Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 6/9/2016

Filled under:

MÔN ĐỆ, NGƯỜI LOAN TIN VUI
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Chúng ta hãy trở về với bối cảnh chính trị nước Do thái thời Chúa Giê-su, lúc ấy đang bị Đế quốc Rô-ma đang đô hộ. Ấy vậy mà, sau khi “thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” Chúa Giê-su chọn các tông đồ, chỉ có mười hai ông thì ông Mát-thêu là người thu thuế, bị coi là “tay sai” cho đế quốc Rô-ma, còn ông Si-mon và Ta-đê-ô thì đối lại, thuộc nhóm Nhiệt thành, chủ trương dùng vũ lực để chống lại Rô-ma. Trong Nhóm Mười Hai, các ông khác nhau về lập trường, xung khắc với nhau như thế, vậy mà các ông ngày ngày phải ăn chung một mâm, học chung một thầy. Thế nhưng, ở với Thầy, các ông đã được hoán cải, và trở thành những người đi rao giảng Tin Vui của Nước Thiên Chúa.
Mời Bạn: Từ những con người tính cách khác nhau, lập trường chính trị đối lập nhau, các tông đồ đã được Chúa huấn luyện trở thành những sứ giả của đem Tin Vui cho thế giới. Tin Mừng của Chúa xoá đi mọi bức tường ngăn cách để hình thành một thế giới bao dung, tha thứ và thương xót. Bạn được kêu gọi làm môn đệ của Đức Ki-tô nghĩa là trở thành người đem niềm vui của Ngài đến cho những người mà bạn gặp gỡ.
Sống Lời Chúa: Bạn là môn đệ của Chúa, bạn được mời gọi sống yêu thương, yêu thương và yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, các tông đồ của Chúa được Chúa dạy dỗ và đã được biến đổi, để trở thành những người mang Tin Vui cho thế giới. Xin cho chúng con cũng là những môn đệ của Niềm Vui. Amen. 

Chân Phước Claudio Granzotto
(1900-1947)
Tinh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.

Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, "Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh." Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.

Lời Bàn
Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.

Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc "như một khí cụ đặc biệt" trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. "Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Đức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài" (L'Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)

Không Mong Ðền Ðáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương saỏ".
Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.
Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lạõ. Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau.
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại.
Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa.