Hình như dạo này tôi không được bình thường. Ai nhìn tôi cũng bảo thế. Đi bác sĩ khám mãi vẫn chưa tìm ra bệnh gì. Chỉ thấy chán hết mọi sự thế gian, muốn thu mình vào một cõi, không muốn tiếp xúc với ai... Thôi thì "bỏ phố lên rừng" một chuyến cho tinh thần bớt căng thẳng, lo lắng, muộn phiền. Và nơi tôi lang thang tìm đến giải sầu là trại tâm thần.
Cách xa nơi đông vui náo nhiệt của cao nguyên Lâm Viên là thị xã Đức Trọng-Lâm Đồng với những con đường uốn lượn rợp bóng thông reo. Đi sâu vào con đường đất đỏ ven đồi, dưới thung lũng xanh lúa, và sườn đồi cà phê rợp bóng, là chốn bình yên ẩn khuất để đón những con người “không bình thường”. Cuộc đời ồn ào, khổ đau, cạnh tranh khốc liệt ngoài kia, bỗng khiến họ một ngày nào đó chẳng còn nhận ra mình. Mọi sự chẳng còn hiện hữu như vốn có, mà có cũng như không, không mà như có, không tính cách, chẳng trí tuệ, chỉ còn những cơn điên loạn gào thét bất thường. Họ gần ba trăm con người, những bệnh nhân tâm thần ở thể nặng, không người thân nào cưu mang, khó có khả năng phục hồi. Những khi tỉnh tỉnh chút, có người nhận mình từng là giáo viên, doanh nhân, sinh viên, ca sĩ, đại gia…
Có khi nào trong đó có tôi không? Vì đôi khi tôi cũng sống trong "hoang tưởng", nghĩ mình phải là thế này, phải là thế nọ, phải nắm được chức vụ này, phải giữ cho được địa vị kia. Mặc dù tôi "bất tài vô đức" nhưng vẫn nghĩ rằng "chỉ có mình là xứng đáng" và "mình không làm thì ai làm được?" Rồi vì không được như mình tưởng, cho nên tôi đâm ra chán đời giận người. Tôi bị bệnh "hoang tưởng" thật rồi. Tôi có hơn gì những bệnh nhân ở trại tâm thần này đâu!
Ấy thế mà nơi đây còn giữ một câu chuyện rất đẹp. Có một sư cô bị điên. Nhà Chùa phải đưa cô lên rừng vì ở đồng bằng đã làm mọi cách cứu mà không được. Chốn cô tịnh tu hành, chẳng lẽ để cô phá phách la hét hay sao ? Họ gởi cô tới đây với chút hi vọng được yên ổn. Cô dọn một góc nhỏ thờ Đức Phật Thích Ca. Mỗi ngày cô tụng kinh ê a, trong khi hàng trăm bệnh nhân khác cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều.
Vài tháng sau, tự nhiên cô dõng dạc tuyên bố: “Các người bắt kinh không có hay. Từ nay tôi phải dẫn kinh cho mấy người mới được!” Và thật lạ lùng, cô thuộc kinh làu làu. Hóa ra khi niệm Phật ê a, thì tai cô, trí cô lại thu lượm và nhớ thuộc lòng chuỗi kinh lòng thương xót Chúa. Cô dẫn kinh lòng thương xót rất hay. Mọi bệnh nhân dù là Công Giáo, Tin Lành, người Kinh, người K’hor, đều nghe cô răm rắp!
Nơi đây, không ai có thể giải thích một hiện tượng rất lạ lùng là cho dù suốt ngày suốt đêm các bệnh nhân chìm trong cơn điên cuồng, nhưng duy nhất có quãng thời gian trong ngày họ rất tử tế và rất hiền, đó là giờ cầu kinh lòng thương xót Chúa lúc ba giờ chiều!
Sau một thời gian làm “bà quản kinh”, dẫn kinh lòng thương xót cho các nữ bệnh nhân mỗi 3 giờ chiều tại đây, sư cô được khỏi bệnh, tỉnh táo. Nhà Chùa và các phật tử tới rước cô về. Họ bảo cô muốn đọc kinh Chúa, kinh Phật cũng được, miễn cô khỏi bệnh là ân phúc rồi!
Ôi, từ chốn gọi là điên rồ nhất đã phát sinh những sự tuyệt vời, mà kẻ nhận mình tỉnh táo như tôi phải ngỡ ngàng quá đỗi. Huyền diệu thay, lòng Chúa xót thương!
Tín thác