MUỐN GÌ VÀ XIN GÌ?
Bấy giờ, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su…. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?... Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì!” (Mt 20,20-22)
Suy niệm: Trong những dịp lễ hội tại các đền thánh, chùa chiền, miếu mạo, một hiện tượng đã trở thành phổ biến là rất đông người chen chúc tuốn đến cầu xin. Dù tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau, dù động cơ và mục đích không ai giống ai, nhưng hầu như ai cũng chung một điệp khúc “cầu được ước thấy”, “xin ơn như ý”, v.v…. “Như ý” đây là như ý mình, “cầu ước” cũng là cầu ước của riêng mình. Ba mẹ con gia đình ông Dê-bê-đê cũng mang nặng thái độ đó khi họ xin cho hai quý tử được ngồi “hai bên tả hữu” trong Nước của Chúa. Chính vì thế, Chúa Giê-su lưu ý họ với giọng trách móc: “Các người không biết các người xin gì!” Điều Ngài mong muốn là thái độ sẵn sàng chung phần “chén đắng” với Ngài và để cho Thiên Chúa quyền an bài số phận của mỗi người.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta “lầm địa chỉ”, coi Thiên Chúa như một thứ “Thần Tài”. Mời bạn xét mình xem bạn thường cầu nguyện thế nào: Lời cầu xin của bạn có nhằm để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” không? Hay chúng đang phản ảnh những nhu cầu và ước muốn đậm màu thế tục của bạn? Ghi nhớ lời dạy của Chúa Giê-su: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Sống Lời Chúa: Trước mọi biến cố vui buồn bạn tạ ơn Chúa và cầu nguyện: “Xin cho ý Cha thể hiện.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con ơn Thánh Thần soi sáng, để chúng con nhận biết việc phải làm và cầu xin điều Chúa muốn.
Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Đức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Đức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrệ "Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).
Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Đức Giêsu trong vườn Giệtsimani.
Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Đức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Đức Giêsu). "Đức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Đức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Đức Giêsu -- chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).
Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Đức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Đây là vị thế của chính Đức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.
Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Đức Giêsu đặt cho họ -- "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Đức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).
Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTĐ 12:1-3a).
Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.
Lời Bàn
Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Đức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.
Lời Trích
"... Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa... Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Đức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).