Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Chữ “Amen” có nghĩa là gì?

Filled under:

Ý nghĩa chữ Amen thì rất cụ thể, rất đặc biệt mà không một ngôn ngữ có từ tương đương. Amen là tiếng hêbrơ được dùng từ rất xưa. Về mặt ngôn từ học, amen đến từ chữ aman mà người ta dùng để làm mạnh lên hay để xác nhận các lời nói. Ý nghĩa của nó có thể diễn tả là “sự thật là như vậy” hay “được ghi nhận như vậy”.
Chữ amen không có chữ tương đương trong các ngôn ngữ tây phương. Vì thế không nên dịch theo nghĩa, nhưng nên hiểu đây là câu trả lời khẳng định cho một lời nói chắc chắn, ổn định và bất biến. Chính vì lý do này mà trong truyền thống do thái-kitô, chữ này được dùng nguyên trạng, không dịch ra, vì tất cả các bản dịch đều làm nghèo đi ý nghĩa nguyên gốc của chữ, theo sát nghĩa của chữ amen, người ta chỉ có thể dùng chữ này theo nghĩa thiêng liêng và như thế chỉ dùng chữ ”amen” khi nói về Chúa.
Amen là đặc ngữ xêmita được dùng rộng ra trong thế giới kitô giáo
Chắc chắn chữ này có nguồn gốc xêmita và với thời gian, việc dùng chữ này trải rộng ra trong giới kitô giáo; vì thế chữ “amen” được dùng rất nhiều trong Thánh Kinh. Amen được dùng để chứng nhận các lời như: “chính vì vậy”, hay để diễn tả một lệnh: “phải được như vậy”. Đây là một trong các thán từ phụng vụ được dùng nhiều nhất vì nó được dùng như một công thức để kết thúc lời cầu nguyện.
Khi dùng chữ này, chúng ta tuyên xưng câu vừa đọc là thật, trong mục đích khẳng định một câu, làm câu đó thành của mình hay để đưa đến một lời cầu nguyện. Vì thế, khi chữ này được cộng đoàn dùng trong khuôn khổ của một nghi thức phụng vụ tôn giáo thì nó có nghĩa là toàn thể cộng đoàn đồng ý những lời vừa đọc.
Chữ “amen” được Chúa Giêsu dùng trong các Tin Mừng để bắt đầu một bài giảng, mang tầm mức vững chắc và kiên nghị cho bài giảng. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch



Abraham

Trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, có một khuôn mặt nổi bật, đáng cho chúng ta suy nghĩ đó là khuôn mặt của Abraham.
Thực vậy, vâng lệnh Thiên Chúa, ông dẫn con lên núi để sát tế dâng kính Ngài. Ông chấp nhận hy sinh cả cái viễn tượng tương lai của lời hứa, không chút thắc mắc trước đòi hỏi xem ra tự mâu thuẫn với chính mình của Thiên Chúa, Đấng đã hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển, nhưng lại đòi ông phải hy sinh người con duy nhất, giữa lúc ông và bạn ông đã già cả không còn hy vọng sinh nở được nữa. Abraham đã biểu lộ một niềm tin yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Quả thực, cử chỉ của Abraham chỉ có thể hiểu nổi khi chúng ta thấy được rằng nơi Abraham còn có một sự lựa chọn quan trọng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy điều đòi hỏi nơi Abraham mới chỉ là một thử thách của Thiên Chúa đối với ông là người được Thiên Chúa yêu thương. Cử chỉ của Abraham mới chỉ là một hình ảnh để chuẩn bị đón nhận điều Thiên Chúa thực hiện nơi chính mình Ngài. Điều Abraham đã chỉ thực hiện trong ý chí, nghĩa là chấp nhận thực hiện, nhưng trong thực tế đã không thực hiện vì không cần thiết nơi Thiên Chúa, lại đã trở thành thực tế. Đức Kitô người sẽ bị đau khổ và chết trên thập giá, chính là người con yêu dấu của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa là một người Cha đã yêu thương con người đến độ không dung tha chính con mình, nhưng lại phó thác con mình vì tất cả chúng ta. Đức Kitô đã thực hiện tất cả những gì mà Abraham và Isaac ngày xưa đã tượng trưng.

Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao? Nhìn vào đời sống đức tin, chúng ta thấy không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy sốt sắng, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy được ủi an, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy Chúa thật gần gũi, trái lại nhiều khi đức tin của chúng ta cũng đã bị thử thách. Vì trung thành với lệnh truyền của Thiên Chúa mà Abraham đã xứng đáng trở thành cha của những người có đức tin. Vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận cái chết trên thập giá, mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nguồn suối ơn cứu độ. Với chúng ta cũng thế. Giữa những gian nguy thử thách gặp phải, noi gương bắt chước Abraham, chúng ta hãy vững tin nơi tình thương của Chúa. Đồng thời noi gương bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta dám chấp nhận những hy sinh gian khổ vì đức tin. Bây giờ không còn phải là thời dám can đảm chịu chết vì đạo, mà là thời dám can đảm sống đạo, sống niềm tin của mình. Chính nhờ những hy sinh trong cuộc sống thường ngày, mà đức tin của chúng ta sẽ trở nên kiên vững, và hơn thế nữa, chúng ta sẽ góp được cái phần nhỏ bé của chúng ta vào thập giá Đức Kitô, để nhờ đó mà chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu độ.