Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/9/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10: 13-16)

13 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.15 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!16"Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy."

SUY NIỆM 1

Khôrazin, Bethsaiđa và Capharnaum, là những thành  ở ven biển hồ Galilê, đều tương đối giàu có và trình độ văn hóa kháo hơn những thành khác.

Nhưng sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên họ không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiêu lời rao giảng và phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở những nơi đó  hầu như hoàn toàn vô ích. Bởi thế, lẽ ra họ được hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu bảo “khốn cho họ”.

Những kẻ bị chúc dữ trong đoạn Tin Mừng này là những người sống ở các thành phố. Nếp sống văn minh thành phố dễ đẩy người ta xa Chúa: do cám dỗ của vật chất, do tâm hồn quá ồn ào, do ý nghĩ mình thông giỏi…

Dù muốn dù không càng ngày chúng ta càng dấn sâu vào văn minh thành phố. Xin Chúa giúp chúng ta làm thế nào để vẫn giữ được tâm hồn siêu thoát: hướng về siêu nhiên hơn tự nhiên, hướng nội tâm hơn hướng ngoại, trọng tình yêu hơn hưởng thụ, xử dụng tiện nghi vật chất trong tình thần làm chủ hơn là tinh thần nô lệ…

“Ai nghe các con là nghe Thầy, và ai khinh dễ các con là khinh dễ Thầy. Mà ai khinh dễ Thầy là khinh dễ Đấng đã sai Thầy”: Chúa Giêsu đang nói về những sứ giả của Ngài, đem lời Ngài đi rao giảng. Nghe họ tức là nghe Chúa, từ chối họ tức là từ chối Chúa.

Dù tôi là Kitô hữu, là tu sĩ, linh mục, Chúa vẫn còn gởi các sứ giả của Ngài đến với tôi, để khuyên bảo, nhắc nhở tôi. Những người đó có thể là một người bạn của tôi, cấp trên của tôi hoặc cấp dưới của tôi nữa. Nghe họ là nghe Chúa, không nghe họ là không nghe Chúa!

Lời Chúa hôm nay chỉ cho tôi một thái độ sống, đó là sống cho Đức Kitô, sống vì Đức Kitô. Tôi phải sống như thể tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Giêsu sống trong tôi, để bất cứ ai nghe tôi là nghe Chúa, và ai khước từ  tôi là khước từ  Ngài.

Thật là một vinh dự đáng tự hào, một trách nhiệm lớn lao. Ta hãy tự hỏi, trong thực tế tôi đã nghe Lời Chúa để có thể nói lời Ngài chưa? Tôi dám chịu khước từ vì Ngài không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa trong thế giới hôm nay để chúng con nhận ra và sống Lời Chúa  trong những giây phút hiện tại. Amen.



GKGĐ Giáo phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
1. « Khốn cho ngươi… »
Trong các Tin Mừng, một trong những lời gay gắt của Đức Giê-su, là những lời chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay :
  • Đức Giê-su bắt đầu quở trách: « Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din, khốn cho các ngươi hỡi Bết-Sai-Đa ».
  • Vẫn chưa hết, « Còn ngươi hỡi Ca-Phác-na-um…, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ»
Chúng ta đừng để mình bị tê liệt bởi những án phạt nặng nề. Cũng giống như cha mẹ của chúng ta nói những lời rất mạnh, khi chúng ta phạm lỗi nặng, nhưng chỉ là để làm cho chúng sợ, không dám tái phạm và trở nên ngoan hơn.
Hơn nữa, đây không phải là lời nói cuối cùng của Đức Giê-su, nói cách khác, đây không phải là bức thư tối hậu. Lời nói cuối cùng, lời tối hậu của Đức Giê-su là « Lời Thập Giá » (x. 1Cr 1, 18), nói lên tình yêu bao dung, lòng thương xót và ơn tha thứ tuyệt đối của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu và chỉ có tình yêu mới biến đổi con tim của chúng ta thực sự và bền vững mà thôi (có thể đọc lại dụ ngôn « Người Cha nhân hậu », Lc 15, 11-32)
2Nhận ra dấu lạ
Điều quan trọng là ba thành phố này đã làm gì, đã phạm lỗi gì khiến cho Đức Giê-su nổi giận như vậy : đó là không sám hối, khi chứng kiến các dấu lạ Đức Giê-su đã thực hiện. Và trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự từ chối của cả một tập thể: Chorazin, Bethsaida và Capharnaum đã không biết đọc ra các dấu chỉ mà Ngài thực hiện ở giữa họ để hoán cải.
Khi nghe những lời này, ước gì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến cách thức cả Hội Dòng, cộng đoàn và gia đình nhận ra sự hiện diện, hoạt động và lời mời gọi của Chúa ngang qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta. Có thể nói, chúng ta cũng được Chúa ưu ái ban cho các dấu lạ như đã ban cho Chorazin, Bethsaida và Capharnaum. Và Chúng ta cũng được mời gọi nhận ra những dấu lạ Chúa làm cách nhưng không cho mỗi người chúng ta ở trong cuộc đời, để với lòng biết ơn, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự. Nếu không, có lẽ Chúa cũng « nổi giận » !
Trước hết, đó là dấu chỉ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống (thiên nhiên, môi trường sống, dân tộc, xã hội, gia đình, lương thực, tương quan, ý nghĩa cuộc đời, ơn gọi…), và nhất là Đức Giê-su Ki-tô, quà tặng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã ban cho loài người và cho từng người chúng ta. Người là Dấu Lạ của mọi dấu lạ, ơn huệ của mọi ơn huệ. Bởi vì, Người là đường đi, là ánh sáng, là lương thực hằng sống, là tình yêu và lòng thương xót của Thiên dành cho con người. Nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban (x. Ga 4, 10) sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng khát khao được Thiên Chúa dẫn đưa theo chính lộ ngàn đời (x. Tv 139, 23-24).
3. Liên đới trong loan báo và đón nhận Tin Mừng
Khi Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời (x. Lc 10, 1-12), Ngài không nói tới cá nhân, nhưng chỉ nói tới “cấp nhà” và “cấp thành”: vào nhà nào…; vào thành nào… Đó chính là chiều kích liên đới của ơn cứu độ mà Kinh Thánh và Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh; chẳng hạn, trong lời đối thoại của tổ phụ Abraham với Đức Chúa, chúng ta thấy rằng những người công chính có thể cứu được cả một thành đô; và Đức Giêsu nói với ông Giakêu: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9).
Trong thực tế, ơn cứu độ thường được nêu ra và giải đáp chỉ trên bình diện cá nhân: tội ai nấy chịu, công ai nấy hưởng. Điều này đúng, nhưng vẫn còn một sự thật khác: trong Chúa, còn có sự liên đới trong lầm lỗi, trong xét xử và trong cả ơn phúc nữa. Vì thế, đối tượng loan báo Tin Mừng của chúng ta không chỉ là những cá nhân, nhưng còn là và nhất là cả một dân tộc, một xã hội, một thành phố, một làng, một nhà, một cộng đoàn.
Sự liên đới trong sứ mạng loan báo Nước Trời, sự liên đới trong sự đón nhận lời loan báo, đặt nền tảng trên một sự liên đới khác, đó là sự liên đới thần linh:
Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai từ chối anh em là từ chối Thầy; nhưng ai từ chối Thầy là từ chối Đấng đã ai Thầy. (c. 16)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:14

Tin Công Giáo Thế Giới ngày 29.09.2016

Filled under:


Ðức Thánh Cha lo âu
về tình hình thành phố Aleppo

Ðức Thánh Cha lo âu về tình hình thành phố Aleppo.
Vatican (Vat. 28-09-2016) - Ðức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo âu về tình hình tại thành Aleppo bên Siria và kêu gọi bảo vệ các thường dân.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28 tháng 9 năm 2016, Ðức Thánh Cha nói:
"Một lần nữa tôi nghĩ đến nước Siria yêu quí và bị tang thương. Tôi tiếp tục nhận được các tin tức bi thảm về số phận dân chúng tại thành Aleppo, và tôi cảm thấy liên kết với họ trong đau khổ, qua kinh nguyện và sự gần gũi tinh thần. Tôi bày tỏ đau buồn và lo âu sâu xa vì những gì đang xảy ra tại thành phố bị đã tàn phá này, và tôi lập lại với tất cả mọi người lời kêu gọi hãy hết sức dấn thân trong việc bảo vệ các thường dân như một nghĩa vụ bó buộc và cấp thiết. Tôi kêu gọi lương tâm của những người gây ra các cuộc dội bom và pháo kích, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa!".
Aleppo lớn thứ 2 của Siria, từ lâu bị phiến quân chiếm một phần và nay quân đội chính phủ, với sự hỗ trợ của Nga, đang tìm cách tái chiếm. Phiến quân được Mỹ, Arập Sauđi và một số nước Tây Phương ủng hộ.

G. Trần Ðức Anh, OP



Posted By Đỗ Lộc Sơn05:01

Năm khí cụ thiêng liêng để chống với sự nhơ bẩn

Filled under:

Thế giới hiện đại là một mảnh đất đầy mìn!

Áo quần khiêu khích, phản hồi bóng gió, nói đùa thô tục, phim anh tục tĩu, các trang mạng sổ sàng… Thừa mứa các cám dỗ lẳng lơ có thể làm cho những người khá nhất trong chúng ta rơi vào bẫy của tội nhơ bẩn! Thế giới hiện đại là mãnh đất đầy mìn mà mỗi ngã rẽ, mỗi góc đường đều có một quả bom thiếu đạo đức có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Cách đây 100 năm, Đức Mẹ Fatima hiện ra với ba trẻ mục đồng Lucia và hai em họ Francisco và Jacinta. Từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 13 tháng 10 năm 1917 Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần. Ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối có đến 70 000 người chứng kiến cảnh mặt trời nhảy.
Một trong những sứ điệp của Đức Mẹ là sự Cứu rỗi và sự hư mất của nhân loại. Mẹ tuyên bố, rất nhiều linh hồn bị mất trong lửa hỏa ngục vì phạm điều răn thứ 6 và thứ 9, các tội phạm đến đức trinh khiết.
Hiểm nguy này luôn là chuyện thực tế, sau đây là 5 vũ khí thiêng liêng để chống với sự nhơ bẩn:
1. Dùng vũ khí cầu nguyện
Trong vườn Giếtsêmani, Chúa Kitô nhắc cho các tông đồ và toàn thế giới: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26: 41). Thay vì cầu nguyện, các tông đồ lại ngủ nên đã thiếu sót với Chúa.
Thường vì thiếu cầu nguyện nên chúng ta rơi vào tội lỗi, nhất là tội không tinh khiết. Chúng ta cầu xin Chúa hướng dẫn để chúng ta đi trên con đường đức hạnh. Và phải thường xuyên rước lễ: Rước lễ nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, bằng Tâm hồn và bằng Thiên tính của Ngài. Chúng ta nhận trọn vẹn sự tinh tuyền của Thánh Tâm Chúa. Như Thánh Phaolô đã diễn tả một cách cao đẹp, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2: 20). Có cách nào tốt hơn để sống một đời sống tinh tuyền hơn là cầu nguyện và rước lễ thường xuyên không?
2. Không chơi với lửa
Câu ngạn ngữ không lập lờ nước đôi: “Cứ chơi với lửa thì có ngày phỏng tay”. Chúng ta phải đúng lý và cẩn thận. Một ví dụ đơn giản: sau một bữa ăn yêu thương nồng nàn, người con trai mời người con gái về nhà (để cầu nguyện, để lần hạt chẳng hạn). Kính thưa quý vị, xin quý vị cẩn thận! Quý vị rất dễ sa vào chước cám dỗ xác thịt.
3. Chạy trốn tính lười biếng
Ngạn ngữ đã nói “Nhàn rỗi là mẹ của mọi tật xấu”… “Thói lười biếng làm con người ngu mê, kẻ biếng nhác sẽ phải nhịn đói” (Cn 19: 15). Tình trạng chán nản mở cánh cửa cho các cám dỗ đủ loại. Bao nhiêu bạn trẻ xem các trang mạng khiêu dâm vì họ có quá nhiều thì giờ và quá chán! Hãy chạy trốn tính lười biếng và tạo việc để làm (bao nhiêu là việc phải làm!)
4. Đi xưng tội (thường xuyên)
Con người thì không hoàn hảo, ai cũng có những sai lầm. Nhưng đời sống thiêng liêng mời gọi chúng ta cầu nguyện và ăn năn. Chúng ta tập ăn chay và tận hiến hoàn toàn cho Chúa. Các thánh dạy chúng ta bài học này và chúng ta hãy lấy các thánh làm gương! Thánh Phaolô khẳng định: “Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5: 20). Bí tích hòa giải có thể biến đổi tâm hồn chúng ta!
5. Cầu nguyện với Đức Mẹ, gương mẫu của đức hạnh
Được rửa tội, thân thể chúng ta trở nên đền thờ của Thần Khí; được chịu lễ lần đầu, thân thể chúng ta là Nhà Tạm của Thánh Thể. Xin Đức Mẹ, người đầy ân đức và khiêm tốn, xin Mẹ là gương mẫu cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi trên con đường tinh tuyền. Chúng ta xin Mẹ cầu bàu và giúp chúng ta sống theo các Mối Phước Thật mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5: 8). Amen.
fr.aleteia.org
Marta An Nguyễn
 chuyển dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:53

Suy Niệm Phúc Âm CN XXVII-XXVIII TN C

Filled under:

CN XXVII  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 17,5-10)
            (2.Oct.2016)

1. Bài Đọc
            “Lúc đó (1), các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con’. Chúa Giêsu đáp: ‘Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em’.
            “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cầy hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

2. Chú Thích
            (1) Lúc đó: Sau khi Chúa Giêsu giảng dạy cho các môn đệ về việc sửa lỗi anh em.

3. Suy Niệm
            (1) Muốn hiểu rõ câu chuyện này, phải nhớ luật thiên nhiên cũng là luật của Thiên Chúa, thiên nhiên có thể chuẩn bị siêu nhiên, chứ thiên nhiên không phản ngược siêu nhiên. Trên con đường thiên nhiên, càng tin bao nhiêu, càng có sức mạnh bấy nhiêu. Khi còn do dự, ngần ngại, bán tín bán nghi, thì không có sức mạnh. Bất kỳ trong việc gì cũng thế. Nhiều nhà thần học Tây Phương chỉ nói về đức tin siêu nhiên. Nhưng có lẽ phải phân biệt hai loại đức tính, MỘT là nhờ tập quen thì thành đức tính thiên nhiên; HAI là khi có ơn Thiên Chúa mới là siêu nhiên. Tin Thiên Chúa hay tin các mầu nhiệm, có thể đương còn ở trong giai đoạn thiên nhiên, nếu chỉ vì đã tập quen. Nếu còn có sai lầm, thì không thể nói được là đức tin siêu nhiên. Hay là phải phân biệt tín ngưỡng thiên nhiên, như những người dễ tin các điều về tôn giáo, tin rất nhiều và rất mạnh, nhưng có điều sai lầm, không nên tưởng là họ có đức tin theo nghĩa siêu nhiên, nhưng có khi họ làm được hay nhận được những việc lạ lùng. Ở đây, có thể hiểu về cả hai nghĩa này; nhưng phải hiểu Thiên Chúa khuyên nên cố gắng tập cho có lòng tin hay niềm tin thiên nhiên, để được đức tin siêu nhiên. Nếu có cả hai, dù nhỏ mọn, cũng có giá trị và hiệu lực; càng nhiều càng mạnh bao nhiêu, càng có giá trị và hiệu lực bấy nhiêu. Muốn cho các môn đệ là người Do Thái thời ấy hiểu được rõ ràng, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh, dường như quá mạnh, chỉ do ‘Lòng Thương Xót’. Nhưng Chúa Giêsu biết các môn đệ hiểu theo nghĩa bóng, điều kiện thiên nhiên và siêu nhiên, chứ không hiểu theo nghĩa đen tầm thường.

            (2) Cũng như trong câu chuyện người chủ kia, Chúa Giêsu muốn nói theo nghĩa, đừng ai lấy việc bổn phận của mình làm công ơn, đòi hỏi những điều phi lý. Thực ra, Thiên Chúa vẫn biết có người chủ thương chiều tôi tớ, chứ không phải chủ nào cũng quan liêu phong kiến. Mỗi ví dụ nói riêng về một hai ý, có khi không nói về những việc khác. Không biết vì các môn đệ xin thêm đức tin, nên Chúa Giêsu dặn các ngài đừng kể công nghiệp đã theo Chúa Cứu Thế, đã nghe lời Chúa Cứu Thế mà tha thứ cho anh em chăng. Hay là cũng đừng lấy việc tha thứ làm khó, Thiên Chúa phải thêm đức tin, người ta mới thi hành được. Có dịp khác Chúa Giêsu phán về đức tin, các ngài cũng đã xin như thế. Bao giờ Thiên Chúa cũng muốn cho người ta có đức tin, có cho đúng, cho mạnh và cho nhiều; nhưng chính mỗi người phải làm theo bổn phận của mình trong đường thiên nhiên; phải khiêm tốn, suy nghĩ, học hỏi, cầu nguyện, chứ đừng tưởng vì mình đã theo đạo lâu năm, đã làm nhiều việc nào, đã ở vào bậc này hay bậc khác, thì có nhiều công nghiệp với Thiên Chúa, Thiên Chúa phải thêm đức tin cho mình. Nếu mình làm việc đạo chỉ vì hình thức, hay chỉ vì muốn được điều này điều khác cho mình, kể việc đạo như một việc buôn bán với Thiên Chúa, làm công cho Thiên Chúa, chính mình không khiêm tốn, không tập luyện, thì lòng tin vẫn không thêm, thiếu điều kiện thiên nhiên, không chắc được ơn siêu nhiên. Ơn Thiên Chúa vẫn theo luật Thiên Chúa, chỉ do ‘Lòng Thương Xót’, chứ không phải không có một luật lệ nào.

            (3) Làm theo luật lệ hay luật pháp, cũng như làm theo bổn phận, không hẳn là có công nghiệp. Dù một dụng cụ vô tri vô giác, một động vật hữu giác mà vô tri, tùy theo ý chủ, cũng không phải là vô dụng. Nhưng con người phải giữ cho đúng nhân tính, là những khả năng Thiên Chúa đã ban cho mình. Nghĩa là phải thi hành với trí hiểu biết và tình thương yêu, thì công việc của mình mới có giá trị. Vậy ai làm việc bổn phận vì nhận thấy là phần việc của mình nên làm và đáng làm, vì yêu ai nên làm cho người ấy được vui lòng. Việc đó thành công, thì vừa hữu ích, vừa có giá trị. Nếu không thành công, có thể là vô ích, nhưng vẫn có giá trị, vì là việc của con người có lý trí và có tình. Nhưng nếu mình kể công ơn, việc lại mất giá trị, vì chính mình đã kiêu ngạo, ích kỷ; làm vì mình, thì không còn có giá trị đối với chủ hay người này người khác. Người ta có thể sai lầm, Thiên Chúa biết rõ lòng trí của mỗi người. Dù ai có làm được gì chăng, dù có làm vì mến Thiên Chúa và yêu thương người chăng, có đem hết sức lực và tài năng của mình chăng, dù có hiệu quả ích lợi tốt đẹp thế nào, cũng không nên kể công ơn với Thiên Chúa hay với người ta, vì ơn Thiên Chúa ban do ‘Lòng Thương Xót’, và phần mình chưa chắc mình đã làm hết lòng, hết ý và hết sức của mình. Chưa chắc mình đã làm đúng bổn phận của mình. Có khi chưa đáp lại đầy đủ đòi hỏi của Thiên Chúa hay của người ta, nên chính mình không nhận thấy công ơn, lại phải nhận thấy mình vô dụng. Còn một nghĩa khác, là phải có trên phần tối thiểu, không bị bắt buộc, mình tự ý làm, mới có công nghiệp./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy


CN XXVIII  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 17,11-19)
                        (9.Oct.2016)

1. Bài Đọc
            “Trên đường lên Giêrusalem (1), Chúa Giêsu đi qua biên giới hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (2) và kêu lớn tiếng: ‘Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!’. Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với các tư tế’. Đang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
            “Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria (3). Chúa Giêsu mới nói: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?’. Rồi Người nói với anh ta: Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

2. Chú Thích
            (1) Trên đường lên Giêrusalem: Sau khi Chúa Giêsu  giảng dạy về việc phục vụ với tinh thần khiêm tốn. Chúa Giêsu và các môn đệ lên Giêrusalem.
            (2) Dừng lại đằng xa: Theo luật thời đó, những người bị bệnh phong hủi không được gần gũi và tiếp xúc với cộng đồng.
            (3) Samaria: Miền Trung Palestine, thành lập từ đời vua Amri, đến sau vua Hiếtcan tái thiết, chừng hơn 100 năm trước Chúa Giêsu. Tuy dân tộc vẫn là con cháu Israel, nhưng lai giống người ngoại giáo. Vẫn tin độc thần, nhưng chỉ tin bộ Ngũ Kinh của người Do Thái, không tin các sách khác, và có đền thờ riêng ở Caridin, không lên đền thờ Giêrusalem, nên bị người Do Thái ở Giuđê kể như người có tội và ngoại giáo, còn gọi là ngoại bang. Hai bên thù oán khinh bỉ nhau. Có nhà đạo sĩ Do Thái đã bảo: ‘Nước người Samaria còn dơ bẩn hơn huyết lợn!’. Người Samaria phá phách giết hại người Do Thái, có lần họ lấy xương người vứt vào trong đền thánh.

3. Suy Niệm
            (1) Người phong hủi là một người bị bệnh tật rất đau khổ, một loại bệnh nan y không có thuốc chữa, đã từng nghe tiếng Chúa Giêsu hay làm phép lạ cứu giúp. Trong dịp này, có người chưa tin tôn giáo Do Thái, dường như Chúa Giêsu muốn nhắc nhủ với mọi người, có những lúc cần phải đến với người đại diện Thiên Chúa để được ơn của Thiên Chúa, nên bảo mấy người kia đến trình diện với chính tế. Dĩ nhiên, không phải vì Thiên Chúa không thể ban ơn trực tiếp. Nhưng có những lúc vì có điều kiện thế nào, cần cho người ta phải nhớ Thiên Chúa muốn dùng trung gian hữu hình. Ai không biết vì những điều kiện hữu hình hay vô hình thế nào, không rõ tâm trạng người ta làm sao, không nên khinh phiêu hay khinh thị một bên nào. Vẫn hay vô hình, trước là Thiên Chúa và các thánh, sau là ý tưởng và tâm tình của người ta, thì cần hơn hữu hình; nhưng bao lâu còn sống dưới đất này, có nhiều lúc hữu hình, như những ngôn ngữ, cử chỉ vật chất cũng rất cần. Nhưng cần vì theo và giúp vô hình, chứ không phải không có hay phản ngược vô hình. Theo đó, với tinh thần và ý nghĩa tôn giáo cho chính đáng, có những lúc gặp được người đại diện Thiên Chúa, hoặc có thể dùng ngôn ngữ, cử chỉ, hay những thứ vật chất thế nào, theo Giáo Quyền chỉ định, thì mình nên thực hiện. Nếu có lòng khinh phiêu hay khinh thị thì không đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng đừng tưởng chỉ có những người đại diện và những thứ hữu hình là đủ, Thiên Chúa đã giao toàn quyền cho các ngài và các thứ ấy, không có thì người ta không được ơn Thiên Chúa, hay là có thể mất linh hồn. Có ý tưởng như thế là sai lầm, dị đoan, mất lòng Thiên Chúa, Đấng đầy ‘Lòng Thương Xót’.

            (2) Vì thế, khi chỉ có một người kia trở lui chúc tụng Thiên Chúa, tạ ơn Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu khen người ấy và trách chín người kia. Khen vì một người ngoại bang chưa tin tôn giáo như người Do Thái, lại biết ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa trong việc hữu hình và vô hình. Trước đã biết vâng lời Thiên Chúa, ra đi bày tỏ cùng chính tế, sau lại biết phải trở lui, đem ngôn ngữ và cử chỉ của mình để tạ ơn Thiên Chúa. Chín người kia không trở lui, không hẳn là vong ơn; nhưng có khi vì không để ý, hay là tưởng không cần phải có những việc bề ngoài. Thiên Chúa không trách những người bị ngăn trở thế nào, nên không có những việc hữu hình. Nhưng Thiên Chúa trách người có thể thi hành những việc ấy, lại khinh phiêu hay là lười biếng, bỏ qua đi. Hay là Thiên Chúa trách những người không biết phân biệt việc này việc khác, việc gì nên làm trước, việc gì có thể làm sau. Biết đâu trong những người không trở lui để biểu lộ tâm tình chúc tụng và tạ ơn ‘Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’, lại có người theo lời chính tế hay là theo những tục lệ của mình, còn lo làm việc gì khác. Có khi họ ngờ là việc tôn giáo, nhưng họ đã không để ý đến việc tôn giáo trước hết là phải chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa; không có việc gì khác, hữu hình hay vô hình, có thể thay thế những việc này.

            (3) Vẫn hay Thiên Chúa không cần gì cho Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa muốn người ta sống đúng luật của Thiên Chúa về con người. Vì ý tưởng thì hiểu biết phải tỏ lòng nhớ ơn, vì tâm tình thì vui sướng thỏa mãn khi mình tỏ lòng nhớ ơn, và khó chịu bứt rứt lúc mình bỏ qua những việc này. Ai không cảm thấy như thế thì không còn làm người, không bằng cầm thú. Luật Thiên Chúa rất khéo, không những Thiên Chúa đặt những đòi hỏi thiên nhiên như thế trong lý trí và tâm tình người thụ ơn, Thiên Chúa lại đặt cả nơi người thi ơn. Dấu hiển nhiên, là chính những người cao thượng biết không nên đòi hỏi người ta nhớ ơn, nhưng cũng không tránh khỏi đau đớn buồn phiền khi thấy người ta vong ơn phụ bạc, nhất là họ trở lại làm hại mình. Đáng tiếc có lối giáo dục dựa vào những đòi hỏi thiên nhiên đó mà dạy nếu không nhớ ơn thì sẽ bị phạt, người ta không còn giúp đỡ mình. Khiến cho có người tạ ơn với những ý tưởng để cho ân nhân sẽ còn giúp mình nhiều việc khác, thì đâu còn phải là tạ ơn, nhưng chỉ là mua chuộc. Hay là có người thù oán những kẻ không tạ ơn mình, thì mình trở nên người bán việc cho có lời, chứ không phải là người giúp đỡ để thi ân. Cũng đáng tiếc những lối giáo dục tổ chức thế nào, làm cho có những người không còn sống đúng con người, không những dễ dàng phụ phàng ơn nghĩa, lại còn làm hại ân nhân của mình, dù họ chỉ giúp đỡ mình trong việc dễ dàng nhỏ mọn; nếu là việc khó khăn, quan trọng, lâu dài, thì càng quái gở đến thế nào. Như có những người giải thích về khía cạnh làm việc có tiền công, hay là tình cờ, hoặc là bổn phận, rồi tự miễn cho mình lòng nhớ ơn. Không những đối với người ta, không nên giải thích như thế; lại đối với Tạo Hóa, mình càng phải nhận bao nhiêu những thứ mình hưởng thụ, từ sinh đến tử, đều nhờ ‘Lòng Thương Xót’ của Ngài, thì mình càng phải nhớ ơn Ngài. Cũng không nên đổ cho Ngài những thứ đau khổ của mình hay của người khác, để cho chính mình hay người khác không nhớ ơn, lại sinh lòng oán hận Ngài./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:49

5 Phut` cho Lời Chúa 30/9/2916

Filled under:

NHIỆT THÀNH THỜ PHƯỢNG
“Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì … họ đã tỏ lòng sám hối.” (Lc 10,13)
Suy niệm: Ta thường nghĩ rằng đối nghịch với yêu là ghét. Nhưng kỳ thực còn hơn thế nữa; dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm đã là thù ghét, là đối nghịch với yêu rồi. Khi không yêu thích thì người hay vật dù có đó ngay trước mắt ta mà vẫn như không có, chẳng lọt được vào “mắt xanh” của ta. Khi không còn yêu nhau, người ta không còn quan tâm đến sự hiện diện của nhau, không còn nhạy bén với nhu cầu của nhau nữa. Đức Giê-su nói rằng khốn cho các thành ven bờ hồ Ga-li-lê không phải vì họ ghét Chúa, xua đuổi Ngài, mà vì thái độ dửng dưng, thờ ơ với Tin Mừng. Đối với họ, lời rao giảng, phép lạ Ngài làm lôi cuốn thật đấy, kỳ diệu thật đấy, nhưng chẳng chút gì liên quan đến họ. Họ cảm thấy không cần hoán cải, thay đổi đời sống, vì họ không chú ý đến Ngài.
Mời Bạn: “Tôi thích sự điên rồ của lòng nhiệt thành hơn là thái độ dửng dưng của sự khôn ngoan” (A. France). Lòng nhiệt thành yêu mến Chúa thúc đẩy bạn hăng hái, đôi khi hơi điên rồ trong việc thể hiện đức tin hay loan báo Tin Mừng. Trái lại, lối sống thế tục lại xui khiến bạn dửng dưng, thờ ơ với việc chung, nguội lạnh trễ nải trong việc thờ phượng Chúa. Bạn chọn thái độ nào?
Sống Lời Chúa: Khi thức dậy buổi sáng mỗi ngày, tôi sẽ chọn một ý tưởng tích cực trong Tin Mừng làm châm ngôn sống trong ngày ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì đã bao lần thờ ơ, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi qua những trang Tin Mừng, hay lời giảng dạy của các chủ chăn. Xin giúp con nhiệt thành hơn trong việc thờ phượng Chúa, nhiệt tâm hơn trong tình yêu thương nhau. 

THÁNH GIÊRÔNIMÔ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(+ 420)
Thánh Giêrônimô là người có công rất nhiều đối với Giáo hội trong việc sưu tầm, khảo cứu và phiên dịch Kinh thánh. Bản dịch Kinh thánh của ngài quen gọi là bản Phổ thông (Vulgata) cho đến nay vẫn được Giáo hội coi như bản dịch duy nhất và truyền dùng trong khắp cả Giáo hội. Thánh nhân sinh tại Stridon, thuộc xứ Dalmatia trong liên bang Nam tư; tỉnh này bị xoá tên trên bản đồ ngay từ năm 390. Còn về năm sinh của thánh nhân người ta phỏng đoán quãng năm 347, vì khi Hoàng đế Julianô băng hà tháng 6 năm 363 thì Giêrônimô bấy giờ đang theo học lớp văn phạm, nghĩa là lúc đó ngài chưa đầy 16 tuổi.
Cha mẹ thánh nhân là những người đạo gốc, nhưng lại không muốn cho con chịu phép rửa tội sớm. Lớn lên,  Giêrônimô được cha mẹ gửi cho theo học ban văn khoa tại Rôma.
Sẵn khiếu thông minh, lại được học với những giáo sư danh tiếng, Giêrônimô mau trổi vượt chúng bạn và thu lượm được nhiều kết quả! Nhưng chính những kết quả về học vấn, nhất là địa vị khoa tu từ bấy giờ đã làm đà cho người sinh viên tuấn tú xa dần lý tưởng để chạy theo "những sa đoạ" của trần tục! Sau này, thánh nhân đã hối hận rất nhiều vì những tội lỗi ấy! Lý do nào đã giúp người sinh viên kia quay trở về với Chúa. Phải chăng là do sự cảm kích bởi những nghi lễ phụng vụ và những cuộc thăm viếng các nơi thánh như lời ngài đã kể lại sau đây: "Bấy giờ tôi là một sinh viên văn khoa du học tại Rôma; cùng với mấy người bạn, chúng tôi thường viếng mồ các thánh tông đồ và các thánh tử đạo mỗi ngày Chúa nhật.  Chúng tôi thường đi sâu vào tận các hang đào sâu trong lòng đất, nơi đây người ta đặt la liệt những hòm hoặc bình, vại chứa đựng hài cốt. Trong bóng tối âm u và yên lặng của hang, nhiều lần tôi rùng mình kinh sợ nghĩ tới số phận đời đời của tôi …"
Học xong ở Rôma, song thân Giêrônimô bắt ngài đi Trêves làm việc trong triều vua hy vọng sẽ giữ vững những chức cao trọng sau này. Nhưng con người Giêrônimô đã đổi mới! Sau lần đi Pháp về, ngài đến sống ẩn dật tại Aquillê, một miền hẻo lánh không xa tổ quán là mấy. Tại đây ngài sống với cộng đồng linh mục do cha Chromac sáng lập như ngài đã viết: "Các linh mục miền Aquillê hợp thành cơ đoàn chân phúc". Ước vọng sống đời tu hành mỗi lúc một dâng lên mãnh liệt trong lòng Giêrônimô. Vì thế năm 376, ngài bỏ Aquillê lên đường sang Đông phương.
Đến Antiôkia vừa đúng mùa chay, nhưng Giêrônimô lại ngã bệnh. Lần này ngài được hưởng một thị kiến như chính ngài đã kể cho người dẫn đường tên là Êustochium: "Khốn thân tôi, tôi ăn chay thống hối đời tội lỗi quá khứ… Nhưng lại để nhiều giờ đọc các tác phẩm của Cicêrô… Vì thế một hôm, tôi bỗng nhiên ngất đi, rồi thấy mình bị điệu vào toà án… Quan toà hỏi tôi là ai, tôi trả lời: "Tôi là người công giáo". Quan toà không chịu, bảo rằng "Anh nói dối, anh là kẻ "ngốn" sách ông Cicêrô chứ không phải là người công giáo, kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đấy". Thế rồi truyền đánh đòn tôi. Tôi lịm đi dưới roi đòn, và còn bị lương tâm cắn rứt. Không chịu nổi, tôi bắt đầu rên rỉ: "Lạy Ngài xin thương xót tôi". Sau cùng tôi lấy danh dự hứa với quan toà: "Thưa Ngài, tôi sẽ không bao giờ dám đọc những sách trần tục lố lăng nữa…" Nhận lời hứa, quan toà cho tôi về, và từ đó tôi chỉ trung thành đọc các sách đạo đức".
Khỏi bệnh, Giêrônimô trẩy đi sa mạc Chalcis miền nam Antiôkia tập sống đời tu hành nhiệm nhặt. Trong một bản văn còn để lại, thánh nhân kể lại cho chúng ta tất cả những đau khổ cực nhọc, và chán nản mà ngài đã phải chịu!
Sau một thời gian, Giêrônimô cảm thấy nhàm chán đời sống náu ẩn. Dầu vậy trong thư gửi cho ông Hêliôđôrê, ngài đã dùng ngòi bút ca ngợi những diễm phúc của cuộc sống nơi sa mạc: "Ôi sa mạc, nơi đua nở nhiều cành hoa toả hương thơm Chúa Kitộ Ôi! chốn tịch liêu, nơi phát minh những hòn đá xây cất lâu đài Vua Cả! Ôi đất các vị tu hành, nơi tràn đầy sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa… Này bạn, bạn đang làm gì? … Bạn hãy tin tôi, tôi chưa từng hưởng một ánh quang nào huy hoàng và dịu hiền hơn ở đây! Hạnh phúc biết bao đời sống kìm hạ xác thịt và nâng lòng lâng lâng lên Chúa". Nhưng rủi bài ca ngợi đời sống "tịch liêu" này vô tình gây nên nhiều lời tranh luận giữa các tu sĩ, thậm chí có người vịn vào đó để hiểu sai về tín lý Chúa Ba Ngôi. Vì thế thánh Giêrônimô phải làm một bản tuyên xưng đức tin gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô. Kỳ này, thánh nhân bỏ sa mạc, trở về Antiôkia, rồi đến Constantinôpôli. Tại đây ngài được tiếp kiến Đức giám mục Grêgôriô thành Nazian và bắt đầu phiên dịch những bài giảng của ngài về tiên tri Jêrêmia và Ezêchiel. Ngài lại được Đức giám mục gọi chịu chức linh mục. Khi dịch cuốn niên sử (Chronique) của Eusêbiô thành Cêsarê ra La văn, ngài cùng với Đức Paulinô thành Antiôkia và Đức Êpiphan thành Salamin sang Rôma dự công đồng năm 382.
Tại Rôma, thánh Giêrônimô được nhiều người ái mộ! Cảm phục mến tài đức của thánh nhân. Đức Giáo Hoàng Đamasô đã chọn ngài làm bí thư. Huân công đáng kể nhất của thánh nhân, cũng là công việc nặng nề nhất mà Đức Giáo Hoàng muốn trao cho ngài, là nghiên cứu và phiên dịch Thánh kinh. Chính ngài đã nhuận sắc lại bản dịch Tân ước và Ca vịnh. Hơn thế, ngài còn mạnh bạo đả phá những thái độ quá khích, những quan niệm sai lầm của một số các tu sĩ và linh mục bấy giờ về đời sống đạo đức và trọn lành. Ngài chủ trương đề cao đức trinh khiết và phải lấy Kinh thánh làm căn bản cho đời sống tu đức. Công việc làm của ngài đã gây được nhiều kết quả; nhất là Đức Giáo Hoàng nhiệt liệt tín nhiệm ngài. Tuy nhiên cũng có nhiều người thù ghét ngài! Và đó là lý do cốt yếu, khiến ngài bỏ Rôma trở lại Đông phương sau khi Đức Giáo Hoàng Đamasô qua đời năm 385.
Cùng đi với thánh nhân có nhiều đệ tử nam nữ. Trong số những người có thiện chí sống đời tận hiến này, đáng kể hơn cả là chị Paula, thầy Eustochium. Sau khi ghé đảo Chyprô thăm quê thánh Êpiphan, thánh nhân dẫn đoàn con đến Antiôkia rồi tiếp tục đi viếng đất thánh và Ai cập, hai nơi thịnh đạt nhất về các dòng tu. Mùa hè năm 386 thánh nhân tới Palestina, và đây là giai đoạn cuối cùng đời sống thánh Giêrônimô dài chừng 36 năm.
Với vốn kinh nghiệm thu được trong cuộc hành trình, nhất là dưới sự hướng dẫn của thánh Giêrônimô, bà Paula khởi công xây cất hai tu viện tại Bêlem. Một tu viện nam và một tu viện nữ. Cả hai đều đặt dưới quyền coi sóc của thánh Giêrônimô về phương diện tu đức. Và đó là hoạt động nòng cốt của thánh nhân trong những năm cuối đời. Nhờ ơn Chúa, hai dòng phát triển mau lẹ, năm 416, người ta còn xây thêm một lữ quán nhằm mục đích tiếp đón những khách hành hương. Nhưng công việc tốt đẹp này không khỏi vấp phải trở lực. Ngoài sự không am hợp khí hậu, chật vật về kinh tế, còn có sự cạnh tranh đáng tiếc với các tu viện khác!
Kỳ này, ngoài công việc hướng dẫn tu đức cho hai tu viện, thánh Giêrônimô còn cố gắng dịch nhiều quyển trong bộ Thánh kinh. Ngài dịch theo bản Hy lạp hay Do thái. Ngoài ra ngài còn cho xuất bản cuốn "Những thắc mắc của người Do thái về cuốn Sáng thế ký". Cuốn từ điển các danh từ riêng Êusêbiô thành Cêsarê và bản kê các nhà văn công giáo từ Simon Phêrô cho đến ngài, sự nghiệp văn chương của thánh nhân rất đáng kể! Sau cùng, năm 393, ngài lại phải đương đầu với một tu sĩ phái Jôvênianô về vấn đề đức trinh khiết và với ông Ôrigênê về những luận án sai lầm tín lý và tinh thần Phúc âm! Và đó là lý do khiến dòng tu thánh nhân phải chịu nhiều thảm cảnh. Tuy nhiên thánh nhân vẫn hãnh diện khi viết: "Về phương diện vật chất, gia đình chúng tôi đã bị quân lạc giáo phá huỷ hoàn toàn. Nhưng Chúa Kitô vẫn ở với chúng tôi, và như thế, gia đình chúng tôi tràn đầy của thiêng liêng. Đối với chúng tôi, thà ăn bánh khô còn hơn mất đức tin".
Thêm vào công việc nặng nề và những nỗi phiền muộn trên, thánh Giêrônimô còn chịu hai lần tang; bà Paula chết năm 404 và Eustochium qua đời năm 418. Vì thế ngài lâm bệnh, đau đớn nhìn sự sụp đổ của tu viện trước sự tranh chấp và ganh tị của các tu viện khác! Hơn thế, hoàn cảnh suy đồi của đế quốc Rôma mỗi ngày một nặng nề càng làm cho thánh nhân phải lo nghĩ hơn! Và phải chăng, cảnh hỗn loạn khi quân Hung nô ồ ạt kéo vào xâm chiếm Palestina và phá hủy nhà dòng Bêlem đã khiến chúng ta không biết gì về ngày sau hết của thánh nhân! Theo cuốn niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420; ngài hưởng thọ 92 tuổi.
Mặc dầu qua đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô cả, thánh Âutinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây phương.
Lòng sùng kính thánh Giêrônimô lại dâng lên rất mạnh từ khi phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh được phát động năm 1933, dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Nhắc đến huân công và thiên tài dịch bộ Kinh thánh của ngài, người ta đã viết rằng: "Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc nhân loại" (M.J. Lagrange).

Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù

Bà Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau:
Martin ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại.
Khi anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại.
Với một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới.
Lời kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập giá...
Vào tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
"Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻvui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi ngườõ. Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi người.
Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:45

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

"Việc thử nghiệm cho Rước Lễ bằng Tay đã đưa đến Thảm Họa.. ."

Filled under:

Cha Benedict Groeschel, C.F.R (Sinh 23/7/33 - Tử 3/10/14) là một linh mục quen thuộc với nhiều người Công Giáo tại Hoa kỳ cũng như trên thế giới.  Cha là một trong những vị đồng sáng lập ra Hội Dòng Tu Sĩ Phanxico Tái Tân (The Franciscan Friars of the Renewal), cũng như là một bậc thầy tĩnh tâm và là tác giả của nhiều tập sách, hầu hết Cha Benedict Groeschel được biết đến qua các chương trình trường kỳ trực tiếp truyền hình hằng đêm Chúa Nhật tại đài truyền hình Công Giáo EWTN của Mẹ Angelica (Mẹ Angelica mới qua đời cách đây không lâu).  Có thể những điều cha nhận xét coi bộ cũng không được rõ lắm việc thực hành rước lễ bằng tay hiện thời.  Xin coi khúc phim Cha Groeschel nhận xét sau đây:


 
Vậy những ai muốn cố gắng để có được một buổi lễ cung kính hơn, họ là bạn của tôi. Và tôi cũng muốn nói rất rõ ràng là tôi gẫm việc thử nghiệm cho rước lễ bằng tay đã đưa đến thảm họa. Thử nghiệm chỉ là cho làm thử, và sự thử làm (thử cho rước lễ kiểu) này đã thất bại - không hữu hiệu .”
Đang khi Giáo Hội cho phép giáo hữu được rước lễ bằng tay, thì quy chuẩn chung (universal norm) vẫn là phải rước lễ bằng lưỡi. Tất nhiên, việc rước lễ bằng tay chỉ là một Kiểu chọn Tầm Thường trong Thánh Lễ; cả hai Thánh Lễ Latin Truyền Thống, cũng như các nghi lễ phụng vụ đông phương, đều không cho phép điều đó.
Phụng vụ bất kính trong nhiều thập kỷ đã thiệt hại vô cùng đến đức tin.  Đức Giám Mục (ĐGM)  Athanasius Schneider, cũng gióng tiếng nhận xét tương tự như cha Groeschel đã nói, ĐGM nói rằng, “cái gọi là tân thời, mới mẻ, thói quen rước lễ trực tiếp bằng tay rất đáng sợ vì nó hạ đặt Chúa Kitô vào hạng đại tầm thường .”
Phương thuốc cấp tốc để chữa bệnh thử nghiệm sai lầm này thiệt đơn giản cho nhiều giáo hữu là hãy chọn rước lễ bằng lưỡi. Khi càng nhiều người tôn kính Thánh Thể Chúa quay về thực hành việc rước lễ truyền thống, chúng ta hy vọng sẽ có thêm nhiều linh mục, giám mục được dũng khí mạnh dạn hơn để lên tiếng bảo vệ Bí Tích Thánh Thể.
[Kẻ dịch này từng chứng kiến các vị "thừa sai cho rước lễ": 
có ông mặc quần đùi áo thun đi giày thể thao, có bà đi đôi dép hai quai lẹp bẹp - quần như chó táp cộc lốc đến đầu gối -áo hai giây hở hang hay mặc váy quá ngắn -móng tay dài thoòng ..., có cô cụ cho rước lễ xong vừa đi vừa thò tay vào Chén Thánh còn dư đếm đếm như đếm bánh quy "cookies" ..., còn có cả cô cụ mang giầy/guốc cao gót chắc đi đứng lâu mỏi chân nên trật chân làm đổ oạc Mình Thánh tung tóe xuống đất,  còn có cụ chú thì làm đổ oạc Máu Thánh Chúa ra rồi người khác chỉ lấy giấy lau tay thường lau đi, trong khi nền chưa khô thì đã đứng lên ngay chỗ đó tiếp, (xin các cụ cô và các cụ chú  thừa sai nào quá lão niên rồi, xin an phận ngồi thưởng thức Mình Thánh Chúa cầu nguyện ..., đừng lãnh việc cho rước lễ nữa, phòng ngừa truyện bất trắc xúc phạm đến Thánh Thể), và vì Mình Thánh Chúa không có đĩa hứng nên tôi thấy bị rớt xuống đất hoài, rồi bà con cô bác cứ thế thản nhiên đi tới đi lui qua lại ngay chỗ rớt Mình Thánh coi như chẳng có chuyện gì xảy ra ...ôi, Mảnh Vụn Mình Thánh Chúa?  Có cụ chú lúc cho rước lễ thì cứ bốc Mình Thánh rất nhanh bỏ vào tay giáo dân như phát kẹo kiểu cho mau, chẳng chịu giơ Mình Thánh lên tuyên xưng, "Mình Thánh Chúa Kitô", để giáo dân thưa "Amen" đặng rước lấy.  
Người Việt đa số còn ý tứ ăn mặc lịch sự đàng hoàng và cẩn thận hơn, nhưng cũng có lần ở dưới góc cuối nhà thờ nghe một cụ chú  trách bà trưởng khối thừa sai cho rước lễ là, "sao cả tháng rồi tôi chưa được cho rước lễ" ??? 
Thừa sai như đã nói trên cũng góp phần hạ Chúa Kitô xuống hạng quá xá tầm thường thêm luôn. Ơi là "những điều trông thấy mà đau đớn lòng", Đức tin vì đấy suy vong.
Ngoài đề lang thang một chút:  tôi còn nhớ khoảng thời gian năm 80-84, lúc tôi xưng tội rước lễ lần đầu và chịu Phép Thêm Sức. Gian cung thánh nhà thờ xứ tôi vẫn còn trang trọng, và có hai cái bao lơn bàn quỳ bằng đá xanh nước biển rất đẹp, chân bao lơn hình tròn, bàn hình vuông kéo dài thành bao lơn (như thể tượng trưng cho trời và đất), các sơ luôn trải áo khăn bao lơn thơm tho trắng tinh, trông rất sang trọng đẹp đẽ, và mỗi khi lễ xong, các sơ lột áo khăn bàn bao lơn mang đi giặt.  Nhưng tiếc rằng, mấy năm sau cha xứ bứng đi, không còn bàn quỳ, giáo dân phải đứng xếp hàng rước lễ ...không còn được quỳ rước lễ bằng lưỡi nữa, cha sửa gian cung thánh lại hết, làm lại Nhà Tạm, rồi gắn thêm hai con rồng rất to chầu hai bên thấy gớm, tôi rất sợ nhìn lên nhà tạm để khỏi thấy hai con rồng này. Sau này, gia đình tôi đi chỗ khác ở rồi đi Mỹ, cha xứ sang Mỹ gây quỹ vì nhu cầu mục vụ cần thiết của giáo xứ, đập nốt nhà thờ cũ vẫn còn rất đẹp để xây nhà thờ mới, tôi thấy tiếc.  Nhà thờ cũ do cha quá cố trước đó sau khi dắt dân di cư 54 về đấy lập nghiệp rồi xây nên.  Nhà thờ mới bị giáo dân than là xây theo theo kiểu mỹ (chống lạnh), trong khi vn thì nóng như đổ lửa, không thoáng đẹp như nhà thờ cũ, nó nóng ngộp và bí muốn chết được. Bây giờ cha già đã về hưu, thay cha xứ mới về, nghe đâu cha xứ mới đã có dự định và đang đi quyên góp để đục tường ra làm thêm cửa thoáng gió gì đấy, không biết tới giờ ra sao.
PS: Giáo Hội hoàn vũ thời nay, hầu hết các giáo xứ đều cho rước lễ dưới hai hình bằng tay và bằng miệng, và hiếm có nhà thờ nào vẫn còn bàn quỳ rước lễ.  Vậy chúng ta đi nhà thờ nào thì tùy cơ ứng biến theo cha quản nhiệm ở xứ đó, nếu ngài không đồng ý cho rước lễ bằng lưỡi, chúng ta cứ kính cẩn rước lễ bằng tay, xin đừng quên lấy ngón tay chấm những mảnh vụn Mình Thánh rơi rớt trên lòng bàn tay rồi rước vào miệng, tuy có người buồn, nhưng xin cứ y lệnh theo, đừng cố chấp không chịu đưa tay ra rước lễ hay chống đối chỉ trích. Chẳng hạn như vào mùa cúm, tôi thấy có người cứ giùng giằng cố chấp không chịu đưa tay ra rước lễ, và cha cho rước lễ cũng cương quyết nhất định không cho rước lễ, cho tới khi buộc họ phải chịu đưa tay ra thì mới cho rước lễ, xin đừng làm vậy.] 
Sóng Biển

Ngay 27/9/2016

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:55

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XXVII Thường niên năm C

Filled under:

PHÚC ÂM: Lc 17, 5-10

"Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải".

 Suy niệm
Các môn đệ xin Chúa Giêsu: “Xin thêm lòng tin cho chúng con”. Lời nài xin này hàm chứa ý thức về lòng tin yếu kém và ước muốn gia tăng niềm tin. Câu trả lời của Chúa Giêsu lại không hoàn toàn ăn nhập với câu hỏi. Đưa ra hình ảnh hạt cải, Ngài mời gọi các môn đệ hãy tìm cách phát triển tiềm năng của niềm tin vốn có nơi họ. Đức tin không đo lường với độ lớn của một cây lớn hay một ngọn núi không thể dịch chuyển. Đức tin sẽ phát sinh sức mạnh vô biên vì tin là phó thác hoàn toàn và tin tưởng vào Đấng toàn năng đã trao ban mạng sống vì chúng ta.
Dụ ngôn kế tiếp là lời mời gọi các môn đệ sống khiêm tốn: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Cũng thế, mọi người đều là thụ tạo do tay Chúa dựng nên, vì thế, khi chúng ta làm tất cả những gì phải làm, chúng ta không thể huênh hoang hay đặt điều kiện với Thiên Chúa.
 
Sứ điệp
Cái cây hay ngọn núi không thể lay chuyển ngoài thiên nhiên ấy, lại có thể có ngay chính trong lòng bạn. Đó chính là những thứ cản trở tương quan giữa bạn và Thiên Chúa, như sự gắn bó quá mức với tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, thú vui chơi, công việc… khiến chúng ta gặp không ít khó khăn trong đời sống thiêng liêng.
Nhưng Chúa Giêsu nói: chỉ cần đức tin bằng hạt cải thôi thì cũng đã có thể dời cái cây hay ngọn núi ấy đi. Chúng ta phải làm gì để hạt mầm đức tin mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng ta được lớn lên? Chúa Giêsu đưa ra lời khuyên cho chúng ta qua dụ ngôn: đó là tinh thần phục vụ trong khiêm tốn: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. 
Nguồn: Tin Mừng Chúa nhật số 11 (tháng 10.2016)


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:40