Trong bài “The Pope’s fight against Satan” – “Cuộc chiến chống Satan của Đức Giáo Hoàng”, ký giả Andrea Tornielli của tờ Vatican Insider đưa ra một tổng kết theo đó trong 5 năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời cảnh cáo về Satan nhiều lần hơn tổng số những lần tất cả các vị tiền nhiệm của ngài đã làm như vậy trong nửa thế kỷ qua.

Đối với Đức Giáo Hoàng Bergoglio, ma quỷ và khả năng chia rẽ của nó là những chủ đề phổ biến trong bài giảng hàng ngày của ngài. Đây là những lời rao giảng “ngược dòng”, bởi vì từ lâu ma quỷ xem ra đã vắng bóng một cách lạ lùng trong bài giảng của nhiều giáo sĩ tại Ý và trên thế giới. 

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ma quỷ là với một nhóm các linh mục dòng Tên trong chuyến đi gần đây của ngài đến Miến Điện. Trong khi đề cập đến những người Hồi Giáo Rohingya và nói chung về những người tị nạn, ngài nói, “Hôm nay có rất nhiều cuộc thảo luận về cách cứu các ngân hàng.... Nhưng hôm nay có ai màng tới việc cứu lấy nhân phẩm của những người nam nữ trong thế giới này không? Không còn ai quan tâm đến những người bất hạnh nữa. Ma quỷ đã rất thành công về khía cạnh này trong thế giới ngày nay”.

Trong bài giảng đầu tiên của ngài trong thánh lễ đồng tế với các Hồng Y tại nhà nguyện Sistina sau cuộc bầu cử, vào ngày 14 tháng 3 năm 2013, Đức Bergoglio, sau khi trích dẫn một cụm từ của Léon Bloy, đã khẳng định: “Khi một người không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì người ấy tuyên xưng tinh thần thế gian của ma quỷ”. Ngày hôm sau, trong một cuộc gặp gỡ với các Hồng Y tại điện Clementê, vị tân Giáo Hoàng, không đọc bài phát biểu dọn sẵn, nhưng ứng khẩu nói: “Chúng ta đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng bi quan, hay cay đắng là những điều ma quỷ đưa đến cho chúng ta hàng ngày”.

Phát biểu với các Hiến Binh Vatican vào ngày 28 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “ma quỷ tìm cách tạo ra một cuộc nội chiến, một loại nội chiến tâm linh”. 

Trong bài giảng thánh lễ sáng 14 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình đã mời gọi chúng ta đừng nhầm lẫn sự hiện diện của ma quỷ với bệnh tâm thần. Ngài nói: “Đừng coi thường! Sự hiện diện của ma quỷ đã được nhắc đến ngay trên trang đầu tiên của Kinh Thánh”

Vào ngày 29 tháng 9 năm 2014, trong một bài giảng khác tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Bergoglio giải thích rằng “Satan là kẻ thù của loài người. Nó rất tinh ranh quỷ quyệt: trang đầu tiên của Sách Sáng Thế nói với chúng ta như vậy, nó là kẻ đa mưu túc kế. Nó trình bày mọi thứ như thể rất là tốt. Nhưng ý định của nó là phá hủy, có lẽ với ‘những lời giải thích rất là nhân bản’”.

Ngày 3 tháng 10 năm 2015, khi nói chuyện với các Hiến Binh Vatican, Đức Phanxicô đã nhắc nhớ rằng “Satan là một kẻ dụ dỗ, nó gieo những nguy hiểm tiềm ẩn và dụ dỗ với đầy sự quyến rũ, và sự quyến rũ ma quỷ này khiến anh em tin mọi thứ. Nó biết cách làm thế nào để rao bán thật quyến rũ, nó bán rất chạy, và cuối cùng người ta phải trả giá rất cao!”

Ngày 12 tháng 9 năm 2016, trong thánh lễ buổi sáng, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng “ma quỷ có hai vũ khí rất mạnh để tiêu diệt Giáo hội: đó là chia rẽ và tiền bạc... ma quỷ gieo trong lòng người sự ghen tương, tham vọng, và các ý tưởng chia rẽ hay tham lam. Nó gieo vào lòng người một cuộc chiến bẩn thỉu, gây ra chia rẽ như chủ nghĩa khủng bố”.

Ngày 13 tháng 10 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả “Ma quỷ từ từ thay đổi các tiêu chí của chúng ta để dẫn chúng ta đến tinh thần thế gian. Nó ngụy trang cách hành động của chúng ta mà chúng ta rất khó nhận thấy.”

Và chúng ta không thể không nhớ những lời mà Đức Giáo Hoàng đã nói trong cuộc phỏng vấn với Don Marco Pozza của đài TV2000 về Kinh Lạy Cha. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ là “một hữu thể” và chúng ta “đừng bao giờ nói chuyện với Satan” bởi vì “nó thông minh hơn chúng ta”.


Con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2017 rất đáng quan ngại
Oái oăm thay, trong 8 năm liên tiếp, các nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất không phải là ở các nước Hồi Giáo nhưng chính là ở các quốc gia có đa số dân theo Công Giáo

Trong những năm vừa qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo. Tuy nhiên, oái oăm thay, số các nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất không phải là ở các quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo hoặc ở các quốc gia Châu Á, nhưng chính là tại Mỹ châu Latinh nơi có một đa số rõ rệt dân chúng là người Công Giáo. Điều này không chỉ xảy ra trong năm nay 2017, nhưng là một thực tại liên tục trong suốt 8 năm vừa qua. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra nhận xét cay đắng như trên trong bản phúc trình về con số các nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo bị thảm sát trong năm 2017 sắp kết thúc.

Trong năm 2017, 23 nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo đã bị giết trên toàn thế giới, trong đó có 13 linh mục, 1 sư huynh, 1 nữ tu, và 8 giáo dân truyền giáo. 

Theo phân bố lãnh thổ, đây là năm thứ 8 liên tiếp Mỹ Châu Latinh (Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) là nơi có số lượng lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết chết với con số lên đến 11 vị trong đó có 8 linh mục, 1 sư huynh và 2 giáo dân truyền giáo. Kế đến là Phi Châu, nơi có 10 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết gồm 4 linh mục, 1 nữ tu, và 5 giáo dân truyền giáo. Tại Á châu, 1 linh mục, và 1 giáo dân truyền giáo đã bị giết. Cả hai đều bị giết tại Phi Luật Tân, là quốc gia duy nhất tại châu Á nơi đa số dân theo Công Giáo

Nếu chúng ta xét riêng từng quốc gia, thì trong năm 2017, Nigeria dẫn đầu với 5 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết, tiếp đến là Mễ Tây Cơ có 4 vị, Colombia và Phi Luật Tân mỗi nước có hai vị. 

Với 4 linh mục bị giết, Mễ Tây Cơ tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Báo cáo của Fides cũng đề cập đến một giám mục bị giết tại giáo phận Bafia của Cameroon. Xác Đức Cha Jean-Marie Benoit Bala được tìm thấy trong dòng sông Sanaga vào ngày 2 tháng Sáu. Cơ quan tư pháp của Cameroon quyết liệt cho rằng Đức Cha tự tử, trong khi Hội Đồng Giám Mục kiên trì lặp lại rằng Đức Cha không tự sát, nhưng “đã bị sát hại tàn bạo” trước khi bị ném xuống giòng sông đang chảy xiết.



Báo Tòa Thánh cảnh báo nhiều phương tiện truyền thông đang bóp méo hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô

Sử gia Lucetta Scaraffia, người viết bài thường xuyên trên tờ Quan Sát Viên Rôma đã viết một bài có tính cách tổng kết khuynh hướng của các phương tiện truyền thông trong năm 2017 sắp kết thúc. Ông nhận định rằng chủ nghĩa tương đối mà Giáo hội phải đối diện trong những thập kỷ gần đây, đã sản sinh ra hiện tượng “post-truth” (sự thật có hậu ý) là điều rất khó đối đầu bởi vì nó “được phổ biến rất nhanh chóng và rất khó vạch trần.”

Trích dẫn nhà sử học người Pháp Marcel Guachet, là người khởi xướng ra thuật ngữ “post-truth”, để mô tả cách thức trong đó người ta chỉ đề cập đến những khía cạnh của sự thật có lợi cho việc lèo lái dư luận và bỏ qua những khía cạnh khác của sự thật; ông Scaraffia mô tả “sự thật có hậu ý” là “đứa con ngoại tình của thứ chính trị cắt cúp.”

Ông Scaraffia cho rằng các phương tiện truyền thông đang ráo riết xây dựng “hình ảnh một vị Giáo hoàng cấp tiến và phóng khoáng” bằng cách trích dẫn sai lạc bối cảnh những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhấn mạnh những trích dẫn này trong đầu đề nhưng lại bỏ qua các tuyên bố “phù hợp với truyền thống Kitô giáo”. 

Các phương tiện truyền thông xã hội cũng đang lưu hành các bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha được gán cho là của Đức Giáo Hoàng.

Những tác động đó, theo Scaraffia, đã bóp méo hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vị Giáo Hoàng Á Căn Đình được miêu tả là “cách mạng và không thể tiên đoán được”, trong khi Giáo triều Rôma bị coi như “rõ ràng đã bị quỷ ám”.

Ông Scaraffia than thở rằng trong khi những văn bản của Đức Giáo Hoàng có sẵn cho những ai muốn đọc thì “rất ít người đọc bởi vì đa số họ tin vào giới truyền thông một cách mù quáng”.