Chúng ta thường nghe nói rằng người ta không còn cảm thức về tội lỗi nữa. Lý do là vì ngày nay người ta ít đi xưng tội. Điều này có thể do người ta bất thình lình trở nên yêu thương hơn, bình an hơn, công bằng hơn, phục vụ hơn, không còn ích kỷ nữa chăng? Dường như không phải thế. Thế giới thực sự không thay đổi như vậy.
Điều có thể xảy ra, người ta ý thức rằng mình đang làm điều sai trái, nhưng họ không có cảm giác phạm tội về chuyện đó. Họ không chịu trách nhiệm về nó.
Người ta thường biết họ đang vi phạm một luật luân lý. Nhưng người ta có nhiều lý do để biện minh. Có nhiều tình tiết giảm khinh. Hoàn cảnh mà con người không thể ứng xử theo cách khác. Cuối cùng, họ làm điều đó. Người ta phải tồn tại trong một thế giới phức tạp và đầy khó khăn. Các cơ cấu kinh tế xã hội tự nó là bất công và điều một cá nhân có thể làm là chống lại nó. Ví dụ người ta dễ dàng ăn hối lộ.
Đôi khi người ta đi thêm một bước. Một số người lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Miễn là mục đích đạt được dường như chính đáng, người ta không do dự bớt xén. Thậm chí họ có thể đòi hỏi nó như một quyền lợi.
Khi khác, những nguyên tắc luân lý phức tạp lại trợ giúp họ. Người ta có thể chọn điều ít xấu hơn hay nguyên tắc hai hiệu quả. Dĩ nhiên, ý định của họ luôn ngay lành. Nhưng họ cảm thấy bị bó buộc trong những hoàn cảnh để hành động theo kiểu này.
Đôi khi người ta không ý thức rằng họ đang làm điều sai trái. Họ bị kẹt trong một hệ thống văn hoá hay xã hội. Vì thế, họ không ý thức về việc sai trái. Việc thực hành sự tách biệt nhân danh giai cấp, giới tính, tôn giáo hay chủng tộc để đòi hỏi của hồi môn; cư xử với phụ nữ như hạ đẳng hay như gánh nặng, cho phép ngay cả việc giết trẻ sơ sinh nữ, bóc lột trẻ em lao động, phá hoại thiên nhiên, tất cả những điều này và những điều thực hành khác tương tự dường như là những điều được làm cách tự nhiên. Đây là cách người ta vẫn thường làm mà! Sức mạnh của truyền thống một cách nào đó phê chuẩn lối cư xử như thế.
Chúng ta mạnh mẽ lên án việc các công ty đa quôc gia bóc lột người nghèo, nhưng chính chúng ta không do dự mua các sản phẩm của họ và như thế là ủng hộ họ. Chúng ta phê phán những thực hành phi đạo đức của thị trường tài chính, nhưng chúng ta không ngại gửi tiền vào đó để kiếm ít lợi nhuận: dĩ nhiên ngân hàng làm điều đó cho chúng ta, thậm chí chúng ta không biết nữa. Chúng ta lên án việc mua bán vũ khí, nhưng chúng ta lại đầu tư tiền bạc vào chuyện đó hay kiếm lợi nhờ những công việc do nó tạo ra.
Dịp khác, người ta tìm kiếm nơi náu ẩn trong việc vâng phục các mệnh lệnh của người khác. Hàng triệu người bị giết bởi những người làm do tuân lệnh, và làm như thế mà không thắc mắc, lưỡng lự. Một hình thức tệ hại hơn của việc tự công chính hoá là cảm thấy công chính khi làm điều ác, trong việc giết người, đả thương người khác nhân danh việc bảo vệ tự do, dân chủ, hay hoà bình. Người ta trốn tránh dưới chiêu bài chiến tranh chủ nghĩa.
Những hình thức tệ hại nhất của việc tự công chính hoá là người ta cho rằng họ bảo vệ tự do trong khi họ biết rất rõ họ đang bảo vệ quyền lợi của họ.
Nguy hiểm là chúng ta bị bao quanh bởi sự dữ trong những hình thức khác nhau của nó, và tất cả chúng ta dính líu vào đó trong những cách khác nhau đến nỗi chúng ta không thấy nó là sự dữ, và không cảm thấy có trách nhiệm về nó nữa.
Khi chúng ta trở nên ý thức về sự phức tạp và tính nghiêm trọng của hoàn cảnh, chúng ta có thể phản ứng theo nhiều chiều kích khác nhau. Quyền lực tội lỗi lan tràn khắp nơi với những cánh tay nối dài của nó dường như làm chúng ta tê liệt, không thể làm gì được. Vì vậy chúng ta không muốn nhận thức nó nữa, để cuộc sống cứ tiếp tục như thường lệ. Một số người có thể nhìn thấy sự phức tạp của nó một cớ để cáo lỗi về trách nhiệm của họ. Những người khác có thể tự công chính hoá với tư cách là nạn nhân của một hoàn cảnh bất khả kháng. Những người khác nữa có thể sống với sự thoả hiệp không dễ dàng. Càng nhạy cảm và tinh tế có thể có khuynh hướng rút lui vào thế giới riêng của mình hay tìm cách bỏ chạy khỏi thế giới này.
Phản ứng đúng đắn của người Ki-tô hữu có hai mặt. Người ta phải dấn thân vào cuộc chiến chống lại sự dữ và thực thi công lý, điều này phải thực hiện không đơn lẽ và hấp tấp, nhưng thực hiện trong cộng đoàn với sự khôn ngoan, nhận định, và hiệu quả. Người ta phải dấn thân vào phong trào thăng tiến những lối sống mới. Mặt khác, con người phải thanh tẩy chính mình, những động lực và sự chọn lựa, qua việc ý thức và phân định, để không trở thành nạn nhân của tội lỗi. Chạy trốn khỏi thế giới này hay sống thoả hiệp trong đời sống hàng ngày có thể khó tránh được, nhưng hãy đặt mình vào trong bối cảnh của một phong trào để thay đổi, không có những cáo lỗi hay những ảo tưởng. Khi ấy, chúng ta không còn là những người cộng tác bất đắc dĩ, nhưng là chiến đấu để thay đổi.
Bây giờ chúng ta có thể hiểu tại sao các thánh xem mình là những tội nhân lớn: càng nhạy cảm về luân lý, người ta càng ý thức sâu xa về tội lỗi.
Người đang đến
Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” Mc 13,36
Chúa Giêsu mang trong mình một sứ mạng giải thoát. Đó là chủ đề chính của toàn bộ Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Tin Mừng chúng ta sẽ đọc trong hầu hết các Chúa Nhật trong năm phụng vụ mới này. Thời kỳ đã đến gần, Thiên Chúa đã sai Người Con đến để cứu độ Israel thoát khỏi tai họa đang đến. Thánh Mác-cô đã không có bài diễn thuyết nào mang tính bao hàm, hay phải suy tư như của thánh Mát-thêu. Thay vào đó, ngài gói ghém trình thuật của ngài vào hành động. Những người ăn xin mù, những đứa trẻ bị đau bệnh, những người cha người mẹ đau khổ và những người bị quỷ ám là những đối tượng chiếm vị trí trung tâm. Khi Chúa Giêsu giải thoát mỗi người trong họ, Người dần mạc khải về chính mình như là Đấng Cứu Độ của bất cứ ai tin vào quyền năng của Người.
Đoạn Tin Mừng này phù hợp với thời đại của thánh Mác-cô. Ngài đã viết vào khoảng năm 70 sau Công nguyên, trong một giai đoạn khủng hoảng của Đế quốc Roma. Hoàng đế Nero đã bị ám sát hai năm trước đó. Sau đó là ba vị hoàng đế bạc nhược nối ngôi. Các dân tộc bị trị ở khắp nơi nổi dậy chống lại Roma. Tất cả các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Ở Giuđê, tổng trấn Vespasian người Roma đã tàn sát người Do thái cách tàn bạo trước khi vội quay trở về Roma để được tôn lên làm hoàng đế. Ông để cho con của mình là Titô, tàn sát những người cuối cùng trong cuộc bách hại. Vào ngày 30, tháng 8 năm 70, Titô đã chọc thủng những bức tường Jerusalem, cướp phá thành phố và phá hủy đền thờ, mà sau đó không giờ được xây dựng lại.
Các Kitô hữu sống trong những thời ấy đã cảm thấy một nhu cầu cấp bách cần được giải thoát. Họ đã biết rằng Chúa Giêsu đã đến và họ tin vào Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ họ, nhưng họ không biết việc giải thoát họ được thực hiện theo hình thức nào. Đối với cộng đoàn này, thánh Mác-cô vang lại sứ điệp của Chúa Giêsu: “hãy đề phòng! Hãy tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời đó đến.” Xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô chỉ cho thấy cách thức khó khăn đối với mọi người để có thể nhận ra bản tính đích thực của Chúa Giêsu, ngay cả khi họ đã chứng kiến những dấu lạ lớn lao mà Người đã thực hiện. Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ của người duy trì sự tỉnh thức cho sự trở lại lần thứ hai của Người, để họ khỏi lãng quên sự hiện diện của Người. Bốn mươi năm sau, thánh Mác-cô đã chuyển lời răn dạy này tới cộng đoàn của Ngài, những người phải cảm thấy rằng họ đang sống trong thời mà Đức Kitô đã tiên báo, khi thế giới họ đã biết bị sụp đổ quanh họ.
Giáo Hội dạy rằng, mặc dù những kỳ vọng có tính lịch sử của thánh Mác-cô có thể đã từng chứng minh là không chính xác, tuy nhiên, sứ điệp mà Ngài đem tới cho ơn cứu độ của chúng ta có tính trường tồn. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, sứ điệp đó thật rõ ràng: “Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” Giống như cộng đoàn của thánh Mác-cô, chúng ta chờ đợi Con Người đang đến. Chúng ta biết phải tỉnh thức với Đức Kitô trong thời sau hết của cuộc sống tự nhiên của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu một Mùa Vọng khác, việc nhớ rằng Đức Kitô xuất hiện bất ngờ trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày lại thật quan trọng. Giống như những đặc tính của Tin Mừng theo thánh Mác-cô, chúng ta dễ bỏ lỡ sự trở lại của Người. Nếu ngày nay thánh Mác-cô viết, thì có lẽ ngài sử dụng những biểu tượng khác cho tinh thần xao lãng ấy. “Anh em phải canh thức! Hãy đề phòng! Kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần lúc anh em đang ám ảnh với những thông tin, thèm muốn sau những bức hình trên mạng internet, bận tâm với điện thoại di dộng của anh em hay việc ấp ủ trong mình sự ghét bỏ, sợ hãi hay tham lam.” Có lẽ chúng ta dùng những tuần trước Lễ Giáng Sinh để gạt bỏ những sự xao lãng và đặt niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô một lần nữa.
Gợi ý cầu nguyện:
Bạn có mong đợi sự giải thoát của Đức Kitô, hay để cho Người biển đổi cuộc đời của bạn không?
Những xao lãng nào bạn có thể vượt qua trong Mùa Vọng này?
Bạn có thể dần xác tín sâu xa hơn vào Đức Kitô, Đấng cứu bạn khỏi tai họa như thế nào?
Tác giả: Lm Michael Simone, S.J.