Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Người trẻ, đừng lang thang vô mục đích - bởi phanxicovn

Filled under:

Khôn ngoan và hy vọng. Niềm vui và dũng cảm. Đối thoại với các bạn trẻ từ các tôn giáo khác, và nói chuyện với người già. Nhận định để nhận ra và loại bỏ những lời hứa hẹn hạnh phúc giả tạo.
Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên nhủ các bạn trẻ Bangladesh, trong sự kiện cuối cùng của chuyến tông du Nam Á, hãy tiến tới trong đời với một tâm thức “hành trình” và đừng rong ruổi không mục đích. 
Quanh Đức Giáo hoàng, trên sân thể thao của Đại học Notre Dame, Dhaka, bảy ngàn bạn trẻ tề tựu, trong số này có nhiều người không phải dân Bengali và nhiều người không phải Công giáo, nhưng tất cả đều chào đón ngài bằng những tràng pháo tay bài hát và các điệu vũ truyền thống. Trong bầu khí lễ hội, Đức Thánh Cha đi một vòng trong xe giáo hoàng, rồi đến chúc lành cho viên đá móng của Đại học Notre Dame Bangladesh và một tấm bia tưởng niệm.
Đức Phanxicô ngỏ lời với các bạn trẻ Bangladesh, “Người trẻ có một điều độc nhất vô nhị, các con luôn đầy nhiệt tình, và cha thấy tươi trẻ lại mỗi khi được gặp các con. Sự nhiệt tình tuổi trẻ gắn bó với một tinh thần phiêu lưu, hệt như lời nhà thơ vĩ đại Kazi Nazrul Islam của nước các con đã nói, tuổi trẻ Bangladesh không sợ hãi và thường lấy ra ánh sáng từ giữa bóng tối. Người trẻ luôn sẵn sàng tiến tới, làm cho mọi chuyện thành sự và dấn thân mạo hiểm. Cha khuyến khích các con hãy tiếp tục vận động với nhiệt tình, cả những lúc thuận lợi hay khó khăn. Cứ vận động, nhất là trong những lúc các con thấy bị đè nặng dưới những vấn đề và buồn sầu, khi các con ngước lên và dường như chẳng thấy Chúa đâu.
Nhưng khi tiến tới, các con hãy bảo đảm là mình chọn đúng đường. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là “hành trình” trong đời sống, chứ không phải là lang thang vô định. Đời chúng ta có hướng đi, có mục đích mà Chúa ban cho chúng ta. Ngài hướng dẫn và chỉ đường cho chúng ta. Như thể Ngài đặt trong chúng ta một phần mềm, giúp chúng ta nhận định chương trình thần thiêng của Ngài, và đáp lời một cách tự do. Nhưng như mọi phần mềm, nhận định của chúng ta cũng cần được cập nhật. Hãy cập nhật phần mềm của các con, bằng cách lắng nghe Thiên Chúa và chấp nhận thách thức là làm theo thánh ý Ngài.
Và sự khôn ngoan sẽ hướng dẫn cho các con tìm đến con đường ngay chính. Mà đây là sự khôn ngoan từ đức tin, chứ không phải sự khôn ngoan giả tạo của thế giới này. Đây chính là sự khôn ngoan chúng ta thấy trong mắt của cha mẹ, của ông bà mình, những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Để đón nhận sự khôn ngoan đó, chúng ta phải nhìn vào thế giới, vào hiện trạng, vào các vấn đề, vào mọi thứ của mình, bằng đôi mắt của Chúa.
Sự khôn ngoan này sẽ giúp chúng ta nhận ra và loại bỏ những lời hứa hẹn hạnh phúc giả tạo. Một nền văn hóa mà để những lời hứa hão như thế lan tràn, thì chỉ dẫn đến tự quy, lấp đầy tâm hồn mình bằng bóng tối và cay đắng. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa giúp chúng ta biết cách chào đón và chấp nhận những người hành động và suy nghĩ khác với chúng ta. Thật đáng buồn khi chúng ta khóa chặt trong thế giới nhỏ bé của mình. Chúng ta cứ theo những nguyên tắc “theo tôi hoặc biến đi” và dần chúng ta trở nên tự quy, mắc kẹt trong chính mình. Khi một dân tộc, một tôn giáo, một xã hội thu mình vào “thế giới nhỏ bé riêng” thì họ xuống dốc và rơi vào tâm thức tự công chính, cứ tự nhận “Tôi tốt đẹp, anh xấu xa .”
Do đó, chúng ta phải mở lòng với người khác, và nhìn ra khỏi những tiện nghi cá nhân cùng sự an toàn giả tạo đang bịt mắt chúng ta trước những tư tưởng cao đẹp làm cho cuộc sống tươi đẹp và đáng giá hơn. Và cha mừng là ở đây, chúng ta có nhiều bạn trẻ Hồi giáo và từ các tôn giáo khác. Tề tựu đây hôm nay, các con thể hiện quyết tâm vun đắp một bầu khí hòa hợp, vươn đến người khác, bất chấp những khác biệt tôn giáo.
Cha nhớ một chuyện hồi ở Buenos Aires, trong một giáo xứ thuộc vùng rất nghèo, có một nhóm sinh viên xây vài phòng cho nhà xứ và cha quản xứ mời cha đến đó thăm, thế là cha đến, và cha quản xứ giới thiệu từng người trong nhóm với cha. “Đây là kiến trúc. Cậu ấy người Do Thái. Cậu này theo chủ nghĩa cộng sản. Cậu này là người Công giáo .” Nhóm sinh viên đó, mỗi người một khác, nhưng họ đều làm việc vì lợi ích chung. Họ mở lòng kết bạn và nhất quyết nói không với bất kỳ thứ gì ngăn cản họ đến với nhau và giúp đỡ nhau.
Cuối cùng, cha mong muốn các con tôn kính người già, bởi chính những bậc ông bà giúp chúng ta trân trọng sự tiếp nối các thế hệ. Họ có ký ức và sự khôn ngoan của kinh nghiệm, giúp chúng ta tránh lặp lại những sai lầm quá khứ. Hãy nói chuyện với ông bà các con.
Đừng dành cả ngày chơi điện thoại và lờ đi thế giới quanh mình! 
Nguyện xin sự khôn ngoan của Chúa tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực của các con thăng tiến trong yêu thương, thân ái và tốt lành. Isshór Bangladeshké ashirbád korún, Chúa phù hộ Bangladesh .”
Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô ra sân bay quốc tế Dhaka, kết thúc chuyến tông du quốc tế Nam Á của mình, đến Myanmar và Bangladesh, những quốc gia rất nghèo nhưng đầy hy vọng.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay từ Bangladesh về Roma


Trên chuyến bay từ Bangladesh về Roma, ngoài những câu trả lời về chuyện người Rohingya, Đức Phanxicô còn cho biết quan điểm của ngài về vũ khí hạt nhân, về phúc âm hóa, Trung Quốc, và chuyện các linh mục mà ngài vừa phong chức.

Đức Gioan Phaolô II đã nói vào năm 1982 rằng, “phòng thủ hạt nhân” là “chấp nhận được về mặt đạo đức .” Mới đây, cha lại nói rằng sở hữu vũ khí hạt nhân cũng phải bị lên án. Tại sao lại có sự thay đổi này. Những căng thẳng và đe dọa giữa tổng thống Trump và Kim Jong Un đã có tác động đến việc này? 
Chuyện gì đã thay đổi nào? Chuyện phi lý. Cha nghĩ về tông thư Laudato Si, về việc chăm sóc tạo vật. Đã nhiều trôi qua từ thời Đức Gioan Phaolô II và vũ khí hạt nhân. Ngày nay chúng ta đang đến bên bờ vực giới hạn. Đây là chuyện có thể còn tranh cãi, nhưng trong suy nghĩ của cha thì chúng ta đang bên giới hạn pháp chế về sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Bởi ngày nay, với một kho vũ khí hạt nhân tinh vi, thì chúng ta đang có nguy cơ hủy diệt nhân loại, hay ít nhất là một phần lớn nhân loại. Chuyện này đã thay đổi, vũ khí đã phát triển, những món tinh vi nhất, có thể hủy hoại con người mà không động đến các công trình.
Chúng ta đang ở mức giới hạn, và cha đặt chất vấn thế này. Đây không phải là huấn quyền giáo hoàng, mà là một câu hỏi giáo hoàng tự đặt cho mình. Liệu có được giữ những kho vũ khí hạt nhân như hiện nay không? Hay là cần phải trở lại như trước, để bảo vệ tạo vật và nhân loại? Hãy nghĩ về Hiroshima và Nagasaki, chuyện đã xảy ra bảy mươi năm trước. Và hãy nghĩ về chuyện xảy ra khi chúng ta mất kiểm soát nguồn năng lượng hạt nhân. Cứ nghĩ về tai họa ở Ukraine mà xem. Vì lý do này, cha nhận định rằng đối với những thứ vũ khí hủy diệt, chúng ta đang ở bên bờ vực giới hạn của những gì là hợp luật.

Chúng con biết cha muốn thăm Ấn Độ, sao cha không đến đó? Hàng triệu người Ấn đang mong chờ cha vào năm 2018 ... 
Kế hoạch đầu tiên là đến Ấn Độ và Bangladesh, nhưng rồi việc đàm phán bị đình trệ, thời gian cấp bách nên cha chọn hai quốc gia này. Bangladesh và thêm Myanmar. Đây là chuyện Chúa quan phòng, bởi nếu chỉ riêng một chuyến Ấn Độ, thì có thể đi nhiều nơi, bắc nam, thấy các nền văn hóa khác nhau. Cha hy vọng có thể đi chuyến này vào năm 2018, nếu còn sống.

Một sso người phản đối việc đối thoại liên tôn và phúc âm hóa. Vậy giữa phúc âm hóa và đối thoại vì hòa bình, đâu là ưu tiên hàng đầu?
Trước hết phải phân biệt, phúc âm hóa không phải là chiêu mộ. Giáo hội lớn lên không phải bằng chủ nghĩa chiêu mộ mà bằng sự cuốn hút, bằng chứng nhân, như Đức Bênêđictô XVI đã giải thích. Phúc âm hóa là gì? Sống Tin mừng và chứng nhân, theo các mối Phúc thật, chương 25 theo Phúc âm thánh Matthêu, làm như người Samari nhân hậu, tha thứ bảy mươi lần bảy. Và trong chứng tá này, Chúa Thánh Thần hành động và đem lại sự biến đổi, trở lại đạo.
Nhưng chúng ta không quá đặt nặng chuyện có người trở lại đạo. Nếu họ đến, chúng ta nói chuyện, có gắng tìm câu trả lời cho những chuyện mà Chúa Thánh Thần đã khơi lên trong lòng họ khi thấy chứng tá của các Kitô hữu.
Một thanh niên ở Krakow đã hỏi cha, “để giúp họ trở lại đạo, con nên nói gì với bạn con ở đại học, một người vô thần?” Cha trả lời, nói gì đó, là giải pháp cuối cùng. Con hãy sống Tin mừng và nếu cậu bạn hỏi vì sao con sống như thế, thì con hãy giải thích, và để Chúa Thánh Thần cuốn hút cậu ấy. Chính Chúa Thánh Thần làm việc với sức mạnh và sự hiền lành. Chứ không phải bằng những diễn giải biện giáo thuyết phục. Chúng ta là những chứng nhân của Tin mừng. Từ Hy Lạp của chứng nhân cũng đồng nghĩa với “tử đạo”, là tử đạo mỗi ngày, và cả tử đạo đổ máu.
Cái gì là ưu tiên hàng đầu ư? Khi chúng ta sống chứng nhân và tôn trọng, thì hòa bình tự khắc đến. Hòa bình bắt đầu tan rã khi chủ nghĩa chiêu mộ xuất hiện.

Cha đã đến Hàn Quốc, Phi Luật Tân, giờ là Myanmar và Bangladesh, có vẻ như một chuyến vòng quanh ngoại vi Trung Quốc rồi. Liệu có dự tính một chuyến đi Trung Quốc không? 
Chưa có kế hoạch đó đâu, bình tĩnh. Cha đã nói là cha muốn đến thăm Trung Quốc. Chuyện đó cha đã nói rồi. Các thương thảo với Trung Quốc là về chuyện văn hóa, một triển lãm bảo tàng Vatican ở Trung Quốc. Còn có đối thoại chính trị, nhất là về Giáo hội Trung Quốc, một chuyện phải tiến từng bước, thật tinh thế, chậm rãi và kiên nhẫn. Các cánh cửa trái tim đã mở ra, và cha tin là một chuyến đi Trung Quốc sẽ tốt đẹp cho tất cả mọi người, cha muốn đi chuyến đó!

Các linh mục mà cha đã phong chức hôm thứ Sáu, họ có sợ làm linh mục trong một đất nước Hồi giáo không? 
Cha luôn có thói quan nói chuyện riêng với các linh mục mà cha phong chức, khoảng năm phút riêng với họ. Cha thấy họ bình an, thanh thản, ý thức về sứ mạng của mình, rất bình thường! Cha hỏi họ, các con có chơi bóng đá không? Ai cũng trả lời có. Cha không thấy có chút gì là e sợ cả.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch