Cuộc nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Krakow, Đức ông Marek Jedraszewski
2 tháng Hai, 2018
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II – Wikipedia
“Theo tự nhiên những gì mới luôn làm giới trẻ rất thích thú. Tuy nhiên, các nền tảng còn quan trọng hơn,” Đức Giám mục Marek Jedraszewski 68 tuổi nói, ngài là giám mục của giáo phận Krakow, từ 8 tháng Mười Hai, 2016, tòa giám mục trước đây của Đức Karol Wojtyla, sau này là Thánh Gioan Phaolo II.
Ngày 16 tháng Mười, 2018 sắp tới, Giáo hội Công giáo Ba lan sẽ chuẩn bị mừng kỷ niệm 40 năm ngày lên ngôi của vị Giáo hoàng người Ba lan đầu tiên trong lịch sử. Nhưng, năm 2018 cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba lan, sau 123 năm dưới sự cai trị của nước ngoài. Đức Tổng Giám mục Jedrazewski nói về vấn đề đó với một nhóm phóng viên trong chuyến thăm viếng Roma, về những cam kết liên quan đến Tổ chức Gioan Phaolo II, khai sinh năm 1981, theo quy chế, người đứng đầu là Tổng Giám mục Krakow.
Thật ra, một trong những trách vụ của Tổ chức là truyền lại cho những thế hệ tương lai di sản của Đức Giáo hoàng Wojtyla. “Đức Tổng Giám mục Jedraszewski nói, “Giới trẻ ngày nay thực sự biết ngài Wojtyla là ai và biết rằng ngài quê ở Krakow, nhưng họ không biết ngài dạy những gì trong suốt 27 năm giáo hoàng của ngài, đặc biệt đối với những người rất trẻ. Chúng ta phải mở ra cho họ, cả kiến thức về những văn bản vẫn còn mang tính thời sự ngày nay, đặc biệt liên quan đến chủ điểm Lòng Thương xót của Chúa và sự liên quan đến Thánh Faustina Kowalska.”
Kỷ niệm ngày lên ngôi của Đức Gioan Phaolo II rơi đúng vào giữa kỳ Thượng Hội đồng về Giới trẻ tháng Mười 2018. Đức Tổng Giám mục nhớ lại, “Tôi nhớ những lời ngài nói tại Czestochowa, năm 1983, trong suốt chuyến thăm quê hương lần thứ hai của ngài, khi ngài thúc đẩy giới trẻ phải biết đòi hỏi thật nhiều nơi bản thân, ngay cả khi người khác không yêu cầu gì nơi họ. Đây là một vấn đề của ý thức luân lý, của sự đáp lời cho những thách đố văn hóa ngày nay. Vấn đề luôn luôn như nhau: chúng ta phải hiểu sự tự do như thế nào, vì không có sự tự do đích thực nào mà không có tính trách nhiệm hay sự thật về các giá trị. Tuy nhiên, đây là những vấn đề khó khăn trong kỷ nguyên ‘hậu sự thật,’ trong đó không còn chỗ trong sự thật khách quan tuyệt đối và những giá trị vững chắc.”
Đức Tổng Giám mục nhận xét rằng, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, ngay cả ở Ba lan người ta đưa ra những dự đoán rằng Thiên Chúa sẽ mau chóng bị lãng quên. “Áp lực của một loại văn hóa mới làm người ta cảm thấy như vậy. Ví dụ, tôi đang nghĩ đến vấn đề ý thức hệ giới tính. Cho dù như vậy, các Giáo hội hôm nay vẫn tràn đầy sinh lực như hôm qua.” Ngày nay có một nghịch lý kỳ lạ là những quốc gia ở Đông Âu lại mang sức sống Ki-tô giáo nhiều hơn những quốc gia nơi Giáo hội được hưởng sự tự do nhiều hơn. “Nếu Giáo hội muốn duy trì sức sống trên thế giới, Giáo hội không thể quên lời Chúa Giê-su nói: ‘nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá của mình mà theo Ta.’”
“Nếu một người Ki-tô hữu quên rằng phải có những thánh giá và đau khổ, thì Giáo hội trở nên suy yếu.” Tuy nhiên, ngài nói thêm về Ba lan, “đúng là có vấn đề đối với giới trẻ, họ không còn tìm được ngôn ngữ phù hợp cho họ nơi các cha xứ.”
Theo Đức Tổng Giám mục Krakow, kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba lan “là một dấu chỉ ơn sủng của Thiên Chúa: sau quá nhiều đau khổ trong suốt chiều dài nhiều thế kỷ, chúng tôi lại một lần nữa đã là một Quốc gia độc lập, cho dù sự độc lập đó chỉ kéo dài 20 năm, cho đến Thế Chiến thứ II, Thỏa thuận Hội nghị Yalta và kỷ nguyên của chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng chúng tôi đã vượt qua được tất cả những điều này đó là nhờ đức tin của chúng tôi. Thật ra, lịch sử của dân tộc Ba lan bắt đầu với sự Rửa tội của các vị vua, như Đức Gioan Phaolo II thường nhấn mạnh. Và ngay cả khi Quốc gia Ba lan không tồn tại, như trong những năm 1800, thì dân tộc vẫn sống nhờ có Giáo hội và cũng nhờ các Giám mục, những người đã phải trả giá bằng sự bách hại vì lòng trung thành với Roma.”
Tuy nhiên, Giáo hội Ba lan không có ý định mừng kỷ niệm độc lập theo một tinh thần ‘chủ nghĩa dân tộc.’ Quyển sách cuối cùng của Thánh Gioan Phaolo II, ‘Ký ức và Giá trị đặc thù,’ giải thích sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Chúng tôi chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc, nói cụ thể đó là một cảm tính thấy mình là một dân tộc cao hơn những dân tộc khác. Nhưng chủ nghĩa yêu nước cũng bao hàm trách nhiệm phải bảo vệ giá trị đặc thù của một dân tộc, như là một gia tài để lại cho người khác.’ Và trong sự tương quan với sáng kiến của ngày 7 tháng Mười năm vừa qua, kỷ niệm chiến trường Lepanto và Lễ Đức Mẹ Mân Côi Diễm Phúc, diễn ra hoạt động đọc kinh Mân côi dọc theo các biên giới của Ba lan, làm dấy lên ở nước ngoài nhiều lời bình luận mang tính tiêu cực, Đức Tổng Giám mục Jedraszenski gạt bỏ mọi ý nghĩa chống Hồi giáo hay chủ nghĩa dân tộc của sự kiện. Ngài nói rõ, trước hết đó là do giáo dân khởi xướng, không phải là do các phẩm trật giáo hội tổ chức, và việc đọc kinh Mân Côi không chỉ diễn ra trên biên giới với các nước láng giềng. “Theo kinh nghiệm, người Ba lan chúng tôi biết rằng khi những giải pháp cho các tình hình khó khăn không được đón nhận ở nơi chân trời, thì chúng tôi phải cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Ý nghĩa quan trọng nhất của sự kiện đó là chứng tá của đức tin đối với Mẹ, Mẹ Đồng Trinh là người bảo vệ chúng tôi.” Đức Tổng Giám mục Krakow cho biết, và trong những “thách đố” mà sự kiện đó nhắm trực tiếp là vấn nạn phá thai; người ta hỏi, “Phải làm gì đây khi quá nhiều phụ nữ và các em gái nói rằng quyền tự do của họ phải có cả việc giết những đứa con của họ? Đó là một thảm kịch; ngay cả những tranh luận về khoa học cũng chẳng mang ý nghĩa gì đối với họ, vì vậy cần phải có ơn sủng của Thiên Chúa để thay đổi suy nghĩ của họ.”
Ba lan là một trong bốn quốc gia (cùng với Cộng hòa Tiệp Khắc, Slovakia và Hungary) thuộc nhóm có tên gọi là Visegrad, về vấn đề di cư đã có những chính sách bớt hạn chế hơn những quốc gia khác còn lại trong Liên minh Châu Âu. “Tuy nhiên, chúng ta không quên rằng đang có chiến tranh ở Ukraine. Và từ năm 2013, Ba lan đã tiếp nhận hơn 1 triệu người Ukraina, và chúng tôi phải cung cấp nhà cửa, việc làm … Nhưng chúng tôi có những vấn đề mà Tây phương không đề cập đến nhiều.
Cuối cùng, tổng Giáo phận Krakow đang chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng khác. Ngày Chúa nhật, 28 tháng Tư, 2018, trong Đền thánh Lòng Thương xót của Chúa ở Lagiewniki, ngài Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Hồng y Angelo Amato, sẽ chủ sự Nghi thức phong Chân phước cho chị Hanna Chrzanowska, sinh ở Warsaw năm 1902 và qua đời ở Krakow năm 1973, là nơi chị gặp gỡ và trở thành người cộng tác cho linh mục mà sau này là Tổng Giám mục Karol Wojtyla. Sinh trong một gia đình giàu có và trí thức, chị Chrzarnowska tận hiến đời mình làm một nữ tu để phục vụ người đau khổ, đào tạo và bảo vệ tính chuyên nghiệp cho các y tá và điều dưỡng cho bệnh nhân, qua một hoạt động liên kết các cơ sở của Giáo hội với dịch vụ chăm sóc sức khỏe độc lập quốc gia. Nhờ những nỗ lực của chị, truyền thống đi thăm bệnh nhân trong những chuyến thăm mục vụ lan rộng và dâng Lễ tại nhà bệnh nhân.
Trong số những Tôi tớ của Chúa của những năm 1900, và án Phong Chân phước đã được mở là Jan Tyranowski, một thợ may khiêm nhường trong những năm đen tối của Chiến tranh đã trở thành một người Hướng dẫn Tinh thần cho một nhóm giới trẻ trong thành phố. “Nên thánh không có gì khó,” Ngài luôn lặp lại với các bạn trẻ. Trong số đó là cậu thanh niên Karol Wojtyla, người sau này công nhận rằng cậu khám phá ra ơn gọi đến với thiên chức linh mục là nhờ Jan Tyranowski. Ngày 21 tháng Một, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico cho phép Bộ Phong Thánh công bố Sắc lệnh các đức anh dũng của ngài, đây là bước đầu tiên của việc Phong Chân phước.
Zenit hỏi Đức Tổng Giám mục Jedraszewski những giá trị nào của hai vị này đại diện cho Giáo hội của Krakow, mà nhờ đó lại trao tặng cho thế giới một vị thánh khác, Thánh Gioan Phaolo II, và điều gì làm cho các ngài thật sự thánh thiện.
Đức Tổng Giám mục Krakow trả lời, “Quả thật, Tyranowski, một giáo dân, là một Người Hướng dẫn Tinh Thần cho ngài Wojtyla là một điều rất thú vị. Đây là một dấu chỉ cho thấy tầm quan trọng của giáo dân trong Giáo hội rất rõ trước khi tầm quan trọng đó được Công Đồng Vatican II công nhận hai thập niên sau. Cậu thanh niên Wojtyla đã có may mắn gặp gỡ trên hành trình của ngài những giáo dân gương mẫu cho đời sống người Ki-tô hữu trên trần gian, đặc biệt trong những thời gian rất khó khăn như cuộc Chiến tranh đó.
“Chúng ta có thể nói tương tự như vậy với trường hợp của chị Hanna Chrzanowska, một người phụ nữ đã dành hầu hết thời gian để tổ chức một công tác mục vụ sức khỏe tại một thời điểm rất khó khăn cho Giáo hội có thể hiện diễn giữa quá nhiều thế giới khác nhau của đời sống cộng đồng. Từ đó chính vị Giáo hoàng tương lai nhận ra rằng nếu Giáo hội muốn giữ mình luôn đầy sinh lực thì Giáo hội phải đi vào tất cả các thế giới nơi con người sống. Tôi nhớ đến tông huấn đầu tiên của ngài năm 1979, Redemptor Hominis, trong đó ngài nói rằng con người là đường của Giáo hội.”
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN