“Tôi đã thấy Chúa”. (Ga 20,18b)
Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã khóc. Tiếng khóc của người phụ nữ trước ngôi mộ mới an táng bao giờ cũng thật não lòng và làm cho bất cứ ai nghe cũng phải xúc động. Bà khóc trong vô vọng.
Câu hỏi “sao bà khóc?” lại càng vô duyên trước nỗi đau tuyệt vọng của bà: Tôi khóc vì tôi khóc chứ còn vì sao nữa! Tất cả đã chấm hết khi tảng đá lấp kín cửa mộ. Và giờ đây, cả đến xác của Thầy cũng không còn nữa.
Giữa cơn tuyệt vọng của bà, Chúa Giê-su hiện đến. Ngài gọi đúng tên bà, tiếng gọi đầy yêu thương. Chỉ có Thầy Giê-su mới gọi bà như thế, không thể nhầm lẫn được. Tiếng gọi đầy yêu thương của Thầy đã khiến tâm hồn tưởng đã chết của bà được sống lại. Bà đã khóc, những bây giờ, từ vực sâu vô vọng, bà đáp lại trong tiếng reo vui của tình yêu: “Ráp-bu-ni! Lạy Thầy!”
Lạy Chúa Giê-su, Chúa tìm chúng con và Chúa hằng đứng đó đợi chờ chúng con. Xin cho chúng con được nhận ra như bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là nhận ra Chúa, Chúa yêu chúng con và luôn ở cùng chúng con. Amen.
(+1253)
Một nhà văn hào kia đã nói: "Thời gian không đo lường bằng năm, tháng, mà bằng những gì chúng ta đã thực hiện". Hơn ai hết, thánh Risa đã thâm cảm ý nghĩa của lời nói trên đây. Suốt đời đã đem hết tâm lực để hoạt động làm vinh danh Chúa đồng thời mưu cầu hạnh phúc cho đồng loại.
Thánh Risa là công dân nước Anh, sinh trưởng trong một gia đình quý phái. Sau cái chết đau thương của hai thân phụ mẫu, gia đình Risa bị sa sút quá mau chóng. Anh ngài bị giam ngục nhiều năm mới được trả lại tự do. Mãn hạn tù, gia đình người anh lâm cảnh túng quẫn nên Risa phải tận lực giúp đỡ. Ngày ngày đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, vất vả với chiếc cầy cán cuốc để kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình anh.
Lòng tận tụy cũng như chí hy sinh của Risa đã khiến nhiều người đem lòng yêu mến. Bà con, chú bác muốn gầy dựng cơ nghiệp và gia đình cho Risa. Nhưng ngài không màng chi phú quí vinh hoa một dứt tình từ chối, để có thể ghi tên nhập học tại trường đại học Oxford. Sau đó Risa bỏ Oxford tới Paris với tham vọng trở thành một nhà bác học. Risa rất chăm chỉ học hành, quên ăn quên ngủ để theo kịp chúng bạn. Hai người bạn ngủ cùng phòng với Risa cũng đồng cảnh nghèo nàn, khó khăn như Risa. Cả ba người chỉ có một chiếc mũ nên phải thay phiên nhau đội đi học. Ba người không hề ăn thịt hoặc cá, ngoại trừ những ngày lễ có bạn bè tới thăm; ngày ngày chỉ ăn bánh mì đen với nước lã.
Chăm chỉ hơn chúng bạn, lại có một trí khôn sắc sảo, Risa tiến rất mau trên đường học vấn, và rất giỏi khoa học, vì thế các bạn sinh viên đã tặng cho cái danh hiệu là: "ông thần khoa học". Danh tiếng Risa vang tới quê nhà. Risa được mời về nước làm giảng sư tại đại học đường Oxford.
Nhưng rồi, chí ham học của Risa không muốn vui cảnh quê nhà. Risa lại qua học luật tại Bôlônia. Trong bảy năm học, Risa vượt xa chúng bạn. Có lần giảng sư bị yếu, Risa được cử dậy thay. Cũng tại nơi đây, ngài được một giảng sư rất quý mến và coi như con vậy. Ông ngỏ ý muốn gả cô con gái độc nhất cho Risa và cho hưởng cả phần gia tài của ông. Risa một mực từ chối, vì đã nuôi một hoài bão cao quý hơn nhiều. Công thành danh toại, Risa trở về nước làm giảng sư thực thụ tại đại học đường Oxford và sống một đời thánh thiện hiếm có: đêm ngày nghiên cứu sách vở, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình, ăn chay… tài khôn ngoan và nhân đức của giảng sư Risa được nhiều người chú ý. Đức Tổng Giám mục thành Cantôbêry và Giám mục thành Lincoln, cả hai vị đều muốn được giảng sư Risa cộng tác trong công cuộc tông đồ. Cuối cùng Đức Tổng Giám mục thành Cantôbêry đã mời giảng sư làm tổng bí thư cho ngài và giao cho Risa mọi việc, cả đến những việc bí mật nhất. Với chức vụ tổng bí thư toà tổng giám mục, Risa đã làm cho mọi người cảm mến nhờ lối làm việc khôn khéo và đức độ.
Risa giúp việc Đức Tổng giám mục mãi tới ngày ngài bị lưu đầy. Suốt thời gian Đức Giám mục bị phát lưu, người ta không thấy lúc nào vắng mặt Risa. Sau ngày Đức Tổng Giám mục tạ thế, ngài mới lên đường qua Pháp tới Ôlêăng (Orléans), lưu trú tại tu viện Anh em giảng thuyết để học thần học, chuẩn bị làm linh mục.
Sau ngày thụ phong, vị tân linh mục trở về quê hương hăng hái bắt tay vào việc tông đồ. Đức đương kim Tổng Giám mục thành Cantôbêry lại chọn linh mục Risa làm tổng bí thư toà giám mục. Toàn thể giáo dân vui mừng chào đón vị tổng bí thư khôn ngoan và tài ba hiếm có.
Hồi đó Đức Giám mục địa phận Chichestrê mới tạ thế. Các kinh sĩ vận động xin vua Henricô chọn một người trong đoàn Kinh sĩ lên chức Giám mục. Ngược lại với ý định của nhà vua, Đức Tổng Giám mục thành Cantôbêry không chấp thuận việc kén chọn đó. Ngài truyền chức Giám mục cho Linh mục Risa và đặt làm giám mục địa phần Chichestrệ Được tin đó, nhà vua rất căm giận. Vua nhất định ngăn cản không cho Đức Giám mục Risa và đoàn tùy tùng về địa phận.
Mặc dầu gặp bao cản trở khó khăn, Đức Giám mục vẫn cương quyết thi hành sứ mệnh. Nhưng theo lời khuyên của nhiều vị Giám mục, ngài phải lên đường qua Rôma để trình bày sự thể với Đức Giáo Hoàng Innôcentê IV. Nhà vua cũng cử một phái đoàn sang Toà Thánh vận động truất phế Đức Giám mục Risa.
Ngài trở về địa phận với bức thư của Đức Thánh Cha gửi vua Henricô. Nhưng nhà vua vẫn cố chấp, ương ngạnh không chịu phục quyền Toà thánh. Vua truyền tịch thu hết tài sản địa phận, đồng thời nghiêm cấm không được ai bén mảng tới thăm nom hoặc giúp đỡ vị tân Giám mục. Đức tân Giám mục phải thuê một căn nhà nhỏ để trú thân. Ngài sống bằng những mẩu bánh mì thừa của những gia đình lân cận. Mặc dù gặp bao cản trở hầu như không thể vượt qua, Đức Giám mục Risa cũng không hề sao nhãng việc trông nom, săn sóc đoàn chiên của ngài, tuy rằng hoàn cảnh không cho phép ngài được tự do thi hành chức vụ. Nhận thấy nếu cứ để tình trạng đó kéo dài sẽ gây thiệt hại cho giáo hữu, Đức cha Risa đã nhiều lần đích thân tới yết kiến vua Henricô để xin nhà vua trả lại các tài sản của Giáo hội. Nhà vua không những không cho còn chửi mắng ngài rất thậm tệ.
Thái độ cố chấp của vua Henricô buộc lòng Đức Giám mục một lần nữa phải cầu cứu với Toà thánh. Cảm thương tình cảnh khốn khổ của vị Tân Giám mục, Đức Thánh Cha cử hai vị Giám mục lão thành tới yêu cầu vua Henricô trả lại tài sản cho Đức Giám mục Risa.
Được tự do trở về địa phận, Đức cha Risa đem hết năng lực phục vụ giáo dân. Ngài sống một đời sống thánh thiện gương mẫu, và giầu lòng bác ái với mọi người, nhất là với những người nghèo khổ, đau ốm. Ngày ngày Đức Giám mục đi thăm viếng các bệnh nhân cùng những người nghèo túng. Ngài thăm viếng từng người một và đồng thời cũng giúp đỡ họ về vật chất. Không bao lâu tài chính của địa phận bị hao hụt đến gần hết. Lần kia, em ngài làm quản lý địa phận, tới xin ngài đừng phân phát tiền của cho người nghèo khó nữa, vì ngân quỹ địa phận không đủ cung cấp cho một số người nghèo lớn lao như thế. Nhưng Đức Giám mục bình tĩnh trả lời: "Em thân ái, hằng ngày chúng ta dùng đĩa vàng, bát ngọc để ăn uống. Lẽ nào chúng ta nỡ để Chúa Giêsu đau khổ phải thiếu thốn đến thế sao! Không được, em ạ, ta phải bán tất cả, bán cả con ngựa anh đang dùng để lấy tiền nuôi những người nghèo khó của Chúa Giêsu". Đôi khi chính ngài còn đích thân đi chôn xác những người quá cố.
Trong đời Giám mục của ngài, ngài còn xây nhiều viện dưỡng lão cho những người già lão, tật nguyền có chỗ nương thân. Để thưởng công đức bác ái phi thường của thánh nhân, Thiên Chúa đã ban phép cho ngài được làm nhiều phép lạ. Lần kia, có chừng ba ngàn người nghèo tụ tập trước nhà thánh nhân để xin bố thí. Rủi thay, hôm đó lại hết bánh, chỉ còn một chiếc bánh độc nhất. Thánh nhân cầm lấy bánh, làm phép rồi phân phát cho dân chúng. Với một chiếc bánh, ba ngàn người ăn no, lại còn thừa để cho một trăm người khác.
Đối với những người nghèo khổ, tật nguyền, Đức Giám mục hết lòng khoan hồng, thương mến, nhưng trái lại đối với những người tội lỗi, ngài xử nghiêm khắc. Đặc biệt đối với hàng giáo sĩ, nếu chẳng may có vị nào sa ngã phạm tội, Đức Giám mục Risa thẳng tay trừng trị bằng cách tước đoạt hết mọi đặc ân thuộc hàng giáo sĩ. Ngài đặc biệt quý mến những người có lòng đạo đức. Ngài thường ban lời khích lệ và khuyên bảo, dẫn dắt họ trên đường trọn lành. Đức Giám mục hết sức lưu tâm đến việc giáo huấn đoàn chiên của ngài. Ngài dọn bài giảng rất cẩn thận. Thường thường chủ nhật nào ngài cũng giảng cho bổn đạo.
Thời đó, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu tham gia đạo binh Thánh giá để giải phóng Đất thánh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, Đức cha Risa đi khắp nước Anh kêu gọi giáo hữu tham gia công cuộc tông đồ cao quý đó. Tới Douvres, một hải cảng danh tiếng vào bậc nhất nước Anh, Đức cha Risa bị sốt nặng. Thánh nhân linh cảm thấy ngày khải hoàn về trời đã tới gần, ngài ôm cây thánh giá vào ngực, kính cẩn hôn năm dấu đanh, miệng còn lâm râm lời nguyện: "Lạy Chúa, con xin phó linh hồn con trong tay Chúa". Sau đó, ngài quay về phía tượng Đức Mẹ than thở: "Lạy Mẹ Maria, Mẹ lân tuất, xin Mẹ bênh vực con khỏi tay địch thù và xin đón nhận con trong giờ lâm tử". Rồi ngài êm ái trút hơi thở cuối cùng giữa bao người thân yêu vây quanh giường ngài. Hôm đó nhằm ngày 9 tháng 4 năm 1255, ngài hưởng thọ 56 tuổi.
Xác thánh nhân được đưa về an táng tại nhà thờ chính toà địa phận Chichestrê. Thiên Chúa còn làm nhiều phép lạ trên mộ ngài để thưởng công và làm vinh danh người tôi trung của Chúa.