Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B

Filled under:


« Khởi đầu Tin Mừng
của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa
  »
(Mc 1, 1-8)

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: 2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

Suy niệm 1
  1. Khởi đầu Tin Mừng
Theo tài liệu chính thức của Giáo Hội về Những qui luật tổng quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ đến việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trong đợi Chúa Ki-tô đến lần thứ hai trong ngày tận thế” (AC 39).
Như thế, với đặc tính thứ nhất, Mùa Vọng hướng chúng ta đến Lễ Giáng Sinh (còn chưa đến ba tuần nữa), nghĩa là lễ tưởng nhớ biến cố Đức Giêsu sinh ra. Biến cố này là một “khởi đầu”, như câu “khởi đầu” của sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô long trọng công bố:
Khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa
.
(c. 1)
Trong bối cảnh Phụng Vụ mà chúng ta gợi lại ở trên, khi nghe câu đầu tiên của bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay và cũng là câu đầu tiên của sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô, chúng ta có thể đoán là thánh sử Mác-cô sẽ kể về biến cố sinh ra của Đức Giêsu, như các thánh sử Mát-thêu và Luca, bởi lẽ, khởi đầu của cuộc đời Đức Giêsu phải là mầu nhiệm Giáng Sinh, cũng như sinh nhật là khởi đầu cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Tuy nhiên, không phải như vậy, và điều này phải làm cho chúng ta ngặc nhiên:
  • Khởi đầu Tin Mừng của Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa, là lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả: “Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (c. 4)!
  • Nhưng cũng theo bản văn khởi đầu sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô, ông Gioan Tẩy Giả vẫn chưa là khởi đầu thực sự, vì sứ mạng của ngôn sứ Gioan đã được loan báo bởi một ngôn sứ khác, bởi một khởi đầu khác, đó là ngôn sứ Isaia: “Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (c. 2).

  1. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và ngôn sứ Isaia
Như thế, Tin Mừng Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa, không chỉ khởi đầu với biến cố Giáng Sinh, nhưng còn có một khởi đầu xa hơn trước đó, đó là lời của ngôn sứ Isaia. Và như chúng ta đều biết, đàng sau những lời này của ngôn sứ Isaia, là cả một dân tộc đang ở trong cơn thử thách tột cùng: bị mất tất cả, bị đưa đi lưu đày, bị coi thường, vị chà đạp, trở nên những lao công nhục nhằn nên đất khách quê người không niềm hi vọng[1].
Bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay giúp chúng ta nhớ lại giai đoạn đầy thử thách này:
Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta, hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
(Is 40, 1-2)
Vì thế, tiếng hô mà ngôn sứ Isaia loan báo, tiên vàn là tiếng hô của niềm hy vọng, tiếng hô loan Tin Mừng:
Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.
(c. 11)
Thân phận bị thử thách đến tột cùng của Dân Chúa xưa kia diễn tả chính thân phận của nhân loại của chúng ta, thân phận của từng người ở mọi nơi mọi thời và ở những mức độ khác nhau. Và chính trong hoàn cảnh triệt để này, Dân Chúa làm chứng cho nhân loại và cho từng người chúng ta về niềm hi vọng, niềm hi vọng Thiên Chúa sẽ đến ủi an.
Thật vậy, loài người trong thời đại hôm nay cũng đang phải trải qua những thử thách lớn lao chưa từng có: tai họa về môi trường, những thiên tai, những căn bệnh mới và nan y, những tai họa, bạo lực và chiến tranh con người dành cho con người và đe dọa con người từng ngày. Sự sống của con người bị đe dọa từng ngày và nghiêm trọng hơn bao giờ hết, nhưng nhiều khi con người không ý thức, hay không có cảm đảm nhìn vào sự thật này của đời sống hôm nay.
Ngày hôm nay, để thực sự là niềm vui, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng tuyệt đối cần một khởi đầu: đó là kinh nghiệm đích thân của chúng ta và tâm tình liên đới với thân phận đau khổ lầm than của con người hôm nay. Đó không phải là để tuyệt vọng, nhưng để hướng về Đức Ki-tô đã đến, đang đến và sẽ đến với niềm hi vọng.

  1. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và Gioan Tẩy Giả
Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta ngạc nhiên nhiều nhất, đó là theo thánh Mác-cô, Tin Mừng Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa không khởi đầu với biến cố sinh ra của Người, nhưng với lời loan báo của Gio-an Tẩy Giả! Điều này càng có ý nghĩa, khi chúng ta biết gần như chắc chắn rằng, sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô đã được viết đầu tiên (khoảng năm 65-70).
Lời Chúa qua cách trình bày Tin Mừng của thánh Mác-cô, muốn nói với chúng ta rằng: Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa không chỉ bắt đầu với biến cố sinh ra lạ lùng của Ngài, nhưng còn bắt đầu với cuộc “sinh ra lạ lùng” của chính chúng ta! Đó là hành trình chuẩn bị con đường của Đức Kitô và làm cho thẳng những lối đi của Ngài. Bởi vì Ngài sẽ đi ngang qua thân phận của loài người và của từng người chúng ta; Ngài đi ngang qua để ban phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là Ngài ban Thánh Thần của Ngài để tái tạo, để làm tái sinh loài người chúng ta trong sự sống mới (x. Ga 3, 8).

*  *  *
Ngoài ra, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô còn cần đến một khởi đầu khác nữa, đó là những “Gioan Tẩy Giả” cho thời đại hôm nay. Bởi vì ơn gọi và sứ mạng của thánh Gioan, cũng chính là ơn gọi và sứ mạng của chúng ta; đó là ơn gọi và sứ mạng trở thành “lời loan báo sống động” và “lời loan báo sống” về Đức Ki-tô:
Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.
(c. 6-8)
Được tái sinh và được mời gọi sống ơn gọi và sứ mạng của mình như thánh Gioan, chính là cách tốt nhất để chúng ta vừa kính nhớ mầu nhiệm Chúa đã đến và vừa hướng về mầu nhiệm Chúa lại đến, theo lời mời gọi của Giáo Hội trong Mùa Vọng và trong “mọi mùa” của năm, của cuộc đời và của hành trình sống ơn gọi của chúng ta.
Mùa Vọng 2017
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Khi vua Salômon chết, năm 930, vương quốc bị phân chia ra làm hai : phía nam, vương quốc Juda, thủ đô là Giêrusalem; phía bắc là vương quốc Israel, thủ đô là Tirsa, sau đó là Samaria. Vào năm 722, người Assyria thôn tính vương quốc Israel. Năm 587, Giêrusalem bị phá hủy và người Juda bị đưa đi lưu đày ở Babylon. Năm 539, vua Perse, là Cyrus chinh phục Babylon. Người Do Thái dần dần được trở về lập cư quanh Giêrusalem, nhưng sống dưới sự thống trị của người Perse. Từ năm 333, Alexandre chinh phục vùng Cận Đông và áp đặt nền văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp. Từ năm 63, người Roma chiếm cứ vùng Cận Đông và vua Hêrôđê cai trị từ năm 40 đến 4, trước công nguyên (xem Étienne Charpentier, Pour lire l’Ancien Testament, Paris, Editions du Cerf, 1994, trang 22-23).

Suy niệm 2

Tâm tình của Mùa Vọng tiếp tục mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn, canh tân bản thân và biến đổi đời sống, để đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Trong thời gian quý báu này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm nhiều sứ điệp quan trọng của lịch sử cứu độ. Gioan là nhân vật quan trọng mà Giáo Hội muốn chúng ta hướng về hôm nay. 

Gioan là tiếng kêu trong hoang địa. Con người đặc biệt này không sống trong cộng đoàn của ông hay với gia đình ông mà sống trong hoang địa. Ông thuộc về Chúa và ông loan báo những gì Chúa muốn. Ông xuất hiện với giáng vẻ bên ngoài có phần khác người: Mặc áo lông lạc đà, thắt dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng; tâm hồn ông cưu mang những sứ điệp mới lạ, đầy sự lôi cuốn và gây cảm giác tò mò, thắc mắc cho nhiều người mộ đạo. Ông cất tiếng nói: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa”, lời giới thiệu nơi đến của mình rất hợp lý và thú vị. “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, lời này ngay lập tức có hiệu lực, v.v. Vì sao? Vì nó là sự thật. Ông rao giảng về “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” sẽ đến, nên ông không nói vì mình mà nói vì Đấng đã sai mình, nhất là ông chỉ là tiếng kêu thôi, còn lời chứa đựng trong tiếng thì đã ở lại trong mỗi tâm hồn nghe nó. Chính lời đó khiến người ta biến đổi và muốn sám hối. Người ta tin ông trọn vẹn, đến nỗi ai cũng nghĩ ông là Đấng Messia. Nhưng ông can đảm từ chối mà rằng:“Có Đấng đến sau tôi, nhưng có trước tôi, mà tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Tuy chưa xuất hiện, nhưng Đấng đến sau Gioan lại là Đấng quyết định sự thành-bại Gioan. Gioan làm phép rửa chỉ bằng nước, nhưng Đấng đến sau ấy lại làm phép rửa bằng Thánh Thần. Phải chăng niềm tin và sự thật nơi Gioan nên được hiện tại hoá trong đời sống chúng ta hôm nay. Sự thật là gì?

Sự thật là chúng ta cần canh tân đời sống, cải hoá nội tâm, để từ đó, chúng ta biết sống sự thật, tôn trọng sự thật và loan báo sự thật. 

Xin thanh Gioan Tẩy Giả chuyển cầu cùng Chúa để chúng con biết bắt chước ngài trong việc chuẩn bị đón Chúa đến trong tâm hồn mình cách thánh thiện. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường