Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Câu chuyện giáng sinh cũng là câu chuyện của bạn

Filled under:


Nét đẹp của mỗi trình thuật được tìm thấy trong Kinh Thánh nằm ở chỗ, luôn có hai câu chuyện được tỏ lộ trong một thực tại. Vì thế, khi chúng ta bỏ giờ ra đọc và chiêm niệm đoạn trình thuật về Giáng Sinh, thì cùng lúc đó chúng ta được mời gọi khám phá cả về cuộc hạ sinh của Chúa Ki-tô ở Bê-lem lẫn cuộc hạ sinh của Ngài trong cuộc đời của chúng ta.
Cả hai câu chuyện ăn khớp với nhau trên hai điểm thiết yếu: sự diệu kỳ nơi tình yêu trào tràn của Thiên Chúa, được tỏ lộ trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và tấn kịch nơi sự cộng tác của nhân loại. Dù cho dân Chúa có đáp lời hay từ chối thì tấn kịch này vẫn tồn tại từ khi tạo thiên lập địa. Tuy nhiên, nó đạt đến tột đỉnh ngay tại biến cố Truyền Tin, mà Thiên Chúa đã tỏ bày sứ điệp về kế hoạch cứu độ của Người cho Mẹ Ma-ri-a. Thánh Bê-na-đô đã nói về cái khoảnh khắc tuyệt diệu này trong một bài giảng về Mùa Vọng của ngài.
“Sau đó, trả lời với thiên thần cách mau mắn – vâng, ngang qua thiên thần, lời ưng thuận của bạn được trao đến Thiên Chúa … Tại sao bạn trì hoãn? Tại sao bạn sợ hãi? Hãy tin tưởng – tuyên xưng – đón nhận. Hãy đặt để sự khiêm nhường trong sự can đảm, và sự rụt rè nhút nhát trong sự tin tưởng … Ôi Đấng Trinh Nữ đầy ơn phúc, hãy mở rộng tâm hồn của các bạn cho đức tin, hãy mở môi miệng của bạn cho sự bằng lòng, hãy mở cung lòng của bạn cho Đấng Tạo Hoá. Này đây, Đấng hằng được mong ngóng của tất cả các dân nước, đang đứng ở cửa và gõ … Hãy đứng dậy bằng đức tin, chạy bằng lòng sốt mến và rộng mở đón nhận. Mẹ Ma-ri-a đã đáp: ‘Này đây là nữ tỳ của Chúa, xin hãy cứ làm cho tôi theo lời sứ thần nói.’”
Chúng ta phải luôn tách tâm trí mình khỏi sự lãnh đạm, nhưng cho phép con tim rung động, và bước chân nhảy lên. Đây là giây phút mà toàn bộ công trình tạo dựng đang nín thở để hỏi: “cô ấy sẽ nói vâng chứ?” Hãy cố gắng tưởng tưởng thấy sự bùng nổ của niềm vui mà niềm vui ấy làm rung chuyển cả trên trời khi nghe câu trả lời của Mẹ …
Giờ đây, chúng ta hãy học cách để nhận thấy giây phút kịch tính như thế trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Đấng cứu độ của chúng ta đã sinh ra và đã sống ở giữa chúng ta. Đây là mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta cử hành. Thiên Chúa đã đi vào thế giới của chúng ta và giờ đây đến với từng người trong chúng ta, mời gọi chúng ta theo Người. Thật không thể nào lưng chừng hay dửng dưng trước sự kiện này! Trên trời và dưới đất đang nín thở để chờ đợi! Bạn sẽ nói lời xin vâng chứ? Bạn sẽ cho phép trẻ thơ này ngự trị trong cung lòng của bạn chứ? Bạn sẽ cho phép Chúa Ki-tô đi vào trong thế giới này qua cuộc đời của bạn chứ? Bạn sẽ làm việc mà không tìm ngơi nghỉ đến nỗi mà tình yêu của Người có thể chạm đến, chiến thắng và biến đổi nền văn hoá xung quanh bạn chứ? Bạn hứa sẽ ở lại bên cạnh Người lúc tốt đẹp cũng như lúc tệ hại, dù đó là vị vua được người ta suy phục hay là vị vua mà người ta đóng đinh chứ?
Tiếng nói “xin vâng” của một người với Chúa nghĩa là chấp nhận kế hoạch của Ngài và đặt để chính mình trong bàn tay của Ngài cách tin tưởng. Chúng ta sẽ vượt qua những giây phút của ánh sáng và bóng tối; vẫn còn đó, chúng ta hãy luôn luôn nhớ lại Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng tên và bằng tình yêu thương lớn lao mà Ngài đã tỏ lộ cho chúng ta. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã làm sáng tỏ hành trình này qua việc suy tư về chính kinh nghiệm riêng của Mẹ Ma-ri-a sau Truyền Tin.
Câu Kinh Thánh cuối cùng của thánh Lu-ca trong trình thuật Truyền Tin: “Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1,38). Giờ phút vĩ đại nơi cuộc gặp gỡ của Mẹ với sứ thần của Thiên Chúa – mà toàn thể cuộc đời của Mẹ bị thay đổi – tiến đến một kết thúc, Mẹ còn lại đó một mình với một trách vụ mà thực sự vượt quá khả năng nhân loại. Chẳng có thiên thần nào đứng xung quanh Mẹ. Mẹ phải tiếp tục một con đường dài dẫn qua rất nhiều giây phút tăm tối – từ sự mất tinh thần của Giu-se với cái thai của Mẹ cho đến giây phút Đức Giê-su bị người ta cho là mất trí (Mc 3,21; Ga 10,20), và trong tình trạng tăm tối của thập giá.
Trong những tình huống như thế, Mẹ Ma-ri-a đã phải thường xuyên trở về trong thâm tâm với giây phút mà thiên thần của Thiên Chúa đã nói với Mẹ, cân nhắc lại một lần nữa lời chào: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng!” và lời đầy an ủi: “Xin đừng sợ!” Thiên thần rời đi; sứ mạng của Mẹ còn lại, và điều đó làm cho Mẹ trưởng thành trong sự gắn kết nội tâm hơn với Thiên Chúa, một sự gần gũi mà Mẹ có thể nhìn thấy và chạm được nơi trái tim của Mẹ.
Chuyển ngữ: Trương Minh Cao

Mừng vui đón tiếp Hài Nhi Giêsu

Thật đáng tiếc khi đọc lời của Thánh Gioan được viết trong sách Tin Mừng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Người ở đây là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa Giêsu. Khi đọc tiếp vế thứ hai, con cảm thấy được ấm lòng: “Còn những ai đón nhận, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chỉ còn mấy ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh, mà tâm hồn con hãy còn ngổn ngang quá! Xin cho con biết sẵn lòng đón Chúa mỗi khi Người ghé thăm tâm hồn con, mỗi khi Người muốn ghé thăm nhà chúng con.
Từ chối hững hờ
Con nhớ tới những người chủ nhà trọ. Họ không chịu đón tiếp Thánh Giuse và Mẹ Maria. Họ không chịu đón tiếp Hài Nhi Giêsu sắp chào đời. Có lẽ con cũng giống như họ thôi. Có thể bởi vì đã hết chỗ. Có thể bởi vì con có quá nhiều ưu tiên khác, mà Chúa thì bị xếp xó và không thuộc những ưu tiên của con. Có thể là còn chỗ trọ, nhưng con không thích đón tiếp một cặp vợ chồng nhà quê nghèo. Có lẽ là còn chỗ trọ, nhưng con quan tâm đến lợi nhuận và kinh tế hơn là con người, nên con cho rằng, tiếp đón những người nghèo hèn như thế thì chẳng đáng là gì. Và như thế, Chúa đi vào giữa những gì là nghèo hèn bé nhỏ, giữa những gì thế gian cho là chẳng đáng kể, giữa những gì thế gian cười chê. Ngày nay vẫn thế thôi. Nghèo thì dễ bị cho là hèn. Nghèo thì đương nhiên là khó. Nghèo thì đương nhiên là khổ. Giàu thường được cho là sang. Giàu chưa chắc là hạnh phúc, nhưng chắc chắn là sướng. Có tiền hầu như mua gì cũng được. Đúng là không phải cứ có tiền là mua được mọi sự, nhưng nếu không có tiền, hầu chắc chẳng mua được gì.
Ngày xưa thời Chúa Giêsu, người ta có thể dùng tiền để mua được quyền công dân Roma. Ngày nay cũng thế, người có tiền có thể đi khắp thế giới, có thể mua được quyền công dân của bất cứ nước nào họ muốn, bất cứ nước Mỹ hoặc nước Âu châu nào. Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, đồng tiền ngày càng tỏ cho thấy sức mạnh và uy thế của nó. Có tiền thì kẻ rước người đón, người người ca tụng, báo chí đưa tin, v.v. Không có tiền thì đói rét, chết ra đó, người ta cũng chẳng thèm đoái hoài tới. Có lẽ sự phân cực xã hội thời nay còn khủng khiếp hơn thời Hài Nhi Giêsu nhiều.
Nói nhiều về những bất công xã hội thì chỉ thêm cực lòng và nhiều người không thích. Nhưng thực tế cuộc sống cứ rành rành ra đó. Đành rằng chẳng bao giờ hết bất công, nhưng hãy nhìn đến những con người đang từng ngày từng giờ chịu bao nhiêu cảnh cùng cực ấy.
Khao khát tìm kiếm
Hài Nhi Giêsu không chỉ chịu cảnh thờ ơ của những người chủ nhà trọ. Ngài còn chịu cảnh thờ ơ của những chuyên viên Kinh Thánh trong Hoàng Cung của Vua Hêrôđê. Khi nghe tin Ba Vua từ Phương Đông hỏi thăm về Vị Vua mới sinh, thì Hêrôđê và cả thành Giêrusalem đều xôn xao náo động. Họ chẳng hay biết điều gì đang diễn ra. Thế là vua Herode cho gọi các bậc chuyên viên Kinh Thánh đến. Họ cho biết là Vị Tân Vương ấy sinh ra tại Belem. Những chuyên viên ấy, có lẽ họ chỉ quan tâm đến chuyện nghiên cứu này nọ cho thỏa trí họ, cho đạt được bằng cấp chức vụ này kia, cho đạt được công danh sự nghiệp. Chứ đối với họ, Vị Vua mới sinh ấy cũng chẳng có gì là quan trọng. Có lẽ họ chẳng có gì gọi là khao khát kiếm tìm, chẳng có gì là ước mong gặp gỡ. Có lẽ đối với họ, nghề nghiệp và công danh là đủ, chẳng cần gì hơn, cũng chẳng tha thiết gì đến điều gọi là ơn cứu độ.
Thế mới biết, đối với những ai tự cho mình giàu có về tiền bạc, giàu có về chức vị, giàu có về học thức, thì hầu như Chúa chẳng có chỗ trong lòng họ. Có lẽ Chúa chẳng có chỗ trong các mối quan tâm của họ. Có lẽ họ thờ ơ với Chúa thì cũng thật dễ hiểu. Chẳng thế, mà có lần Chúa Giêsu nói: Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa. Nói thế, không phải là vơ đũa cả nắm, vì chính Ba Vua là những người rất giàu có, đồng thời cũng tuyệt vời.
Mừng vui gặp gỡ
Ba vua từ Phương Đông, bị coi là những kẻ ngoại đạo, vậy mà các Ngài khao khát kiếm tìm. Các ngài thao thức tìm kiếm với ánh sao trên bầu trời cao vời và ánh sao trong nội tâm sâu thẳm. Các ngài chẳng hiểu biết gì về Kinh Thánh, nhưng các ngài có lương tâm ngay thẳng, có lương tâm trong sáng. Các ngài tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả năng lực với tất cả khả năng của các ngài.
Nếu như Ba Vua kiếm tìm Chúa nhờ ánh sao chỉ đường, thì các mục đồng biết được Chúa nhờ có thiên thần dẫn lối. Các mục đồng vui tươi phấn khởi vì một trẻ thơ chào đời. Có lẽ các mục đồng vui mừng biết mấy khi chung chia hạnh phúc với một gia đình nhỏ hạnh phúc to như gia đình Thánh Gia. Giờ đây tất cả cái thờ ơ lạnh lẽo hững hờ của người ta đều tan biến, vì giờ đây là niềm vui nhỏ to của tình Chúa tình người quây quần ấm áp. Có lẽ nơi hang đá nhỏ khi ấy tràn ngập tiếng cười nói thăm hỏi. Cái vui tươi hồn nhiên giản dị lấp đầy không gian. Đó là niềm vui của một trẻ thơ chào đời. Niềm vui của gia đình của người thân của tình người. Niềm vui của những con chiên con bò. Niềm vui của các thiên thần ca vang.
Nếu ai đó chưa từng cảm nhận được niềm vui trong cuộc đời, hãy cầu nguyện với hang đá Belem bé nhỏ, cùng Hài Nhi Giêsu dễ thương, cùng gia đình Thánh Gia thanh bần dễ mến, cùng các mục đồng vui tươi hồn nhiên, cùng những con chiên con bò đáng yêu, cùng khung cảnh thanh bình, tuy chút lạnh lẽo, nhưng chứa chan hạnh phúc. Niềm vui và hương thơm ấy lan tỏa ngào ngạt khắp không gian đất trời.
Tứ Quyết SJ