Lc 10, 1-12. 17-20
Ghi nhớ: “ Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lc 10, 2
Suy Niệm: Chúa Giêsu đến thế gian theo ý định của Thiên Chúa Cha để cứu độ con người“ Tôi đem đến thế gian và chỉ mong sao cho lửa ấy cháy lên”. Quả thật Chúa Giêsu mang tình yêu đến trần gian và Ngài muốn bất cứ nơi nào trên hành tinh này đều đầy ắp yêu thương. Hôm nay Chúa chọn lựa và sai Bảy mươi hai môn đệ vào giữa cuộc đời để mang tình yêu và bình an của Chúa Giêsu mà bấy lâu nay các ông lãnh nhận nay ra đi chia sẻ cho người khác. Qua đó, chúng ta thấy rõ được sứ mạng của người môn đệ Chúa Kitô, người Kitô hữu thấy được sứ mạng và ơn gọi. Ơn gọi nào cũng phát xuất từ ý định của Thiên Chúa và ơn gọi làm con Chúa, làm Kitô hữu là ơn gọi quan trọng nhất trong đời sống đức tin. Tất cả mọi ơn gọi khác đều khởi đi hay bắt đầu từ đây. Vì thế, chúng ta phải biết tôn trọng ơn gọi làm Kitô hữu và sống đúng với ơn gọi ấy qua việc mang bình an, tình thương và niềm vui đến cho những người chúng ta gặp gỡ.
Sống Lời Chúa : Cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo Hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, như xưa Chúa đã chọn và sai bảy mươi hai môn đệ ra đi làm chứng cho Chúa. Xin cho cuộc sống của chúng con hôm nay trở nên lời chứng hùng hồn về tình yêu thương và bìng an của Chúa. Amen.
Suy niệm với Mẹ
“Anh em hãy xin chủ mùa gặt
sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).
Như Mẹ: Bài Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã huấn luyện và sai các môn đệ đi truyền giáo, tiếp tục sứ vụ của Ngài. Hành trang của nhà truyền giáo không gì khác hơn là phải sống khó nghèo, tín thác vào Thiên Chúa; đồng thời cần sống một đời sống chứng tá bác ái, phục vụ. Việc loan báo Tin Mừng là việc của Chúa, người tông đồ là những người thợ được Chúa mời gọi và sai đi.
Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con cũng được Chúa mời gọi làm môn đệ Chúa và được Chúa sai đi truyền giáo theo bậc sống của chúng con. Xin Chúa chúc lành cho công việc truyền giáo.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có lòng khoan nhân,
xin giúp chúng con biết đem tất cả tài năng và tình yêu của Chúa để thi hành sứ mạng Chúa trao qua bậc sống của mình.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Đức Giêsu: "Anh tin là vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin" (Gioan 20:29).
Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Có thể điều ngài nói là do bốc đồng -- vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Đức Giêsu bị bắt bớ -- nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Đức Giêsu. Đó là khi Đức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, "Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy" (Gioan 11:16b). Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Độ, đem Đức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô Hữu của Thánh Tôma." Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.
Lời Bàn
Thánh Tôma chia sẻ số phận của Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Gioan (những người "con của sấm sét") Thánh Philípphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha -- thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyết điểm này, vì Đức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Đức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu.
Lời Trích
"... Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phải bước đi cùng một con đường mà Đức Kitô đã đi: con đường khó nghèo và vâng lời, phục vụ và hy sinh cho đến chết... Và vì thế các tông đồ đã bước đi trong hy vọng. Vì Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Giáo Hội, các ngài đã cung ứng những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của Đức Kitô qua những thử thách và đau khổ của các ngài (x. Col 1:24)" (Sắc lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, số 5).
Vị Tiên Tri Cô Ðộc
Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
"Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.
Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời....
Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vàọ
Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại....
uồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...
Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữạ
Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ..."
Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...
Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôikhông kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...
Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối....
Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chung ta chỉ là một thiểu số cô độc.
Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.