CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B: Mc 13, 33 - 37
1. Ghi nhớ: “ Anh em hãy coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến ”. (Mc 13,33).
2. Suy niệm: Mùa vọng là thời gian mong chờ Chúa đến. Lịch sử nhân loại được đánh dấu bởi nhưng lần Chúa đến. Nhưng trong đời của mỗi người Chúa đến thật bất ngờ. Vì thế, con người cần tỉnh thức chờ đợi. Chúa như một ông chủ có thể về bất cứ thời gian nào, nếu khi về gặp chúng ta đang ngủ mê trong tội lỗi, thì đã quá muộn màng ta không còn thời gian để đón ông Chủ nữa. Nên ngay giây phút hiện tại, mỗi người chúng ta hãy biết đón Chúa bằng cách dọn “ con đường gồ ghề trong tâm hồn ” để cho Chúa đến, đó là chúng ta biết ăn ăn sám hối, từ bỏ tội lỗi, giữ vững niềm tin và sẵn sàng ra đón Chúa như Lời Người đã dạy: “ Hãy canh thức ” .
3. Sống Lời Chúa: Từ bỏ tính hư tật xấu.
4. Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đến là niềm vui lớn cho cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết luôn cầu nguyện, tỉnh thức để con có thể đón Chúa bất cứ lúc nào trong đời. Amen.
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
Phanxicô sinh năm 1506, tại điện Xaviê ở Pampêluna, thuộc tỉnh Navarre, Tây Ban Nha. Sau khi tốt nghiệp trường thánh Saintê Barbe, Phanxicô được hân hạnh giúp giáo sư dạy triết học tại đại học đường Paris. Không mấy chốc ngài đã lừng danh và được nhiều người ca tụng. Những thành công ấy đã biến Phanxicô thành con người mải miết chạy theo danh vọng. Nhưng rồi nhờ tác động của một người bạn mà đời Phanxicô đã thay đổi một cách lạ lùng; người bạn đó chính là Inhaxiô, một khách trọ cùng phòng với Phanxicô.
Thánh Inhaxiô sau khi trở lại có đến Paris để học thêm, đồng thời cũng để chiêu mộ một ít bạn đồng liêu ưu tú làm nền móng cho Dòng Tên mà ngài sẽ thiết lập sau này. Ngài biết Phanxicô từ năm 1525 và cảm phục tài ba. Nhưng làm thế nào để chinh phục chàng thanh niên có nhiều triển vọng làm nên những đại sự đang say sưa hướng về danh vọng ấy? Trước tiên thánh Inhaxiô cố gắng gây thiện cảm và lòng tín nhiệm rồi tìm dịp nhắc nhủ Phanxicô : "Được cả vũ trụ mà mất linh hồn phỏng có ích gì" (Mt 16,26). Lúc đầu, Phanxicô không chút cảm động về câu nói đó. Nhưng dần dần ngài đã bị chinh phục hoàn toàn. Ngày 15.8.1534, bảy chàng thanh niên trong số đó có Inhaxiô và Phanxicô cùng nhau khấn hứa tại nhà nguyện dưới hầm nhà thờ Montmartre ở Paris. Dòng Tên bắt đầu thành lập từ đó.
Hai năm sau, Phanxicô cùng với các bạn từ giã Paris để lên đường sang Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng. Trước khi tới thủ đô Giáo hội, các ngài có ghé qua Vênitia, rồi cùng nhau phân chia đi các nhà thương giúp đỡ các bệnh nhân để thực hành đức khiêm tốn và bác ái. Để tập hy sinh và thắng mình, có lần Phanxicô đã cúi xuống hút mủ ở vết thương của một bệnh nhân mà tính tự nhiên ngài lấy làm kinh tởm. Tới Rôma, Đức Giáo Hoàng Phaolô III hân hoan tiếp đón và chúc lành cho những dự định của đoàn con. Khi trở về Vênitia, Phanxicô được thụ phong linh mục và từ đó ngài lấy việc ăn chay, suy niệm, thực hành bác ái để thánh hóa bản thân và cũng là để sửa soạn sứ mệnh tông đồ vĩ đại mà Chúa sắp trao cho ngài.
Mùa xuân năm 1539, vua Bồ Đào Nha là Gioan III, muốn xin mấy vị thừa sai tới giảng đạo cho dân Ấn độ. Thánh Inhaxiô bấy giờ làm bề trên tiên khởi của dòng cử cha Rodriguez, cha Boladilla và thầy Phaolô đi. Cha Phanxicô muốn đi lắm nhưng vì khiêm tốn, ngài không dám ngỏ ý xin bề trên khi ngài chưa tỏ ý muốn. Nhưng đến sau, vì điều kiện sức khỏe, cha Boladilla phải ở lại, thế là Phanxicô được thế chân với chức trưởng phái đoàn. Ngài nhanh nhẹn lên đường truyền giáo như khi xưa tiên tri Isaia vâng nghe lời Chúa vậy (Is 6,8). Năm ấy thánh nhân vừa chẵn 35 tuổi.
Sau mấy tháng lênh đênh trên mặt biển, ngày 07.06.1542, thánh Phanxicô đặt chân lên thành phố Goa và bắt đầu ngay công việc truyền giáo. Ngoài việc học tiếng và tìm hiểu phong tục tập quán bản xứ để dễ việc giảng đạo, cha tìm hết mọi cách làm chứng cho họ biết Chúa Kitô đáng yêu mến chừng nào! Ngài rao giảng bằng lời Phúc âm, nhưng trên hết là bằng đời sống bác ái của một vị tông đồ, ngày ngày ngài len lỏi đi thăm các bệnh nhân phong cùi, các tội phạm trong trại giam, và đặc biệt là lớp người nghèo đói trong xóm nhà lá. Đức Giám mục thành Goa và vua Bồ Đào Nha tỏ ra rất hài lòng và ca ngợi đường lối truyền giáo của cha Dòng Tên ấy. Các ngài sẵn sàng giúp đỡ để công việc truyền giáo của cha được dễ dàng. Sau ít lâu cha đã đem về cho Chúa được rất nhiều linh hồn. Cha rửa tội cho rất nhiều người trong số đó có nhiều người quý tộc và cả những bậc đế vương.
Thành công đó có thể nói là kết quả của một đời sống tông đồ rập đúng theo mẫu mực là cuộc đời truyền giáo của Chúa xưa? Thực vậy, trước hết đó là một đời sống thanh bần, thoát li mọi dính bén của cải: vật dụng và gia sản của ngài chỉ gồm một cây thánh giá mà ngài luôn cầm trong tay, một cái bao vải nhỏ đựng cuốn Kinh thánh và quyển sách nguyện. Thứ đến là một đời nội tâm kết hợp mật thiết với Chúa bằng kinh nguyện và tĩnh mịch: cũng như Chúa xưa, thánh Phanxicô suốt ngày đi rao giảng và làm việc bác ái, đêm đến ngài lại đóng cửa phòng hoặc tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Sau cùng đời sống đó luôn luôn được thúc đẩy và nung nấu bởi một niềm khao khát và nhiệt thành cho vinh quang lớn lao của Thiên Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn. Lòng khao khát đó ngày kia, khi đứng trên tầu nhìn về Á châu, ngài đã để lộ ra bằng những lời than thở mượn trong thư thánh Phaolô: "Ôi! Tình yêu Chúa Kitô đã thúc bách tôi" (2Cr 5,14) "... Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc âm Chúa" (1Cr 9,16).
Cũng chính vì khát vọng cho danh Chúa cả sáng và cứu rỗi được nhiều linh hồn, mà thánh Phanxicô đã không hài lòng với chương trình chỉ giảng đạo ở một nơi. Trái lại, ngài muốn được đi đến hết mọi nơi nào có thể, không phải để thoả tính "phiêu lưu lãng tử" nhưng là để đem Chúa đến cho mọi người. Vì thế, trong những năm hoạt động tông đồ tại Ấn độ, cha Phanxicô vẫn mơ ước có ngày được đi gieo Tin mừng cho dân Nhật bản. Không bao lâu sau dịp may đã đến với cha. Năm 1549, nhân dịp một thủy thủ công giáo người Nhật bản ở Ấn hồi hương, cha Phanxicô đã xin được phép bề trên qua giảng đạo trên đất Phù tang. Theo một sử gia đáng tin cậy, thì thánh Phanxicô đã tới giảng đạo ở Nam dương trước khi sang giảng đạo ở Nhật bản.
Ngày 15.8.1549, thuyền ngài cập bến Cagosima thuộc đảo Kiou Siou. Ở đây sau những ngày nhẫn nại chịu đựng lối xử đối lạnh nhạt của quan chức và dân chúng địa phương, cha đã rửa tội và gieo được nhiều ảnh hưởng Phúc âm. Lấy Cagosima là cứ điểm, cha tìm cách tiến vào các đảo và các miền chung quanh như Miyakô, tức Tôkiô bây giờ, rồi qua Yamagoushi. Đâu đâu ngài cũng vấp phải nhiều khó khăn, gặp nhiều cản trở. Tuy nhiên sau cùng ngài vẫn đưa phần chiến thắng về cho Giáo hội. Ngài rửa tội nhiều người, lập nhiều địa điểm dạy giáo lý, huấn luyện nhiều chiến sĩ truyền giáo địa phương.
Trong khi đáp tầu từ Ấn độ đi Nam dương, Nhật bản, và từ Nhật bản sang Trung hoa, có lẽ thánh Phanxicô đã ghé qua Việt nam khi tầu chở thánh nhân buộc lòng phải ghé hải cảng Việt nam để tránh bão sau khoảng thời gian gần hai năm, vì một biến cố chính trị xảy ra gây khó dễ nhiều cho cuộc giảng đạo, cha buộc lòng phải đáp tầu trở về Ấn độ. Trên đường về, nhà anh hùng truyền giáo còn có cao vọng đem ánh sáng đức tin cho dân Trung hoa. Giữa năm 1552, Chúa Quan phòng đã đưa ngài tới đảo Tân Châu, cách Quảng Đông 150 cây số. Ngài giảng đạo tại đó và hy vọng sẽ có dịp tiến vào Trung hoa lục địa... Chờ mãi vẫn không có cơ hội thuận tiện, có lần cha đã phải hoạch định một chương trình mới, là nếu không vào Trung hoa lục địa được, cha sẽ cùng các bạn đi về Thái lan. Chương trình của cha như thế, nhưng thánh ý Chúa lại muốn cho ngài được an nghỉ. Tháng 11 năm ấy, cha ngã bệnh. Ngày đêm nằm trên giường, cha chỉ lặp đi lặp lại câu: "Lạy Chúa Giêsu, con vua Đavít, xin thương đến con" (Mt 15,22). Tám ngày sau, cha bất tỉnh và không nói được nữa; cho đến ngày thứ tư cha mới tỉnh lại được đôi chút. Từ lúc đó cha luôn miệng than thở lời: "Lạy Chúa, xin thêm nữa, xin thêm nữa! Lạy Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, xin nhớ đến con". Mờ sáng ngày 03.12.1552, cha êm ái trút hơi thở, hưởng thọ 46 tuổi. Xác cha thánh được đưa về mai táng tại thành Goa Ấn độ.
Cuộc đời truyền giáo của thánh nhân tuy ngắn ngủi, nhưng công lao sự nghiệp của ngài thật là lớn lao. Trong 12 năm truyền giáo cha đã đi bộ tới 100 ngàn cây số, và đã rửa tội với con số kỷ lục: phỏng độ ba vạn người. Dầu được thành công, và làm được những việc lớn lao, như lần kia có một người chết chôn từ hôm trước mà ngài đã gọi ra khỏi mộ. Thánh Phanxicô vẫn một mực khiêm tốn, vâng lời bề trên. Mỗi khi viết thư cho bề trên bấy giờ là thánh Inhaxiô, ngài đều quỳ gối mà viết.
Với sự nghiệp nhân đức ấy, thánh Phanxicô thực xứng đáng được Giáo hội liệt vào sổ những bậc đại thánh và làm gương mẫu muôn đời cho các nhà truyền giáo.
Cha được phong chân phước năm 1619, và được cất lên bậc hiển thánh năm 1622. đến năm 1748, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV lại đặt thánh nhân làm quan thầy nước Ấn độ. Về sau Đức Piô XI lại tuyên phong ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo thuộc Á Đông. Giáo dân Việt nam từ lâu hằng tỏ lòng kính mến thánh Phanxicô cách riêng. Nhiều họ đạo, nhận ngài làm bổn mạng và hằng ngày đọc kinh cầu khẩn ngài. Giáo hội kính lễ thánh Phanxicô ngày 03 tháng 12 hằng năm.
Lạy Chúa, xin vì lời bầu cử và công nghiệp của thánh Phanxicô, cho chúng con được tràn đầy tinh thần truyền giáo, lấy đời sống thi hành lời Chúa kêu gọi: "Các con hãy đi khắp thế gian và giảng Phúc âm cho mọi người " (Mc 16,16).
Giác Ngộ
"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.
Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.
Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.
Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.
Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏễ. tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng tẫ.
"Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.
Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...
Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...
Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lạõ. Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúạ Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.