Trong một tác phẩm có tựa đề: "Con Đường Hành Hương" được tìm thấy trên núi Atos bên Hy lạp vào khoảng đầu thế kỷ này. Một tác giả vô danh nọ đã kể lại cuộc hành trình thiêng liêng của mình như sau:
Tất cả đã bắt đầu bằng một tai họa: Vợ và đứa con một đã chết trong một tai nạn, căn nhà bị thiêu hủy trong một trận hoả hoạn. Người đàn ông quyết định lên đường hành hương đến các nơi thánh. Ông mang trên vai một cái bị trong đó chỉ có một ít bánh mì và một quyển Kinh Thánh. Lời khuyên mà ông luôn tìm thấy trong Kinh Thánh là: Phải cầu nguyện không ngừng, nhưng cầu nguyện như thế nào thì tuyệt nhiên ông chưa tìm ra được câu giải đáp.
Ngày nọ, người khách hành hương gặp một tu sĩ, vị tu sĩ này hỏi ông đang đi đâu và để tìm kiếm điều gì. Ông trả lời như sau:
Tôi đang đi hành hương từ đền thánh địa này đến đền thánh địa nọ và tôi đang tìm kiếm một người nào đó có thể dạy tôi biết cầu nguyện không ngừng. Vị tu sĩ liền mời khách hành hương về tu viện của mình. Tại đây, vị tu sĩ cho người khách hành huơng ở trong một căn lều nhỏ và trao cho một tràng chuỗi với một lời khuyên như sau: Ông hãy đọc lời này 50 lần: "Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin hãy thương xót con là kẻ tội lỗi".
Khi vị tu sĩ qua đời thì người khách hành hương đã nhuần nhuyễn trong thói quen đọc lời kinh ngắn ngủi ấy. Mỗi ngày ông đọc lời kinh ấy đến cả ngàn lần. Tiễn đưa vị tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng, người khách hành hương khóc sướt mướt. Sau đó ông rời bỏ tu viện để tiếp tục cuộc hành hương bởi vì ông không còn lý do nào để sống trong tu viện nữa. Ông cho rằng vị tu sĩ vẫn chưa dạy ông tất cả bí quyết của sự cầu nguyện. Ông lại đeo bị trên vai và tiếp tục cuộc hành hương. Ông ra đi và tiếp tục thói quen như vị tu sĩ đã dạy, vừa đi vừa hít thở trong lời cầu nguyện, hít thở vào ông thầm đọc: Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Thở ra ông lại khấn nguyện: Xin thương xót con là kả có tội. Cứ thế, không bao lâu lời cầu nguyện ấy trở thành hơi thở của ông, dù khi ăn, dù khi ngủ, dù khi nói năng đi đứng, mỗi một hơi thở, từng nhịp đập của con tim ông đều trở thành lời cầu nguyện. Người khách hành hương kết luận rằng, giờ đây ông hiểu được thế nào là cầu nguyện không ngừng.
***
Hầu như tất cả các vị thánh đều có một công thức cầu nguyện riêng tư. Suốt đêm thánh Phanxicô Assisi không ngừng cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa là tất cả của con". Thánh Brunô vị sáng lập các dòng khổ tu luôn thốt lên: "Ôi thần linh tuyệt mỹ". Thánh Phanxicô Saviê cho đến giây phút hấp hối bên bờ biển Trung Hoa vẫn không ngừng kêu lên: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavid xin thương xót con". Mỗi người một công thức khác nhau nhưng tất cả các thánh đều có chung một điểm. Đó là biến tất cả mọi giây phút trong cuộc sống thành một lời cầu nguyện.
Cùng đích của con người chính là được kết hiệp với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu. Cầu nguyện do đó phải là sinh hoạt chủ yếu của đời sống con người. Sống đích thực, sống sung mãn, sống đúng với ơn gọi và phẩm giá con người chính là cầu nguyện.
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người về cùng đích tối cần của nó và đồng thời vạch ra cho con người con đường để đạt đến cùng đích ấy. Con đường ấy như Chúa Giêsu đã đi qua chính là sự cầu nguyện. Suốt cuộc sống của Chúa Giêsu là một thể hiện sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa. Ngài đã biến từng phút từng giây trong cuộc sống của Ngài thành một lời cầu nguyện liên lỉ dâng lên Thiên Chúa Cha như Ngài đã nói với các tông đồ: "Thức ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta". Sống đối với Chúa Giêsu là nên một với Thiên Chúa Cha và đó chính là ý nghĩa và mục đích của sự cầu nguyện.
***
Lạy Chúa, Chúa là tất cả của chúng con, là gia nghiệp của chúng con. Xin cho chúng con được biến đổi mỗi phút giây trong cuộc sống của chúng con thành một lời cầu nguyện dâng lên Chúa. Dù khi ăn, khi uống, dù khi làm việc gì, xin cho chúng con luôn biết làm vì vinh danh Chúa.
R. Veritas
|