Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Filled under:

AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI 
 
TIN MỪNG Lc 10: 25-37

 
Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai thái độ giữ luật:
 

– Một là của thầy Tư Tế và thầy Lêvi, tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước.

 
Theo họ, trong lề luật, không có khoản nào qui định cụ thể phải cứu giúp người trong hoàn cảnh như thế này cả. Trái lại, có những khoản qui định cụ thể về luật ô uế: «Tư Tế thì không được đến gần người chết, và không được làm cho mình ra ô uế, dù vì cha hay vì mẹ mình» (Lv 21,11).
 
Như vậy, nếu mình không cứu người ấy thì mình chẳng lỗi luật, còn nếu đụng đến người ấy mà lỡ người ấy chết trên tay mình, thì mình ra ô uế, không được tế lễ hay ăn bánh thánh.
 
Thái độ lãnh đạm của họ đối với người bị nạn quả là có lý vì họ nghĩ: điều quan trọng là làm theo Lề Luật, chứ không phải là làm theo sự đòi hỏi của tình yêu.
 

– Thái độ thứ hai là của người Samari, tượng trưng cho những người không sống theo Lề Luật:

 
Theo họ, những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Do đó, thấy người bị nạn thì người Samari tốt lành này động lòng thương, lương tâm và tình thương đồng loại đã thúc đẩy anh ta cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn, bất chấp nạn nhân là người Do Thái, thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc anh.[1]
 
Giờ đây chúng ta cùng nhau đọc lại dụ ngôn người Samari nhân hậu, xuyên qua hai thái độ giữ luật trên:
 
Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng. thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh. Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường. Một lát sau, có một thầy Trợ Tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy Trợ Tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia...
 
Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, vì hạng người này xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo! Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số. Có thể giờ này vợ con ông ta đang nóng lòng mong đợi ở nhà, có thể bọn cướp còn đang lai vãng đâu đây lại xông ra để cướp, để giết hại ông như chúng đã gây ra cho người xấu số, lại phải mất công, bỏ việc vì nạn nhân nầy... nhưng thôi, đành phó mặc... Thương người như thể thương thân, phải tìm cách cứu sống anh ta trước đã. Thế là người Samari vội mở hành trang lấy cồn, lấy rượu rửa sạch vết thương, băng bó những vết thương còn rỉ máu, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay ngược đường trở về quán trọ. Đến nơi, ông ta lo liệu cơm nước thuốc men, săn sóc nạn nhân như cho người thân yêu của mình.
 
Sáng hôm sau, vì công việc khẩn trương, ông phải vội lên đường. Nhưng trước khi ra đi, ông ta dốc hết túi tiền, trao cho chủ quán với lời căn dặn: "Xin ông vui lòng chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, nếu còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông".[2]
 
Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi nhà thông luật, ai trong ba người là người anh em của người bị rơi vào tay kẻ cướp?
 
Người thông luật trả lời: Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy.
 
Và Chúa Giêsu bảo ông và giờ đây Chúa Giêsu cũng nói với từng người một trong chúng ta đang hiện diện nơi đây: Con hãy đi và làm như vậy.
 
Lm. Giuse Đỗ Văn Thuỵ TSVN

NGƯỜI SAMARI TỐT LÀNH

Tin Mừng Lc 10: 25-37


DẪN NHẬP VÀ SÁM HỐI

            Ngày hôm nay chúng ta lại nghe dụ ngôn cao cả của Người Samari tốt lành. Trong dụ ngôn này. Đức Giê-su nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn chúng ta săn sóc lẫn nhau. Thầy tư tế và thầy Lê vi bị kết án bởi một tội, không phải đã phạm mà là do không làm, họ từ chối giúp đỡ một người đã bị đánh nhừ tử. Những tội do thiếu sót là những tội trầm trọng nhất của chúng ta, tuy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng nghĩ chúng là tội (Nghỉ)

            Đức Giê-su là người Samari tốt lành. Người băng bó những viết thương của chúng ta. Lạy Chúa Giê-su, Chúa thương xót chúng con khi chúng con buồn rầu và đau khổ. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

            Chúa chữa lành những vết thương của tội lỗi và chia rẻ trong chúng con. Lạy Đức Ki-tô, xin thương xót chúng con.

            Chúa đưa chúng con đến quán trọ của sự sống đời đời. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
 
ĐỀ TÀI CÁC BÀI ĐỌC

            Bài đọc 1( Đnl 30 : 10-14) Ông Mô-sê thuyết phục dân tuân theo luật Thiên Chúa, không phải như một điều được áp đặt từ bên ngoài cho họ, nhưng như điều tuôn trào từ nội tâm của họ.

            Bài đọc 2 ( Cl 1: 15-37) Thánh Phao-lô khẳng định quyền tối thượng của Đức Ki-tô.

            Tin Mừng ( Lc 10: 25-37) Dụ ngôn bất tử của người Samari tốt lành.
 
CHÚ THÍCH THÁNH KINH

            Bài đọc 1 là phần diễn từ lúc ông Mô-sê tạm biệt dân Do Thái. Ông khuyên họ nên quyết tâm theo Chúa bằng việc tuân theo các giới răn của Người. Rõ ràng là trong khi họ coi các giới răn ấy ở bên ngoài họ thì giờ đây chúng được trình bày như xuất phát từ bên trong nội tâm của họ. chúng được ghi chép vào lòng họ, và do đó không xa lạ đối với họ và bên trên sức họ.  Đức Giê-su giản lược các giới răn còn lại hai giới răn ( Tin Mừng).

            Câu hỏi của Người thông luật là muốn làm cho Đức Giê-su bối rối. Nhưng Đức Giê-su rõ ràng trả trách nhiệm lại cho người thông luật. Vì thế người thông luật phải cố gắng thêm một lần nữa: ông phải tự phán đoán để biết giới răn “yêu thương người thân cận”được áp dụng cho ai. Cơ bản, điều Đức Giê-su nói với ông ta là; người thân cận của chúng ta là bất cứ ai không phân biệt giai cấp, màu da chủng tộc hoặc tin ngưỡng, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.
 
BÀI GIẢNG 1

Con đường từ Giê-ru-sa-len xuống Giê-ri-khô

            “Một người kia từ Giê-ru-sa-len xuống Giê-ri-khô…”

            Đức Giê-su không dán một nhãn hiệu tôn giáo và xã hội nào cho người ấy, dù người ta có lý khi cho rằng người ấy là một người Do Thái. Ông ta là người tốt hay người xấu? Ông ta là người quan trọng hay tầm thường? Những câu hỏi ấy không có lời giải đáp. Ông ta là một con Người. Đó mới là điều quan trọng.

            “Dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp…”

            Những kẻ tàn ác, nhẫn tâm, xâu xé một kẻ yếu đuối. Đức Giê-su đã sống trong một thế giới thực tại. Người biết có những người như thế. Chúng ta cũng biết về họ.

            “có một thầy tư tế và một thầy lê vi thấy người ấy nằm nửa sống nửa chết… nhưng tránh qua bên kia mà đi”

            Thầy tư tế và thầy Lê vi là những người tu hành. Vậy mà họ không có lòng thương xót người bị thương. Tôn giáo không có lòng thương xót là một mâu thuẩn. không có lòng thương xót người ta không còn là một người tu hành chân chính.

            “một người Samari đi đường tới ngang chổ ấy…”

            Nhìn thấy người bị thương, động lòng thương xót, liền đến giúp đỡ. Ông không tự hỏi điều ấy sẽ gây ra cho ông sự phiền toái nào. Ông cũng không ngăn cản mình làm điều ấy vì người bị thương là một người Do Thái- vào thời ấy Do Thái và Người Samari là những kẻ thù.

            Lúc bắt đầu câu chuyện, chúng ta biết rất ít về thầy tư tế, thầy Lê vi và người Samari. Lúc câu chuyện chấm dứt, chúng ta vẫn không biết nhiều về họ. Tuy nhiên chúng ta biết hết những điều quan trọng. chúng ta biết họ là loại người nào. Tính cách của họ được biểu hiện cho chúng ta thấy rõ.

            Thầy tư tế và thầy Lê vi là những con người vị ngã lấy mình làm trung tâm. Khi có sự cố xảy ra, họ đặt họ lên trước. Trái lại, người Samari là một người vị tha. Ông đặt người khác lên trước.

            Thầy tư tế và thầy Lê vi phạm tội thiếu sót. Tội thiếu sót có lẽ là tội xấu nhất của chúng ta, tuy nhiên chúng ta nghĩ rằng chừng nào mình chưa làm, hại ai là mình tốt rồi. nhưng phải chăng chúng ta đã từng thấy có người bị làm tổn thương mà vẫn giữ mình sạch sẽ bằng cách đứng xa người gặp cảnh không may.

            Người Samari là người chăm nom, săn sóc, người chăm sóc một người đặc biệt. họ là muối của đất và là ánh sáng cho đời. Họ chăm sóc không vì ý  thức đó là bổn phận mà là vì lòng họ không cho phép họ làm khác.

            Mỗi người chúng ta đều có khả năng chăm sóc. Những cơ hội nhỏ để chăm sóc đến với chúng ta mỗi ngày. Nói một lời tử tế, bày tỏ thông cảm nhỏ, đem lại một giúp đỡ nhỏ nằm trong khả năng của chúng ta. Đó là những giọt rượu, giọt dầu tuy nhỏ nhưng làm cho vết thương đỡ đau.

            Con đường Giê-ru -sa-lem đến Giê-ri-khô biểu hiện con đường đời. Vào cuối câu chuyện. Đức Giê-su nói với người thông luật: “ ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Những lời ấy cũng được nói với chúng ta. Và khi nào chúng ta còn bước trên đường đời, chúng ta còn phải thực hiện những lời ấy.

 
BÀI GIẢNG 2

Lòng nhân từ tự phát

            Alaska là một xứ sở hoang dã, cô độc, lẻ loi nhưng đẹp là lùng. Đó là một thánh địa cho những du khách thích phiêu lưu. Tuy nhiên vùng đất ấy không cho phép bạn xuống tinh thần. Các thị trấn ít ỏi và xa nhau. Những người sống ở đó phải đối diện với những thời kỳ cô lập lâu dài. Đặc biệt các chủ nông trại sống một đời sống rất lẻ loi.

            Một lần kia, một người Mỹ đi du lịch Alaska trong một cái nhà di động ( xe kéo) thì nổi lo sợ lớn nhất của ông lại ập đến: chiếc xe làm nhà bị gảy trục, và ông rơi vào tình trạng khó khăn ở một nơi không rỏ là nơi nào. Ông cho gia đình rời khỏi căn nhà di động và quyết đinh đi bộ với hy vọng tìm được một ai đó có thể giúp đỡ họ. ( Thời đó chưa có điện thoại di động)

            Sau khi được ít dặm, ông đã gặp vận may: Ông đến đúng một nông trại. ông nói với chủ nông trại về tình trạng khó khăn của ông. Chủ nông trại rất thông cảm. May thay, ông có máy hàn, Ông kéo căn nhà di động về sân nông trại với chiếc máy kéo của ông, và sửa chữa cái trục gãy. Khi công việc đã hoàn tất, người du khách lấy ví tiền và nói: “tôi nợ ông bao nhiêu?”

            “Ông không nợ tội đồng nào” người chủ nông trại đáp.

            “nhưng tôi thấy tôi phải trả công cho ông”

            “ ông đã trả cho tôi rồi” Người chủ nông trại nói.

            “ tôi không hiểu” người du khách nói.

            “ ông đã cho tôi niềm vui của gia đình ông trong mấy giờ liền.” 

            Người du khách ngạc nhiên nhưng vui sướng đã gặp một tấm lòng quảng đại như thế. Những người như thế làm chúng ta lấy lại niềm tin vào sự tốt lành, nhân từ của con người. Lòng nhân từ cũng là một mầu nhiệm như điều xấu. Nhưng ở đâu điều xấu làm đau buồn và chán nản thì lòng nhân từ làm vui mừng và đem lại cho chúng ta cảm hứng.

            Tình trạng cao nhất mà chúng ta có thể đạt đến là khi lòng nhân từ trở thành một dòng nước ân sủng một cách dễ dàng, tự nhiên và không tính toán. Khi nó tuôn ra từ chúng ta mà chúng ta không nhận thấy, như một chiếc là từ cây mọc ra. Trong trường hợp của người nông trại rõ ràng chúng ta gặp được một hành động của lòng nhân từ tự phát. Cũng giống như tình trạng của người Samari. Rõ ràng lòng nhân từ của Người Samari trở thành thói quen tự phát, một bản tính thứ hai. Điều tốt đẹp mà người ấy làm cho người khác thì người ấy không coi là việc gì đặc biệt. Đối với một số người lòng quảng đại nằm trong những hành động lác đác, lẻ loi, đối với những người khác, đó là một cách sống.

            Làm thế nào để một người đến được tình trạng hành phúc ấy? Nó không thể được hoàn thành một sớm, một chiều. nó phải được học hỏi bằng sự thực hành lâu dài. Nó được hoàn thành bởi một ít công việc vĩ đại nhưng bằng nhiều công việc nhỏ bé. Người ta làm những công việc vĩ đại không phải bởi sự bốc đồng nhưng bởi một loạt những công việc nhỏ được liên kết với nhau. Phần thưởng thật sự cho một hành động tốt là để làm cho việc tốt kế tiếp được dễ dàng hơn. Mỗi hành động nhỏ của ngày thường làm nên hoặc không làm nên nhân cách.

            Điều gây khó chịu trong câu chuyện của Đức Giê-su không phải ở chổ một người vô tội bị tấn công, nhưng ở sự kiện hai người mà bạn chờ đợi giúp đỡ người bị thương đi ngang qua không bày tỏ chút thương xót nào với người ấy. Một người Ki-tô hữu chân chính không bao giờ dững dưng trước sự đau khổ của người khác.

            “Ai là người lân cận của tôi ?” người thông luật hỏi. Câu trả lời chung của thời ấy sẽ là: Người lân cận của tôi ở trong cùng bộ tộc hoặc cùng phe nhóm tôn giáo của tôi. Nhưng lời đáp mà Đức Giê-su đưa ra là: “ Người lân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người lân cận” Lời đáp thật sự là tôi không quan niện ai là người lân cận của tôi nhưng ai là người mà tôi muốn đối xử như người lân cận?

            Tôi là loại người lân cận nào? Đây là một câu hỏi mà thỉnh thoảng mỗi người chúng ta phải tự hỏi, nhưng đó là một câu hỏi mà chính chúng ta không thể tự trả lời.

 
BÀI GIẢNG 3

Trắc nghiệm về nhân cách

            Theo Tolstory, một bi kịch không nói với chúng ta về toàn bộ đời sống của một con người. Điều nó gây ra là đặt con người vào một tình huống. Rồi tùy theo cách mà con Người xử sự với tình huống ấy, nhân cách của người ấy được bộc lộ cho chúng ta.

            Đây là điều mà Đức Giê-su thực hiện trong câu chuyện của Người. Người đặt thầy từ tế, thầy Lê vi và người Samari vào một tình huống. họ được đặt trước một quyết định: hoặc dừng lại để giúp đỡ người bị thương, hoặc tiếp tục công việc riêng của họ? không có lối thoát cho họ, không có chổ để trốn tránh. Họ phải dấn thân vào con đường này hoặc con đường khác. Thầy tư tế và thầy Lê vi quyết định đi qua; người Samari quyết định dừng lại và giúp đỡ.

            Khủng hoảng không tạo ra nhân cách, nó hầu như làm biểu lộ nhân cách. Trong những thời kỳ khủng hoảng, con người bộc lộ điều đã có sẳn trong tâm hồn họ: con người quảng đại hay con người ích kỹ, anh hùng hay kẻ hèn hạ. Một lúc nào đó hoặc một biến cố nào đó có thể khiến một người bộc lộ bản chất của họ. Gặp một người bị thương tích là một thời điểm cho thầy tư tế, thầy Lê vi và người Samari.

             Điều đó đã bộc lồ điều gì về nhân cách của Thầy tư tế và thầy Lê-vi? Nó bộc lộ một điều rất đáng lên án, tức là họ là những người vị ngã. Họ không quên mình để giúp đỡ người khác. Khi có sự cố xảy ra, họ đặt họ lên hàng đầu.

            Và điều đó đã bộc lộ điều gì về nhân cách của người Samari? Một điều rất đáng khăm phục đó là ông làm một người quan tâm chăm sóc cho người khác. Ông thuộc loại người không thể bỏ qua một người khác đau khổ và tìm cách làm vơi đi nỗi đau của họ.

            Đời sống trắc nghiệm chúng ta liên tục. Mỗi ngày, chúng ta được trắc nghiệm bằng những cách nho nhỏ; và thỉnh thoảng bởi những cách lớn. Những trắc nghiệm ấy cho biết chúng ta là loại người nào; người có bản chất vị kỹ, hoặc người có bản chất vị tha.

            Những cơ hội lớn thường hiếm hoi, mà ít người hoàn thành. Nhưng chúng ta có được nhiều cơ hội nhỏ, những cơ hội khó nhìn thấy hơn để chúng ta bày tỏ sự chăm sóc và mỗi quan tâm với người khác đang cần được giúp đỡ.

            Sự trưởng thành về đức hạnh được xác định không phải bởi những điều chúng ta làm trong những trường họp phi thường, nhưng bằng thái độ bình thường của chúng ta. Chính các sự việc khiêm tốn mỗi ngày thay vì là những biến cố to lớn bộc lộ tư cách rõ nhất. Mỗi sự việc nhỏ hình thành nhân cách của chúng ta.


CÂU CHUYỆN KHÁC

            Larry Skutnik, 28 tuổi là một người đàn ông nhút nhát, làm việc trong văn phòng chính phủ ở Washington. Vào buổi chiều ngày 13 tháng Giêng 1982, một cơn bão tuyết nghiêm trọng tràn vào thành phố. Ông đang trên đường trở về nhà và chạy trên con đường tắt nghẽn băng qua một chiếc cầu trên sông Potomac Kiver. Ông bổng nhận thấy nguyên nhân của sự việc- một chiếc máy bay với bảy mươi chín hàng khách đã đâm sầm vào dòng sông. Ông ra khỏi xe, tìm kiếm và thấy có ba người đang bám chặt vào đuôi máy bay chổng ngược trên mặt nước.

            Một máy bay trực thăng đã đưa hai người trong số đó vào bờ, còn người thứ ba, một phụ nữ rơi xuống nước giá lạnh và bắt đầu chìm xuống, không chút nghĩ ngợi, ông cởi giầy và áo khoát lặn xuống nước và đưa người phụ nữ ấy lên bờ. Sau đó ông nói chỉ muốn về nhà. Sau một chuyến đi ngắn đến bệnh viện, ông được phép về nhà.

            Hành động mạo hiểm cứu người của ông được chiếu lên truyền hình. Sáng hôm sau, ông thức dậy thấy mình trở thành anh hùng của quốc gia. Nhưng ông tránh né mọi sự quảng cáo.  “ Từ “anh hùng” làm tôi e thẹn” ông nói: “tôi đã phản ứng một cách tự nhiên,  thế thôi” .

            Thật đẹp khi biết rằng người ta vẫn còn thừa nhận sự cao cả của một hạnh động như thế. Và cũng thật đẹp khi biết rằng người ta có thể làm một hành động như thế và coi đó như một việc bình thường và tự nhiên.

 
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

            Chủ tế: chúng ta hãy cầu nguyện để có thế học tập bài học trong dụ ngôn Người Samari  tốt lành và đem ra thực hành trong đời sống mỗi ngày.

            Công đoạn: Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

            Người đọc: Cầu cho mọi Ki-tô hữu để họ cố gắng trở thành người lân cận của Người nghèo túng. ( Nghỉ) chúng ta tin tưởng cầu xin.

            Cầu cho mọi người đang làm việc công: để họ có sự quan tâm đặc biệt đến người yếu đuối và những thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội. (Nghỉ) chung con tin tưởng cầu xin.

            Cầu cho những người làm nghề chăm sóc – bác sĩ, y tá, lính cứu hỏa, cứu hộ bệnh nhân: để họ bày tỏ với những người bị thương tật lòng thương xót của Đức Ki-tô (Nghỉ) chúng con tin tưởng cầu xin.

            Cầu cho chúng ta được ơn cởi mở tâm hồn trước những người đau khổ và do đó bảo đạm rằng họ không đau khổ một mình ( Nghỉ) chúng con tin tưởng cầu xin.

            Cầu cho các nhu cầu riêng của chúng ta. (Nghỉ lâu hơn) chúng con tin tưởng cầu xin.

            Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con đôi mắt nhìn  thấy những  thương tích của những người khác; xin cho chúng con một tâm hồn thương xót họ, và cho chúng con ước muốn đáp lại họ tốt nhất, chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.
           
 
PHỤNG VỤ CHÚA NHẬT & LỄ TRỌNG – NĂM C
Nguyên Tác: New Sunday & Holy Day Liturgies
Tác GiảFlor McCarthy S.D.B
Chuyển NgữThiên Phúc
Nhà Xuất Bản: Dominican Publications – 1998
Flor McCarthy là một Linh Mục dòng Sa-lê-giêng, ngài dạy giáo lý trong trường trung học và có nhiều kinh nghiệm trong việc coi xứ ở Ái Nhĩ Lan và Hoa Kỳ. Ngài cũng viết những sách về Phụng Vụ An Táng và Phụng Vụ Hôn Phối.