Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Mầu Nhiệm Thánh Thể

Filled under:

Các cuộc tấn công của Tin lành nhắm vào Giáo hội Công giáo thường tập trung vào Bí tích Thánh Thể. Điều này chứng tỏ rằng các đối thủ của Giáo hội Công giáo – chủ yếu là phái Evangelical (Tân Giáo) và phái Fundamentalist (Tin Lành Chính Thống) – nhận thấy một trong các giáo lý chủ yếu của Công giáo. Vả lại, các cuộc tấn công cho thấy rằng phái Fundamentalist không luôn luôn là những người giải thích Kinh thánh theo nghĩa đen. Điều này có trong bản dịch của đoạn Kinh thánh chính, chương 6, Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu nói về bí tích sẽ được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly (The Last Supper), khảo sát nửa cuối của chương này.
Ga 6:30 bắt đầu một cuộc đàm đạo xảy ra tại hội đường Capernaum. Người Do Thái hỏi Chúa Giêsu về dấu hiệu có thể thấy để tin Ngài. Như một thách thức, họ nói: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết”. Chúa Giêsu nói với họ rằng bánh thật từ trời đến từ Chúa Cha. Họ nói: “Xin cho chúng tôi bánh đó”. Chúa Giêsu trả lời: “Tôi là bánh hằng sống, ai đến với Tôi sẽ không bao giờ đói, và ai tin Tôi sẽ không bao giờ khát”. Về điểm này, người Do Thái hiểu Ngài nói ẩn dụ.
Lặp đi lặp lại
Trước tiên Chúa Giêsu lặp lại điều Ngài đã nói, rồi tóm lại: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:51–52).
Những người lắng nghe Ngài sửng sốt vì họ hiểu Chúa Giêsu theo nghĩa đen – và đúng. Ngài lặp lại các chữ đó, nhưng với mức nhấn mạnh hơn, và giới thiệu về việc uống Máu Ngài. Chính Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53–56).
Không chấn chỉnh
Lưu ý rằng Chúa Giêsu không cố gắng làm nhẹ những điều Ngài đã nói, cũng không sửa sai “những sự hiểu lầm”, vì chẳng có gì cả. Những người lắng nghe Chúa đều hiểu đúng về Ngài. Họ không nghĩ Ngài nói ẩn dụ. Nếu có, và nếu bị hiểu sai, sao lại không có chấn chỉnh?
Khi có sự hiểu lầm, Chúa Giêsu chỉ giải thích ý Ngài nói (x. Mt 16:52–12). Ở đây, khi có hiểu lầm nghiêm trọng, Chúa Giêsu không hề cố gắng sửa sai, mà Ngài chỉ lặp lại để nhấn mạnh.
Thậm chí ngay cả các môn đệ cũng chau mày: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Các môn đệ là những người đã từng thấy Sư Phụ làm nhiều điều kỳ diệu mà còn vậy đó. Ngài cảnh báo họ đừng nghĩ theo bản tính xác thịt, mà phải nghĩ theo tâm linh: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6:63; x. 1 Cr 2:12–14).
Ngài biết rõ một số người không tin. Khi khước từ Thánh Thể, Giuđa đã sa ngã (x. Ga 6:64). Thánh Gioan cho biết: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6:66).
Đây là hồ sơ duy nhất chúng ta có về những người theo Chúa Giêsu đã bỏ Ngài vì những lý do giáo lý. Nếu điều đó gây hiểu lầm, và nếu sai lầm trong việc dùng ẩn dụ theo nghĩa đen, tại sao Ngài không gọi họ lại và nói thẳng vấn đề? Cả những người Do Thái nghi ngờ Ngài và các môn đệ chấp nhận mọi thứ theo điểm này vẫn ở với Ngài, nhưng Ngài nói Ngài chỉ dùng dụ ngôn.
Ngài không sửa sai những người chống đối. 12 lần Ngài nói Ngài là bánh từ trời xuống, 4 lần Ngài nói người ta “ăn Thịt Ngài và uống Máu Ngài”. Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 6, là lời hứa về những gì được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly – và đó là lời hứa không thể minh nhiên hơn nữa. Đối với người Công giáo cũng vậy. Nhưng giáo phái Fundamentalist nói gì?
Chỉ là ẩn dụ hoặc văn hoa?
Họ nói rằng trong Ga 6, Chúa Giêsu không nói về ẩm thực vật chất mà nói về ẩm thực tâm linh. Họ viện chứng câu Ga 6:35: “Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!”. Họ cho rằng Chúa Giêsu là bánh, là thức uống. Như vậy, ăn thịt và uống máu chỉ là tin vào Đức Kitô.
Nhưng có vấn đề trong cách hiểu đó. LM John A. O’Brien giải thích: “Câu nói ‘ăn thịt và uống máu’ được dùng theo nghĩa bóng trong những người Do Thái, cũng như trong người Ả Rập ngày nay, nghĩa là bắt một người phải chịu tổn thương nghiêm trọng, nhất là bằng cách vu khống hoặc kết án oan sai. Hiểu câu này theo nghĩa bóng sẽ khiến Chúa hứa sự sống vĩnh hằng đối với thủ phạm đã vu cáo Ngài và ghét Ngài, làm giảm cả đoạn văn tới mức vô nghĩa” (O’Brien, The Faith of Millions, 215).
Những người theo giáo phái Fundamentalist phê bình đoạn Ga 6 rằng người ta có thể chứng tỏ Đức Kitô nchỉ nói ẩn dụ bằng cách so sánh các câu như “Tôi là Cửa” (Ga 10:9), và “Tôi là Cây Nho thật” (Ga 15:1). Vấn đề là không có liên quan gì tới “Tôi là Bánh Hằng Sống” (Ga 6:35). “Tôi là Cửa” và “Tôi là cây nho thật” mang ý nghĩa ẩn dụ vì Đức Kitô như Cửa – chúng ta lên trời qua Ngài, và Ngài cũng như Cây Nho – chúng ta tiếp nhận “nhựa tâm linh” nhờ Ngài. Nhưng Chúa Giêsu trong Ga 6:35 còn vượt xa ngoài biểu tượng bằng cách nói: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6:55).
Ngài nói tiếp: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:57). Trong tiếng Hy Lạp, động từ “ăn” (trogon) rất thẳng thừng và có nghĩa là “nhai” hoặc “gặm nhấm”. Đây không là ngôn ngữ ẩn dụ.
Tranh luận
Đối với giáo phái Fundamentalist, việc tranh luận Kinh thánh bị chụp mũ bằng cách phản đối Ga 6:63: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Họ nói điều này có nghĩa là việc ăn thịt thật thì vô lý. Nhưng điều này có ý nghĩa không?
Chúng ta có hiểu Đức Kitô đã yêu cầu các môn đệ ăn Thịt Ngài, rồi nói họ làm vậy là vu vơ? “Thịt không có lợi” nghĩa là gì? “Ăn thịt tôi, nhưng bạn sẽ thấy đó là lãng phí thời gian” – Ngài nói gì? Hầu như không.
Sự thật là Thịt Chúa Giêsu có sẵn! Nếu không có sẵn, Con Thiên Chúa nhập thể là vô lý, sự chết và sự phục sinh của Ngài cũng vô ích. Thịt Chúa Giêsu đem lại lợi ích cho chúng ta hơn bất cứ thứ gì khác trên thế gian này. Nếu Thịt Ngài không đem lại lợi ích cho chúng ta, việc giáng sinh, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô là vô ích, như Thánh Phaolô nói: “Lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong” (1 Cr 15:17b-18).
Trong Ga 6:63, “thịt không đem lại lợi ích” nói đến khuynh hướng của nhân loại nghĩ là chỉ dùng những gì theo lý lẽ của loài người sẽ cho họ hiểu hơn những gì Thiên Chúa nói với họ. Như vậy trong Ga 8:15–16, Chúa Giêsu nói về các đối thủ của Ngài: “Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi”. Phán đoán tự nhiên của con người, không được ơn Chúa giúp đỡ, là không đáng tin; nhưng phán đoán của Thiên Chúa luôn xác thực.
Các tông đồ có hiểu “những lời Thầy đã nói với anh em là Thần Khí và Sự Sống” hay là một “uẩn khúc” (circumlocution) về tính biểu tượng? Không ai có thể hiểu nếu không đứng ở vị trí của giáo phái Fundamentalist và nghĩ điều đó cần thiết để tìm ra một cơ sở hợp lý (rationale), dù bị ép buộc thế nào, để ngăn chặn cách hiểu của Công giáo. Trong Ga 6:63, “nhục thể” không có ý nói đến xác thịt của Đức Kitô – bản văn làm rõ điều này – nhưng loài người lại có khuynh hướng nghĩ theo bản chất phàm tục tự nhiên. “Những lời Thầy đã nói với anh em là Thần Khí và Sự Sống” không có nghĩa là “Điều Thầy nói mang tính biểu tượng”. Chữ “thần khí” KHÔNG BAO GIỜ được dùng theo cách đó trong Kinh thánh. Câu này nghĩa là điều Đức Kitô nói sẽ chỉ hiểu được nhờ đức tin, bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự thu hút của Chúa Cha (x. Ga 6:37, 44-45, 65).
Thánh Phaolô xác nhận
Thánh Phaolô viết trong thư gởi giáo đoàn Corintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10:16). Vậy khi chúng ta rước lễ, chúng ta thực sự tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô, không chỉ ăn và uống biểu tượng của Mình và Máu Chúa. Thánh Phaolô đã xác định: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27 & 29). Trả lời về “mình và máu” của ai đó nghĩa là phạm trọng tội như tội giết thân nhân. Sao chỉ ăn bánh và uống rượu “bất xứng” là trọng tội? Phê bình của Thánh Phaolô tạo ý nghĩa nếu bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Đức Kitô.
Các Kitô hữu đầu tiên nói gì?
Những người chống Công giáo cũng cho rằng Giáo hội sơ khai đã coi chương này chỉ mang tính biểu tượng. Thật vậy sao? Chúng ta hãy xem một số Kitô hữu đầu tiên nghĩ gì, nhớ rằng chúng ta có thể biết nhiều về cách Kinh thánh được hiểu bằng cách xem xét các bản văn của các Kitô hữu thời sơ khai.
Thánh Inhaxiô thành Antiôkia là môn đệ của tông đồ Gioan và đã viết thư cho người Smyrnaean vào khoảng năm 110 (trước Công nguyên), nói đến “những người có ý kiến không chính thống”, rằng “họ không lãnh nhận Thánh Thể và không cầu nguyện, vì họ không tin Thánh Thể là Mình Máu của Đấng cứu độ Giêsu Kitô, Thánh Thể Ngài đã chịu khổ nạn vì tội lỗi chúng ta, và Ngài đã phục sinh”.
Bốn mươi năm sau, Thánh Justin Tử đạo viết: “Không như ẩm thực bình thường chúng ta tiếp nhận, mà vì Đức Giêsu Kitô đã nhập thể bở Lời Thiên Chúa và có cả máu và thịt để cứu độ chúng ta, như chúng ta được dạy, thực phẩm này đã trở thành Thánh Thể nhờ Lời Nguyện Thánh Thể, và sự thay đổi của máu thịt để nuôi dưỡng, … Đó là Mình và Máu của Chúa Giêsu nhập thể” (Lời Xin Lỗi Đầu Tiên, 66:1–20).
Origen, trong một bài giảng khoảng năm 244 (trước công nguyên), đã chứng thực niềm tin trong bài “Hiện Hữu Thật” (Real Presence): “Tôi muốn khuyên bạn bằng các ví dụ của tôn giáo. Người ta quen tham dự các mầu nhiệm thánh, vậy bạn hiểu thế nào rồi, khi bạn lãnh nhận Mình Máu Chúa, bạn phải cẩn trọng đừng để rơi một phần nhỏ nào của Thánh Thể. Bạn tự thấy mình có tội, và tin đúng như vậy, nếu khinh suất làm mất một chút Thánh Thể nào” (Bài Giảng về Xh 13:3).
Thánh Cyril thành Giêrusalem, trong một bài giảng giữa thập niên 300, nói: “Đừng coi bánh và rượu chỉ đơn giản như thế, vì đó là Mình Máu Đức Kitô, theo cách giải thích của Thầy Chí Thánh. Cho dù thế nào thì cũng hãy để đức tin xác nhận. Đừng phán đoán theo bản tính phàm tục, hãy tin tưởng bằng đức tin, đừng nghi ngờ Mình Máu Đức Kitô” (Diễn Văn Giáo Lý: Truyền Phép 4:22:9). Thật vậy, Giáo hội dạy: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Trong bài giảng hồi thế kỷ XV, Thánh Theodore thành Mopsuestia như muốn nói với giáo phái Evangelical và Fundamentalist ngày nay: “Khi [Đức Kitô] trao bánh, Ngài không nói ‘Đây là biểu tượng của Mình Thầy’ mà Ngài nói ‘Đây là Mình Thầy’. Cũng vậy, khi Ngài trao chén, Ngài không nói ‘Đây là biểu tượng của Máu Thầy’ mà Ngài nói ‘Đây là Mình Thầy’ vì Ngài muốn chúng ta tiếp nhận Thánh Thể, sau khi nhận hồng ân và Thánh Thần, không theo bản tính tự nhiên, nhưng tiếp nhận chính Mình Máu Chúa” (Bài Giảng Giáo Lý 5:1).
Chứng cớ đồng nhất
Người ta có thể cho rằng Giáo hội sơ khai đã hiểu Ga 6 theo nghĩa đen. Thật vậy, không có tài liệu nào từ những thế kỷ đầu nói đến các Kitô hữu nghi ngờ cách hiểu của Công giáo. Không có tài liệu nào được hiểu theo nghĩa đen bị phản đối và chỉ được chấp nhận theo ẩn dụ.
Tại sao giáo phái Fundamentalist và Evangelical phản đối cách hiểu thẳng thừng theo nghĩa đen về Ga 6? Đối với họ, các bí tích Công giáo là sai lầm vì họ hàm ý một thực tế tâm linh (ân sủng) được chuyển tải bằng vật chất. Đối với họ, điều này có vẻ là vi phạm kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với nhiều người Tin Lành, vật chất không phải không được sử dụng, mà nên tránh.
Bánh và rượu đã được thánh hóa để trở thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô Nhập Thể.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholic.com)
Đã đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT Hoa Kỳ, số 347, tháng 7-2015



Thánh Thể Nguồn Sống

Thánh Thể nguồn sống
Bí tích Thánh Thể là tình yêu tột đỉnh Chúa Giêsu dành cho chúng ta, như lời Ngài hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53-56). Đó cũng là lời nói riêng với mỗi chúng ta.
Thánh Thể là bằng chứng hùng hồn về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Ngài cho chúng ta được SỐNG và SỐNG DỒI DÀO (Ga 10:10). Nếu dành cả đời để suy niệm về Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng không thể hiểu hết Tình-Yêu-Điên-Rồ của một Thiên-Chúa-quá-đỗi-Nhân-Từ như vậy. Chắc hẳn không có Vua Chúa nào hoặc bất kỳ ai tuyệt vời như Chúa Giêsu của chúng ta!
CHUỖI MÁU THÁNH
Chuỗi Máu Thánh (Chuỗi Bửu Huyết – The Chaplet of the Most Precious Blood) được trao cho thị nhân Barnabas Nwoye ngày 5-7-1996. Sau khi chứng kiến toàn bộ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu từ trong Vườn Dầu cho tới khi Ngài sống lại, thị nhân Nwoye đã được Chúa Giêsu hiện ra và trao Chuỗi Máu Thánh. Chuỗi này giống như Chuỗi Mân Côi, nhưng mỗi chục là 12 hạt dài màu đỏ, còn các hạt tách mỗi chục thì màu trắng. Chuỗi Máu Thánh được đọc liền sau Chuỗi Mân Côi, gồm 5 mầu nhiệm liên quan Năm Vết Thương của Chúa Giêsu.
NIỀM AN ỦI
Phần thứ nhì của lòng sùng kính này được trao cho thị nhân Barnabas Nwoye vào ngày 23-6-1997. Kinh nguyện này đặc biệt dâng kính Chúa Cha và Chúa Con, Đấng luôn bị lãng quên. Phần kinh này cầu xin Chúa Cha và Chúa Con tha thứ cho sự vô ơn, sự xúc phạm và sự khinh suất của nhân gian đối với Bí tích Thánh Thể.
LÒNG SÙNG KÍNH
Phần thứ ba của lòng sùng kính này là phần kinh nguyện gồm 7 kinh, tôn vinh và cầu xin Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu trao kinh nguyện này cho thị nhân Barnabas Nwoye vào ngày 23-6-1997 với lời kinh an ủi. Các kinh nguyện này dành cho Giáo hội Công giáo – cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Lời cầu xin thay cho những tội nhân cứng lòng, các linh hồn thánh thiện ở Luyện Ngục và các thai nhi. Chính các linh hồn này có thể hưởng nhờ mọi Hồng ân của Máu Thánh Chúa.
VIỆC ĐỀN TỘI
Phần thứ tư của lòng sùng kính này là được trao cho thị nhân Barnabas Nwoye vào ngày 10-12-1998, về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúa Giêsu diễn tả các tội lỗi khiến Ngài chịu đóng đính suốt 2.000 năm qua. Đó là sự than phiền trong Thánh lễ, coi thường Bí tích Thánh Thể, cách ăn mặc khiếm nhã, tham lam, vụ lợi, dâm dục, v.v ... Các điều đó đã khiến hàng triệu người sa Hỏa ngục. Phần này xin Chúa Ba Ngôi tha thứ về mọi tội lỗi mà họ đã phạm.
NGƯỜI TRUNG GIAN
Phần thứ năm của lòng sùng kính này là lời nguyện đặc biệt gọi là “Kinh Nguyện Thần Bí”. Lời nguyện này rất hiệu quả do chính Chúa Giêsu dạy hồi tháng 7-1998, được Đức Mẹ mặc khải cho Barnabas Nwoye là chính các lời nguyện đã được nói trong Cuộc khổ Nạn của Ngài. Đau khổ và trút hơi thở cuối cùng vì nhân loại chúng ta. Đây là lời nguyện có sức can thiệp để đánh bại các phản-Kitô (Antichrist), thêm sức chịu đựng khi bị bách hại, can đảm xa tránh tội lỗi về xác thịt và nuôi dưỡng đức tin.
ẤN TÍN
Từ lòng sùng kính này, Nước Trời gắn liền tặng phẩm quý giá và mạnh mẽ này với những người sùng kính Mình Máu Chúa. Ấn tín này là dấu ấn tâm linh mà những người sùng kính mang theo để chống lại những điều xấu. Ấn tín này trao cho những người sùng kính sức mạnh tâm linh để chống lại mọi cơn cám dỗ của ma quỷ và chịu đựng mọi đau khổ. Dấu ấn này do những người sùng kính đạt được vẫn ở trong trạng thái ân sủng thánh hóa, nhất là trong những lúc được Chúa Giêsu chỉ định.
GIỜ VƯỜN DẦU
Cuối cùng, Chúa Giêsu kêu gọi những người mà Ngài đã tuyển chọn ở bên Ngài vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, từ 11 giờ đêm tới 3 giờ sáng hôm sau (hoặc ít ra là trong vòng 60 phút giữa khoảng thời gian này). Đây là lúc 5 thành phần của lòng sùng kính này được cử hành cùng với Thánh Lễ và Phép Lành (nếu có thể). Chính những người sùng kính chia sẻ nỗi thống khổ với Đức Kitô trong Vườn Dầu. Ý muốn đạt được ân sủng bảo đảm việc đền tội và sự kiên trì trong đức tin.
Lòng sùng kính này được coi là “lòng sùng kính vĩ đại nhất của thời đại chúng ta” (greatest devotion of our time). Sách có lời mô tả lòng sùng kính này là “lời mời gọi hằng ngày tới sự thánh thiện” (daily call to holiness): “Mọi lời nguyện, mọi bài thánh ca và mọi lời đồng ca của lòng súng kính này đều đến từ trời”.
Người dịch xin “mở ngoặc” một chút: Hằng ngày, vừa rước lễ xong, nhiều người không ngồi hoặc quỳ tĩnh lặng để kết hợp và tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể đang sống động trong mình mà họ lại đi thẳng tới các “tượng đài” để cầu nguyện. Điều này thường thấy ở các nhà thờ lớn như Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Huyện Sỹ (Chợ Đũi), … Phải chăng họ không cần biết Chúa Giêsu đang hiện diện trong mình hay vì yếu tín lý? Thiết nghĩ đây là một hoạt động đức tin cần được chấn chỉnh ngay lập tức. Vì Chúa Giêsu là người cô đơn, bị chúng ta bỏ rơi ngay khi vừa tiếp rước Ngài. Giáo dân không biết là do đâu?
Hiện nay, một số nhà thờ thuộc TGP Saigon có Nhà Chầu Thánh Thể, mọi người có thể “ghé thăm” Chúa Giêsu bất cứ lúc nào để được chuyện vãn với Ngài, nhất là những lúc gặp bước đường cùng, vì chính Ngài đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Ước gì các giáo xứ đều có Nhà Chầu Thánh Thể, vì đó là việc tốt lành rất đẹp lòng Chúa.
Ước gì các linh mục NÊN DÀNH VÀI PHÚT IM LẶNG SAU KHI RƯỚC LỄ, đừng vội vàng đọc phần lời nguyện kết lễ, để chính mình và người khác có thêm thời gian tâm sự và trò chuyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Ngài là Nguồn Sống dồi dào của mỗi chúng ta. Mong lắm lắm!
TRẦM THIÊN THU
Đã đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT Hoa Kỳ, số 347, tháng 7-2015