Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Miến Điện và Băng-la-đét từ ngày 27 tháng 11 đến 2 tháng 12 đặc biệt mong chờ ý kiến của ngài về người tị nạn Rohingya. Và chính tại Dacca mà cuối cùng Đức Phanxicô mới lên tiếng xin cộng đoàn quốc tế giúp nhóm thiểu số hồi giáo bị bách hại này.
Tuyên bố hay không tuyên bố chữ “rohingya?” Vấn đề hằn trong tư tưởng của cả chuyến đi của Đức Phanxicô ở Miến Điện, rồi đến cả Băng-la-đét. Trên cột báo Đời sống, hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục giáo phận Rangon, Miến Điện từ năm 2013, đã báo động sẽ có sự cố ngoại giao nếu dùng chữ “Rohingya”, một chữ cấm kỵ tuyệt đối ở Miến Điện: “Xin đừng dùng chữ này, sẽ làm cho chính quyền và giới quân sự ở Miến Điện bị sốc. Như thế là muốn nói người Rohingya là một sắc dân thiểu số của Miến Điện, họ thuộc về xứ sở này, nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi sẽ nói ngài nên dùng chữ “hồi giáo”. “Chữ Rohingya” là một chữ rất tế nhị”.
Quả vậy, từ năm 1982, người hồi giáo Rohingya không được mang quốc tịch Miến Điện, họ là nạn nhân chính trị của việc “miến điện hóa” ở một đất nước có 90 người dân là phật tử. Như vậy họ là người vô tổ quốc. Qua năm tháng, việc nhìn nhận họ là người có quốc tịch Miến Điện càng ngày càng trở nên cấm kỵ, họ bị cưỡng bức phải biệt xứ và từ tháng 8 năm 2016, chính quyền Miến Điện có một chính sách đàp áp dã man đối với họ. Hiện nay Băng-la-đét tiếp nhận 800.000 người tị nạn Rohingya. Về phần mình, Tòa Giám mục Miến Điện phải có một đường lối ngoại giao cực kỳ tế nhị, vì tình trạng của chính quyền Aung San Suu Kyi rất bấp bênh, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào đứng trước một quân đội muốn dùng cơn khủng hoảng người Rohingya làm vũ khí chính trị để chiếm lại quyền lực.
Chúng ta đừng khép kín tâm hồn mình, chúng ta đừng quay mặt đi, ngày nay sự hiện diện của Chúa còn gọi là Rohingya. Đức Phanxicô
Chính vì thế Đức Giáo hoàng nghe lời cảnh báo của hội đồng giám mục Miến Điện, nhưng không vì thế mà ngài không nói đến số phận của người tị nạn Rohingya, khi đến Băng-la-đét, ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp họ. Một lời kêu gọi được nói lên với những chữ rất mạnh: “Chúng ta đừng khép kín tâm hồn mình, chúng ta đừng quay mặt đi, ngày nay sự hiện diện của Chúa còn gọi là Rohingya”. Ngài phát biểu như trên vào ngày thứ sáu 1 tháng 12, trong buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình ở Dacca, tại khuôn viên Tòa Giám mục Dacca, nơi ngài tiếp 16 người Rohingya. Trong buổi gặp gỡ ngắn ngũi này, Đức Phanxicô chăm chú nghe họ một cách đặc biệt, ngài rất xúc động và không ngần ngại cầm tay một phụ nữ rohingya trong tay mình. Ngài tuyên bố sau buổi gặp gỡ này: “Chúng tôi rất gần anh chị em. Nhân danh tất cả những người đã làm tổn thương anh chị em, và nhân danh sự dửng dưng của thế giới, tôi xin anh chị em thứ lỗi”.
Tối hôm trước, ngay khi mới đến Dacca, Đức Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế: “Không ai trong chúng ta không ý thức về tầm quan trọng của tình huống, về giá không lường phải trả cho các đau khổ nhân loại và các điều kiện sống bấp bênh của nhiều anh chị em chúng ta mà đa số là phụ nữ và trẻ em trong các trại tị nạn”. Sau đó ngài nói thêm: “Cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp quyết định trước cơn khủng hoảng trầm trọng này, không phải chỉ để giải quyết vấn đề chính trị liên hệ đến vấn đề người Rohingya ra đi hàng loạt này, mà còn phải trợ giúp Băng-la-đét về mặt vật chất ngay lập tức, trong nỗ lực giúp họ giải quyết một cách có hiệu quả các nhu cầu nhân đạo khẩn thiết này”.
Marta An Nguyễn dịch