Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 21/12/2017

Filled under:

NIỀM VUI MẸ CHÚA VIẾNG THĂM
“Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43)
Suy niệm: Câu hỏi của bà Ê-li-sa-bét hàm chứa sự ngạc nhiên và nỗi vui mừng. Ngạc nhiên vì một thiếu nữ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế; vui mừng vì người em họ mang tin vui đến chia sẻ với mình, làm cho “đứa con trong bụng nhảy lên” vui sướng. Đây không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, nhưng còn là cuộc thăm viếng giữa hai người con, giữa hai thai nhi. Một cuộc thăm viếng đơn sơ, mộc mạc, không quà cáp kềnh càng, nhưng đem lại niềm vui lớn lao cho cả hai người phụ nữ, cũng như cho hai trẻ trong bụng mẹ. Niềm vui này xét theo khía cạnh sinh học, là niềm vui lành mạnh, có thể tăng thêm sức khỏe cho sản phụ và cho thai nhi; xét theo khía cạnh tôn giáo, giúp hai người mẹ cảm nhận lòng Chúa thương xót, củng cố đức tin và đức cậy. Và trên hết, là ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an ngay từ trong lòng mẹ.
Mời Bạn: Đọc và suy nghĩ lại bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp bạn có thêm động lực cho những lần thăm viếng người thân, bạn bè, nhất là người già nua, bệnh tật. Thăm viếng không chỉ tăng thêm mối tương giao, mà còn làm cho bạn thêm niềm tin tưởng, cậy trông và hy vọng vào lòng Chúa thương xót.
Sống Lời Chúa: Bạn nghĩ và có thể chuẩn bị trước thứ gì khi đến thăm một người? Quà tặng, lời mừng, cử chỉ thân mật hay chỉ là ý đồ vụ lợi?

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con nhìn ngắm mẫu gương vội vã, vui tươi đi thăm viếng vì yêu thương người khác của Mẹ. Xin giúp con biết bày tỏ tình thương với người anh em qua việc siêng năng, vui vẻ thăm viếng nhau, nhất là với người cao tuổi, đau ốm, hay với người đang gặp đau khổ. Amen.

THÁNH PHÊRÔ CANISIÔ
LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

(+ 1597)
Ngày nay dân tộc Đức vẫn còn ghi nhớ công ơn vĩ đại của thánh Phêrô Canisiô một tu sĩ dòng Tên, người đã hy sinh cả một đời để gìn giữ Giáo hội Đức thời đó khỏi những lầm lạc của bè phái Lutêrô.
Thánh Phêrô Canisiô xuất thân tự một gia đình khá giả thuộc tỉnh Nimêga nước Hòa Lan. Ngay từ nhỏ đã có nhiều dấu hiệu báo trước một trí thông minh đặc biệt và một tương lai sáng lạn của Canisiô. Mới 15 tuổi, Canisiô đã học hết ban trung học. Mùa đông năm 1536, cậu rời bỏ quê nhà đi Côlônia theo học luật. Nơi đây sinh viên Canisiô làm quen với linh mục Nicolas; và nhờ cuộc giao du thường nhật với linh mục ấy, Canisiô đã hấp thụ được một nền đạo đức chắc chắn.
Thiên Chúa Quan phòng lợi dụng mọi cơ hội để dẫn đưa kẻ Chúa chọn đến con đường Người muốn. Năm 1540, việc sinh viên Surius bạn thân của Canisiô được ơn Chúa kêu gọi vào dòng khổ tu tại Côlônia đã gieo vào tâm hồn Canisiô một thắc mắc về ơn kêu gọi. Mấy tháng sau Canisiô lại cảm thấy ước vọng muốn giữ mình trinh khiết vẹn toàn để chuyên lo việc phụng sự Chúa.
Từ đó Canisiô bắt đầu học thần học và làm quen với một tu sĩ dòng Tên. Thời gian càng làm cho Canisiô say mê với tôn chỉ tu đức của thánh Inhaxiô, ông tổ dòng Tên. Qua năm 1543, Canisiô chính thức xin gia nhập dòng Tên, và lần lượt được chịu các chức nhỏ cho đến chức linh mục. Làm linh mục rồi, cha cho xuất bản hai cuốn sách nghiên cứu về đời sống thánh Cyrillô Alexandria và thánh Lêô Giáo hoàng. Tuy nổi tiếng là một học giả lỗi lạc, cha Canisiô vẫn một bề khiêm tốn vâng phục bề trên trong mọi sự; ngài thề hứa không bao giờ theo ý riêng mình, nhưng hoàn toàn phó thác nơi bề trên mà ngài coi như vị đại diện Chúa Kitô.
Năm 1549, nước Đức phải trải qua một cuộc khủng hoảng về đức tin do Lutêrô tạo nên. Mọi người đều hướng mắt về vị cứu tinh duy nhất: thánh Phêrô Canisiộ Để đáp lại tiếng kêu cấp cứu của giáo dân Đức, cha Canisiô qua Rôma để tuyên hứa trung thành với Giáo hội, rồi sau đó ngài được đặc cử sang hoạt động tại Đức suốt 30 năm trời. Nơi đây ngài hoạt động rất hăng hái và đã đem lại cho Giáo hội Đức một luồng sinh khí mới. Ngài làm cố vấn cho các Đức Giám mục, các ông hoàng và là đại diện tối cao của Đức Giáo Hoàng; ngài còn kiêm thêm chức viện trưởng đại học Ingolstad. Hết mọi người thuộc mọi giới ai ai cũng đều cảm mến cha.
Mùa hạ năm 1556, cha Canisiô được bầu làm bề trên tỉnh dòng Tên tại hai nước Đức và Áo. Trong chức vụ mới này, cha Canisiô đem hết nghị lực ra hoạt động. Ngài chú trọng nhất về phương diện phát triển văn hóa. Vì thế, ngài đã mở rất nhiều trường học tại hầu hết các tỉnh lớn của nước Đức. Trong thời gian này cha còn tận dùng tài giảng thuyết để đả kích phong trào lạc giáo Lutêrô đang lan tràn như vũ bão trên toàn thể lãnh thổ Đức. Vì thế cha đã bị nhiều người lạc giáo ghen ghét. Họ tìm hết cách hãm hại cha. Lần kia cha đang hành lễ, có người đã lấy đá ném vào cha.
Tuy bị ghen ghét hãm hại, cha Canisiô vẫn hăng hái giảng thuyết không hề nao núng. Có những ngày tuyết rơi đầy đường mà cha vẫn hăng hái đứng giữa trời mưa tuyết để giảng thuyết. Trong 20 tháng trời, người ta đã tính ra cha giảng có tới 240 bài.
Với tài lợi khẩu, thêm vào đó một trí thông minh khác thường, cha được Đức Giáo Hoàng Piô IV rất cảm mến. Đức Thánh Cha muốn cất nhắc cha lên chức vị Hồng y, nhưng vì khiêm tốn ngài một mực từ chối. Bề trên cả dòng Tên cũng đặc biệt tín nhiệm cha nên đã cử cha làm Tổng thanh tra các tu viện tại Đức và miền sông Rhênô. Sứ mệnh nặng nề đó đòi hỏi nơi cha một chí hi sinh và một tinh thần chịu đựng phi thường. Nhân dịp này, cha Canisiô có về thăm quê nhà tại Nimêga. Các nhà quyền quí trong miền đua nhau mở tiệc khoản đãi thánh nhân. Ngài đều vui lòng tới dự tiệc, nhưng luôn xin nhà chủ cho những người nghèo khó được ngồi bàn ăn với ngài.
Mùa đông năm 1569, cha Canisiô đệ đơn xin từ chức bề trên tỉnh dòng tại Đức. Tuy nhiên ngài vẫn giữ một ảnh hưởng rất lớn tại đây. Người ta coi ngài là linh hồn của Công giáo tiến hành tại Âu châu bấy giờ. Trong thời gian này, thánh nhân dồn hết nghị lực vào việc sáng tác sách vở. Ngài đã viết một cuốn giáo lý rất thời danh, với nhan đề: "Summa doctrinae". Trong tác phẩm đó thánh nhân trình bày tất cả những giáo lý căn bản của đạo Công giáo với một thể thức đơn sơ, rõ ràng nhưng không kém phần sâu sắc. Ta có thể nói đây là một cuốn giáo lý có giá trị nhất chưa hề thấy trong Giáo hội thời ấy. Kết quả ngoài sức tưởng tượng: chỉ trong vòng 9 năm trời, cuốn sách trên đã được dịch sang 9 thứ tiếng với 55 lần tái bản.
Ngoài cuốn giáo lý thời danh, thánh Canisiô còn viết hai cuốn sách giá trị khác: một cuốn nhan đề là Thánh Gioan Tiền Hô, trong đó thánh nhân bàn luận về lòng thống hối và đức công chính; cuốn khác ngài ca tụng đức trong sạch của Đức Trinh Nữ Maria.
Qua năm 1576, thánh Canisiô được cử thiết lập một trường đại học tại Fribourg thuộc Thụy Sĩ. Lúc này ngài đã về già, sợ không đủ sức thi hành chức vụ của một viện trưởng, thánh nhân chỉ giữ chức tuyên úy và cố vấn mà thôi.
Nhưng tuổi già vẫn không ngăn cản được ngài trong việc thi hành đức ái một cách tích cực. Ngày ngày người ta vẫn thấy ngài đi vào các trại giam thăm viếng và khuyên bảo các phạm nhân; ngài vào cả các bệnh viện để săn sóc yên ủi các người đau yếu. Ngoài ra, ngài còn dạy giáo lý cho các trẻ em và tổ chức các hội đoàn Đức Mẹ.
Những ai đã sống với ngài đều cảm phục sức hoạt động và đức tính cần cù của ngài, vì ngài làm việc cho đến khi lâm bệnh và kiệt sức mới thôi. Ngày áp lễ thánh Tôma, cha xưng tội rồi đọc ca vịnh thống hối trong kinh nhật khóa Đức Mẹ để dọn mình chết. Sáng hôm sau bệnh tình ngài không thuyên giảm nhưng còn trầm trọng hơn. Chịu lễ rồi, đôi mắt cha như gắn chặt vào tượng chịu nạn. Một lúc lâu sau đôi mắt ấy từ từ khép lại. Ngài êm ái tắt thở như một ngọn đèn hết dầu. Hôm đó nhằm ngày 21 tháng chạp năm 1597.
Xác cha được đặt tại nhà thờ chính toà để mọi người tới kính viếng; sau đó được mai táng trước bàn thờ tại nhà thờ chính toà.
Sở dĩ thánh Canisiô được tôn lên bậc hiển thánh không những vì đời sống cá nhân thánh thiện của người, mà nhất là vì bầu nhiệt huyết tông đồ đã khiến thánh nhân vận dụng hết cả sức lực và tài năng để bênh vực đức tin công giáo. Sự nghiệp và công lao ngài để lại cho dân tộc Đức về phương diện tôn giáo cũng như văn hóa thật đáng kể. Ngài thật xứng đáng được Giáo hội truy tặng danh hiệu tiến sĩ Giáo hội.
Lạy thánh Phêrô Canisiô là đấng đã được Chúa ban sức mạnh và sự thông thái để bênh vực đức tin công giáo, xin ngài bầu cử cho những người lầm lạc được trở về con đường cứu thoát và cho giáo dân được trung thành bền vững tuyên xưng đức tin.


Rạn Nứt Trong Tâm Hồn

Một ông vua giàu có nọ rất keo kiệt và hà khắc đối với thần dân. Thành ra, tất cả mọi người đều oán ghét ông.
Một hôm ông ra lệnh cho quan tể tướng tiến hành việc thu thuế hằng năm. Nhưng quan tể tướng cho biết: "Năm nay mùa màng hư hại, dân chúng đang chết đói, họ không thể nào nộp thuế được".
Nhưng nhà vua vẫn một mực cho tiến hành việc thu thuế và yêu cầu quan tể tướng dùng tất cả tiền thuế để sửa sang cung điện và nội thành. Quan tể tướng đi một vòng xung quanh cung điện, nơi nào cũng có sự rạn nứt, nhưng sự rạn nứt sâu xa hơn vẫn là sự bất mãn và ta thán của người dân.
Thế là, năm đó, thay vì tiến hành lệnh của vua, quan tể tướng đã cho người đi khắp nơi và loan báo như sau: "Năm nay, nhà vua miễn thuế cho tất cả mọi người". Nghe thế, ai cũng vui mừng vỡ lở. Khắp nơi, tuy đói kém, ai ai cũng làm tiệc ăn mừng.
Trở lại triều đình, quan tể tướng thông cáo với nhà vua rằng với số tiền thu thuế được, ông đã cho làm những tu sửa cần thiết nhất.
Ngày hôm sau, quan tể tướng mời nhà vua và đoàn tùy tùng đi tham quan một vòng xung quanh những nơi mà ông báo cáo đã được tu sửạ Vừa ra khỏi cung điện, nhà vua đã được dân chúng tung hô vạn tuế không dứt lờị Nhìn đám đông vui mừng phở lở, nhà vua mới quay sang quan tể tướng để hỏi lý do của ngày hội này. Quan tể tướng mới giải thích như sau: "Tâu bệ hạ, ngày lễ hôm nay được tổ chức là để đánh dấu những tu sửa quan trọng trong cung điện. Trước khi tiến hành việc thu thuế, hạ thần đã đi tham quan một vòng, hạ thần nhận thấy rằng những rạn nứt đáng kể nhất không phải là những rạn nứt trên tường thành của cung điện mà chính là trong lòng người dân. Người dân không thể vui mừng được vì từ bao lâu nay, họ không còn thấy được lòng tốt nữạ Ðó là lý do đã khiến hạ thần tuyên bố miễn thuế cho họ trong năm nay".
Nghe thế, nhà vua mới sực tỉnh lại và nhận ra thái độ keo kiệt hà khắc của ông. Ông nhìn xuống đám đông dân chúng đang hân hoan vẫy chào, lòng ông cảm thấy xúc động. Lần đầu tiên, người ta thấy nụ cười của vui tươi và yêu thương nở trên môi ông.
Người Việt Nam chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc với hai chữ đổi mớị Năm kia qua tháng nọ, lúc nào người ta cũng hô hào "đổi mới", nhưng đâu vẫn vào đó: đói khổ vẫn còn đó, dốt nát vẫn còn đó, lạc hậu vẫn còn đó, tù đày khốn khổ vẫn còn đó... Ðiều đó xem ra cũng dễ hiểu, người ta chỉ vá víu để hàn gắn những rạn nứt bên ngoài, còn rạn nứt thâm sâu nhất là rạn nứt trong tâm hồn mình, thì người ta không bao giờ nghĩ tới.
"Ðổi mới" là trọng tâm của sứ điệp Kitô Giáo chúng tạ Khai mở sứ vị công khai của Ngài, Chúa Giêsu đã kêu gọi: "Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng". Sự hoán cải mà Chúa Giêsu đề ra là hoán cải tâm hồn, hoán cải con tim, hoán cải tư duy, hoán cải cái nhìn.
Sự hoán cải ấy không phải là công việc của một ngày, một tháng, một năm, mà là công trình của cả một cuộc đờị Bao lâu còn mang lấy danh hiệu Kitô, thì bấy lâu người tín hữu vẫn còn được mời gọi để hoán cải.
Sự hoán cải ấy cũng không chỉ là cố gắng riêng tư của người tín hữu mà là tác động của chính Chúạ Chính Ngài mới có thể tác tạo cho con người một trái tim mới, một quả tim biết yêu thương. Sự đổi mới mà người tín hữu Kitô không ngừng đeo đuổi trong cả cuộc sống của mình chính là cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa những cố gắng riêng tư của mình và sự tác tạo của Chúa.