Thưa bác sĩ, Có người nói với tôi là chỉ có muổi cái mới đốt hút máu động vật. Chúng tôi xin bác sĩ phân tích coi có đúng không. Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Sinh Hùng
| ||||||||||||||||||
Đáp:
Muỗi là một loại côn trùng biết bay có hai cánh nhỏ, thân hình mảnh mai, chân dài, cánh hẹp, lấm tấm nhiều vẩy trên gân cánh.
Từ đầu, nhú ra một xúc tu với nhiều sợi lông loắn xoắn. Lông ngắn ở muỗi cái, lông dài và rậm rạp ở muỗi đực.
Miệng muỗi cái dài, có vòi để hút, còn miệng muỗi đực rất thô sơ. Còn chuyện hút máu thì có một huyền thoại như sau:
“Có anh chàng nọ hết lòng thương yêu vợ. Nhưng chị vợ lại ham thói trăng hoa, lang chạ, nay nhân tình, mai nhân bánh với trai tráng trong làng. Rồi đột nhiên chị vợ lăn đùng ra lìa xa cõi trần.
Người chồng buồn rầu bỏ xứ ra đi, ôm theo xác vợ làm kỷ niệm.
Một ngày nọ anh ta gặp một vị đạo nhân, bèn xin ra tay cứu sống vợ. Thông cảm, đạo nhân giúp đỡ và bảo người chồng chích ngón tay, nhỏ ba giọt máu lên xác vợ. Người chồng làm y theo lời, và vợ sống lại.
Hai người dắt tay nhau trở về quê cũ. Người chồng tưởng rằng vợ hồi tâm sẽ sống đời với mình. Chẳng ngờ nàng vẫn quen đường cũ, theo một tay lái thương giầu có và xin vĩnh biệt cố nhân. Hết lời khuyên can không được, người chồng bèn nói: “nàng có thể ra đi nhưng xin trả lại ta ba giọt máu”. Vợ bèn chích ngón tay, hoàn trả máu. Máu vừa nhỏ thì nàng tắt thở.
Chết đi, nàng hóa thân thành con muỗi, tìm người để lấy lại ba giọt máu, mong được hồi sinh. Nàng bay tới đâu cũng bị sua đuổi, nên luôn miệng vo ve than vãn”.
Do đó chỉ có muỗi cái mới hút máu động vật.
Nhưng khoa học ngày nay tinh tế hơn, đã tìm hiểu lý do khiến tại sao chỉ các mợ muỗi mới làm công việc hút máu động vật. Ðể sinh sống và cũng để gây ra một vài tai họa cho loài người.
Thứ nhất là các Mợ có miệng dài với vòi để dễ bề hút máu của động vật máu ấm. Còn các cậu muỗi hầu hết đều sống nhờ mật hoa và nước lã.
Thứ hai là đa số các mợ cần phải sống bằng máu để có chất đạm nuôi trứng nhờ đó mới làm công việc sanh đẻ được.
Thứ ba là khi đốt người (hay thú vật) hút máu như vậy thì các mợ “ký niệm” vào huyết quản “thí chủ” một chút nước miếng có các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Thứ tư là các mợ chỉ đẻ trứng trên mặt nước: hoặc là nước đang chẩy, nước ao tù, nước trên sông, trong lạch hoặc nước mưa đọng trong cái ống lon rỉ sét ở đầu nhà.Tất nhiên là các cậu muỗi thì không được tạo hóa giao cho cái trách nhiệm đẻ trứng này.
Muỗi cũng như ong kiến gây ra nhiều khó khăn cho con người mỗi khi Hè tới. Khí hậu nóng ấm là thời gian phát triển ưa thích của nhóm sinh vật này. Chúng đốt, chúng cắn, chúng hút máu, chúng truyền chất có hại khiến vô số người mang bệnh phải đi bác sĩ hoặc vào nhà thương.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
|