Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN. NĂM B

Filled under:

Thời vua Rôbôam, con trai của vua Salomon làm vua dân Dothái, đất nước bị phân chia thành hai vương quốc: Israel - vương quốc miền Bắc và Giuđa - vương quốc miền Nam.

Miền Bắc do Giêrôbôam, một vị quan của triều đình nổi dậy xưng vương. Miền Nam vẫn do vua Rôbôam coi sóc. Vì sợ dân miền Bắc về lại thủ đô của miền Nam là Giêrusalem hành hương đền thờ, có thể sẽ ảnh hưởng đến chính trị và an ninh quốc gia, Giêrôbôam đã cho xây hai đền thờ khác ở miền Bắc, một đặt tại Đan, một đặt tại Bêthen. Bêthen là phần đất giáp ranh với miền Nam Giuđa.

Amasia được nhắc đến trong bài đọc I (trích sách tiên tri Amốt) hôm nay là thượng tế của đền thờ Bêthen. Dù là thượng tế, nhưng ông chỉ coi chức vụ của mình như một nghề, và chỉ tìm cách làm vui lòng vua, mà không nghĩ gì đến đức tin, đến đời sống tinh thần của dân chúng.

Còn tiên tri Amốt sinh ở Tekoa, một làng thuộc vương quốc Giuđa ở miền Nam. Dù ông chỉ là người chăn cừu, nhưng bất ngờ Chúa đã chọn ông. Chúa muốn Amốt thi hành sứ vụ tiên tri tại vương quốc Israel, miền Bắc.

Tiên tri Amốt phải làm chứng cho Chúa, làm chứng cho niềm tin của mình giữa một hoàn cảnh đầy khó khăn của lịch sử Israel (khoảng năm 721 trước Công nguyên), vì dân chúng quay lưng lại với Thiên Chúa, chạy theo các thần ngoại bang.

Thêm vào đó, các vua quan toa rập nhau ức hiếp dân nghèo. Sự bất công lan tràn khắp trong vương quốc miền Bắc.

Amốt bất chấp mọi sợ hãi, nhất là khi phải dùng lời tiên tri của mình mà lên tiếng bênh vực công lý, bênh vực chân lý, chống lại sự xa hoa, sự độc ác của vua quan và mọi giai cấp lãnh đạo.

Tiên tri cũng không nương tay, nhưng mạnh mẽ tố cáo những xúc phạm mà từ vua tới dân đã xúc phạm Thiên Chúa. Tiên tri loan báo, nếu họ không biết ăn năn trở lại, thảm họa sẽ xảy ra: đất nước sẽ bị giải tán, toàn dân sẽ bị đưa đi lưu đày.

Chính vì nỗ lực làm chứng cho đức tin của mình mà tiên tri Amốt bị thù ghét. Thượng tế Amasia đã không dấu nổi sự bất bình của ông. Nội dung bài đọc I cho thấy Amasia đã lên tiếng xua đuổi Amốt: “Hỡi tiên tri, ngươi hãy trốn sang đất Giuđa sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthen, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”.

Để đáp lại, tiên tri Amốt khẳng định: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn chiên đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: ‘Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta’”.

Lời của Amốt thật khẳng khái và quyết liệt. Ông không đầu hàng khi gặp nghịch cảnh, nhưng càng quyết tâm mãnh liệt đem thân mình bảo vệ chân lý, bảo vệ đức tin tinh tuyền. Qua lời và qua tấm gương rao truyền Lời Chúa của ông, ta thấy:

1. Tiên tri Amốt chỉ biết làm theo mệnh lệnh của Chúa. Bị xua đuổi, ông quyết liệt khẳng định: Chúa dẫn ông đi. Chúa sai ông đi. Vì đây là lệnh của Chúa, không ai có quyền ra bất cứ một mệnh lệnh nào khác với mệnh lệnh của Chúa, dù là để xua đuổi ông hay để thuyết phục ông.

2. Ơn gọi của tiên tri Amốt đến từ Chúa. Ơn gọi làm tiên tri của Amốt không hề do ý muốn của ông. Ông không bao giờ tự mình lựa chọn để trở thành tiên tri. Dòng họ ông cũng chưa bao giờ làm tiên tri. Ông cho biết: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri”. Ông chỉ là người “đi sau đàn vật” (Am 7, 15) nhưng Thiên Chúa đã chọn và sai ông đi để nói những gì Người muốn nói.

3. Tiên tri Amốt phó mình trong tay Chúa. Giữa muôn thử thách, tiên tri Amốt vẫn không ngừng tin vào Chúa. Bất chấp sự thù ghét của mọi người xung quanh, ông vẫn một lòng tuân lệnh Chúa, vẫn khẳng khái nói với mọi người rằng, ơn gọi của ông chỉ đến từ Chúa mà thôi.

4. Tiên tri Amốt sống tinh thần nghèo khó. Có người dịch lời xua đuổi của thượng tế Amasia dành cho Amốt rằng: “Mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn”. Nhưng tiên tri Amốt không hề có suy nghĩ giống như thượng tế Amasia. Amasia làm việc cho đền thờ chỉ để “kiếm ăn”.

Ngược lại, Amốt đã bỏ lại đàn cừu, bỏ quê hương, nhà cửa của mình để từ đồng quê của vương quốc miền Nam, lên tận miền Bắc loan báo Lời Chúa.

Ra đi khỏi quê hương mình, Amốt mang theo cả một tâm tư nặng trĩu về sự nghèo khó, về những con người bị bóc lột, về những hẫm hiu của vùng đất Tekoa quê mùa mà mình đã từng được sinh ra và lớn lên. Vì thế, ông chỉ có tinh thần nghèo khó để ra đi loan báo Lời Chúa mà thôi.

5. Tiên tri Amốt chỉ mong làm sáng danh Chúa chứ không tìm tư lợi cho bản thân. Ông không lợi dụng danh nghĩa tiên tri để kiếm lợi nhuận vật chất như Amasia, cũng không tìm hư danh cho mình. Bởi chưa bao giờ ông nghĩ, mình sẽ là tiên tri.

Hơn nữa, tại quê nhà, ông đã có nghề nghiệp ổn định. Thực tế, ngày Chúa gọi ông, ông đang có việc làm để sinh sống. Ông chỉ ra đi loan báo Lời Chúa khi Chúa bắt đi giữa lúc ông đang làm việc, chứ chính ông không tình nguyện để đi tuyên sấm.

Tiên tri Amốt là tấm gương cho tất cả chúng ta. Chính ông đã sống trước những lời mà sau này Chúa Giêsu sẽ mời gọi các môn đệ của mình. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng về lối sống của người môn đệ mà Amốt đã sống.

Chúa Giêsu gọi các tông đồ đến, “và bắt đầu sai đi từng hai người một” để lên đường thực tập sứ mạng truyền giáo.

Sự khôn ngoan bình thường của một con người phải biết rằng: ra đi là phải có hành trang. Chuyến đi càng nhiều ngày, càng xa nhà, thì hành trang càng được chuẩn bị chu đáo.

Riêng Chúa Giêsu thì khác. Cùng lúc sai các tông đồ lên đường, Chúa lại căn dặn họ đừng mang gì hết.

Đúng hơn, hành trang của các tông đồ là không có hành trang. “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”.

Chúa muốn các ông khi lên đường truyền giáo chỉ bằng tâm hồn nhiệt huyết, chỉ bằng tất cả lòng mến đối với Chúa và với sứ vụ của mình mà thôi. Cũng giống như ơn gọi của tiên tri Amốt xưa, qua những chỉ thị của Chúa, ta lại thấy người tông đồ hôm nay cần phải ý thức:

1. Cả một đời chỉ biết làm theo mệnh lệnh của Chúa. Chúa làm chủ đích của công cuộc truyền giáo. Vì thế, mọi lời rao giảng, mọi lối sống chứng nhân phải quy về Chúa.

Vì Chúa vừa là chủ đích, vừa là cùng đích, người tông đồ không được phép để cho bất cứ thế lực nào, tiếng nói nào làm suy giảm đời sống chứng tá của mình.

Người tông đồ không có cách khác, mà chỉ có một đường hướng duy nhất: lắng nghe tiếng Chúa, tận trung đến cùng với mệnh lệnh của Chúa: Sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

2.  Ơn gọi của người tông đồ chỉ đến từ Chúa. Họ không bao giờ được phép tự phụ về những thành công, hay quá đau buồn về những thất bại trên con đường dâng hiến của mình.

Người tông đồ, càng làm tông đồ, càng phải xác tín mạnh mẽ rằng: Bản thân mình chẳng là gì. Nếu không có Chúa, một mình mình chỉ là một thân cây khô héo. Chính tình thương của Chúa đã trao ban ơn gọi, đã thúc đẩy họ lên đường mà thôi.

3. Người tông đồ phải phó mình trong tay Chúa. Khi ra lệnh: “Không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Chúa Giêsu muốn các tông đồ của Chúa cần phải sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa.

Sự nghèo khó cũng sẽ giúp người tông đồ ý thức sự thiếu thốn của mình mà dễ cảm thông với nghười nghèo.

Càng không có gì, người ta càng dễ dàng phó mình trong tay Chúa. Tiện nghi vật chất dễ làm cho người ta chỉ biết sống hưởng thụ. Rồi từ hưởng thụ, dễ tha hoá, dễ sống xa hoa, dễ kiêu ngạo, dễ cậy mình hơn cậy vào Chúa.

4. Người tông đồ phải sống tinh thần nghèo khó. Sự nghèo khó của người tông đồ sẽ nên tấm gương lôi kéo người khác tin vào Chúa dễ hơn sự giàu có.

Đòi người tông đồ ra đi tay không, có nghĩa là Chúa đòi họ phải sống tinh thần nghèo khó triệt để.

Hãy sống tinh thần nghèo khó như Chúa dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” (Mt 5, 3).

Người tông đồ của Chúa sống nghèo khó là khi thi hành sứ vụ, họ không mang theo gì của loài người, chỉ trọn một niềm phó thác vào Chúa mà thôi.

5. Người tông đồ chỉ mong làm sáng danh Chúa chứ không tìm tư lợi cho bản thân. Đòi hỏi tinh thần nghèo khó để sống phó thác, để luôn ý thức ơn gọi của mình đến từ Chúa và chỉ làm theo mệnh lệnh của Chúa, là đòi hỏi hiến dâng hoàn toàn, hiến dâng trọn vẹn trong từng suy nghĩ, từng hành động, từng giây phút sống, trong từng mối tương quan, từng sự liên đới… chứ không bao giờ có một chút manh nha nào nghĩ đến tư lợi cho bản thân.

Người tông đồ, một khi chấp nhận là tông đồ của Chúa Kitô, họ sẽ trở nên anh em giữa mọi anh em, cùng sớt chia, luôn ý thức mình phải trở nên đồng phận, vui với cái vui của con người; đau với cái đau của con người…

Không bao giờ toan tính cho bản thân, công tác tông đồ của chúng ta sẽ sáng chói, sẽ dễ đạt hiệu quả, dễ đi vào lòng người, dễ gây nên những ảnh hưởng tốt, dễ làm cho Tin Mừng bùng phát…

Noi gương tiên tri Amốt, lắng nghe những chỉ định của Chúa Giêsu, chúng ta nguyện là những tông đồ mới của Chúa trong thời đại mới này.

Xin cho chúng ta biết lên đường bằng tất cả tình yêu, sự nhiệt huyết của người tông đồ biết hiến thân và hiến dâng trọn vẹn.

Sự lên đường của chúng ta không phải ở đâu xa xôi, nhưng là ở chính nơi hoàn cảnh cụ thể mà ta sống, ta làm việc, ta gặp gỡ, ta sinh hoạt…

Nói cách khác, ta đem chính ý thức làm tông đồ của mình nhóm lên trong từng biểu hiện hằng ngày của ta đối với mọi con người gần cận xung quanh ta.

Hãy yêu mến Chúa Giêsu. Hãy đong thật đầy tình yêu Chúa Giêsu nơi trái tim mình. Một khi đã có đủ lửa tình yêu đối với Chúa, đã thấm đẫm, đã ướp đầy hồn tình yêu đối với Đấng cứu chuộc mình, ta sẽ biết làm gì và làm cách nào để cụ thể hóa việc tông đồ của ta, nhằm mang lại hiệu quả lớn lao nhất cho công tác truyền giáo.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG