Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Sự Im Lặng của Chúa

Filled under:

Tôi là người bi quan theo tính khí và khi tôi nhìn thế giới bằng con mắt đức tin Công giáo, tôi thấy càng khó khăn hơn. Tôi thầm hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu im lặng khi Giáo hội bị bách hại?”. Tôi được khuyên giữ niềm hy vọng, nhìn vào sự can thiệp của Thiên Chúa trong quá khứ đối với các sự kiện của con người, và đừng loại trừ tính khả dĩ của các chiến thắng tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, từ viễn cảnh của hiện tại, chúng ta rất dễ thắc mắc là tại sao Thiên Chúa toàn năng lại không thể hiện quyền năng để bênh vực con cái Ngài bị bách hại.
Vấn đề tương tự đã được đặt ra trong tiểu thuyết “Sự Im Lặng” (Silence) của văn sĩ Shusaku Endo. Được viết tại Nhật Bản trong thời gian Kitô giáo bị bách hại dữ dội tại quốc gia này, cuốn tiểu thuyết này đã nắm bắt các chủ đề về đức tin, tử đạo, và sự thất bại của Kitô giáo khi muốn bén rễ tại Nhật Bản.

Xuyên suốt tiểu thuyết này, nhân vật chính là Lm Rodrigues, người Bồ Đào Nha, đã chứng kiến đoàn chiên của mình – các Kitô hữu Nhật Bản – chịu tử đạo. Cuối cùng, đến cuối cuốn tiểu thuyết, chính ngài cũng bị bắt.
Trời còn tối, chưa rạng đông. Lm Rodrigues bị bắt phải bỏ đạo bằng cách bước qua hoặc giẫm đạp lên Thánh Giá. Đâu đây ngài nghe tiếng rên rỉ của các Kitô hữu bị treo ngược đầu xuống đất. Lm Ferreira đã bỏ đạo và cho biết: “Lý do mà tôi bỏ đạo là… Bạn có sẵn sàng? Hãy lắng nghe! Tôi bị đưa tới đây và nghe tiếng kêu than của các giáo dân trong khi Chúa vẫn lặng im. Tôi cầu nguyện hết lòng hết sức, nhưng Chúa vẫn không làm gì cả”.
Lm Rodrigues cố gắng làm ngơ Lm Ferreira, nhưng vô ích. Tiểu thuyết này mô tả sự giằng co của Lm Rodrigues: “Linh mục lắc đầu mạnh, đưa hai tay lên bị lỗ tai. Nhưng tiếng kêu của Lm Ferreira vẫn không ngăn được tiếng kêu vang lên theo tiếng than van của các Kitô hữu. Thôi! Ngừng lại! Lạy Chúa, xin Ngài pah1 vỡ sự im lặng. Xin Ngài đừng im lặng nữa. Xin hãy chứng tỏ Ngài là công lý, Ngài nhân lành, Ngài yêu thương. Xin Ngài hãy nói gì với thế gian để tỏ ra Ngài là Đấng toàn năng!”.
Trong khi đó, Lm Ferreira tiếp tục nài xin Lm Rodrigues: “Tôi đã trải qua một đêm với năm người bị treo lơ lửng trên cái hố. Năm tiếng kêu than đâm vào tai tôi. Tên lý hình nói: ‘Nếu ông bỏ đạo thì những người này sẽ được tha ngay, chúng tôi sẽ lo thuốc thang cho họ’. Tôi trả lời: ‘Tại sao những người này không bỏ đạo?’. Tên lý hình cười to và nói với tôi: ‘Họ đã bỏ đạo nhiều lần rồi. Nhưng nếu ông không bỏ đạo thì những người này cũng phải chết”.
Lm Rodrigues khóc và nói với Lm Ferreira rằng phải cầu nguyện. Lm Ferreira nói là đã cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện không thể làm giảm đau khổ.
Lm Ferreira tiếp tục xin Lm Rodrigues thương các Kitô hữu. Cuối cùng, Lm Rodrigues đã bước qua Thánh Giá: “Linh mục đưa chân lên và cảm thấy đau dữ dội. Không chỉ là thủ tục. Linh mục đã bước qua vật mà cả đời ngài vẫn coi là lành thánh nhất, tinh tuyền nhất, là lý tưởng và nỗi khát khao của con người. Bàn chân đau nhức lắm! Rồi Đức Kitô trong tượng đồng nói với linh mục: ‘Hãy bước qua! Bước qua đi! Ta biết chân con đau lắm. Cứ bước qua đi! Vì bị con người bước qua mà Ta sinh đến trong thế gian này. Và để chia sẻ nỗi đau của con người mà Ta đã phải vác Thánh Giá. Linh mục bước qua Thánh Giá. Trời hừng đông. Từ xa, tiếng gà gáy vang lên”.
Nhiều độc giả, nhất là các Kitô hữu người Nhật, đã phẫn nộ về cách thức mà cuốn tiểu thuyết “Sự Im Lặng” kể lại. Tôi thấy cách mô tả việc bội giáo của Lm Rodrigues gây xáo trộn, vì tôi thích tiểu thuyết của văn sĩ Endo cũng viết về sự bách hại Kitô giáo tại Nhật Bản – cuốn “The Samurai”.
Nhưng khi nhớ rằng Endo viết văn chương chứ không có “chất” thần học, do đó, bất cứ kết luận thần học nào trong tiểu thuyết này đều phải được phê bình đánh giá, tôi tìm được sự thoải mái từ sự nhắc nhở về cuộc bách hại Giáo hội mà không có người phản bội Giáo hội trong hoàn cảnh đó, Đức Kitô chịu đau khổ với nỗi đau khổ của những người trung thành trong gian truân. Điều đó an ủi tôi để nhớ rằng Đức Kitô vẫn ở giữa Giáo hội ngay khi Giáo hội bị thua thiệt.
Tiểu thuyết “Sự Im Lặng” không kết thúc bằng việc Lm Rodrigues bước qua Thánh Giá. Trong chương cuối, có một Kitô hữu người Nhật là Kichijiro đã từng bỏ đạo và ăn năn vài lần trong quá khứ, Kichijiro đến gần Lm Rodrigues – vẫn mạnh mẽ xác nhận là linh mục – và xin Lm Rodrigues giải tội, chính Lm Rodrigues đã cử hành Bí tích Hòa giải cho Kichijiro. Ỏ đây chúng ta được nhắc nhở về một Giáo hội vẫn không ngừng chiến đấu dù bề ngoài thấy có vẻ thất bại, Giáo hội không ngừng là kênh chuyển ơn Chúa cho các tội nhân – dù kho tàng ân sủng của Thiên Chúa được đựng trong bình sành.
Thật vậy, đôi khi chúng ta khó thấy Đức Kitô hiện diện trong Giáo hội khi chúng ta thấy sức mạnh của bóng tối và thế gian từ chối Giáo hội. Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ bằng sự chết và sự phục sinh của Ngài, nhưng đôi khi chúng ta thấy chiến thắng của Ngài có vẻ không thực tế. Những lúc đó, Kitô hữu phải nhớ rằng trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng vẫn ở bên Đức Kitô – dù khi Ngài biến hình sáng láng trên núi Tabor hoặc khi Ngài chịu chết thê thảm trên núi Can-vê.
Trong khi đó, chúng ta phải giữ niềm trông cậy vào sự chiến thắng cuối cùng của Ngài. Chính Ngài đã xác định: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16:33). Và chúng ta sẽ có ngày thấy Ngài chiến thắng hiển hách. Bây giờ thì chưa thấy đâu. Cố lên!
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)