Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 11/12/2017

Filled under:

Chữa bệnh và tha tội
(Lc 5, 17-26)

17 Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.18 Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người.19 Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su.
20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” 21 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? “22 Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy?23 Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?24 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà! “
25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. 26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ! “
Suy niệm 1
Lành bệnh và tha thứ đều quan trọng cho sự sống con người: lành bệnh liên quan đến sức khỏe; tha thứ liên quan đến tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác. Con người không thể sống bình an, thậm chí sống mà như chết, nếu những tương quan này bị tổn thương.
Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của con người mang hai chiều kích thể lý (chữa bệnh, cho ăn, hồi sinh) và tương quan, nhưng luôn hướng ơn chữa bệnh đến ơn tha thứ, vốn thiết yếu cho sự sống hôm nay, diễn tả và hướng đến sự sống đích thật.
Tuy nhiên, trong trình thuật chữa lành kẻ bại liệt, tương quan giữa hai ơn huệ, ơn chữa bệnh và ơn tha thứ, trở nên phức tạp hơn bình thường : lúc cần chữa bệnh, thì Đức Giê-su ban ơn tha thứ, lúc nói về năng quyền tha tội, thì Ngài lại chữa bệnh !

  1. Một kẻ bại liệt có bốn người khiêng (c. 17-19)
Và trong cuộc sống, chúng ta cần tình liên đới biết bao ; thậm chí, chúng ta không thể sống mà không có tình liên đới. Thật vậy, trong cuộc sống, nhất là trong đời sống gia đình và cộng đoàn, chúng ta được mời gọi mang vác nhau, nhất là mang vác những người thân yêu, những anh em, chị em đau yếu, và rộng hơn, những anh em hay chị em yếu đuối, yếu kém hay chịu thiệt thòi do hoàn cảnh hoặc thân phận hơn. Và một ngày kia, và ngày này không thể tránh được, chính chúng ta cũng sẽ được những người thân yêu, anh em hay chị em của chúng ta mang vác, mang vác đi « loanh quanh » (đến thầy thuốc hay bệnh viện để chữa bệnh), và rồi cuối cùng, mang vác chúng ta đến đặt trước mặt Đức Giê-su (trong Nhà Thờ để cầu nguyện tiễn biệt) ! Và lúc ấy, chúng ta chỉ còn có thể cậy vào lòng tin của mọi người, nhất là của những người thân yêu mà thôi.
Thực ra, mỗi người trong chúng ta cũng đã từng được mang vác đấy thôi, khi chúng ta còn bé hay những lúc đau yếu ; và chúng ta vẫn được Chúa và anh em, chị em, những người thân yêu mang vác mỗi ngày ; có điều là chúng ta nhiều khi mù quáng không nhận ra. Sự liên đới này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng và đã khiến cho Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, phải động lòng, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại. Và một ngày kia, trong cuộc Thương Khó, chính Đức Giê-su cũng sẽ để cho người khác mang vác Người, để Người cảm thông và dẫn chúng ta vượt qua đau khổ và sự chết trong tín thác và hi vọng.
Trong bài Tin Mừng, không chỉ có tình liên đới, nhưng còn có lòng tin ; và chính lòng tin tạo ra tình liên đới trong lời kêu cầu, trong ơn chữa lành và ơn cứu độ. Và một lòng tin mãnh liệt đến độ sáng tạo ra những phương thế lạ lùng và táo bạo, khi gặp trở ngại :
Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su.
(c. 19)
Đó một lòng tin mạnh đến độ có thể nhìn thấy được. Và quả thực, Đức Giê-su đã nhìn thấy lòng tin của họ. « Lòng tin của họ », nhưng họ là những ai ? Là những người khiêng vác người bại liệt, là những người tỏ tình liên đới với người bại liệt. Như thế, lòng tin không chỉ có thể cứu chính mình, như Đức Giê-su hay nói : « lòng tin của con đã cứu con » (Lc 7, 50), nhưng còn có thể cứu người khác nữa, như trường hợp ở đây, và nhiều trường hợp khác nữa trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, những người còn sống, cũng như những người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa. Như thế, đau khổ bệnh tật thuộc về thân phận phải chết của con người, nhưng trong thực tế, lại là cơ hội làm phát sinh tình liên đới, tình thương, sự hòa giải và hiệp nhất. Đó chính là điều Chúa mong chờ để thi ân và bày tỏ tình yêu và lòng thương xót.

  1. Ơn lành bệnh và ơn tha thứ (c. 20-24)
Nhưng còn có một điều đáng ngạc nhiên khác nữa, mà bài Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh, đó là ơn tha thứ Đức Giê-su ban cho người bại liệt :
Này anh, tội anh đã được tha rồi.
(c. 20)
Trong khi đó, tất cả mọi người, trong đó có người bệnh và cả chúng ta nữa hôm nay nghe bài Tin Mừng này, đều chờ đợi một điều khác, đó là phép lạ chữa lành thể lí. Hơn nữa, chữa lành thể lí mới là khẩn cấp và gây ấn tượng cho người xem. Ngoài ra, nếu Đức Giê-su chữa lành ngay, thì sẽ không gây cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án :
Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế?
Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa
?
(c. 21)
Bình thường, Đức Giê-su chữa bệnh rồi mới tha tội ; nhưng trong trường hợp này, tại sao Ngài cố ý tha tội trước rồi mới chữa bệnh, và lại còn so sánh hai hành động này nữa :
Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?
(c. 22-23)
Trong bài Tin Mừng, không có câu trả lời, chính là để cho người đọc thuộc mọi thời trả lời, trong đó có chính chúng ta hôm nay. Quả thực, có người mau mắn trả lời, bảo người bại liệt đứng dậy mà đi thì khó hơn, vì đó là phép lạ làm thay đổi thực tại khách quan mà không tuân theo qui luật tự nhiên, còn tha tội thì chỉ là một lời nói, diễn tả tâm tình của người nói dành cho người nghe, không phải là “phép lạ”. Hiểu như thế, đó là vì người này chưa thực sự có kinh nghiệm về ơn tha thứ và chưa hiểu hết được sự lạ lùng nhân linh và thiên linh của lời tha thứ.

Suy niệm 2

Thời gian thi hành sứ vụ chưa lâu nhưng tiếng tăm của Chúa Giêsu đã nhanh chóng đến tai các nhóm thượng đẳng Do Thái. Quyền lực và chỗ đứng của họ trong xã hội Do Thái là không thể chối cãi. Tai mắt của họ khắp nơi. Các phe nhóm của Do Thái chẳng ưa gì nhau. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu xuất hiện, họ trở nên đoàn kết, vì cùng chung kẻ thù.

Hôm nay họ đến nghe Chúa Giêsu, vừa để xác nhận lại thông tin đã nghe nhận, vừa để chứng kiến xem cụ thể Chúa Giêsu thi hành sứ vụ rao giảng thế nào mà khiến dân chúng bỏ hết công việc chạy theo Người. Chúa Giêsu dạy người ta ăn ngay, ở lành, sống công chính, tôn trọng sự thật và yêu thương nhau. Chúa Giêsu làm gương cho dân. Người chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và bênh vực quyền lợi kẻ yếu hèn. Những việc làm này những người Pharisêu, Biệt phái hay luật sĩ chẳng thể nào làm được. Tại sao, họ không làm được?

Kiến thức về đạo, họ có thừa, kinh nghiệm đức tin cũng chẳng thiếu, nhưng sao vẫn bị loại ra khỏi sự ưu tiên của Chúa Giêsu? Đáng lý họ phải được Chúa Giêsu ưu ái, vuốt ve và lấy lòng chứ, đằng này, Người lại bỏ mặc họ, chỉ quan tâm đến người nghèo. Thế nên, họ tức tối vì những điều tốt lành của Chúa Giêsu không dành cho họ, mà những gì xấu họ phải gánh chịu từ miệng Chúa Giêsu khiến họ dở khóc, dở cười vì mất dần sự tín nhiệm từ phía nhân dân. Họ lẩm bẩm: Ông này phạm thượng, ông là ai mà có quyền tha tội? Bây giờ, họ dùng kiến thức đạo để làm điều ác thay vì điều thiện, để giết chết thay vì cứu sống, để loại trừ thay vì cưu mang, để phá đổ thay vì xây dựng, nhất là thù oán thay vì yêu thương. 

Chúng ta thời nay có gì khác không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tinh thần quảng đại với anh chị em, nhất là những người đang cậy nhờ chúng con và đang cần chúng con chia sẻ, để mọi người cùng tôn thờ Chúa và yêu thương nhau như Chúa muốn. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường