Ðức Thánh Cha giải thích
thế nào là thánh nhân
và mời gọi các tín hữu
sống tinh thần các mối phúc thật
Ðức Thánh Cha giải thích thế nào là thánh nhân và mời gọi các tín hữu sống tinh thần các mối phúc thật.
Vatican (Rei 1-11-2017) - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 20 ngàn tín hữu trưa ngày lễ Các Thánh, mùng 1 tháng 11 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích thế nào là thánh nhân và mời gọi các tín hữu sống tinh thần các mối phúc thật.
Ðức Thánh Cha nói: "Các thánh không phải là những kiểu mẫu hoàn hảo, nhưng là những người được thiên Chúa chiếu qua. Chúng ta có thể ví các vị như những tấm kiếng ở nhà thờ, để cho ánh sáng chiếu qua với nhiều màu sắc khác nhau. Các thánh là những người anh chị em của chúng ta đã đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong tâm hồn và đã truyền lại cho thế giới, mỗi người theo sắc thái riêng. Nhưng tất cả đếu trong sáng, đã chiến đấu để loại bỏ những vết nhơ và những tối tăm của tội lỗi, để cho ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa chiếu qua. Ðó chính là mục đích của cuộc sống và cho chúng ta".
Ðức Thánh Cha cũng quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng ngày lễ Các Thánh về các Mối phúc và khẳng định rằng hạnh phúc không hệ tại sở hữu cái gì hoặc trở thanh một nhân vật nào, không phải vậy, hạnh phúc chân thực là ở với Chúa và sống bằng tình yêu.. Các mối phúc không đòi phải có những cử chỉ lừng lẫy, không phải dành cho các siêu nhân, nhưng cho những người sống những thử thách và cơ cực hằng ngày. Các thánh cũng vậy: như mọi người, các vị hít th không khí ô nhiễm của sự ác trong thế giới, nhưng trên đường đi, các vị không bao giờ mất hút con đường Chúa Giêsu đã vạch ra, đã chỉ dẫn trong các mối phúc là bản đồ của đời sống Kitô".
Ðức Thánh Cha trích dẫn lời sách Khải Huyền: "Phúc cho những người chết trong Chúa" (Kh 14,13) và nhắc nhở các tín hữu về ngày lễ các linh hồn, ngài mà chúng ta được mời gọi đồng hành với những người quá cố của chúng ta trong kinh nguyện, để họ được hưởng hạnh phúc mãi mãi bên Chúa. Chúng ta cũng hãy nhơ đến những người thân yêu của chúng ta với tâm tình biết ơn và cầu nguyện cho họ".
Ðức Thánh Cha lên án các vụ khủng bố gần đây
Trong phần chào thăm các tín hữu sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha mạnh mẽ lên án các vụ khủng bố đẫm máu gần đây tại Somalia, Afganistan, và hôm 31 tháng 10 năm 2017 tại New York, Hoa Kỳ. Ngài nói: "Trong khi lên án những hành vi bạo lực ấy, tôi cầu nguyện cho những người chết, người bị thương và thân nhân họ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ khủng bố và giải thoát thế giới khỏi oán thù và sự điên rồ sát nhân, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc chết chóc".
Ðức Thánh Cha đặc biệt chào các tham dự viên cuộc chạy đua Lễ Các Thánh, do Hội "Don Bosco trên thế giới" đề xướng để mang lại một chiều kích đại lễ bình dân cho ngày lễ kính Các Thánh.
Ðây là lần thứ 10 Hội "Don Bosco trên thế giới" tổ chức cuộc chạy đua vào lễ Các Thánh. Các tham dự viên chạy 10 cây số qua các đường phố ở Trung tâm Roma, khởi hành từ Ðền thờ Thánh Phêrô và trở về đây. Mục đích lần này là để hỗ trợ dự án của các thừa sai Salesien Don Bosco ở Ấn độ giúp đỡ các trẻ nữ phải kết hôn sớm.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha thông báo chiều mùng 2 tháng 11 năm 2017, ngài sẽ viếng thăm nghĩa trang quân đội Mỹ ở thành phố Nettuno và Hố Ardeatine gần Roma. Ngài nói: "Chiến tranh chỉ tạo nên các nghĩa trang và chết chóc. Chính vì thế, tôi muốn đưa ra một dấu hiệu trong lúc nhân loại chúng ta dường như quên bài học hoặc không muốn học bài học đó. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng kinh nguyện trong hai giai đoạn tưởng niệm và cầu cho các nạn nhân chiến tranh và bạo lực". (Rei 1-11-2017)
G. Trần Ðức Anh, OP
Để Triều Đại Thiên Chúa lớn lên, cần có sự can đảm
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 31.10.2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 31.10.2017
Để làm cho Triều Đại Thiên Chúa được phát triển, cần phải can đảm rắc gieo những hạt giống và trộn men vào bột. Trái lại, các Ki-tô hữu thường thích một “sự chăm sóc mục vụ trò chuyện” hơn, nhưng sự chăm sóc mục vụ đó luôn kìm hãm sự phát triển của Triều Đại Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong Bài Đọc I, Thánh Phao-lô đã nói về “những nỗi khổ cực của thời hiện tại” mà chúng “không hề nghĩa lý gì so với vinh quang sẽ được tỏ bày cho chúng ta”. Ở đây có sự căng thẳng giữa những nỗi khổ đau và sự vinh quang – Đức Thánh Cha giải thích -, nhưng căn bản mà nói thì sự căng thẳng này chính là một sự chờ đợi, một niềm hy vọng.
“Đó là niềm hy vọng mà nó sẽ đưa chúng ta tới chỗ thành toàn; đó là niềm hy vọng về việc sẽ thoát được cảnh tù tội này, thoát được những giới hạn này, thoát được kiếp nô lệ này, và thoát được cảnh sa đọa này để đi tới vinh quang: một con đường hy vọng. Và niềm hy vọng chính là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, và dẫn chúng ta đi tới sự giải phóng, tới một vinh quang to lớn. Và vì thế, Chúa Giê-su đã nói: một sức mạnh mãnh liệt và một sự phát triển không thể hình dung được đang ẩn nấp trong hạt giống này, trong hạt giống bé nhỏ này.”
Nếu như hạt giống phải được gieo xuống ruộng vườn thế nào, vì nếu không thì sức mạnh nội tại của nó sẽ khô héo đi, thì Triều Đại Thiên Chúa cũng như thế: Triều Đại này sẽ phát triển từ trong lòng, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
“Giáo hội đã luôn can đảm rắc gieo, nhưng đôi khi Giáo hội cũng sợ hãi trước việc gieo rắc đó. Và chúng ta thường thấy rằng, người ta ưa thích một sự chăm sóc mục vụ trò chuyện hơn là muốn cho Triều Đại đó lớn lên. Và như thế, chúng ta vẫn luôn là như thế, nhỏ bé, trong sự an toàn… Và Triều Đại Thiên Chúa không lớn lên. Để Triều Đại Thiên Chúa lớn lên, cần phải có sự can đảm: can đảm rắc gieo hạt giống và trộn men vào bột.”
Tuy nhiên, khi hạt giống được rắc gieo, thì một số điều gì đó của riêng mình sẽ mất đi, và khi người ta trộn men vào bột, “thì tôi sẽ làm cho tay mình bị bám bẩn” – Đức Thánh Cha nói -, vì “luôn luôn có những mất mát nho nhỏ trong việc rắc gieo Triều Đại Thiên Chúa”:
“Khốn cho những ai rao giảng Triều Đại Thiên Chúa với sự mường tượng rằng, sẽ không phải làm cho tay mình bị bám bẩn. Họ giống như những người trông coi viện bảo tàng: Họ ước ao có được những đồ vật đẹp đẽ, nhưng không muốn thực hiện những hành vi gieo trồng để sức mạnh có thể phát triển, không thích những những hành vi nhào trộn. Đây là sứ điệp của Chúa Giê-su và của Thánh Phao-lô: Sự căng thẳng sẽ đi từ kiếp nô lệ tội lỗi tới vinh quang tròn đầy. Niềm hy vọng luôn tiến về phía trước, niềm hy vọng không bao giờ gây thất vọng: vì niềm hy vọng luôn nhỏ bé như hạt cải giống và như nhúm men.”
Theo de.rv 31.10.2017 gs