Bảy chuyện đáng ghi nhớ về Mẹ Têrêxa
- Tên thật của Mẹ Têrêxa là Anjezë (Agnès) Gonxha Bojaxhiu. Khi rửa tội Mẹ có tên thánh là Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
- Trước khi phục vụ cho các người nghèo, nữ tu đã sống những năm tháng dài tiếp xúc với xã hội thượng lưu Ấn Độ. Trong hai mươi năm, Mẹ dạy môn địa lý cho các thiếu nữ của xã hội thượng lưu ở trường Đức Mẹ Maria ở Calcutta.
- Lần đầu tiên mẹ tiếp xúc với cái nghèo cực kỳ là lúc Mẹ đi thực tập ở trung tâm “Y khoa các Nữ tu” (Medical Sisters) ở thành phố Patna, Mẹ đến giúp một bà cụ bị con trai vứt vào thùng rác, người bà cụ phủ đầy kiến.
- Chuyện ít bình thường, Dòng của Mẹ truyền cảm hứng để một linh mục Dòng Tên thành lập một Dòng nam. Năm 1965, linh mục André Dòng Tên gốc người Úc thành lập ở Caracas và ở Barquisimeto (Venezuela) một chi nhánh Dòng Thừa Sai Bác ái nam.
- Ngày 10 tháng 9 năm 1979, trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel Hòa bình, Mẹ Têrêxa đã làm cho cử tọa sững sờ khi Mẹ đọc Kinh Hòa bình của Thánh Phanxicô:
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người,
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui tới chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con,
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì ...
Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thân ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí.
- Đối với Mẹ Têrêxa, đe dọa lớn nhất mà nhân loại đối diện là nạn phá thai: “Ngày nay sự hủy hoại lớn nhất cho hòa bình là tội ác phạm trên các trẻ em vô tội chưa được sinh ra .” “Nếu quý vị không muốn đứa bé sắp sinh, xin quý vị cho tôi, tôi muốn cháu bé đó!”, mẹ viết cho hội nghị ở thủ đô Ottawa, Canada tháng 9 năm 1988.
- Được thúc đẩy bởi một tinh thần dám làm khi đứng trước những người có quyền thế, Mẹ Têrêxa đã tạo nhiều tiếng vang, như trong lần viếng thăm Cuba tháng 7 năm 1886, trước công chúng mẹ xin Chủ tịch Fidel Castro cầu nguyện cho Mẹ.
Chuyện kể thêm:
Trong rất nhiều chuyến đi, Mẹ thường đem theo mình một tượng Đức Mẹ lớn. Mẹ giải thích cho những hành khách ngạc nhiên: “Mẹ Maria rất mong muốn đến với chúng ta! Cả hai chúng tôi có một thỏa thuận: Tôi đem Mẹ Maria theo với tôi, Mẹ giúp tôi đến những nước khó đến. Trong chuyến đi, tôi để Mẹ Maria gần cửa sổ, như thế Mẹ có thể xem phong cảnh!”. Ở một vài xứ Nam Mỹ thù nghịch với đạo công giáo, mẹ gặp cho được nhà lãnh đạo. Mẹ rất ngạc nhiên trước sự cứng lòng trên gương mặt của nhà lãnh đạo, Mẹ đến gần ông và hỏi: “Ông có con không?”, “Có, bảy đứa”, ông trả lời. Không e ngại, Mẹ rút trong túi ra 8 tượng Đức Me. “Cái này là của ông. Tôi nghĩ ông cần đấy! Nhưng ông phải mang vào cổ!” Thoải mái, nhà độc tài cho phép năm nữ tu vào nước ông để giúp đỡ người nghèo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Lời cầu nguyện cảm động dâng lên Chúa Giêsu và Mẹ Maria của nữ ký giả hồi giáo người Liban
Nữ ký giả Mahassen Haddara mong được gặp Đức Giáo hoàng
Sau các vụ tấn công tự sát của Al-Qaa ở Liban, nữ ký giả Mahassen Haddara đăng trên trang Facebook của mình: “Xin Allah! Con sẽ mang hồi giáo đến Al-Qaa vì đức tin kitô của con kêu con phải làm ... Chúng ta tất cả hãy đi!” Khi nghe Linh mục Hamel bị giết, nữ ký giả đã đăng một lời cầu nguyện thật xúc động, cô cầu xin Chúa Giêsu và Đức Mẹ:
“Ôi Mẹ Maria! Ôi Chúa Giêsu! Xin đừng chậm bước!
Chúng con van nài Mẹ Maria, ôi Đức Mẹ của chúng con, xin Mẹ kêu nài Chúa Giêsu đến nhanh giúp chúng con, vì chúng con không thể chịu đựng được lâu hơn những gì đang xảy ra ... Thế giới chúng con, từ Giêrusalem đến Irak đã bị tang thương vì chia rẽ ...
Nhà thờ, nguyện đường của chúng con đã bị xúc phạm,
Các linh mục của chúng con bị giết,
Các con cái của chúng con bị giết,
Và chúng con thì bất lực ...
Chúng con van nài Mẹ, Mẹ Maria, xin giúp chúng con, xin cầu nguyện cho chúng con ...
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng chậm bước ...
Xin đến với chúng con vì chúng con đau khổ”.
“Tôi là tín hữu hồi giáo, người mang hòa bình cho thế giới”
Aleteia (ấn bản tiếng Ả-Rập) đã theo dõi và dịch các bài đăng của nữ ký giả hồi giáo, các bài này rất đáng kể vì hướng đến toàn thế giới, viết với một tấm lòng thống thiết của một người hồi giáo ở Trung Đông. Các bài viết là đề tài phóng sự ở Mêhicô và các nơi khác. Sứ điệp của cô đã làm nhiều người ngạc nhiên, họ đòi cô phải khẳng định các bài viết của mình. Internet là như vậy, có nhiều người còn dùng chiến thuật đe dọa. Nhưng cô Haddara giữ vững quan điểm của mình, cô đăng: “Hôm qua tôi nhận các tin nhắn từ Mỹ và Âu châu đòi tôi xác nhận tính xác thực các bài đăng của tôi trong cương vị một tín hữu hồi giáo Ả-Rập về hòa bình giữa các tôn giáo ... Đây là câu trả lời của tôi: ‘Đúng, tôi là tín hữu hồi giáo mang hòa bình cho thế giới;”
“Tôi hy vọng được gặp Đức Giáo hoàng”
Trong một lần trả lời phỏng vấn cho ấn bản tiếng Ả-Rập của báo Aleteia, cô Haddara đã tuyên bố: “Chủ nghĩa khủng bố đã tấn công các nền tảng của nhân loại và tiêu hủy các biên giới địa lý ... Đứng trước nạn khủng bố, tôi đã kêu lên: ‘Nhân danh nhân loại và nhân danh các sách thánh: Kinh Torah, sách Thánh Kinh và Kinh Coran! Tôi sẽ bảo vệ do thái giáo nếu do thái giáo bị bách hại, tôi sẽ bảo vệ kitô giáo khỏi sự dữ, để tôi cảm nhận tôi đúng là một tín hữu hồi giáo! Tôi sẽ đứng trên cương vị của một tín hữu hồi giáo Ả-Rập và tôi sẽ đối diện với cuộc chiến tranh này, để bảo vệ nhân loại bằng cây viết và tiếng nói của tôi’”.
Cô cũng thố lộ: “Trước, tôi nghĩ hoàn tựu lớn nhất của con người ở thế kỷ 21 là Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nhưng sự can thiệp của Đức Phanxicô trên phi cơ khi ngài trở về từ Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế, đã vượt lên tất cả những gì người ta đã nói trong suốt thế kỷ của chúng ta. Đứng trước các tín hữu kitô, ngài ban phép lành cho người hồi giáo và nói: ‘Trong gần như hầu hết các tôn giáo đều có một nhóm nhỏ cực đoan quá khích’. Ngài nói thêm: ‘Nếu tôi phải nói đến các bạo lực của hồi giáo thì tôi cũng phải nói đến các bạo lực của Kitô giáo ... Không đúng lý và cũng không được cho hồi giáo là bạo lực’”.
Cô cho biết mình mong được gặp Đức Phanxicô: “Ngày 19 tháng 8, chúng tôi mừng Ngày Quốc tế Nhân đạo. Tôi hy vọng Đức Giáo hoàng sẽ mang miện của nhân đạo và tôi hy vọng được gặp ngài để cám ơn ngài đã tôn trọng người hồi giáo và đã nói lên sự thật trên báo La Vanguardia: “Làm sao các cường quốc có thể chủ trương đối thoại và hòa bình khi họ chế tạo và buôn bán vũ khí.. .”. Tôi hy vọng được ngài ban phép lành và tiếp tục con đường chiến đấu và truyền bá hòa bình giữa các tôn giáo và các quốc gia”.
“Không có gì mạnh hơn tiếng nói của công lý và ý của Chúa”
Cô cũng cám ơn báo Aleteia “đã đăng bài viết của tôi, khuyến khích một tương quan hòa bình và đối thoại giữa tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo, thay đổi hình ảnh của người hồi giáo trên thế giới, một hình ảnh đã bị biến dạng vì chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Tôi biết Chúa sẽ nhậm lời cầu nguyện của tôi, sẽ lau nước mắt cho tôi và sẽ cho phép tôi đến với người khác qua Internet. Tôi xin gởi tất cả lời chúc của tôi đến toàn ban biên tập báo Aleteia”.
Cô Haddara kết thúc khi nói đến những lời đe dọa nặng nề mà cô đã nhận: “Tôi thật sự là cái đích của những đe dọa vô lý, kết tội tôi là phạm thượng, nhưng không có gì mạnh hơn là tiếng nói của công lý và ý của Chúa. Tôi tiếp tục đi con đường của tôi trong tình yêu và hòa bình”.
Chúng tôi xin cám ơn cô Mahassen Haddara về lời chứng của cô, chúng tôi cầu nguyện cho cô và cho toàn thế giới.
Marta An Nguyễn chuyển dịch