Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 2/11/2017

Filled under:

BÀI HỌC TỪ TÊN TRỘM
“Tôi bảo  thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43)
Suy niệm: Trên thập giá, Chúa Giê-su còn tiếp tục chịu một trong hai tên trộm sỉ nhục: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình và cả chúng tôi với!” Chúa không đáp lại lời nào. Có lẽ với tên trộm này, tất cả vấn đề chỉ là mau xuống khỏi cây thập giá, nhưng với Chúa Giê-su, Ngài muốn dẫn ta đi xa hơn nhiều. Khi hứa ban thưởng Nước Trời cho người trộm lành, Chúa cho anh thấy Ngài là Đấng Cứu Thế có thể đưa con người không phải xuống khỏi thập giá, nhưng đi vào đời sống vĩnh cửu với Ngài. Người trộm lành nhìn nhận mình đáng chịu phạt vì tội lỗi, và bày tỏ lòng tin vào Chúa, một người “không làm gì xấu” mà lại gánh chịu khổ hình như vậy. Anh đã nhận lãnh phần thưởng trọng hậu dành cho người có niềm tin và lòng sám hối hoán cải.
Mời Bạn: Cũng từ cây thập giá và cùng kề bên Chúa Giê-su, nhưng hai số phận khác nhau. Người trộm lành đã dạy cho ta một bí quyết quan trọng: sám hối là con đường nhanh nhất để ơn cứu độ của Chúa đến với mình. Nhờ lòng sám hối, thập giá trở thành điểm gặp gỡ giữa ta với Đấng Cứu Độ, để Ngài dẫn ta vào Vương Quốc của Ngài.
Chia sẻ: Khi gặp đau khổ thử thách, đức tin của tôi có bị giao động không? Tôi đã oán trách Thiên Chúa hay thêm tin tưởng, phó thác, yêu mến Ngài?
Sống Lời Chúa: Tôi đón nhận Thánh Giá mỗi ngày với tâm tình khiêm tốn, và hiến dâng những đau khổ trong đời sống để đền tội mình và nhân loại.


LỄ CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC
Từ sau giờ chầu phép lành ngày lễ chư thánh, tại nhiều nhà thờ ở nhiều nơi, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe thấy một tiếng chuông vang lên để rồi tan dần vào trong bầu không khí âm u đen tối và yên lặng. Chúng ta có cảm tưởng như tiếng ai nhắc nhở, kêu nài, than van, ai oán trong đêm trường vắng im. Phải, những tiếng chuông đó là những tiếng chuông sầu báo hiệu ngày " Đại lễ của các linh hồn đau khổ ". Và tháng các linh hồn đã bắt đầu. Những tiếng chuông đó nhắc nhở cho chúng ta hãy nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục.
Lễ các linh hồn nơi luyện ngục khởi đầu do thánh Odilon dòng thánh Bênêđictô tại Cherry vào thế kỷ thứ XI, và lan ra rất mau trong toàn thế giới. Sau được Hội thánh ấn định vào ngày 02 tháng 11 ngay ngày sau lễ các thánh nam nữ. Luyện ngục! Ôi chốn khủng khiếp chừng nào! Chốn mà các linh hồn phải chịu thanh tẩy các vết nhơ tội khiên bằng lửa. Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo hữu thành Côrinthô đã dạy: "Họ sẽ được cứu rỗi, sau khi sẽ qua biển lửa" (1 Cr 3,25).
Giáo lý khẩu truyền của Giáo hội cũng đã minh xác và tin nhận rằng có luyện tội mới cắt nghĩa được đức công bình, và đồng thời mới biểu dương được lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa, Đấng thẩm phán chí công.
Thường thường hầu hết các linh hồn kẻ lành sau khi lìa khỏi xác và khi đã chịu phán xét riêng, sẽ phải giam phạt một thời gian trong luyện ngục, lâu mau tùy theo tội lỗi riêng từng người. Luyện ngục không có tính cách vô cùng như trong hỏa ngục, nhưng tại đó các linh hồn cũng sẽ bị ngợp trong lửa hỏa hào như trong hỏa ngục. Vì tất cả và tất cả chỉ là một biển lửa rùng rợn khủng khiếp với những lời kêu van rú lên: "Hỡi các bạn hữu tôi, hãy thương đến tôi, ít ra là các bạn hãy thương xót tôi, vì tay Chúa đánh phạt tôi đau đớn lắm rồi (Gb 19, 21).
Nếu tai chúng ta có nghe thấy những lời kêu van thảm thiết của các linh hồn, chúng ta mới hiểu được phần nào tình cảnh đau khổ của họ lúc bị thiêu đốt. Sự đau đớn ấy vượt quá sức trí khôn loài người suy tưởng. Có nhiều linh hồn nơi luyện ngục hiện về minh chứng điều đó. Chân phúc Maria Villani muốn hiểu thế nào là luyện ngục nên đã cầu xin Thiên Chúa cho một linh hồn hiện về với mình. Thiên Chúa đã nhận lời. Người ban phép cho một linh hồn hiện về với chị, và linh hồn ấy đã đặt tay trên trán chị làm thành một vết thương đau nhức suốt hai tháng trời dòng dã. Chị nữ tu Têrêxa Gesta de Foligno bên Ý đã hiện về áp tay phải của chị vào thành cửa phòng may đồ mà khi còn sống chị đã làm việc, khiến cửa bị một dấu tay cháy nám đen in vào gỗ. Còn bao nhiêu truyện khác chứng thực các linh hồn phải chịu cực khổ trong luyện ngục, và các chứng cứ ấy hiện còn chứa trong hai tủ kính ở "nhà thờ các linh hồn luyện ngục" bên Rôma.
Luyện ngục là nơi ghê sợ, hầu hết chúng ta còn có một ý niệm phổ thông về điều ấy. Nhưng nhiệm vụ chúng ta không phải chỉ là tìm hiểu suông, nhưng tìm hiểu để mà cứu vớt.
Thực vậy, Giáo hội là người mẹ nhân từ đã làm gương cho chúng ta trước, và Giáo hội còn giúp ta biết bao nhiêu công việc và phương thế, để ta thi hành đức bác ái đối với các linh hồn một cách hữu hiệu hơn. Cụ thể là ngày hôm nay, Giáo hội đã ban phép cho các linh mục được làm ba lễ, và cho chúng ta mỗi người giáo hữu cứ mỗi lần viếng nhà thờ thì được hưởng một ân đại xá để cầu cho các linh hồn. Hơn thế nữa, Giáo hội còn dành cả tháng mười một này để thúc giục, mời gọi, nài xin chúng ta cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục cách riêng. "Chúng ta giờ đây làm việc còn có công, khóc còn được người thương, kêu còn được người nghe, sám hối còn đền được tội và rửa được linh hồn" (Gương Chúa Giêsu I, 24,1).
Trái lại, với các linh hồn nơi luyện ngục, thời giờ lập công đã hết, các linh hồn ấy chỉ còn biết nài xin, nài xin chúng ta tưới nước ân sủng xuống dập tắt lửa luyện hình.
Cầu nguyện xin ân xá cho các linh hồn nơi luyện ngục là chúng ta thực hiện tinh thần thương xót, trả nợ công bình, tự cứu rỗi, và sau hết làm vinh danh Thiên Chúa.
Trước hết, cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục, tức là chúng ta thực hiện tinh thần vị tha, và đó cũng chỉ là một công lý. Ai trong chúng ta có tinh thần bác ái, có lòng thương yêu người dễ động lòng trắc ẩn trước những nỗi thống khổ của kẻ khác, lại có thể làm ngơ trước những nỗi cực hình của các linh hồn trong luyện ngục, trong khi chúng ta có thừa phương thế cứu giúp? Cầu nguyện cho các linh hồn tức là chúng ta sẽ không nhẫn tâm bịt tai trước những tiếng than van ai oán! "Hãy thương đến tôi, vì bàn tay Chúa đang đè nặng trên tôi".
Thứ đến, đôi khi chính đức công bình đòi buộc chúng ta phải cầu cho các linh hồn. Biết đâu, các linh hồn đang phải chịu cực hình kia, chẳng là linh hồn ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu, hay linh hồn những người đã làm ơn cho ta khi họ còn sống. Chịu ơn tức phải đền ơn, đó là điều tất nhiên. Đức công bình cũng còn đòi buộc chúng ta phải cầu cho các linh hồn, là vì có khi bởi yêu chúng ta, muốn cho chúng ta được hạnh phúc, sung sướng, hoặc bởi gương xấu của chúng ta mà các linh hồn ấy liều mình phạm tội gây nên cái án phạt cho mình. Ấy là chưa kể đến những lời chúng ta đã giao hữu với họ, cũng không thể cho phép chúng ta quên họ được.
Rồi đến, chúng ta còn phải cầu nguyện cho họ, vì lẽ mạnh khác là chính vì sự rỗi linh hồn của chúng ta. Ý tưởng về lửa luyện ngục giúp chúng ta xa lánh tội nặng, chê ghét tội nhẹ, thúc đẩy chúng ta cải thiện và thánh hóa đời sống. Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết rằng: "Chưa từng bao giờ tôi có thể tin được một người không hề làm một việc gì để giúp đỡ các linh hồn, mà mình lại được rỗi linh hồn". Một thầy trợ sĩ dòng Đaminh khi bình sinh đã cầu nguyện, hy sinh rất nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục, nên khi thầy gần chết, được xem thấy tất cả các linh hồn ngài đã cứu được xưa đến giúp đỡ thầy trong giờ sau hết. Trải qua bao thế kỷ và tại nhiều nơi, Thiên Chúa đã tỏ ra vô vàn sự lạ làm chứng sự thông công giữa "Giáo hội chiến đấu và Giáo hội đau khổ’. Chúa Giêsu đã từng giảng trên núi Bát phúc xưa: "Ai thương xót người ấy là phước thật, vì chưng sẽ được thương xót". Nếu chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy chóng được giải thoát, chắc rằng không đời nào các linh hồn ấy lại quên ta. Các linh hồn ấy sẽ bầu cử cho chúng ta trước toà Chúa ngay trong lúc còn trong luyện ngục. Chúng ta nên nhớ rằng: các linh hồn ấy không làm gì được cho mình, nhưng cầu cho chúng ta thì rất đắc lực, nhất là khi đã lên nơi vinh phúc.
Lạy Chúa, lời Chúa phán xưa còn văng vẳng bên tai con: "Một chén nước khi cho kẻ khó hèn sẽ không mất phần thưởng" (Mt 10, 42), va:ø "Ai đong cho anh em đấu nào, thì Cha Ta trên trời cũng sẽ đong lại cho đấu ấy". Xin Chúa ban cho chúng con được lòng mộ mến thương giúp các linh hồn nơi luyện ngục.
Sau hết, linh hồn có lòng mến Chúa, làm vinh danh Thiên Chúa, tất không thể nào quên được việc cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục. Các linh hồn đó là những phần mình đau khổ trong nhiệm thể Chúa Kitô. Cầu nguyện cho các linh hồn tức là chúng ta làm tăng nhân số trên thiên đàng, làm cho Chúa được nhiều linh hồn chúc tụng, yêu mến và tôn thờ. Và Chúa hẳn lấy làm sung sướng được mở cửa thiên đàng cho các linh hồn ấy vào.
Tháng các linh hồn quả thực có một ý nghĩa cao đẹp biết bao! Là thời cơ làm thoả mãn các linh hồn mến Chúa và yêu người, là thời cơ giúp ta suy ngắm và sẽ giúp ta cải thiện đời sống. Các linh hồn ấy bị lửa thiêu đốt cũng là bởi khi còn sống chưa cải thiện, đời sống chưa thánh thiện đủ.
"Hãy thương xót chúng tôi, xin hãy nhớ". Chớ gì những tiếng kêu thất thanh đầy giọng não nùng bi thiết của những linh hồn đang chìm ngập trong biển lửa vô hình ấy có thể thấm nhập vào tâm hồn của chúng ta, kích động chúng ta sốt sắng nhiệt thành cầu nguyện, để Chúa ra tay giải thoát và đem các linh hồn ấy về nơi mát mẻ vinh phúc muôn đời.


Bên Kia Sự Chết

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đờõ. Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.
Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con ngườị Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.
Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp "các thánh thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hộị Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".
Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: "Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Chẫ.". Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữạ Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.
Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.
Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.