Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28/02/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 20, 17-28

17
 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” 
Suy niệm 1
Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị. 
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế. 
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời. 
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn, 
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả, 
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai. 
Vẫn là chuyện những cái ghế. 
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy 
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa. 
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi 
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình. 
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không. 
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ. 
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
Các người không biết các người xin gì!” 
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi. 
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ: 
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự… 
Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai 
về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài, 
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống. 
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang. 
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không, 
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi. 
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ, 
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình, 
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra 
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. 
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời, 
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25). 
Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời. 
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời: 
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27). 
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28). 
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy. 
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình, 
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không 
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:  
Lạy Thầy Giêsu,Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng conluôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lênlàm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầyvà sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

Alexandre Thompson năm nay 74 tuổi, hiện đang sống tại Thụy Sĩ. Mới đây ông đã viết thư cho toà đô chính Copenhague để báo tin ông sẵn sàng tặng thành phố 40 triệu Mỹ kim để làm bất cứ dự án nào, với điều kiện tên tuổi ông phải được đặt cho một con đường ở thủ đô nơi ông đã sinh trưởng. Nhưng đề nghị của ông đã bị từ chối và dĩ nhiên số tiền ông hứa tặng vẫn còn giữ chặt trong tay ông.

Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ đã tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ "phục vụ" ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại khi cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay.

Những dân chài Galilêa đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Người. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: "Tôi cho đi để được lấy lại", "tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn", "tôi phục vụ để được phục vụ lại". Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thời đại. Gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo Hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý tưởng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.

Ước gì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà chúng ta suy niệm trong Mùa Chay này luôn nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của người môn đệ, đó là phục vụ, quên mình, và ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm những gì phải làm mà thôi.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường