Nhạc sĩ Johnny Hallyday qua đời trong đêm 06/12/2017 tại Marnes-la-Coquette, hưởng thọ 74 tuổi. Trong hơn nửa thế kỷ ca hát, Johnny để lại một sự nghiệp đồ sộ với hơn một ngàn ca khúc, sáng tác hơn một trăm bản nhạc, bán 110 triệu dĩa nhạc. Johnny có hai con nuôi người Việt là Jade sinh năm 2004, và Joy sinh năm 2008.


Sự nghiệp ca nhạc của Johnny Hallyday còn mang dấu ấn đức tin, biểu hiện qua thánh giá đeo trước ngực và nhiều ca khúc.

Trong tập nhạc ‘‘Vie’’ (1970) có ca khúc ‘‘Jésus-Christ’’. Lời ca viết rằng nếu ngày nay Chúa giáng trần, ngài cũng gẩy khúc tây ban cầm và ngủ trên hàng ghế trong các nhà ga. Điệp khúc còn nói Chúa Kitô là hiện thân híp pi. Vào thời điểm vừa kể, ca khúc này bị cấm trên hệ thống truyền thanh Pháp. Trả lời những ý kiến chống đối, Johnny khẳng định : ‘‘Tôi là một tín hữu Công Giáo. Cho dầu có cấm đoán thì tôi vẫn là người Công Giáo.’’

Johnny còn sáng tác hoặc trình diễn nhiều ca khúc tuyên xưng đức tin khác. Ca khúc ‘‘Une poignée de terre’’ sáng tác năm 1961 tán dương công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ca khúc ‘‘Si j’étais un charpentier’’ (1967) là lời tự tình của Thánh cả Giuse.

Ca khúc ‘‘Noël interdit’’ (1973) nói đến hài nhi bị bỏ rơi, được cô ruột ẵm nuôi : ‘‘Bên ánh lửa bừng lên trong ánh mắt, Chúa muốn hài nhi được vui sướng’’.

Ca khúc ‘‘Marie’’(2002) có số bán kỷ lục một triệu CD. ‘‘Lạy Mẹ dấu yêu, nếu Mẹ biết mọi nỗi bất hạnh người đời bắt con phải chịu, con hằng mong được yên nghỉ trong vòng tay hiền mẫu. Lạy Mẹ dấu yêu, con chờ mong ngày về bên Mẹ’’.

Trong đêm đông lạnh giá năm nay, Johnny Hallyday đã an nghỉ, với một đức tin không lay chuyển, về bên Mẹ hiền. Johnny đã gieo rắc tình yêu thương Kitô giáo trong lòng khách mộ điệu, trong số có nhiều người không cùng đức tin Công Giáo.

Paris, ngày 06/12/2017
Lê Đình Thông


Đức Thánh Cha kêu gọi tổng thống Trump tôn trọng hiện trạng của thành Thánh Giêrusalem
Đức Thánh Cha Francis đã bày tỏ những quan ngại của ngài trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel.

Đức Giáo Hoàng nói ngài “không thể giữ im lặng” trước “những tình huống phát sinh trong những ngày gần đây”, và kêu gọi tôn trọng “hiện trạng của thành phố, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc”.

“Giêrusalem là một thành phố độc đáo, thánh thiêng đối với người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo, là những người tôn kính nơi Thánh của các tôn giáo tương ứng của mình, và thành phố này có một ơn gọi đặc biệt cho hòa bình.

“Tôi cầu nguyện xin Chúa rằng căn tính này sẽ được duy trì và tăng cường vì lợi ích của Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới, cũng như xin cho sự khôn ngoan và thận trọng sẽ chiếm ưu thế, để tránh thêm các yếu tố căng thẳng mới trong một thế giới đã lung lay và được ghi dấu bằng quá nhiều những xung đột tàn bạo”

Tổng thống Trump dự kiến sẽ sớm công bố rằng Hoa Kỳ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel, và Hoa Kỳ sẽ di chuyển sứ quán của mình từ Tel Aviv đến đó.

Mặc dù tiến trình xây dựng sứ quán mới sẽ mất vài năm, Trump đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “bắt đầu tiến trình”.

Một quan chức Mỹ nói: “Chính sách của Mỹ là thành thật vì thực tế Giêrusalem là thủ đô của Israel. Nó đã là thủ đô của người dân Israel kể từ thời cổ đại. Không ai có thể phủ nhận điều đó, đó chỉ là một thực tế.”

Tình trạng của thành phố vẫn còn đang trong vòng tranh cãi. Người Palestine nhấn mạnh rằng không có hy vọng về một thỏa thuận hòa bình, trừ khi họ có thể sử dụng phần phía đông thành phố này làm thủ đô của họ, nhưng người Israel cho rằng cả thành phố là của riêng họ.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmood Abbas mô tả động thái này là “không thể chấp nhận”.

Ông Abbas cũng được tường trình là đã gọi cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ mối quan ngại của ông về động thái này.

Các nhà lãnh đạo Liên đoàn Ả rập và từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến Ai Cập, Jordan, Ả-rập Xê-út và Iraq đã kêu gọi Tổng thống Trump xem xét lại.