Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Khiết tịnh trong trắng của trái tim và ý định

Filled under:

Sống khiết tịnh không dễ, không chỉ đối với những người không lập gia đình, mà đối với tất cả mọi người. Kể cả khi tất cả hành động của chúng ta đều thẳng thớm, thì vẫn khó mà sống với một trái tim trinh bạch, một thái độ trinh bạch, và những điều thích thú trinh bạch. Rất khó có được sự trong trắng của trái tim và ý định.
Tại sao? Khiết tịnh khó bởi vì chúng ta đầy dục tính một cách vô phương cứu chữa trong từng chân tơ kẽ tóc. Mà đó chẳng phải là điều gì xấu. Đó là món quà của Chúa. Không hề là thứ dơ bẩn và đối chọi với đời sống tinh thần của chúng ta, dục tính là món quà lớn lao của Chúa, là ngọn lửa thiêng của Chúa trong lòng chúng ta. Và như thế, nỗi khao khát ái ân là sắc màu có ý thức hoặc sơ khai nằm đằng sau hầu hết mọi hoạt động trong đời sống chúng ta.
Vì thế cầu nguyện để được khiết tịnh là một chuyện khó, vì cầu nguyện như vậy là xin cho nỗi khao khát tình dục và năng lượng tình dục trong lòng chúng ta nguội đi hay tan biến. Và ai trong chúng ta lại muốn sống cuộc đời vô cảm và vô tính? Chẳng có con người lành mạnh nào muốn điều đó. Như vậy, nếu bạn lành mạnh, thì khó mà chú tâm cầu nguyện xin khiết tịnh, bởi vì trong sâu thẳm, chẳng ai muốn vô cảm với tình dục.
Nhưng vấn đề không nằm ở chuyện khiết tịnh, mà ở cách chúng ta hiểu về khiết tịnh. Khiết tịnh không có nghĩa là chúng ta trở nên vô cảm với tình dục (mặc dù mãi mãi từ xưa tới giờ và về sau, truyền thống thiêng liêng vẫn chật vật gắng gỏi để không đánh đồng như vậy). Khiết tịnh không phải là chuyện phủ nhận dục tính của chúng ta mà là định hướng nó cho đúng. Khiết tịnh là sự trong trắng của quả tim, tâm hồn trong trắng. Đó mới là ý niệm khiết tịnh trong Kinh thánh. Chúa Giêsu không bảo chúng ta cầu nguyện xin khiết tịnh, mà đề nghị chúng ta cầu nguyện xin “sự trong trắng của trái tim”. Phúc thay cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ gặp được Chúa. Họ cũng hướng dục tính của họ một cách đúng đắn.
Lòng trong sạch là gì? Lòng trong sạch là quan hệ với người khác và thế giới theo cách tôn kính và trân trọng đầy đủ phẩm chất, giá trị và vận mệnh của mọi người và mọi vật. Lòng trong sạch là nhìn người khác như Chúa nhìn họ. Lòng trong sạch  là chúng ta yêu thương nhau với suy nghĩ về điều tốt của họ (chứ không phải điều tốt của chính chúng ta). Karl Rahner cho rằng chúng ta có lòng trong sạch khi chúng ta nhìn người khác trên một nền trời vô tận, nghĩa là trong tầm nhìn, nơi đó phẩm giá, đặc điểm cá nhân, cuộc sống, ước mơ và dục tính của người đó được nhìn nhận trong bối cảnh lớn lao nhất, kế hoạch vĩnh viễn của Chúa. Tâm trong trắng là ý định trong trắng và tôn trọng đầy đủ trong tình thương yêu.
Khi chúng ta hiểu khiết tịnh theo nghĩa đó chúng ta mới có thể cầu nguyện dễ dàng hơn. Theo cái hiểu như vậy, chúng ta không cầu nguyện cho năng lượng tình dục của mình bị dập tắt, mà là cầu nguyện để vẫn hoàn toàn dũng mạnh nhưng những năng lượng, ý định và mơ mộng dục tình của mình được chuyển hướng đúng đắn. Chúng ta cũng cầu nguyện để có được một kiểu trưởng thành về mặt con người lẫn tình dục, tôn trọng người khác một cách trọn vẹn. Căn cốt, chúng ta cầu nguyện xin có được một lòng tôn trọng sâu xa hơn, một trưởng thành sâu sắc hơn, và một tình thương yêu trao truyền cuộc sống hơn.
Và đó là sự cầu nguyện hết sức cần thiết trong đời sống chúng ta bởi vì dục tính mạnh mẽ đến nổi thậm chí trong mối quan hệ hôn nhân, tình dục vẫn có thể có ý chí định hướng (intentionality) dù không đủ lớn. Charles Taylor, trong cuốn “Thời đại thế tục” (A Secular Age) tranh luận cái ý rằng tình dục quá dễ bỏ qua đại cục và trở thành bó hẹp, một ý thường bị bỏ qua trong cách hiểu của chúng ta về tình dục: “Không phải tôi đang cố hạ thấp ông cha của mình, bởi vì tôi nghĩ có một sự giằng xé thật sự trong việc cố gắng kết hợp sự viên mãn tình dục và sự sùng đạo trong cuộc sống của một người. Thật ra đây chỉ là một trong những điểm mà theo đó, người ta cảm nhận được một sự giằng xé chung hơn giữa chuyện bay bướm của con người và sự cống hiến với Chúa bộc lộ ra. Việc mối giằng xé này đặc biệt thấy rõ trong mảng tình dục là rất dễ hiểu. Sự viên mãn sâu sắc về tình dục khiến chúng ta chú ý mạnh mẽ tới sự liên hệ giữa vợ chồng; nó gắn chặt chúng ta với cảm thức sở hữu mạnh mẽ những gì được chia sẻ một cách riêng tư. Không phải khi không mà ngày xưa các nhà sư và các vị tu hành ẩn dật coi việc từ bỏ lạc thú tình dục là con đường mở ra để đi tới tình thương rộng lớn hơn của Chúa. [Và] chúng ta cũng không nên ngạc nhiên trước việc có sự giằng xé giữa sự viên mãn và lòng mộ đạo cũng trong một thế giới bị tội lỗi bóp méo, tách rời khỏi Chúa. Nhưng chúng ta phải tránh đừng để điều này biến thành một sự lệch lạc căn bản .” Rốt cuộc đó mãi mãi là cái mà cả thế giới thế tục và truyền thống thiêng liêng Ki-tô (vì thiếu cái hiểu đúng đắn về sự khiết tịnh) phải chật vật để không mắc phải.
Xét cái mãnh lực tình dục bên trong chúng ta, và xét cái mãnh lực của những thôi thúc và khát khao con người nói chung, sống cuộc đời khiết tịnh không dễ gì. Càng khó khăn hơn, và hiếm hơn để có được một tinh thần khiết tịnh, một trái tim khiết tịnh, những cơn mơ mộng khiết tịnh và ý định khiết tịnh. Quả tim chúng ta muốn cái điều nó muốn và gây áp lực bắt chúng ta giả lơ hậu quả. Chúng ta có thể dễ dàng có cảm giác phản kháng nhất định đối với chuyện cầu nguyện được khiết tịnh. Nhưng chủ yếu là do chúng ta không hiểu khiết tịnh một cách đúng đắn: Đó không phải là làm trái tim chết cứng, tước bỏ cảm xúc tình dục của mà là một trưởng thành sâu sắc hơn cho phép các năng lượng tình dục của ta tuôn chảy theo một cách trao truyền cuộc sống hơn.
J.B. Thái Hòa dịch


Dây xích từng trói giữ thánh Phêrô

Theo ghi chép, thánh Phêrô không ít lần chịu cảnh tù tội trong lúc rao giảng Lời Chúa, và xiềng xích giam cầm vị tông đồ của Chúa Giêsu vẫn được bảo quản đến ngày nay.
Dây xích từng trói giữ thánh Phêrô
Dây xích từng trói giữ thánh Phêrô
Tọa lạc ở quận Monti tuyệt đẹp của Rôma là Vương Cung Thánh Ðường mang tên San Pietro in Vincoli, có nghĩa là “thánh Phêrô bị xiềng”, cũng là nơi lưu giữ thánh tích quan trọng liên quan đến vị giáo hoàng đầu tiên của Công giáo.
Chứng tích của quá khứ
San Pietro in Vincoli được xây vào khoảng thế kỷ thứ 5. Trong quá trình trùng tu vào giữa thế kỷ thứ 20, các nhà khảo cổ học đã có cơ hội nghiên cứu lớp bên dưới của nhà thờ, và phát hiện tổng cộng đến 4 lớp mang dấu tích cổ đại. Lớp đầu tiên có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Ðến giữa thế kỷ thứ nhất, nơi này được thay thế bằng một dinh thự nguy nga hơn, nằm ở rìa phía bắc của cung điện hoàng đế La Mã Nero. Vẫn tiếp tục tồn tại sau khi triều đại sụp đổ, tòa nhà lại thay bộ mặt mới vào thế kỷ thứ 2 trước khi được cải tạo một lần nữa vào cuối thế kỷ thứ 3 với sảnh rộng dùng làm nơi cầu nguyện. Thậm chí trước khi xuất hiện nhà thờ được bảo tồn đến hiện nay đã có một nhà thờ khác, nếu dựa trên những dòng chữ được sao chép lại từ những tín hữu hành hương vào thời kỳ Trung Cổ.
Tuy nhiên, San Pietro in Vincoli được nổi tiếng đến nay nhờ vào một vật chứng có liên quan đến những ngày tháng thánh Phêrô chịu giam cầm. Thánh tích này là một sợi dây xích đơn, dài không đến 2m, với một đầu gắn vòng cố định, và hiện vẫn nằm bên trong chiếc hộp bằng thủy tinh bên dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Ðường. Vào thời Trung Cổ, sự hiện diện của thánh tích quan trọng đã biến San Pietro in Vincoli thành một trong những điểm hành hương quan trọng nhất tại Rôma. Tương truyền, có đến hai sợi dây xích khác nhau, và bằng cách nào đó chúng đã kết hợp làm một khi được đặt cạnh bên.
Theo một số sử liệu, thánh Phêrô bị giữ bằng hai sợi xích khi bị cầm tù ở Giêrusalem theo lệnh của vua miền Judea, Herod Agrippa (Cv,12). Hai sợi xích này đồng thời xuất hiện tại thành Rôma vào năm 439, và câu chuyện được diễn biến như sau: Vào năm đó, Ðức Giám mục Giêrusalem Juvenal đã trao lại bộ đôi thánh tích này cho Hoàng hậu Aelia Eudocia, vợ của Hoàng đế Ðông La Mã Theodosius II, trong thời gian bà ở Ðất Thánh. Hoàng hậu gởi một dây về Constantinople, nơi thánh tích được tôn kính trong nhà thờ Các Thánh Tông Ðồ (bị đế quốc Ottoman phá hủy vào năm 1461). Sợi còn lại được gởi cho con gái của bà là Licinia Eudoxia, đã kết hôn với Hoàng đế Valentinian III của đế chế Tây La Mã (khi đó đế quốc La Mã bị phân đôi).
Trong khi đó, một câu chuyện khác lại cho rằng sợi xích, hoặc có thể hai, được sử dụng để xiềng thánh tông đồ Phêrô tại Rôma trước ngày xử tử. Thánh tích được chuyển về phía đông và cuối cùng xuất hiện ở Constantinople hoặc Giêrusalem. Ðiểm chung là sau đó Hoàng hậu Eudoxia đã trao thánh tích cho Ðức Giáo Hoàng Leo I. Khi vị giáo hoàng xếp chúng với các sợi xích được dùng để gông xiềng thánh tông đồ Phêrô tại ngục tù Mamertine ở Rôma, hai sợi dây đã kết hợp với nhau làm một như hình dạng bây giờ.
Dấu ấn của nhiều đời giáo hoàng
San Pietro in Vincoli đã được dâng cho Giáo hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtus III vào năm 439. Nơi này trải qua vài đợt trùng tu, trong số đó có công trình do Ðức Giáo Hoàng Adrian I đích thân điều phối. Từ năm 1471 đến 1503, Ðức Hồng y Della Rovere (sau này được bầu chọn, trở thành Ðức Giáo Hoàng Julius II) tiếp tục hoàn thiện các công trình tại đây. Mái vòm cổng trước được bổ sung vào năm 1475, kế đến là hành lang được dựng lên trong giai đoạn từ năm 1493 đến 1503. Ðến đầu thế kỷ 18, việc xây cất lại được tiếp tục và hầu như mỗi thế kỷ lại có một dự án trùng tu.
Bên cạnh dây xích thánh Phêrô, San Pietro in Vincoli còn được biết đến với các bích họa tuyệt đẹp như Miracle of the Chains (1706) của họa sĩ Giovanni Battista Parodi. Trong bức tranh, Ðức Giáo Hoàng Alexander đã trị bướu cổ cho thánh Balbina bằng cách dùng dây xích từng trói thánh Phêrô chạm vào phần cơ thể bệnh tật. Tuy nhiên, bức bích họa này không nổi tiếng bằng tác phẩm điêu khắc của Michelangelo có tên Moses, được hoàn tất vào năm 1515 với mục đích làm quần thể tượng đài trước mộ Ðức Giáo Hoàng Julius II. Các tác phẩm khác bao gồm hai bức tranh sơn dầu vẽ thánh Augustine và Margaret của họa sĩ Guercino, công trình kỷ niệm Ðức Hồng y Girolamo Agucchi.
Bên cạnh mộ phần của một số vị hồng y, vào năm 1876 các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nơi chôn cất của nhóm được cho là 7 chiến binh Do Thái, những người nổi dậy giành lấy Giêrusalem từ tay đế quốc Seleucid vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng đến ngày nay