Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 26/7/2015

Filled under:

CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG
Khi họ đã ăn no nê rồi, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6,12)
Suy niệm: Thế giới chúng ta đang sống rất tự hào về sự dư dật của cải và lương thực. Những phát minh khoa học cung ứng thừa mứa nhu cầu tiêu dùng của con người. Thế nhưng, giữa xã hội này lại có vô số con người đang sống nhờ những đống phế thải, không biết ngày mai sẽ ăn gì. Phải chăng chúng ta không bị mê lầm khi cho rằng hễ cứ cấm người nghèo xuất hiện trên đường phố thì sẽ hết tình trạng nghèo đói sao? Tại sao nhân loại hôm nay thành công trong những công trình táo bạo và quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, mà lại không xóa bỏ được tình trạng nghèo đói? Phải chăng một trong những nguyên nhân vẫn còn người nghèo hôm nay là bởi lòng của mỗi chúng ta quá sức bẩn chật, nên không thấy người nghèo, không trợ giúp người nghèo? Nếu nơi mỗi chúng ta còn có một tấm lòng, thì ít nữa sau khi đã no nê rồi, chúng ta nhớ lời Chúa để “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Tối thiểu là như thế, nhưng để thực hiện điều tối thiểu đó đòi hỏi mỗi người phải có một tấm lòng rộng mở tối đa.
Mời Bạn: Ai là người nghèo chung quanh bạn? Họ đang thiếu thốn của ăn, áo mặc, thiếu niềm khích lệ, ủi an, hay thiếu niềm tin? Mời bạn quan sát, tìm kiếm câu trả lời, và có hành động cụ thể.
Sống Lời Chúa: Thực hành một nghĩa cử chia sẻ là làm vơi đi phần nào cái nghèo của người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì con quá nghèo tấm lòng, nên quanh con có nhiều người nghèo. Xin cho con giàu lòng yêu thương, để người nghèo quanh con bớt đi tủi hổ.


 
Thánh Gioankim và Thánh Anna

Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Đức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Đức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Đức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Đức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Đức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.

Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Đức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Đức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Đức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.

Các đức tính nổi bật của Đức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.

Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Đấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.

Lời Bàn
Đây là "ngày lễ của các ông bà". Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.

Lời Trích
"... Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).

Vết Sẹo Nơi Bàn Chân

Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa.... Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: "Chính vết thương này đã làm ta nên người".
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dàọ