Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 8: 5-11)
Khi Đức Giêsu vào thành Capharnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm”. Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!" Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
Suy niệm 1
Theo truyền thống của quân đội Rôma, “đại đội trưởng” là chức danh dùng để gọi người đứng đầu một trăm người lính. Họ là những viên chức uy quyền tại các nước thuộc địa.
Thời Chúa Giêsu, nước Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ. Vì thế, Do Thái chỉ là thuộc địa của Rôma. Những đại đội trưởng, do đế quốc Rôma đặt lên nắm quyền hành, góp phần áp đặt sự cai trị hà khắc của đế quốc trên nước thuộc địa này.
Luật Do Thái vốn khắt khe trong việc giao tế với dân ngoại, thì lại càng khắt khe hơn với những ngoại xâm, những kẻ đang giày xéo lên mảnh đất Chúa chọn. Như vậy, người Do Thái sẽ kỳ thị và không bao giờ có bất cứ sự thân thiện nào với những đại đội trưởng.
Tuy nhiên, một vài trường hợp, những đại đội trưởng xuất hiện trong Thánh Kinh, đều cho thấy họ là những người tốt. Thánh Kinh đã không ít lần khen ngợi họ. Chẳng hạn, lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, một viên đội trưởng đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Một viên đội trưởng khác đã cứu thánh Phaolô thoát khỏi hình phạt đánh đòn. Một viên đội trưởng khác nữa đã giúp thánh Phaolô thoát khỏi âm mưu giết hại của người Do Thái, v.v.
Nổi bật hơn hết là vị đại đội trưởng trong bài Tin Mừng này. Ông vừa là người khiêm nhường trước mặt Chúa, vừa là người từ tâm, lo lắng cho người dưới quyền của mình.
Khiêm nhường: Ông đã làm phiền Chúa chữa lành cho người đầy tớ, nhưng ông đã không dám phiền Chúa hơn nữa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm”.
Lo lắng cho người dưới quyền: Viên đại đội trưởng có một người nô lệ đang bị đau dữ dội. Bình thường, một người nô lệ chẳng là gì, chẳng có giá trị gì đối với một người làm quan như ông. Ông có thể sử dụng họ như một món đồ vật. khi đồ vật bị hư, ông có thể quăng đi, không cần bận tâm.
Nhưng viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng này thì khác. Ông có lòng yêu thương người dưới quyền mình. Ông xót xa khi thấy đầy tờ đau đớn. Ông đã chạy đến Chúa, van lơn, cầu xin Chúa cứu giúp người đầy tớ của ông.
Với lòng khiêm nhường và sự lo lắng cho người dưới quyền của một đại đội trưởng, Chúa đã nhậm lời ông. Chúa chữa lành cho người đầy tớ của ông vì chính tấm lòng của ông.
Không những nhậm lời viên đại đội trưởng, Chúa còn khen ngợi ông: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ísrael nào có lòng tin như thế”.
Mùa Vọng, với ý hướng chờ ngày Chúa đến, mong rằng mỗi chúng ta nhìn vào niềm tin của người đại đội trưởng để làm tiêu chuẩn sống cho mình. Mỗi chúng ta hãy biết khiêm nhu trước Thiên Chúa và biết yêu mến người thân cận như Chúa dạy. Có như thế, chúng ta sẽ được Chúa yêu thương. Người sẽ nhận lời chúng ta cầu xin. Người sẽ ban ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn trao phó cuộc đời mình cho Chúa, xin cho chúng con vững tin rằng Chúa luôn hiện diện, yêu thương và mong muốn chữa lành chúng con. Và như thế chúng con được sống trong Mùa Vọng mới với đầy ý nghĩa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Suy niệm 2
Tín đồ Do thái giáo có tiếng về sống đức hy vọng.
Họ đã hy vọng và vẫn còn hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến để đem ơn cứu độ.
Họ đã chờ và vẫn chờ từ bao ngàn năm nay.
Còn Kitô hữu chúng ta có tiếng về sống đức ái.
Tuy nhiên, tự bản chất Kitô giáo vẫn là tôn giáo của đức hy vọng.
Chúng ta tin Đấng Mêsia là Đức Giêsu đã đến rồi.
Ngài đến đem ơn cứu độ không phải cho riêng dân Israel,
nhưng cho mọi dân mọi nước trên toàn thế giới.
Nhưng Kitô hữu vẫn còn sống trong chờ đợi và hy vọng.
Chúng ta mong ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu,
cũng là ngày thế giới này đi đến chỗ tận cùng, để sang một trang mới.
MARANA THA, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (1 Cr 6, 22; Kh 22, 20).
đó là lời nguyện của các Kitô hữu trong Giáo Hội buổi sơ khai.
Đó cũng là lời nguyện khẩn thiết của chúng ta, đặc biệt trong Mùa Vọng.
Ngày quang lâm là ngày tận thế đáng sợ,
khi Chúa Giêsu trở lại xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Nhưng đó cũng là ngày hội vui lớn nhất của nhân loại,
ngày mà niềm hy vọng của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Ngày ấy “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (c. 11).
Đức Giêsu ngỡ ngàng khi thấy niềm tin lớn lao của viên đại đội trưởng.
Ông thuộc dân ngoại mà lại có lòng tin lớn hơn các người Israel khác (c. 10).
Ông tin Đức Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ yêu quý của ông.
Không cần Ngài đến nhà, chỉ cần một lời nói của Ngài thôi cũng đủ (c. 8).
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm tốn của ông đã chinh phục Đức Giêsu.
Lời của viên sĩ quan dân ngoại đã trở nên lời ta đọc trước khi rước lễ.
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được chữa lành,
nhưng điều quan trọng hơn là chuyện ông có hy vọng được dự tiệc.
Đây là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc trong Nước Trời (x. Is 25, 6-8).
Một người dân ngoại được ngồi dự tiệc bên các tổ phụ Do thái.
Đây là điều hẳn làm cho nhiều người Do thái phải ngạc nhiên.
Mà không phải chỉ có viên đại đội trưởng,
có nhiều người từ tứ phương thiên hạ cũng được mời (c. 11).
Nước Trời như một bữa tiệc vui và thịnh soạn do Thiên Chúa thết đãi,
trong đó mọi dân tộc khác nhau cùng đến để chia sẻ và hiệp thông.
Mọi đau buồn, mọi cách ngăn đều bị xóa bỏ.
Màu tím là màu của phụng vụ Mùa Vọng,
nhưng đây không phải là màu buồn.
Mùa Vọng nhắc chúng ta về niềm hy vọng rất xanh tươi
mà Chúa Giêsu đã mang lại cách nay hai ngàn năm
và chúng ta có bổn phận vun đắp cho thành tựu.
Làm sao để ơn cứu độ của Ngài được mọi người trên thế giới nhận biết?
Làm sao để dân ngoại được ơn đức tin và ơn chữa lành như viên sĩ quan?
Làm sao để chẳng ai vắng mặt trong bữa đại tiệc của Nước Trời?
Mùa Vọng đưa ta về thế giới bao la của châu Á, với 3% người công giáo.
Nếu ngày mai tận thế, Chúa sẽ hỏi ta 97% kia đâu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
About Metro UI Theme
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam, quis nostrud exercitation ullamco laboris nisi ut aliquip ex ea commodo consequat. Duis aute irure dolor in reprehenderit...