1. Núi Carmelô (tiếng Do Thái là Karmel nghĩa là vườn trái cây) ở ven biển phía bắc Palestina, cao hơn mặt biển 1,800 feet nhìn ra Ðịa Trung Hải. Núi Carmelô ở bên cánh đồng cỏ xanh tươi dưới con mắt tiên tri của Giêrêmia (50:19), với cảnh huy hoàng dưới ánh mắt của tiên tri Isaia (35:2).
Tiên tri Êlia đã chọn núi Carmelô làm địa điểm thách đố 450 sư sãi của thần Baal trước toàn thể dân Israel. Bốn trăm năm mươi sư sãi thần Baal sát tế một bò tơ rồi kêu khấn từ sáng đến trưa mà không được thần Baal chấp nhận bằng lửa thiêu. Tiên tri Êlia cũng sát tế một bò tơ dâng hiến Ðức Giavê liền được người chấp nhận khiến lửa trời xuống toàn thiêu lễ vật.
2. Thời nghĩa binh Thánh Giá, Carmelô đã trở nên linh địa cho các ẩn sĩ trụ trì. Năm 1209, các ẩn sĩ được lập thành dòng Carmelô tận hiến cho Ðức Mẹ và sống đời chiêm niệm. Vì gặp nhiều khó khăn, dòng Carmelô đã di chuyển về Cambridge, nước Anh. Thánh Simon Stock là tu viện trưởng đã kêu xin Ðức Mẹ cứu giúp. Ngày 16/7/1251, Ðức Mẹ hiện ra giữa số đông các thiên thần trao Áo Ðức Mẹ mà phán: "Con yêu dấu! Con hãy nhận lấy Áo của dòng con đây làm biểu hiệu liên minh với Mẹ. Ai chết đang khi mặc Áo này sẽ không phải rơi xuống ngục lửa đời đời".
3. Ðến thế kỷ XIV, Ðức Mẹ hiện ra với Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII (1316-1334) trao cho ngài một minh ước yêu đương là truyền dạy ngài phải công bố cho hết những ai mang Áo Ðức Mẹ biết: "Ngày thứ Bảy đầu tiên sau khi họ từ trần, họ sẽ được cứu thoát khỏi luyện ngục". Ân huệ này gọi là "Ðặc ân ngày thứ Bảy".
4. "Ðặc ân ngày thứ Bảy" đã được nhiều Giáo Hoàng công nhận: Ðức Alexandre V (1409-1410), Ðức Thánh Piô V (1566-1572), Ðức Grêgôriô VIII (1572-1585), Ðức Phaolô V (1605-1621). Riêng Ðức Phaolô V, trong một sắc dụ ban hành năm 1613, ngài giải thích: "Toàn dân Kitô hãy sốt sắng tin rằng Rất Thánh Trinh Nữ Maria luôn luôn can thiệp đặc biệt phù trì cứu vớt các hội viên Áo Ðức Mẹ Carmelô vào ngày thứ Bảy, ngày đặc biệt kính Ðức Mẹ, hoặc nếu không đọc được thì giữ chay các ngày Giáo Hội quy định và kiêng thịt vào ngày thứ Tư, thứ Bảy, trừ khi gặp lễ Giáng Sinh".
Trong tông thư ngày 18/3/1922, kỷ niệm 600 năm "Ðặc ân ngày thứ Bảy", Ðức Piô XI (1922-1939) khích lệ dòng Carmelo và hội Áo Ðức Mẹ hãy cố gắng sốt sắng hưởng nhờ các ân xá và nhất là "Ðặc ân ngày thứ Bảy".
Ðức Piô XII cũng nói: "Mẹ rất dịu hiền không trì hoãn nhưng sớm bao nhiêu có thể, cầu bầu cùng Thiên Chúa sớm mở cửa Thiên Ðàng cho con cái của Mẹ phải đền bồi tội lỗi trong luyện ngục trong đặc ân ngày thứ Bảy mà Mẹ đã phán hứa".
5. Ðức Thánh Piô X đã ra sắc lệnh ban phép đeo mẫu ảnh thay vì Áo Ðức Bà. Ảnh đeo đó một bên có ảnh Ðức Mẹ (không cần là Ðức Mẹ Carmelô), một bên là ảnh Chúa Giêsu tỏ Trái Tim Người ra. Ảnh như thế mới đủ điều kiện để thay Áo Ðức Bà.
6. Ðức Mẹ đã ban muôn ơn lành hồn xác cho nhiều người. Thánh Don Boscô chết năm 1888 vẫn đeo Áo Ðức Bà xuống mồ. Khi thi hài ngài được cải táng năm 1929, Áo Ðức mẹ vẫn còn nguyên vẹn trên ngực ngài, dù các áo của ngài đã mục nát.
7. Năm 1726, Ðức Bênêđictô XIII (1724-1730) lập lễ Ðức Mẹ núi Carmelô trên khắp thế giới. Ðức Bênêđictô XI (1914-1922) ban 500 ngày ân xá cho mỗi lần hôn Áo Ðức Mẹ.
8. Kinh đọc buổi sáng của người mang Áo Ðức Mẹ:
Lạy Thiên Chúa của con, con xin hợp với trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria (hôn Áo Mẹ) để dâng cho Máu Thánh Chúa Giêsu để dâng cho Chúa mọi tư tưởng, mọi lời nói, và mọi việc làm của con trong ngày hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay, con ước mong được hưởng mọi ân xá mà con có thể được hưởng. Con cũng xin dâng các ân xá ấy cùng với chính mình con cho Mẹ Maria Vô Nhiễm để Mẹ làm vinh danh Thánh Tâm Chúa.
Lạy Máu Thánh châu báu Chúa Giêsu, xin cứu chúng con. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.