Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Đại sứ Ấn Độ nói về Mẹ Têrêsa

Filled under:

Với dân số 1,25 tỷ và là quốc gia có đông người Kitô giáo, Ấn Độ sẽ đón nhận một vị thánh đã gắn bó cả cuộc đời trên các con đường ở thành phố Calcutta.
Công việc vị thánh nữ này đã làm không chỉ giới hạn ở một thành phố, nhưng còn ảnh hưởng đến cả quốc gia và vẫn còn tiếp diễn cho đến hôm nay.
Anil Wadhwa – Đại sứ Ấn Độ
“Tôi nghĩ rằng Mẹ Têrêsa có một ảnh hưởng lớn lao đối với nước Ấn Độ, bởi vì công việc của Mẹ gắn bó với một số đông người kém may mắn nơi quốc gia này. Thực sự, không chỉ có Tây Bengal và Calcutta, nhưng nhiều nơi ở Ấn Độ đều biết đến Mẹ. Vào cuối đời, Mẹ cũng đã đi khắp Ấn Độ.”

Công việc của Mẹ không chỉ là phục vụ những người nghèo, nhưng Mẹ còn là một giáo viên, một người chăm sóc những người già yếu và những người mắc bệnh nan y. Vị đại sứ đã gặp gỡ Mẹ trong chuyến đi của Mẹ đến Bắc Kinh. Cuộc gặp gỡ này để lại cho ông một ấn tượng khó phai.
Anil Wadhwa – Đại sứ Ấn Độ
“Điều đánh động nơi tôi về Mẹ là sự khiêm tốn và đơn sơ trong đời sống và trong cách ăn mặc, đặc biệt Mẹ rất dịu dàng. Mẹ là một người để lại cho bạn những ấn tượng về sự đơn sơ, hiền lành và khiêm tốn khi bạn gặp gỡ.”

Sự khiêm tốn là sức mạnh của Mẹ. Mẹ để lại những tác động sâu sắc tại Ấn Độ và đặc biệt là tại Calcutta. Vị đại sứ nói rằng thành phố Calcutta đã có thời gian khủng hoảng tồi tệ, đến nỗi không ai muốn viếng thăm thành phố trong những năm đó.
Anil Wadhwa – Đại sứ Ấn Độ
“Trước khi Mẹ làm việc ở Ấn Độ, thành phố Calcutta đang trải qua một thời gian tồi tệ về kinh tế. Nhưng sau nhiều năm, mọi thứ đã được cải thiện từ khi có sự hiện diện của Mẹ. Sau cuộc cải cách 1990, kinh tế Ấn Độ đã đi lên và ngày càng tốt hơn. Bây giờ, Tây Bengal là một bang có kinh tế phát triển. Các công trình công cộng đã được cải thiện nhiều và chính phủ đã quan tâm hơn đến các khu ổ chuột.”

Hiện nay, chính phủ Ấn Độ vẫn tiếp tục giúp đỡ và làm việc với Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái qua các bệnh viện và các tiện ích xã hội khác. Trong lễ phong thánh của Mẹ, quốc gia Ấn Độ đã phái 17 đại biểu đến Roma nhằm tỏ lòng biết ơn với những công việc Mẹ đã làm tại Ấn Độ.
Anil Wadhwa – Đại sứ Ấn Độ
“Người dân Ấn Độ tự hào vì Mẹ Têrêsa được phong thánh và Mẹ sẽ luôn được nhớ đến như một vị thánh. Dĩ nhiên, họ đã tự hào khi Mẹ được trao giải Nobel và khi Mẹ được phong chân phước, họ đã rất hạnh phúc. Với sự kiện được phong thánh lần này, tất cả người dân Ấn Độ đều cảm thấy hạnh phúc. Điều này sẽ gợi hứng cho nhiều người theo gương của Mẹ trong đời sống.”
Mẹ Têrêsa được phong thánh có một ý nghĩa lớn lao đối với người dân Ấn Độ. Họ hy vọng mọi người ở khắp nơi trên thế giới sẽ thấy được sự thay đổi, mà Mẹ đã mang đến cho thành phố Calcutta và muốn mọi người đến với thành phố của họ, nơi mà chính Mẹ đã sống.
Chuyển ngữ: Đức Thiện SJ.
Nguồn: romereports.com


Những bí mật về đêm tối thiêng liêng của Mẹ Teresa

Việc Mẹ Têrêsa đã trải qua đêm tối nội tâm suốt gần 50 năm là thực tế thường được biết đến. Tuy nhiên, nó không luôn như vậy. Một thời gian ngắn sau khi Mẹ Têrêsa qua đời, các linh mục Dòng Tên chính là những người phụ trách lưu giữ một phần tác phẩm và nhật ký thiêng liêng của Mẹ.

SƠ THERESE MAGDALA
Dòng Thừa Sai Bác Ái
“Sau khi Mẹ qua đời, tài liệu được lưu giữ bởi một tu sĩ Dòng Tên đã được phát hành khi chúng tôi bắt đầu thực hiện quá trình phong chân phước của Mẹ. Vì vậy, trong cách thức đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu những điều mà chúng tôi chưa bao giờ được biết đến. Không một ai trong hội dòng biết rằng, Mẹ đã trải qua đêm tối như thế trong suốt 50 năm”.

Mẹ Têrêsa là một người rất kín đáo khi Mẹ muốn đời sống cầu nguyện của mình được giữ kín giữa Mẹ và một mình Chúa Giêsu mà thôi. Mẹ đã kinh nghiệm đau khổ sau cùng: cảm giác bị loại bỏ bởi chính Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ đã hiến dâng trọn cuộc đời.

SƠ THERESE MAGDALA
Dòng Thừa Sai Bác Ái
.. “Khi việc cầu nguyện của Mẹ trở nên khô khan, trống rỗng, nó dẫn tới sự đau khổ rất lớn. Và, trong một thời gian, điều này dẫn Mẹ đến việc ý thức thực sự những gì Thiên Chúa đã làm qua điều ấy. Đêm tối này là một điều xảy ra vào những thời điểm trong đời sống thiêng liêng; sự thanh luyện này giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Ngài, chứ không vì những gì chúng ta có thể nhận được.”

Bằng cách này, Mẹ đã có thể kết nối và kinh nghiệm cách cá vị cùng một ánh sáng mà những người vô gia cư kinh nghiệm mỗi ngày: bị bỏ rơi, cảm thấy không được yêu thương và không ai cần đến. Tình yêu của Mẹ đã lớn lên không chỉ với Thiên Chúa, nhưng còn với người thân cận, khi Mẹ khởi đi từ trái tim mình, không mong nhận lại điều gì.

SƠ THERESE MAGDALA
Dòng Thừa Sai Bác Ái
“Sau đó, tôi nghĩ rằng Mẹ đã bước sâu hơn vào trong kinh nghiệm này và bắt đầu thấy rằng đêm tối mà Mẹ đã đi qua: cảm giác không được yêu thương, và không ai cần đến, đang được chia sẻ trong sự từ bỏ của người nghèo, trong cảm giác không được yêu thương, và bị bỏ rơi, bị từ chối của họ. Chính Mẹ đã diễn tả nó như thế.”

Có lẽ, chính vì những cảm nhận này, niềm tin của Mẹ phát triển mạnh mẽ từng ngày qua các tương tác của Mẹ với người nghèo. Mẹ Têrêsa thực sự thách thức các chị em làm gì đó hơn nữa thay vì chỉ đơn giản đáp ứng các nhu cầu của thân xác: đói, khát và chỗ ở. Mẹ mong muốn mỗi cuộc gặp gỡ cá vị trở nên một cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa hằng sống.

SƠ THERESE MAGDALA
Dòng Thừa Sai Bác Ái
“Mẹ cũng thường nói với chúng tôi, chị em không được gọi để trở nên những người hoạt động xã hội, không phải để làm công tác xã hội dù điều ấy tốt và hữu ích, nhưng để chính mình đảm nhận và kinh nghiệm một sự đau khổ nào đó của người nghèo; Để nó thách thức và đảm trách chính chúng ta, để nó trở nên một phần của ơn cứu độ. Và tôi nghĩ đó là những gì Mẹ đã bắt đầu nhìn thấy, về phía cuộc đời Mẹ. Mẹ đã nói với chính mình, khi bước vào những đau khổ này của người nghèo, tôi thấy nó như là một khía cạnh thiêng liêng của cuộc đời tôi.”

Việc bước vào giai đoạn này của cuộc sống, giai đoạn mà chỉ ít người đi tới, là một trong những lý do Mẹ đã thực hiện một tác động lớn như thế không chỉ với người nghèo, nhưng là cả thế giới.

Chuyển dịch: Trần Đỉnh, SJ
Nguồn: Romereports.com


Căn phòng nơi Mẹ Tê-rê-sa qua đời

Tại trung tâm thành phố Calcutta nhộn nhịp, người ta thấy một ngôi nhà màu xám tao nhã “Mother House” (Nhà Mẹ). Đó là nơi Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã gieo trồng những hạt mầm cho Dòng Thừa Sai Bác Ái vào tháng 2 năm 1953.
Nơi đây, Mẹ Tê-rê-sa đã sống, đã cầu nguyện và làm việc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào năm 1997. Cũng nơi này, thân thể mẹ được đặt trong một ngôi mộ rộng lớn nhưng kín đáo. Ngày nay, mỗi năm có tới hàng triệu tín hữu tới đây thăm viếng.
Căn phòng nhỏ của Mẹ Tê-rê-sa cách đó khoảng chừng một bước chân với vài vật dụng của mẹ bên trong căn phòng.
Chính tại nơi ở khiêm nhường này và trên chiếc giường này, Mẹ Tê-rê-sa đã qua đời lúc 21:30 ngày 5 tháng 9 năm 1997.
Các chị em có mặt bên giường mẹ lúc đó nói rằng trong những khoảnh khắc cuối đời, mẹ nhìn chăm chú vào thánh giá và vòng mạo gai đặt bên cạnh bức hình khuôn mặt Thánh của Đức Giê-su.
SƠ NATHALIE
Người chăm sóc trẻ em tại Nirmala Shishu Bhavan, Calcutta
Đối với tôi, đó là một nơi đầy cảm hứng, nơi đó tôi thấy được sự hiện diện và sự thánh thiện của Mẹ Tê-rê-sa. Một điều tôi kinh nghiệm được là, ngay cả lúc sáng sớm, Mẹ có mặt ở nhà nguyện trước chúng tôi. Mẹ ở đó trước khi giờ cầu nguyện buổi sáng bắt đầu.”
“Nirmal Hriday,” nghĩa là Ngôi Nhà Trái tim Tinh tuyền, là nhà tế bần dành cho những người bệnh tật, nghèo túng và những người trong cơn nguy tử. Đó cũng là ngôi nhà đầu tiên Mẹ Tê-rê-sa thành lập vào năm 1952. Ngày nay, ngôi nhà ấy cưu mang hơn 100 người mắc bệnh nan y.
SUNITA KUMARI
Người phát ngôn của hội Bà mẹ từ thiện
Mẹ Tê-rê-sa nói: ‘Sunita, sao con không ghé thăm ngôi nhà dành cho những người đang trong cơn hấp hối?’ Tôi trả lời mẹ: ‘Con không nghĩ rằng mình có đủ can đảm và con cũng không dám gặp mặt họ.’ Mẹ nói với tôi: ‘Không, mẹ sẽ đích thân đưa con đi.’ Sau đó, mẹ đưa tôi đi và trên đường tới đó, mẹ chuẩn bị tâm lý cho tôi. Mẹ nói: ‘Nếu con bước vào đó với một nụ cười, con sẽ thấy mọi người cũng mỉm cười với con.’ Và đó là những gì đã xảy ra.”
Dù được đón nhận trên toàn thế giới, nhưng Mẹ Tê-rê-sa đã phải đối diện với nhiều thách đố khi bắt đầu sứ mạng của mình.
ĐỨC HỒNG Y OSWALD GRACIAS
Tổng Giám mục Bombay (Ấn Độ)
Mẹ giữ vững quan điểm theo cách đơn giản của mình và mẹ nói: Thưa Đức Tổng, con không được học về kinh tế và tài chính. Những gì con biết chính là cuốn Kinh Thánh và trong Kinh Thánh, Đức Giê-su nói rằng Cha trên trời lo cho cả những con chim, đếm từng sợi tóc trên đầu của bạn. Vì thế, con chắc chắn rằng Cha trên trời cũng sẽ lo lắng cho những người nghèo của con. Dựa trên nền tảng ấy, con tiến lên thực thi sứ mạng và mọi sự đều tốt đẹp, không có khó khăn gì.”
Năm 1955, mẹ thành lập “Nirmala Sishu Bhavan,” tức là Ngôi nhà Trẻ em. Ngôi nhà này dành cho những trẻ em đường phố bị bỏ rơi, cách ‘Mother House’ (Nhà Mẹ) khoảng 500 mét.  Được đánh động bởi kinh nghiệm thiện nguyện, Sơ Joan of Arc đã gia nhập dòng của Mẹ Tê-rê-sa và hiện đang chăm sóc những trẻ em mắc bệnh nan y.
SƠ JOAN OF ARC
Nirmala Shishu Bhavan, Calcutta
Lúc đó, mẹ đã già và chúng tôi không chắc mẹ sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng mẹ không bao giờ tính toán sự hy sinh. Mẹ luôn có khuynh hướng quảng đại với người khác.”
Với nhiều người ở Ấn Độ, “Maa” của họ, nghĩa là “Mẹ” theo tiếng Hindi, đã luôn là một vị thánh. Và bây giờ, vị Thánh của Những Người Bần Cùng chính thức được Giáo Hội tuyên phong. Người ta không thể không nhớ lại lời của Mẹ Tê-rê-sa khi mẹ nói, “Tôi sẽ dâng hiến cho Giáo Hội các vị thánh.”
Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J
Nguồn: Rome Reports 03-09-2016