Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 14/12/2017

Filled under:

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông”
(Mt 11, 11-15)

11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.
13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri.14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.15 Ai có tai thì nghe.
Suy niệm 1
Ngôn sứ Elia, ông Gioan và Đức Giê-su
Theo sách Các Vua quyển thứ II, ngôn sứ Elia không chết, nhưng được đem lên trời: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc” (2V 2, 11). Chính vì thế mà, người đời sau tin rằng, một ngày kia, ông Elia sẽ trở lại; đơn giản là vì ông vẫn chưa chết! Và chính Đức Giê-su cũng đón nhận truyền thống này và nhận ra hình ảnh Elia nơi con người, ơn gọi và sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả:
Và nếu anh em chịu tin lời tôi,
thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.
(c. 14)
Tương quan đồng nhất này được Tin Mừng Mát-thêu đặc biệt nhấn mạnh, nhưng vẫn kín đáo, khi mô tả cách ăn mặc của ông Gioan theo “mô-đen” của ngôn sứ Elia:
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.
(Mt 3, 4)[1]
Vua hỏi họ: “Người đã lên gặp các ngươi và nói với các ngươi những lời đó, ăn mặc thế nào?” Họ trả lời: “Đó là một người mặc áo da lông, đóng khố da.” Vua nói: “Đó là ông Ê-li-a người Tít-be!”
(2V 1, 7-8).
Chúng ta có thể đọc thêm về cách ăn mặc truyền thống của các ngôn sứ trong Dcr 13, 4. Như thế, ngang qua ngôn sứ Elia, toàn bộ truyền thống ngôn sứ được hội tụ nơi thánh Gioan, và đến lượt thánh Gioan, ngài loan báo Đức Ki-tô, bằng sự sinh ra, cuộc đời, sứ vụ và nhất là bằng cái chết của mình. Ngôn sứ Elia chưa chết, vì thế ông phải trở lại để đi đến cùng thân phận con người và nhất là thân phận ngôn sứ, nơi Gioan. Mối phúc của ngôn sứ Elia chính là được trở nên một Đức Ki-tô chịu đóng, ngang qua cái chết của Gioan. Thật vậy, lúc Đức Giê-su nói những lời này về Gioan, thì ông đang bị giam trong tù chờ bị xử trảm (x. Mt 11, 2).
Chúng ta còn có thể nhận ra tương quan hiệp nhất giữa ngôn sứ Elia và Đức Giê-su lúc Ngài chịu đóng đinh. Thật vậy, trên Thập Giá, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” (Mt 27, 49 và Mc 15, 36). Đó là lời nhạo báng, nhưng Thiên Chúa lại dùng như là cơ hội Người ban cho ngôn sứ Elia, để ông nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết để cứu Đức Giê-su đang hấp hối trên Thập Giá. Như thế ngôn Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Người cũng sẽ “thinh lặng không làm gì hết” đến cùng.
Như thế, Đức Ki-tô là “Vị Ngôn Sứ” tuyệt hảo, nơi Ngài, hội tụ và hoàn tất thân phận và nhất là niềm hi vọng của tất cả các ngôn sứ thuộc mọi thời.

  1. Những tương phản
Thánh Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:
Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
(c. 11a)
Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thánh Gioan ở trong hoàn cảnh thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, nghĩa là tất cả mọi người, trong đó có chính Đức Giê-su, với tư cách Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa! Đó là tương phản thứ nhất. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa. Thật vậy, Đức Giê-su nói tiếp:
Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông!
(c. 11b)
Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ cái thú thích xếp hạng, xếp loại hay xếp bậc của loài người chúng ta và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời. Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.

  1. Nước Trời và bạo lực
Để nói về Nước Trời, Đức Giê-su so sánh với bạo lực. Bản dịch tiếng Việt hiểu là “sức mạnh”, nhưng cũng có thể hiểu là “bạo lực”, vì từ ngữ hi lạp biastai luôn luôn được dùng để chỉ những kẻ thù địch, những kẻ tấn công. Đức Giê-su nói:
Từ thời ông Gioan cho tới bây giờ, Nước Trời phải hứng chịu bạo lực, và những kẻ bạo lực tìm cách chiếm lấy Nước Trời.
(c. 12)
Có lẽ, đây là cách tốt nhất để nói về Nước Trời, vì Nước Trời là điều ngược lại: ngược lại với bạo lực và những gì thuộc về bạo lực (ghen tị, nghi ngờ, dò xét, lên án…), là hiền lành và tất cả những gì thuộc về hiền lành (ra khỏi mình, lắng nghe, chia vui, tin tưởng, bao dung, tha thứ…).
Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên “em bé” để được vào Nước Trời. Thế mà, em bé đâu có sức mạnh và cũng không thể bạo lực. Trên Thập Giá, Đức Giê-su sẽ hoàn tất sứ mạng của em bé, theo lời loan báo của Tv 8:
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
(Tv 8, 3)
Bởi vì, trẻ em là hiện thân của sự hiền lành; và Thiên Chúa thì hiền lành, bởi vì Ngài là tình yêu; và nơi Đức Giê-su, Người còn tỏ mình ra như là Đấng Khiêm Nhường nữa (bài Tin Mừng hôm qua: Mt 11, 28-30), vì hiền lành luôn đi đôi với khiêm nhường, cả hai xuất phát từ tình yêu và diễn tả tình yêu.
Và không ở nơi đâu hơn hơn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, nơi mầu nhiệm Thánh Thể và trên Thập Giá, khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, trở nên rạng ngời nhất.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Bản văn Tin Mừng này được công bố trong Thánh Lễ Chúa Nhật II, Mùa Vọng, năm A

Suy niệm 2

Một trong những khuôn mặt lớn và được nhắc đến trong Mùa Vọng, đó là Gioan Tẩy Giả, ngài chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Và trong mấy ngày qua, các đoạn Tin Mừng đã nói với chúng ta về vị tiền hô này.

Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Thật Ta bảo các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".

“Thật, Ta bảo các ngươi”, đây là lời nói đầy trang trọng, phát xuất từ môi miệng của Chúa Giêsu ;đây cũng không phải là một lời ca tụng mang tính hạn hẹp, như thể Chúa Giêsu chỉ so sánh Gioan với những người đồng thời. Nhưng Chúa Giêsu đã nâng Gioan Tẩy Giả vượt trên mọi người qua mọi thời đại.

Sự cao trọng của Gioan là thế, nhưng Chúa Giêsu lại nói: “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan”; điều đó chứng tỏ người Kitô hữu hơn Gioan: vì Gioan là người thuộc thời kỳ chuẩn bị ơn cứu độ, còn Kitô hữu ở vào thời kỳ thực hiện ơn cứu độ. 

Như vậy, khi được rửa tội, người Kitô hữu thật giá trị và cao cả vì được tham dự vào sự sống của Chúa, sống trong ơn nghĩa Chúa, là chi thể của Đức Kitô. Quả thật đó là niềm hạnh phúc cho chúng ta.

Thế nhưng, để được sống trong Nước Trời do Chúa Giêsu thiết lập, tức là Giáo Hội, người Kitô hữu phải dùng sức mạnh để chiến đấu với ma quỉ và những quyến rũ của chúng; đồng thời, cũng phải dùng sức mạnh để nỗ lực sống trọn vẹn luật và giáo lý của Chúa.

Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể nhận ra rằng: nghe, hiểu, biết Tin Mừng chưa đủ mà còn phải sống Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nại, kiên trì và nỗ lực không ngừng.

Rất ước mong rằng, mỗi người chúng ta biết tận dụng Mùa Vọng như là thời gian để nỗ lực đổi mới đời sống của mình cho xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Chúa trong tâm tình và bầu khí mừng lễ Chúa Giáng Sinh. 

Xin cho từng người luôn biết sống trọn vẹn ơn gọi của mình và tìm gặp được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là niềm vui của chúng ta nơi trần gian này. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường