Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 06/12/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 15: 29-37)
Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen. Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường". Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ". Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.
Suy niệm 1
 
“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn”(Mt 15, 32).

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu thấy đám đông, vì theo Chúa, nghe lời Chúa giảng mà quên cả bụng đói, thì Người chạnh lòng thương. Xung quanh cuộc sống quanh, chúng ta cũng thấy rất nhiều: những người nghèo đói bên lề đường đang cần mọi người bớt chút của ăn áo mặc để giúp đỡ họ; những tệ nạn xã hội cần mỗi người góp phần củng cố, v.v. Nhưng nhiều khi chúng ta thấy mà như không thấy, chuyện như thể không liên quan gì đến chúng ta. Dường như đó là khuynh hướng chung của con người ngày hôm nay. Chúng ta cần đến và học nơi Chúa Giêsu tình yêu và lòng thương xót.

Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Ngài chính là Thiên Chúa giàu tình yêu. Ngài chạnh lòng xót thương nhân loại, nhưng không phải nhân loại chung chung nào đó, mà là chạnh lòng thương cụ thể từng người, từng người một. Lịch sử cứu độ vẫn còn đó như một bằng chứng hết sức cụ thể, lớn lao về sự không hề vô cảm, nhưng nghiêng mình xuống của Thiên Chúa để thể hiện lòng xót thương trên nhân loại.

Vì chạnh lòng thương, Thiên Chúa tạo dựng con người mang lấy chính dấu ấn hình ảnh của Thiên Chúa, để con người thông chia sự sống, sự thống trị vũ trụ cùng Ngài. Khi lòng dạ con người bội phản, vì chạnh lòng thương, Thiên Chúa lại trao ban cho con người tình yêu cứu chuộc, mà Con Một của Ngài là hiện thân để nhân loại tiếp tục được sống. Thiên Chúa chạnh lòng thương đoàn người nô lệ bên Ai Cập, nên đã giải phóng họ. Cũng vì chạnh lòng xót thương mà Ngài lãnh đạo họ, rày đây mai đó với họ giữa cảnh hoang địa đầy hiểm nguy, chết chóc. Ngài chạnh lòng thương nên đã nuôi đoàn dân lữ hành bằng nước và bánh bởi trời suốt bốn mươi năm ròng. Ngài chạnh lòng thương sự yếu đuối của mỗi thân phận con người, nên đã tha thứ cho dân riêng hết lần này đến lần khác. Chạnh lòng thương, Thiên Chúa gieo niềm vui ơn cứu độ và niềm hy vọng được giải thoát giữa cảnh lưu đày tủi nhục. Chạnh lòng thương đoàn dân lưu đày, Ngài đã dẫn đưa họ trở về cố hương, v.v. Vô cùng những lần Thiên Chúa thể hiện Ngài là Đấng chạnh lòng thương. Trọn cả dòng lịch sử cứu độ này là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương của Thiên Chúa. Đến lược Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa làm người, cũng như Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương không mệt mỏi của Người.

Bắt chước Thiên Chúa, bắt chước Chúa Giêsu, ta cũng hãy chạnh lòng thương xót nhau. Xã hội, con người cần sự quan tâm chăm sóc của chúng ta. Thái độ thờ ơ, bàng quang, lãnh đạm, sống cách biệt, lạnh lùng, không thiện cảm, phải được chúng ta khai trừ khỏi đời sống của mình.

Ta phải nhìn thấy những người nghèo đói bên lề đường đang cần ta bớt chút của ăn áo mặc giúp đỡ họ; những tệ nạn xã hội cần ta góp phần củng cố, v.v.; thấy sự bất công đang cần ta lên tiếng bênh vực công lý; thấy sự đau khổ của anh chị em đang cần ta ủi an; thấy sự hận thù đang ngự trị nơi nhiều con người đang cần ta xoa dịu, v.v.

Lạy Chúa, xin Chúa đổ tràn tâm hồn tình yêu của Chúa, để chúng con biết chạnh lòng thương, như Chúa đã chạnh lòng trước những đau khổ của loài người chúng con. Xin cho chúng con thực sự trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng hàng ngày của chính chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy nim 2
Khi mô tả về thời cánh chung, thời thiên sai, thời của Đấng Mêsia, 
ngôn sứ Isaia nghĩ đến một bữa tiệc lớn cho muôn dân tộc 
do Đức Chúa của Ítraen khoản đãi trên núi thánh. 
Không phải chỉ đãi thịt béo, rượu ngon, 
Đức Chúa còn lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, 
Khổ đau không còn nữa, chỉ còn tiếng reo vui (Is 25, 6-10).
Nơi Đức Giêsu, lời của ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm. 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lên một ngọn núi 
thuộc miền Thập Tỉnh của dân ngoại (x. Mc 7, 31). 
Dân chúng kéo đến cùng với những người bệnh hoạn tật nguyền. 
Trên ngọn núi ấy, Ngài đã đem đến niềm vui cho bao người. 
Kẻ câm nói được, người què đi được, người mù sáng mắt. 
Đức Giêsu không giảng về một Nước Trời xa xôi. 
Ngài cho thấy một Nước Trời gần gũi khi thân xác được lành mạnh.
Kitô giáo không duy tâm, duy linh hay duy vật. 
Đức Giêsu quan tâm đến trọn cả con người với xác và hồn. 
Chính vì thế Ngài vừa rao giảng, vừa chữa bệnh. 
Ngài biết chạnh lòng thương đám đông, 
vì họ đã ở lại với Ngài từ ba ngày qua mà không có gì ăn. 
Ngài hiểu thế nào là cái đói và hậu quả của nó 
nên Ngài không muốn để họ đi về mà bụng lại rỗng không. 
“Sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (c. 32). 
Đức Giêsu đã nghĩ đến việc cho họ ăn như một nhu cầu cấp thiết.
“Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no” (c. 33). 
Trước vấn đề lương thực cho một đám đông ở nơi hoang vắng, 
các môn đệ thấy mình bất lực và bế tắc. 
“Bảy cái bánh và ít cá nhỏ”, đó là tất cả những gì họ có. 
Để nuôi đám đông, các môn đệ phải cộng tác với Đức Giêsu, 
trao cho Ngài tất cả những gì mình có, 
để rồi nhận lại tất cả từ Ngài, và đem chia sẻ cho đám đông.
Bữa ăn ở nơi vắng này không phải là một đại tiệc với rượu thịt, 
nhưng rõ ràng là rất cần thiết, đem lại no đủ và thậm chí dư thừa. 
Thế giới hôm nay có hơn một tỉ người đói, đa số ở Á châu. 
Những bữa ăn đầy đủ vẫn là nỗi khát khao ám ảnh nhiều người. 
Đói chẳng những làm ngất xỉu hay dẫn đến cái chết, 
nhưng còn làm người ta mất nhân cách, sống không ra người. 
Bận tâm của Đức Giêsu về cái đói cũng là mối bận tâm của Giáo Hội. 
Phép lạ bánh hóa nhiều của Đức Giêsu phải được nhân lên khắp nơi, 
để không còn ai phải đói trên thế giới. 
Bữa tiệc cánh chung, nơi muôn người từ đông sang tây đến dự, 
phải được chuẩn bị từ những bữa ăn cho kẻ nghèo hôm nay. 
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở quanh ta. 
Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để nuôi được họ.
Cầu nguyn:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.