Gia đình Kitô hữu cũng là thánh gia
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Vào ngày thành hôn của anh chị Trung và Hiếu, một người bạn của đôi vợ chồng nầy tặng cho đôi tân hôn bức tranh thánh gia thất Nadarét. Cuối bức ảnh có ghi dòng chữ: "Mến tặng thánh gia Trung-Hiếu. Cầu chúc thánh gia của Anh Chị nên giống thánh gia thất của Chúa Giêsu".
Sau khi bức tranh nầy được treo lên tường, có người lên tiếng phê bình:
Tại sao lại viết là "thánh gia Trung-Hiếu"? Chỉ có một thánh gia thất duy nhất là thánh gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse, chứ làm gì có cái gọi là "thánh gia Trung-Hiếu". Viết như thế chẳng phải là làm giảm giá trị của thánh gia Nadarét sao?
Thế là từ lúc đó, nổ ra một cuộc tranh luận giữa hai nhóm có ý kiến đối lập ngay giữa tiệc cưới. Cuộc tranh luận rất sôi nổi và khá ồn ào vì hai phe đều tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh cho quan điểm của mình. Để tiết kiệm thời gian, tôi xin gom lại những lý lẽ chính của đôi bên.
Nhóm bài bác cho rằng gia đình kitô hữu không thể gọi là thánh gia vì:
Thứ nhất, gọi như vậy là làm giảm giá trị của thánh gia thất Chúa Giêsu. Xưa nay, Giáo Hội chỉ dùng hai từ thánh gia để chỉ thánh gia Nadarét của Chúa Giêsu mà thôi.
Thứ hai, không ai chối cãi Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh cả Giuse thật sự là ba đấng thánh. Gia đình nầy gồm có ba đấng thánh nên mới được gọi là thánh gia. Còn gia đình các kitô hữu gồm những người phàm, làm sao gọi là thánh gia được?
Nhóm ủng hộ bảo rằng: Gia đình các kitô hữu cũng là thánh gia vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, bất cứ ai đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy đều đã được thánh hiến, được trở nên thánh. Họ là thánh vì bí tích thánh tẩy làm cho họ trở nên chi thể của Đấng rất thánh là Chúa Giêsu. Thánh Phao-lô ngày xưa chẳng gọi các kitô hữu tại Cô-rinh-tô, Rô-ma, Ga-lát... là thánh đó sao?
Thứ hai, Chúa Giêsu đã lập bí tích hôn phối để thánh hiến đời sống gia đình, nâng gia đình kitô hữu lên một tầm cao mới.
Thứ ba, Công Đồng Vatican II gọi gia đình là Hội Thánh thu nhỏ (Hội Thánh tại gia) (xem LG 11, giáo lý công giáo 1656) và Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cũng thường gọi gia đình là Hội Thánh tại gia. Gọi như thế có khác gì gọi gia đình kitô hữu là thánh gia?
Thứ tư, theo giáo lý công giáo số 1657, gia đình "là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình", "là cộng đồng ân sủng và cầu nguyện, là trường học phát triển các đức tính tự nhiên và đức mến Kitô giáo" (Glcg số 1666)
Ngoài ra, xét theo khía cạnh mục vụ, một khi các kitô hữu ý thức rằng gia đình mình đúng thật là thánh gia, họ sẽ cố công xây dựng gia đình sao cho xứng đáng với danh hiệu đó. Thế là những tệ nạn thường xảy ra trong đời sống gia đình có nhiều cơ may được xoá bỏ và những phẩm chất xứng hợp với một thánh gia sẽ được phát huy.
* * *
Khi xây dựng một ngôi nhà, chúng ta cần một bản thiết kế thật hoàn chỉnh hay ít ra cần dựa vào một ngôi nhà đẹp mà chúng ta ưa thích để dựa theo đó mà xây ngôi nhà của mình.
Hôm nay, nhân lễ kính thánh gia thất của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse, Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn ngắm lại một kiệt tác gia thất của Người, do chính Người xây dựng với sự hợp tác của thánh Giuse và Mẹ Maria và mời gọi chúng ta hãy xây dựng gia đình mình theo mô hình lý tưởng đó.
Xây dựng gia đình mình theo mô hình thánh gia Nadarét là mọi người trong gia đình phải cư xử với nhau như ba Đấng trong thánh gia nầy. Cụ thể là người chồng phải yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã yêu mến và phục vụ Mẹ Maria; người vợ phải yêu thương và săn sóc chồng như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ thánh Giuse; cha mẹ phải yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria chăm lo phục vụ Chúa Giêsu; con cái trong gia đình phải hiếu kính mẹ cha, biết thờ cha kính mẹ, phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Đức Mẹ và thánh Giuse.
Có như thế, gia đình tín hữu mới xứng đáng với danh hiệu là thánh gia, xứng đáng với hồng ân đã nhận ngày lãnh bí tích hôn phối, làm cho gia đình trở nên tổ ấm yêu thương hạnh phúc và thánh thiện.
Tình yêu trong gia đình
1. GIA ĐÌNH LÀ HÌNH ẢNH CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA
Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói rằng gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì "Tập Thể Ba Ngôi" là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng hay hạnh phúc của Ba Ngôi.
Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Như vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào hạnh phúc của thiên đàng mai sau. Hạnh phúc trong những gia đình yêu thương nhau - được biểu lộ và hình thành cụ thể bằng việc quan tâm, lo lắng và hy sinh cho nhau - chính là hình ảnh trung thực của thiên đàng vĩnh cửu. Trái lại, nếu các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, không sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì họ sẽ biến gia đình thành hỏa ngục tại thế, là hình ảnh của hỏa ngục vĩnh cửu. Trong 8 cái khổ mà Đức Phật kể ra, có cái khổ gọi là "oán tắng hội khổ", nghĩa là khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà lại phải sống chung với nhau.
2. TÍNH ÍCH KỶ, NGUỒN GỐC BẤT HẠNH CỦA MỌI GIA ĐÌNH
Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào - nghĩa là một gia đình không hạnh phúc - ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống vị tha, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều vị tha, đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, đều sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.
Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng và hỏa ngục của gia đình. Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.
Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình thương, nên bản chất của con người cũng là tình thương. Vì thế, chỉ khi con người sống phù hợp với bản tính của mình là yêu thương, và thể hiện cụ thể tình yêu thương ấy với những người chung quanh, thì con người mới hạnh phúc. Nếu con người sống ích kỷ, tức ngược lại bản chất yêu thương của mình, con người sẽ đau khổ và làm cho những người chung quanh đau khổ.
3. LÀM SAO ĐỂ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG?
Nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra? Làm sao có được nguồn yêu thương ấy? - Vì "tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa" (1 Ga 4, 7), nên chính "Thiên Chúa là nguồn yêu thương" (2 Cr 13, 11). Vì thế, muốn yêu thương, muốn loại trừ tính vị kỷ, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn tình thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn luôn ý thức rằng mình "là hình ảnh của Thiên Chúa" (St 1, 27; 9, 6; Ep 4, 24), được tạo dựng giống như Thiên Chúa (x. St 1, 26; 5, 1), và "được thông phần bản tính của Thiên Chúa" (2 Pr 1, 4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1 Ga 4, 8.16).
Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta. Nhờ thường xuyên ý thức như thế, tình yêu và sức mạnh của tình yêu ngày càng lớn mạnh trong ta, khiến ta ngày càng yêu thương mọi người cách dễ dàng, và sẵn sàng làm tất cả để mọi người được hạnh phúc. Sống đúng với bản chất của mình là yêu thương, là hình ảnh Thiên Chúa, chính là sống thánh thiện.
Lễ của mỗi gia đình – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ - Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
1. Lễ Thánh gia là lễ của mỗi gia đình. Văn hóa Đông phương đặt nền tảng gia đình trên đức Hiếu. Người nổi tiếng chí Hiếu nhất Đông phương là Vua Thuấn. Thiếu thời, Vua Thuấn là con nhà bần tiện. Bố là Cổ Tẩu dở dở ương ương, mắc tật nghiện rượu. Mẹ có tật lắm điều, ngồi lê mách lẻo. Anh là Tượng hỗn xược du đãng. Một cảnh gia đình địa ngục. Nhưng Thuấn dù nhỏ, ngày ngày ra đồng làm việc, thường kêu khóc với trời, tự mình nhận lấy tội lỗi của bố mẹ. Phụng sự bố mẹ rất kính cẩn, sợ hãi làm cho bố mẹ biết lo sửa mình (Kinh Thư ; Thuấn Điển 6 và Đại vũ mõ 21).
Nhờ đâu một con nhà tiện dân đã trở nên bậc thánh hiền chí hiếu?
Thứ nhất nhờ vào niềm tin trời đất thâm sâu sống động của Vua. Khổng Tử kể: Ngay còn nhỏ, Thuấn ngày ngày ra đồng làm việc với nước mắt, kêu khóc với Trời: “Đế sơ vàng vu điền, nhật hào khấp mân thiên”.
Thứ hai: “Vu điền” - ông ra đồng chăm chỉ làm việc để phụng dưỡng gia đình, làm sao nuôi nổi ba miệng lười biếng ăn chơi phung phá! Ông phải tận lực hy sinh làm việc mà không một lời phàn nàn than thân trách phận giữa cảnh gia đình đầy thói hư tật xấu.
Thứ ba: “Phụ tội dẫn thắc” – Thuấn còn hy sinh tự mình nhận lấy tội lỗi của bố mẹ. Một tinh thần trách nhiệm cao thượng. Người ta thường nói: Tội quy vu trưởng, pháp luật thường phạt cha mẹ khi con cái vị thành niên phạm pháp. Trái lại: ở đây tội quy vu ấu. Ấu thơ đã biết gánh lấy tội của gia đình để ăn năn kêu khóc với trời tha thứ và cứu giúp.
Thứ bốn: “Tái kiến Cổ Tẩu, quỳ quỳ trai lật” – Thăm viếng Cổ Tẩu kính cẩn, lo sợ đến mức nhịn ăn chay tịnh để chăm lo cho cha mẹ mọi sự, chỉ sợ cha mẹ buồn phiền than trách. Dù cha mẹ nhiều tật xấu đến đâu Thuấn cũng không dám tỏ vẻ bất kính.
Đức Hiếu của đứa con tiện dân đã thấu đến Đế Nghiêu, thấu đến Thượng Đế, cho nên Vua Nghiêu đã nhường cho Thuấn làm vua. Thuấn đã tu thân tề gia tốt đẹp, chắc chắn trị quốc, bình thiên hạ cũng được an vui thịnh vượng. “Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng”: Đại hiếu thứ nhất tôn kính cha mẹ, thứ đến không làm nhục, sau là chăm nuôi (Lễ ký tế nghĩa).
2. Lễ Thánh gia mới thực sự hướng dẫn chúng ta thi hành trọn vẹn đạo Hiếu theo đúng giới răn thứ bốn của Thiên Chúa: Đạo làm con, đạo làm cha mẹ, vợ chồng.
Trước hết, Đạo làm con phải biết nhớ: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ơn sinh thành, ơn thương mến của cha mẹ đã chảy ra từ nguồn sống tình yêu của Thiên Chúa, ban cho con cái sự sống. Không có vàng bạc châu báu nào so sánh được: Ca dao nói: “Mạng sống hơn đống vàng”. Phúc Âm cũng dạy: “Dù được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống nào được ích gì”.
Sinh thành mạng sống con, cha mẹ còn hết lòng, hết trí khôn lo lắng ấp ủ âu yếm, đùm bọc. Mạng sống con cũng là mạng sống, là xương thịt của cha mẹ: “Máu chảy ruột mềm”. Con đau khổ, cha mẹ ăn không ngon, ngủ không yên. Và để cho mạng sống của con được tăng trưởng lớn khôn, cha mẹ đã đổ ra bao nhiêu mồ hôi nước mắt, và sức lực hy sinh, làm ăn nuôi dưỡng, dạy dỗ, những công ơn đó chồng chất cao hơn núi Thái sơn.
Con biết ơn cha mẹ thì phải thảo kính, yêu mến, chăm sóc, chia vui sẻ buồn, làm vinh danh cha mẹ nhất là lúc già yếu. Đừng bao giờ: “Con nuôi mẹ, con kể từng giờ”.
Đạo Nho còn biết dạy: “Sống thì lấy lễ mà thờ, chết lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế” (Luận ngữ II, 5) huống chi Đạo Chúa.
Thứ đến: Đạo làm cha mẹ biết đón nhận con cái như con cái Thiên Chúa ban cho mình. Ý thức rõ như vậy, Đức Maria và thánh Giuse đã mau mắn dâng con cho Thiên Chúa trong đền thờ. Ngoài ra, các ngài dâng con là để tạ ơn Thiên Chúa đã cứu sống dân tộc thoát ách nô lệ Ai cập trở về Đất Hứa vẻ vang. Vì thế, sinh ra, lớn lên, sống còn của con dân này là một ân huệ vĩ đại của Thiên Chúa ban. Họ đã hiến dâng, phó thác trọn vẹn cuộc sống con mình trong tay Thiên Chúa toàn năng.
Hôm nay cha mẹ Hài Nhi Giêsu dâng con trong đền thờ, còn đặc biệt dâng lên Chúa Cha một thế hệ mới, một thế hệ được thanh tẩy bằng nước và Thánh Thần, một thế hệ được ghi ấn tín Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để làm nên một trang sử vinh quang muôn đời trong nước Trời.
Cho nên, sứ mạng làm cha mẹ là một ân huệ từ trời ban xuống. Cha mẹ được vinh phúc tiếp tay với Thiên Chúa cộng tác vào chương trình sáng tạo, mặc khải và cứu chuộc con cái.
Để thực hiện tốt đẹp thiên chức cao cả đó, cha mẹ phải biết xây dựng gia đình mình thành một tổ ấm, một cái nôi chan hòa “tình thương yêu êm ái, nhân hậu, khoan dung, hiền lành, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, cởi mở chân thành để liên kết với nhau trong mối giây bác ái yêu thương tuyệt hảo”.
Hơn nữa, cha mẹ phải tạo dựng gia đình thành một đền thờ, trong đó “dâng lên Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, những khúc hát Thánh ca, do Chúa Thánh Thần linh ứng. Hãy dùng lời Chúa dạy dỗ răn bảo nhau cho thật khôn ngoan để lời Chúa Kitô sinh hoa kết quả dồi dào trong gia đình. Khi làm gì, nói gì, hãy làm và nói nhân danh Đức Giêsu Kitô, và nhờ Người mà cảm tạ Chúa Cha” (Bài II. Cl. 3, 12-21). Như thế gia đình chúng ta sẽ trở nên như gia đình Thánh Gia.
3. Lễ Thánh Gia cho chúng ta thấy rõ Thánh Gia là đền thờ hoàn toàn dành riêng phụng thờ Thiên Chúa.
Giuse là Cha nuôi, nhưng hơn tất cả mọi người cha ruột thịt, Ngài đã âm thầm hy sinh, hiến trọn mạng sống mình để phụng dưỡng Con Thiên Chúa, bảo vệ an toàn gia đình thoát khỏi bàn tay khát máu của Hêrôđê, khỏi mọi gian nguy trên đường tỵ nạn băng qua sa mạc đến Ai cập và trở về Nagiareth bình an.
Maria, người mẹ thánh thiêng trinh trong tuyệt vời, luôn luôn sống với tinh thần tôi tớ của Thiên Chúa, sống dịu hiền, thương mến, thăm viếng, phục vụ bà con xóm làng, tích cực cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ muôn dân và xây dựng Hội thánh. Quả thực, không một ai đứng kề thánh giá của con bằng Mẹ, không một ai sống giữa các môn đệ trong lúc cô đơn xao xuyến để cầu nguyện Thánh Linh xuống soi sáng và củng cố tinh thần các môn đệ bằng Mẹ.
Chúa Giêsu, Người chí hiếu, con thảo độc nhất của gia đình. Người con chí ái độc nhất của Thiên Chúa, đã sinh ra trong hang lừa hèn hạ, đã lớn lên trong cảnh lao động nghèo khó. Nhưng, cháu bé này là nguồn an bình muôn thuở cho những cụ già như Simêon ẵm bế, là nguồn hy vọng vinh phúc cho những bà góa neo đơn như Anna, là nguồn sáng soi đường cứu độ cho muôn dân và vinh quang cho Israel dân Ngài.
4. Giêsu – Maria – Giuse, còn gia đình nào tầm thường như gia đình các Ngài! Còn gia đình nào siêu phàm như gia đình các Ngài! Xin dạy gia đình chúng con biết sống giữa cảnh phàm trần với tinh thần người con, người mẹ, người cha chí ái, chí nhân, chí thánh. Xin cho chúng con biết mừng lễ Thánh Gia với cõi lòng chan chứa yêu thương, với tâm trí đầy tràn niềm tin, và với tâm hồn chan hòa ơn thánh. Amen.