Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 31/7/2015

Filled under:

CUNG KÍNH THỜ PHƯỢNG CHÚA 
“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? ” (Mt 13,54)
Suy niệm: Sự quen thuộc dễ phát sinh thái độ khinh thường. Có người còn nghĩ rằng cho dù nó không gây ra thái độ đó, thì nó cũng lấy đi sự thán phục. Trong bài Tin Mừng, ta gặp trường hợp ngược lại: có những người đồng hương với Chúa Giê-su thán phục sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng, điều kỳ diệu qua phép lạ Ngài làm, nhưng không chấp nhận sứ điệp triều đại Cứu thế của Ngài (x. Lc 4,18-22) chỉ vì họ quá quen thuộc với lý lịch và gia thế của Ngài. Họ đánh giá Ngài qua dòng tộc, liên hệ gia đình, chứ không dựa trên chính bản thân Ngài. Coi thường bản thân người rao giảng, nên họ đã không nhận ra sứ điệp của người ấy. Họ đánh mất cơ hội nhận được ơn cứu độ từ người đồng hương quen thuộc của mình.
Mời Bạn: “Gần chùa gọi bụt bằng anh” có thể là thái độ của bạn, ngay cả trong việc thánh thiêng nhất là thờ phượng Thiên Chúa. Cười dỡn, nói chuyện ồn ào, chưa cung kính đủ khi ở trong nhà thờ, không sốt sắng dọn mình và cám ơn mỗi khi rước vị khách cao quý nhất của vũ trụ là Chúa Giê-su Thánh Thể... là vài thí dụ tiêu biểu cho thái độ bất xứng của tạo vật dành cho Đấng Tạo Hóa của mình.
Sống Lời Chúa: Dù quen thuộc với các nghi thức phụng vụ, tôi vẫn luôn giữ thái độ cung kính ở nơi thánh thiêng, cũng như sốt sắng, tôn kính Chúa Giê-su mỗi khi rước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con xin lỗi Chúa vì sự lơ là, chưa quan tâm đến Chúa đủ mỗi khi rước Chúa. Xin tha thứ cho chúng con, và giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng, sốt sắng kết hiệp với Chúa trong giây phút trọng đại ấy. Amen.

Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã)
(1491-1556)
Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Đức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Đức Kitô.

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Đức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Đức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Đức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Đa Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Balê.

Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Đất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, Thánh Y Nhã hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Đức Giêsu (Dòng Tên) được Đức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận và Thánh Y Nhã được bầu làm bề trên đầu tiên.

Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Thánh Y Nhã vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Đại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo -- Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam -- "để Thiên Chúa được vinh danh hơn." Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Đức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Lời Bàn
Vào năm 1517, Luther đã niêm yết các đề án của ông lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Mười bảy năm sau, Thánh Y Nhã sáng lập một tu hội góp phần quan trọng trong việc chống lại sự cải cách Tin Lành. Ngài là một kẻ thù bất khả tiêu diệt của Tin Lành. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ngài người ta vẫn thấy tiềm ẩn sự đại kết: "Phải rất thận trọng khi đưa ra các chân lý chính truyền để nếu người lạc giáo có mặt ở đó, họ sẽ cảm nhận được lòng bác ái và sự ôn hòa Kitô Giáo. Không được dùng lời lẽ cứng rắn và cũng không được khinh miệt những sai lầm của họ." Một trong những khuôn mặt vĩ đại của phong trào đại kết hiện nay là Đức Hồng Y Bea, một linh mục dòng Tên.

Lời Trích
Thánh Y Nhã đề nghị lời nguyện sau đây cho các hối nhân: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Được như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa."