Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 5/9/2016

Filled under:

CỐT LÕI CỦA NIỀM TIN
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi hỏi các ông, ngày sa-bát được phép làm sự lành hay sự dữ, được cứu sống hay là giết chết?” (Lc 6,6-11)
Suy niệm: Hôm nay, nhân việc các kinh sư và người Pha-ri-sêu rình xem Chúa Giê-su có chữa người bại tay trong ngày Sa-bát hay không để có cớ tố cáo Ngài, Chúa Giê-su nhắc nhở họ về cốt lõi của niềm tin vào Thiên Chúa. Không úp mở, Ngài trực tiếp chất vấn họ: lề luật và tình thương, cái nào trọng hơn? Phải chăng Thiên Chúa yêu thích lề luật đến nỗi mặc sự dữ đàn áp sự lành, mặc sự chết thay cho sự sống? Không, Thiên Chúa là Đấng tốt lành, là Sự Thiện tuyệt hảo, là Sự Sống muôn loài. Thiên Chúa luôn muốn con người sống và được sống dồi dào. Hay nói cách khác, Thiên Chúa ban cho con người luật như là con đường, là phương tiện để đến với Ngài. Bởi thế, không được vị luật mà quên mất tình thương; không được đóng kín con tim để mở to con mắt dò xét. Song phải đi vào cốt lõi của niềm tin là tình thương. Đi vào để kiện toàn lề luật. Đi vào hầu đẹp lòng Chúa-Đấng Giàu Lòng Xót Thương.
Mời Bạn: Có khi nào bạn thử hỏi: cốt lõi niềm tin của tôi là gì hay không? Trước những bất công đau khổ anh em đang phải chịu, trước những tình trạng sự sống và phẩm giá con người bị coi thường, bị chà đạp, tôi đã chọn sự sống hay giết chết? Cảm thông, chia sẻ hay dửng dưng, vô cảm?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xin ơn bắt chước Chúa, luôn chọn sự sống thay vì giết chết, chọn hy sinh phục vụ thay vì ích kỷ hưởng thụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sưởi ấm trái tim con, để con luôn can đảm xót thương và thứ tha dù phải chịu nhiều khổ đau. Amen.

Tôi Tớ Thiên Chúa Anacleto Gonzales
(1890 - 1927)

Khi là sinh viên luật trong thời kỳ Công Giáo bị bách hại ở Mễ Tây Cơ, Anacleto Gonzales cảm thấy cần phải đương đầu với các giáo sư vô tôn giáo, và vì thế anh đã quy tụ các sinh viên Công Giáo trong một tổ chức với mục đích bảo vệ Giáo Hội. Chính anh gia nhập dòng Ba Phanxicô. Tin tưởng ở sức mạnh của báo chí, anh sáng lập tờ tuần báo lấy tên Word (Lời), và thường xuyên viết bài cho các tờ báo Công Giáo khác. Anh cũng sáng lập tờ tuần báo thứ hai lấy tên Sword (Kiếm). Nhiều lần nhà cầm quyền đã bịt miệng anh bằng cách tống giam. Nhưng anh lại dùng năng lực của mình trong việc rao giảng Tin Mừng cho các bạn đồng tù.

Sau cùng nhà cầm quyền quyết định dùng Anacleto như một tấm gương để cảnh cáo. Vì anh từ chối không chịu tiết lộ nơi trú ẩn của đức tổng giám mục, anh bị treo lên cao, bị đánh bằng roi và bị rạch bằng dao. Anacleto vẫn giữ im lặng, và anh nói với một tên lý hình, "Tôi hoạt động một cách vô vị lợi để bảo vệ chính nghĩa là Đức Kitô và Giáo Hội. Anh giết tôi, nhưng chính nghĩa ấy sẽ không chết với tôi. Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi tin chắc rằng từ thiên đàng tôi sẽ nhìn ngắm sự chiến thắng của đạo trên quê hương tôi."
Anacleto bị một lưỡi lê đâm xuyên qua người và sau cùng anh từ trần vì hàng loạt viên đạn bắn vào thân thể. Đó là ngày 1 tháng Tư, 1927. Anh để lại một vợ và hai con nhỏ.

Đám tang của anh tạo nên một sức sống đức tin mãnh liệt nơi các tín hữu với những tiếng hô to "Viva Christo Rey!" (Vạn tuế Vua Kitô!), tất cả là nhờ sự hy sinh của một giáo dân đã sống và chết vì nước trời.

Bỏ Mọi Sự Ðể Theo Chúa

"Bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa", lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có thể thực hiện được trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.
"Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxico.
Một hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèỗ. Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây... Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới.
Macello đã giải thích về việc làm của mình như sau: "Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ đang ở đâữ. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở".
Sự trưởng thành của Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người giáo dân về vai trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội là chuyện của các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng nên thánh là chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ... Không ai chiếm giữ độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa. Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô. "Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho người nghèo khó và trở lại với Ta". Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số thành phần ưu tuyển trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.
Chúng ta không được sống trong một xã hộ dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người rơi vào.
Thế giới cần được biến đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình thương mà con người biết san sẻ với nhau.