Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 07/02/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mc 7, 14-23
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.16 Ai có tai nghe thì nghe! ” 17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế,19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài? ” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
Suy nim 1
Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái. 
Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại. 
Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8). 
Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy. 
Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân, 
nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất. 
Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23). 
Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế, 
không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự. 
Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo, 
và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).
Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này, 
nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai. 
Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ: 
Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không? 
Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).
Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường. 
Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi: 
Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15), 
Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).
Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người, 

cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).
Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch. 
Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực, 
thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ. 
Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21), 
khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó. 
Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha, 
mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22). 
Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra 
những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19), 
và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài. 
Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.
Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực. 
Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi 
đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ, 
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.  
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

Cái bên ngoài và cái bên trong

Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp theo của Tin Mừng hôm qua. Hôm qua Chúa Giêsu phản đối những kinh sư, biệt phái: "dựa vào truyền thống tiền nhân mà hủy bỏ lời Thiên Chúa". Họ chỉ sống hình thức và chuộng những gì là hình thức. Họ cho rằng, các môn đệ của Chúa không rửa tay trước khi ăn là phạm luật ô uế, nghĩa là các môn đệ của Chúa bị ô uế vì không giữ những hình thức như họ.

Đối với Chúa Giêsu, người ta không vấy bẩn tâm hồn khi người ta ăn dơ. Người ta chỉ vấy bẩn, chỉ thực sự mang tội, chỉ thực sự xúc phạm đến Thiên Chúa, đến anh chị em mình, khi họ không biết gìn giữ tâm hồn, không biết tránh xa tội lỗi.

Chúa khẳng định: "Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế... Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế".

Với khẳng định trên, Chúa Giêsu dạy ta biết đâu là nguồn gốc thâm sâu của những sự xấu, sự ô uế. Nó xuất phát từ chính là tâm hồn con người. Bởi thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch không mang ơn cứu độ đến, nếu con người nuôi trong lòng sự lừa dối Thiên Chúa,  phỉnh gạt người khác.

Như vậy không hề do đồ ăn thức uống mà ta có tội hay không có tội. Tội hay phước là do chính nội tâm có chân chính hay không, lương tâm có ngay thẳng hay không, ham muốn và thực hành sự dữ, sự ác hoặc lo làm việc lành phúc đức hay không.

Lòng độc dữ của con người là nguyên nhân phát sinh mọi thứ tội, phát sinh nỗi khổ của con người. Nói cách khác, thay vì làm khởi sắc linh hồn bằng cộng tác với ơn Chúa để sống lành thánh, chính chúng ta, nhiều lần làm cho tâm hồn mình nên xấu để không chỉ bóp méo, bôi nhọ hình ảnh của Thiên Chúa mà còn không để cho hình ảnh ấy tồn tại trong tâm hồn mình. 

Thiên Chúa là Đấng thấu suốt bên trong, Đấng thích tâm hồn đơn thành hơn của lễ, Ngài đòi buộc mọi người nhìn thấu vào tâm hồn để nhận diện chính mình. Nhờ đó, họ có thể cộng tác với ơn Chúa mà biến đổi tận bên trong tâm hồn. 

Ta có xu hướng, khi đối diện với sự xấu, thường đổ lỗi cho người khác hoặc cho ngoại cảnh: vợ đổ lỗi cho chồng, chồng đổ lỗi cho vợ, cha mẹ đổ lỗi cho con cái, con cái đổ lỗi cho cha mẹ, v.v. Chúng ta dễ trách cứ người khác, nhưng lại ít khi tự trách mình. Chúng ta "muốn tề gia trị quốc bình thiên hạ" nhưng lại không chịu tu thân; muốn thay đổi thế giới nhưng lại không muốn thay đổi mình. 

Chúa Giêsu nhắc nhở ta hãy khoan tìm kiếm nguyên nhân từ bên ngoài nhưng cần duyệt xét kỹ càng chính lòng mình, hầu nhận ra đâu là nguồn gốc của những điều xấu đã gây ra cho mình và cho người khác. 

Chúa Giêsu mời gọi ta từng bước tẩy trừ thói hư tật xấu, tẩy trừ những bóng mây đen, những góc khuất tối tăm của tâm hồn. 

Chúng ta cần học tập lời thánh Phaolô dạy mà sống theo ý muốn của Chúa: "Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả"(1Cr 13, 4-7).


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường