng định sự chọn lựa của Người là thực hiện kế họach và ý muốn của Thiên Chua Cha trong công cuộc cứu chuộc nhân loại. 

2.3 Tuyên bố đầu tiên của Đức Giê-su là: ”Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." Thời kỳ đã mãn là thời kỳ chờ đợi đã hết. Triều đại Thiên Chua đã đến gần vì Đấng Mê-si-a đã xuất hiện và bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Hành động mà Đức Giê-su đòi hỏi hay mời gọi người Do-thái thời của Ngài và chúng ta ngày nay là sám hối và tin vào Tin Mừng.

III. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (1,12-15):

3.1 Hãy sám hối: Người Do-thái được Đức Giê-su kêu mời sám hối vì họ đã bất hiều bất trung với Thiên Chúa là Đấng đã chọn họ làm dân riêng, đã ban đất Ca-na-an cho họ và đã che chở họ suốt dòng lịch sử.

Còn chúng ta được Đức Giê-su kêu mời sám hối vì chúng ta cũng đã vô ơn vô nghĩa và xúc phạm đến Chúa bắng những tội chúng ta phạm và bằng những thiếu sót chúng ta không thực hiện. Những tội chúng ta phạm có thể dã nhiều không kể hết, nhưng những thiếu sót mà chúng ta vướng phải cũng nhiều không kém. Bao nhiêu điều phải, điều lành, điều tốt chúng ta biết mà không thực hiện hay không dám thực hiện. Chỉ nguyên nói đến việc thực thi bác ái và chống tiêu cực trong xã hội là chúng ta đủ thấy tội chúng ta ngập đầu rồi.

3.2 Và tin vào Tin Mừng: Tin vào Tin Mừng là tin vào chính Đức Giê-su, Thiên  Chúa làm người, là tin vào lời rao giảng và mạc khải của Người. Tin vào Tin Mừng là sống theo Đức Giê-su, là thực thi những điều Người dậy. Tin vào Tin Mừng còn là loan báo Tin Mừng cho người khác.

IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (1,12-15):

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Tin Mừng của Thiên Chúa, là Đấng đã rao giảang Tin Mừng cứu độ cho chúng con. Chúng con chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa!

Chúng con đã đón nhận Tin Mừng bao nhiêu năm rồi nhưng đời chúng con vẫn ngập đầy tội lỗi và thiếu sót. Chúng con sám hối ăn năn về những tội lỗi và thiếu sót của mình.

Xin Chúa mở lòng và dang rộng cánh tay tha thứ cho chúng con. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn ngàn đời. Amen.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội