Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 6-7-2016

Filled under:

HỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN



 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10: 1-7)
 
1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;3ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông đồ không phải để trở thành cộng sự viên, nhưng là  để trở thành những “đồng sự”, hay là những người “kế thừa”. Bởi kẻ cộng sự chỉ là người cộng tác, và hầu như không bị ràng buộc trách nhiệm vào công việc, bởi nhiều khi người cộng sự chỉ thi hành công việc như người giúp việc. Chúa không cần người giúp việc và Chúa càng không cần người cộng sự trong việc loan báo Tin Mừng, thực thi lòng thương xót của Chúa.

Thật vậy, lòng thương xót của Chúa không là một thuộc tính được thêm vào bản tính Thiên Chúa, nhưng đó là cốt lõi thuộc nội tại của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, là bản chất thuộc bản tính Thiên Chúa, bởi Ngài là tình yêu. Vì thế, khi tỏ bày lòng thương xót đối với nhân loại, Chúa đã không cậy nhờ đến bất cứ một “cộng sự viên” nào. Trong Cựu ước Chúa nhờ đến các ngôn sứ, các tư tế không phải để “tỏ bày” lòng thương xót, nhưng là “loan báo” lòng thương xót. Bởi “người cộng sự” không thể nào diễn đạt cho đúng về lòng thương xót của  Chúa, vì đièu đó thuộc về bản chất, nằm trong”máu thịt” của Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể tỏ bày cách chính xác về chính Chúa, bởi đó Chúa đã đích thân đi vào trần gian, qua việc nhạp thể của Ngôi Hai, và chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, làDung mạo lòng thương xót của Chúa Cha, “mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh” (Tông thư Dung Mạo lòng thương xót của Chúa).

Vì thế, việc Chúa chọn 12 Tông đồ  không nhằm biến các ông trở thành cộng sự viên loan báo về lòng thương xót, nhưng là những “đồng sự” tỏ bày lòng thương xót. ‘Đồng sự” là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là “tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi”. Trở nên “đồng sự” với Chúa để những nhịp đập yêu thương của Chúa cũng là nhịp đập trái tim của nhưng “đồng sự”, để lòng xót thương của các “đồng sự” cũng trở nên giống lòng xót thương của Chúa. Việc Chúa chọn  12 tông đồ là thế đó, bởi chỉ có thể trở thành “đồng sự” các tông đồ mới có thể tiếp tục công việc tỏ bày lòng thương xót của Chúa từ đời này qua đời nọ một cách sống động và cụ thể, chỉ có là “đồng sự” các tông đồ mới sống chết cho sứ vụ loan báo về tình yêu thương của Thiên Chúa.

Là ngừoi Kitô hữu, qua bí tích Rủa tội, Thêm sức và Thánh Thể, chúng ta cũng được Cháu mời gọi để trở thành tông đồ, tức là trở thành đồng sự của Chúa trong công việc loan báo Tin Mừng, loan báo về lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Là “đồng sự”, chúng ta loan báo không như người chỉ đường, nhưng là chúng ta nói tỏ bày về một thực tại mà chúng ta đang cảm nghiệm và đang sống về thực tại đó. Hay nói cách khác chúng ta không nói về tình yêu Chúa như một người truyền giảng kiến thức, nhưng là một chứng nhân bằng chính cuộc sống của chúng ta, một chứng nhân ôm ấp trái tim đầy lòng thương xót.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn các tông đồ để sứ Tin Mừng yêu thương luôn được loan báo, xin cho chúng con cũng tiếp bước các tông đồ để đời chúng con thực sự là chứng nhân của Chúa, một vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Ơn gọi và sứ mạng phục vụ sự sống(Mt 10, 1-7)

1. Ơn gọi
Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi ; và mọi ơn gọi đều khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.
a. Đức Giê-su kêu gọi
« Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời tu như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời tu của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong. Và chúng ta cũng được mời gọi hiểu như vậy về ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình.
« Khi ấy », nhưng khi ấy là khi nào ? Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời :
Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.
(Ga 1, 15)
Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.
(Eph 1, 4)
Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống đời dâng hiến.
b. Ngài gọi đích danh
Con số được gọi là Mười Hai. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.
Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi là gì rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.
c. Cho sứ vụ
“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (9, 36-38) Ngài gọi các tông đồ, Ngài gọi chúng ta chính là để cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và phục vụ cho sự sống của đám đông.
Nhưng chính chúng ta đã là và luôn luôn là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Kinh nghiệm này thúc đẩy chúng ta biết chạnh lòng thương như Thánh Tâm Chúa. Chúng ta có thể tự hỏi, ngày nay, những ai là “đám đông” như thế, là đối tượng mà Đức Giê-su chạnh lòng thương?
2. Ra đi
Sứ mạng Chúa muốn trao cho các Tông Đồ khi kêu gọi các ngài, là sứ mạng phục vụ cho sự sống, như chính Đức Giê-su đã thực hiện, và sẽ còn thực hiện “cho đến cùng”. Bởi vì sự sống của con người vừa bị lầm than bởi bệnh hoạn tật nguyền đủ loại và có thể xẩy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, vừa bị chi phối nặng nề bởi ma quỉ. Ngày nay, thế giới càng hiện đại, ma quỉ càng có nơi ẩn náu kín đáo và phương tiện tinh vi để gieo rắc bầu khí chết chóc vào trong lòng người và trong mối tương quan giữa người với người. Vì thế, trong lời trao sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng trừ quỉ được đưa lên hàng đầu:
Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Và bài Tin Mừng kết thúc với chỉ chị phải rao giảng “Nước Trời đã đến gần”. Như thế, dấu chỉ phục vụ cho sự sống gắn liền với mầu nhiệm Nước Trời đang đến. Bởi vì, Nước Trời là Nước của Thiên Chúa hằng sống, là “Đất của những người sống”, Đất của Sự Sống.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng liêng hay qua các trung gian. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.
3. Ở lại
Nhưng trước khi được Đức Giê-su sai đi, các môn được mời gọi “ở lại” với Người, như thánh sử Mác-cô làm rõ chiều kích thiết yếu này của đời sống người môn đệ, khi kể lại ơn gọi của các Tông Đồ: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 14). Ở lại với Đức Giê-su và sau đó, được Ngài sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống chúng ta, đó là cầu nguyện và hoạt động. Hai chiều kích này đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của chúng ta (cầu nguyện hằng ngày), trong tháng sống (tĩnh tâm tháng), trong năm sống (tĩnh tâm năm) hay trong một giai đoạn huấn luyện hay hành trình ơn gọi đặc biệt.
Chúng ta vẫn sống hai chiều kích này mỗi ngày, hay nói đúng hơn, hai chiều kích này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là những điều Chúa muốn, và rằng đó là những điều làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, vì đời sống của Chúa cũng được dệt nên bởi hai chiều kích này: “Khi ấy, Đức Giê-su lên núi”; và Ngài lên núi chính là để cầu nguyện, như lời tường thuật của thánh Luca: “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6, 12).

* * *
Nhưng với hình ảnh cây nho và cành nho, chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su mọi nơi mọi lúc, để có thể sinh hoa kết quả dồi dào cho vinh danh Chúa:
Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy
(Ga 15, 9)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc