Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa
Nhân đức khiêm nhường là một ơn không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Mỗi Kitô hữu là một chồi non
Bài đọc trích sách tiên tri Isaia có nói: “Từ gốc Giêsê, sẽ đâm ra một chồi non. Từ chồi non ấy, Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức. Thần Khí ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Chúa.” Đó là những ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Và mỗi Kitô hữu là một chồi non như thế. Mỗi người tiến triển từ những chồi non để nên thành toàn, để trở nên viên mãn trong Chúa Thánh Thần. Đó là cuộc sống của người Kitô hữu.
Cần ý thức rằng, mỗi người chúng ta là đều là chồi non, và chồi non ấy cần lớn lên, cần được lớn lên trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chồi non cần lớn lên cho đến lúc thành toàn, cho tới khi viên mãn trong Thần Khí. Nhiệm vụ của người Kitô hữu là gì? Đó là luôn luôn bảo vệ mầm non ấy, để mầm non ấy có thể lớn lên trong chúng ta, để bảo đảm rằng mầm non ấy có thể tăng trưởng, có thể lớn mạnh trong Thánh Thần.
Lối sống khiêm tốn như Chúa Giêsu
Vậy đâu là lối sống của các Kitô hữu? Đó là sống như Chúa Giêsu đã sống. Đó là sống khiêm nhường như Chúa. Chúng ta cần có đức tin và đức khiêm nhường để có thể tin rằng: mầm non bé nhỏ ấy, ơn sủng ấy có thể ngày càng tiến triển, lớn mạnh, sung mãn trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần khiêm tốn để tin rằng, Chúa Cha là Chúa trời đất. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: Chúa Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những người đơn sơ bé mọn. Khiêm nhường có nghĩa là trở nên bé nhỏ, bé nhỏ như hạt giống, như mầm non. Biết mình bé nhỏ, để biết được rằng mình cần Chúa Thánh Thần làm cho mạnh mẽ tiến về phía trước, để vươn tới sự viên mãn thành toàn.
Nếu có ai đó tin rằng: khiêm tốn có nghĩa là lịch sự, là học thức, là nhã nhặn… thì nên nhắm mắt lại thầm thì cầu nguyện, và sẽ thấy rằng: “Không, khiêm tốn không phải như thế!” Nếu như vậy, làm thế nào để biết rằng mình khiêm tốn hay không?
Dấu hiệu của người sống khiêm nhường
Có một dấu hiệu, một dấu chỉ, một tín hiệu, chỉ có một: Đó là chấp nhận chịu sỉ nhục. Khiêm tốn mà không có chịu sỉ nhục, thì chưa phải là khiêm tốn. Người khiêm nhường là những người nam người nữ, là những người có khả năng chịu đựng biết bao nhục nhã, có khả năng nhận lấy những sỉ nhục, giống như Chúa Giêsu đã chịu đựng. Chúa chịu sỉ nhục ghê gớm, Chúa bị sỉ nhục ghê gớm.
Chúng ta biết về gương lành của biết bao vị thánh. Các ngài không những chịu đựng bị sỉ nhục, không những chấp nhận những sỉ vả, mà các ngài còn mong ước, còn xin cho được nên giống Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng ấy, để Ngài gìn giữ những người bé nhỏ hướng tới sự viên mãn trong Thần Khí, để chúng ta không quên đi cội rễ của sự khiêm nhường là chấp nhận chịu sỉ nhục.
Đức Thánh Cha diễn tả Tình Bạn như thế nào?
Câu chuyện về Tình Bạn của Đức Thánh Cha Phanxicô rất đơn sơ và cụ thể. Đó là Tình Bạn giữa Ngài và Thầy tu huynh Mura. Thầy mới được gọi về Nhà Cha trên Trời, hưởng thọ 84 tuổi.
Thầy Salvador Angel Mura từng là tài xế và thư ký cho Cha Giám Tỉnh Jorge Mario Bergoglio thời bên Argentina. Hai người là bạn thân từ hồi ấy và ngay cả trước đó. Thầy Mura nhiều lần kể cho tôi như thế. Thầy Mura cũng là tu sĩ Dòng Tên, nhưng không là linh mục, mà là thầy tu huynh trọn đời. Thế rồi, đời tu và đời phục vụ “đưa đẩy”. Cả hai người bạn ấy đều phục vụ Giáo Hội nhiều năm tại Roma.
Trong lúc Đức Hồng Y Bergoglio trở thành Đức Giáo Hoàng Phanxicô; thì Thầy Mura sức khỏe đã yếu nhiều và ở tại nhà hưu Dòng Tên, ngay sát bên Nhà Tổng Quyền Dòng Tên tại Roma. Tôi có phúc sống trong cùng cộng đoàn, nên được Thầy Mura kể nhiều về cuộc sống, về người bạn thân giờ đang là Giáo Hoàng đương nhiệm. Nghe Thầy kể chuyện về Đức Phanxicô, tôi ít khi hình dung về một vị Giáo Hoàng, mà rất đơn sơ chân thành về một người bạn thân bạn tốt trong Dòng.
Mới năm trước, Thầy Mura sức khỏe có vẻ yếu đi thêm. Thế là, có lần Đức Thánh Cha Phanxicô từ Tòa Thánh Vatican đi sang cộng đoàn Dòng Tên để thăm hỏi người bạn thân của mình.
Lần khác, đến ngày sinh nhật của Thầy Mura, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại trực tiếp để thăm hỏi và chúc mừng sinh nhật người bạn thân của mình. Mọi người trong cộng đoàn tôi rất cảm động về điều ấy. Không có gì là khoảng cách giữa một vị Giáo Hoàng đương kim với một Thầy tu huynh đau yếu. Cả hai vẫn như xưa, vẫn là những người bạn thân bạn hiền trong Chúa trong Dòng.
Mới đây, chỉ mới tối thứ bảy () vừa qua, Thầy Mura đã được Chúa gọi về. Tin ấy sớm được báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô biết. Dù bận rộn với biết bao công việc và rất vất vả vừa từ Myanmar và Bangladesh trở về, Đức Thánh Cha đã gọi điện trực tiếp sang cộng đoàn Dòng Tên để chia buồn.
Cuộc gọi điện vừa bất ngờ vừa rất đơn sơ. Chiều Chúa nhật, anh gác cổng của cộng đoàn nhận được cú điện thoại, anh nhấc máy mà nghe thấy: “Chào con! Cha là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cha muốn nói chuyện với Cha bề trên của cộng đoàn”. Thế là anh gác cổng vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên, vừa hồi hộp. Anh bấm số điện thoại để chuyển máy cho Cha bề trên. Nhưng tiếc là Cha bề trên không có nhà. Sau đó, lại chuyển số cho Cha quản lý. Lúc đó Cha quản lý cũng không có trong văn phòng. Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói chuyện qua điện thoại với anh giáo dân là phụ tá của Cha quản lý. Đức Thánh Cha muốn chia buồn với cộng đoàn chúng tôi, khi Ngài nghe biết tin Thầy Mura về với Chúa.
Không chỉ như thế. Sáng nay, sáng thứ ba (05.12.2017) thánh lễ an táng cầu nguyện và đưa tiễn Thầy Mura diễn ra rất đơn sơ trong nhà nguyện của Nhà Dòng. Chỉ có một số người thân, một số nhân viên phục vụ, và các cha các thầy trong Dòng dự. Tất cả cỡ mấy chục người. Thế nhưng, cũng có mặt một người vô cùng quan trọng. Liền trước thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới kính viếng và cầu nguyện trước người bạn quá cố của mình. Có lẽ Thầy Mura lúc đó đang ở trên thiên đàng nhìn thấy người bạn của mình. Có lẽ Thầy Mura đang vui niềm vui thiêng liêng rất sâu đậm.
Trong bài giảng thánh lễ, Cha bề trên còn kể về một kỷ niệm rất quý. Đó là lần cuối cùng Cha ấy giúp Thầy Mura rước lễ. Cha nhìn thấy niềm vui sâu xa tỏa ra từ gương mặt và nụ cười của Thầy ấy. Cha đã ghi lại được bức hình, và gửi tấm ảnh ấy cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đứng trước người bạn đã khuất, có lẽ Đức Thánh Cha Phanxicô cảm thấy buồn vì phải xa cách người bạn thân, có lẽ Ngài cũng có niềm vui thiêng thiêng vì giờ đây tình bạn trở nên thâm sâu hơn trong Chúa trong Nước Trời.
Lạy Chúa, Tình Bạn giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thầy Mura giúp con cảm nghiệm được rằng: Dù chúng con là ai đi chăng nữa, trong Chúa chúng con đều là anh em của nhau, đều là con của cùng một Cha trên Trời. Amen.
Tứ Quyết