Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 16/12/2017

Filled under:

« Con Người cũng sẽ phải đau khổ »
(Hc 48, 1-4.9-11 ; Mt 17, 10-13)
 10 Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?”
11 Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự.12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.”
13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
Suy niệm 1 
Cả bài đọc I và bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong Thánh Lễ hôm nay đều nói về ngôn sứ Elia. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh ngôn sứ Elia có một vị trí đặc biệt trong tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, và vì thế, sẽ soi sáng, làm rạng rỡ cuộc đời và căn tính của Đức Giê-su.
Thực vậy, trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài, Gio-an Tẩy Giả được coi là Elia, vị ngôn sứ phải đến và chính Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với cả Gioan lẫn Elia :
« Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế » !
(c. 12)

  1. Ngôn sứ Elia
Bài đọc I, trích sách Huấn Ca, kể lại những kì công mà ngôn sứ Elia đã thực hiện :
Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông?
(Hc 48, 4)
Nhưng, như chúng ta đều biết, ngôn sứ Elia cũng đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí bi đát. Thực vậy, theo sách Các Vua quyển thứ nhất, vì bị đuổi giết, vị ngôn sứ đã phải chạy trốn vào sa mạc, và chính trong nỗi tuyệt vọng mà ông thưa với Đức Chúa những lời này : « Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con. » (1V 19, 4) Và chính bởi những thử thách tận căn này của đời mình, mà ngôn sứ Elia loan báo và soi sáng cuộc đời của Gioan Tầy Giả và Đức Giê-su.
Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và lưu lại trong sa mạc, mà ngôn sứ Elia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong lửa ; lửa bừng cháy mạnh mẽ mà bài đọc I nhiều lần nói tới ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu ». Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa (x. 1V 19, 9-14).

  1. Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su
Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua đã được ghi khắc trong cuộc đời của ngôn sứ Elia rồi, vì chính khi ông gặp thử thách khó khăn, đi đến đường cùng, bị mọi người ruồng bỏ, và dường như kể cả Thiên Chúa nữa, thì ông lại kinh nghiệm được sự hiện diện của Người một cách hoàn toàn mới.
Nhưng vào lúc cuối đời, ngôn sứ Elia vẫn chưa biết đến cái chết, như bài đọc I tưởng nhớ : « Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi » (Hc 48, 9) Chính vì thế mà vị ngôn sứ như vẫn còn mắc nợ với cuộc đời này và cũng chính vì thế mà những thế hệ sau này chờ đợi ông trở lại : « Các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : Sao các kinh sư nói rằng ông Elia phải đến trước ? » (c. 10)
Thực vậy, trên đồi sọ, khi nghe tiếng kêu của Đức Giê-su, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” (Mt 27, 49)
Lúc ấy, ngôn sứ Elia đã không đến can thiệp để cứu Đức Giê-su, và như thế, ông đã nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết. Như thế Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Đức Giê-su cũng sẽ “thing lặng không làm gì hết” cho đến cùng.

  1. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thập Giá, thing lặng và không làm gì hết, nhưng lại nói cho chúng ta nhiều nhất, làm cho chúng ta nhiều nhất. Vì như thánh Phao nói, đối với con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 18-24).
*  *  *
Như các ngôn sứ Elia và Gioan, trong những thử thách tận căn của cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở nên một với Đức Ki-tô chịu đóng chịu đinh, để « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2

Elia là một trong những tiên tri thời xa xưa nhất. Ông bị hoàng hậu Giêsabel bách hại vì ông đã thách thức bà ta về việc bà đã đưa những thần tượng và những tiên tri giả vào nước Israel. Vào thời của Elia, ngôn sứ là người thường bị chống đối và từ chối. Hơn nữa, truyền thống về Elia cho rằng ông không chết, nhưng đã được đưa lên trời bằng xe ngựa lửa, vì vậy ông sẽ trở lại từ trời trước khi người chết sống lại. Nhưng Đức Giêsu nói Elia chính là Gioan đã đến để thanh tẩy và chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến, nhưng người Do Thái đã không nhận ra ngài.

Gioan Tẩy Giả thật là tấm gương cao quý đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Ông không cao cả nhờ những hiện tượng lạ lùng lúc sinh ra, nhưng cao cả do sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông đã dám nói thẳng sự thật cho dù bị tù đầy, giam cầm và ngay cả phải chết nữa. Ông luôn để sứ mệnh và sự thật lên trên hết. Sự thẳng thắn cương trực của ông không quyền lực nào có thể bẻ gẫy được. 

Trong thời xa xưa, Chúa dùng tiên tri Elia để thanh tẩy niềm tin của dân tộc Israel trước sự suy đồi về tôn giáo do hoàng hậu Giêsabel. Đến thời Chúa Giêsu, Thiên Chúa dùng thánh Gioan Tẩy Giả để thanh tẩy dân Chúa, để dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Lần thanh tẩy của Elia thì dân chúng nhận ra các thần tượng là giả trá, vì các thần này không nghe được, không thiêu đốt của lễ được. Phép lạ rõ ràng làm ai cũng nhận ra ngay. Nhưng đối với việc thanh tẩy của Gioan, dường như ngài không làm phép lạ gì cả, thì dân chúng lại không nhận ra công việc của ngài. Sứ mệnh của ngài cũng giống như của Elia là thanh tẩy tâm hồn dân Chúa, nhưng hai vị đã hành động bằng những cách thế khác nhau.

Chúng ta có nghe lời thánh Gioan Tẩy Giả để sửa đổi cuộc sống mình không? Mắt chúng ta có được thanh luyện để nhận ra đấng bị đóng đinh trên thập giá chính là Con Người không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con dùng thời gian Mùa Vọng này để thanh tẩy tâm hồn, bằng việc lãnh bí tích Hòa Giải, làm việc lành phúc đức hầu xứng đáng đón nhận Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong tâm hồn chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo phận Phú Cường