Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Ðức Thánh Cha trình bày về thiên đàng như mục tiêu niềm hy vọng Kitô giáo

Filled under:


Ðức Thánh Cha trình bày về thiên đàng như mục tiêu niềm hy vọng Kitô giáo.
Vatican (Vat. 25-10-2017) - Trong buổi tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 25 tháng 10 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày về thiên đàng như mục tiêu niềm hy vọng Kitô giáo.
Trong số các tín hữu hiện diện có khoảng 90 người Việt từ Mỹ. Ngồi cạnh lễ đài trên thềm đền thờ, có khoảng 25 Giám mục đến từ các nước.
Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Luca (Lc 23,33.38-43) kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu trên thập giá và người trộm lành: Chúa hứa cho anh ta được vào nước thiên đàng cùng với Ngài.
Bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói về đề tài "Thiên đàng, mục tiêu niềm hy vọng của chúng ta". Ðây là bài thứ 38 và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài giáo lý về Ðức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:
"Ðây là bài giáo lý cuối cùng về đề tài niềm hy vọng Kitô giáo, đề tài này đã đồng hành với chúng ta từ đầu năm phụng vụ này. Và tôi kết luận qua việc nói với anh chị em về đề tài Thiên đàng, như mục tiêu niềm hy vọng của chúng ta.
'Thiên đàng' là một trong những lời cuối cùng được Chúa Giêsu nói lên trên thập giá, khi ngài ngỏ lời với người trộm lành. Chúng ta hãy dừng lại một lát nói về cảnh tượng ấy. Trên thập giá, Chúa Giêsu không cô độc. Cạnh Ngài, bên phải và bên trái, có hai kẻ bất lương. Có lẽ khi đi ngang qua 3 cây thập giá được dựng lên trên đồi Golgota, có người thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng công lý đã được thực thi khi kết án tử cho những người như thế.
Cạnh Chúa Giêsu có một tội nhân đã thú nhận tội ác của mình: nhìn nhận mình đáng chịu khổ hình như thế. Chúng ta gọi anh ta là "người trộm lành", anh ta chống lại người kia và nói: "Chúng ta lãnh nhận điều chúng ta đáng chịu vì những hành động của chúng ta" (Xc Lc 23,41)
Trên đồi Canvê, trong ngày thứ sáu bi thảm và thánh thiêng ấy, Chúa Giêsu đi tới tột cùng cuộc nhập thể của Ngài, liên đới với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Chính tại đó đã ứng nghiệm điều mà ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Tớ đau khổ: "Người bị liệt vào số những kẻ gian ác" (53,12; xc Lc 22,37).
Tại đó, trên đồi Canvê, Chúa Giêsu đã có một cuộc hẹn cuối cùng với một tội nhân, để cũng mở toang cánh cửa Nước Ngài cho anh ta. Ðó là lần duy nhất từ "thiên đàng" xuất hiện trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu đề nghị thiên đàng cho một "kẻ khốn nạn" trên thập giá đã có can đảm ngỏ với Ngài lời khiêm tốn nhất: "Xin Ngài nhớ đến tôi khi vào trong Nước của Ngài" (Lc 23,42). Anh ta chẳng có những công việc lành để biểu dương, chẳng có gì cả, nhưng anh tín thác vào Chúa Giêsu, mà anh nhìn nhận là người vô tội, tốt lành, rất khác biệt với anh (v.41). Chỉ cần một lời khiêm tốn thống ấy ấy cũng đủ đánh động tâm hồn Chúa Giêsu.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng:
"Người trộm lành nhắc nhở chúng ta về thân phận của ta trước Thiên Chúa: chúng ta là con cái của Ngài, Ngài cảm thương chúng ta, Ngài động lòng mỗi khi chúng ta biểu lộ sự nhớ nhung đối với tình thương của Ngài. Trong các phòng của bao nhiêu nhà thương hoặc các phòng ở nhà tù, phép lạ này tái diễn vô số lần: dù đã sống gian ác thế nào đi nữa, không có người nào chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng, ơn thánh không bị ngăn cản đối với một ai.
Trước Thiên Chúa chúng ta đến trình diện với đôi bàn tay không, phần nào giống như người thu thuế trong dụ ngôn, ông ta dừng lại cầu nguyện ở cuối đền thờ (Xc Lc 18,13). Và mỗi lần có một người, khi xét mình lần chót về cuộc sống của họ, khám phá thấy những điều gian ác của mình vượt xa những điều thiện họ làm, họ không nên thất vọng nản chí, nhưng hãy tín thác nơi lòng thương xót của Chúa.
Thiên Chúa là Cha, và Ngài chờ đợi sự trở về của chúng ta cho đến cùng. Và với người con trai hoang đàng trở về, bắt đầu xưng thú các lỗi lầm của mình, người cha bịt miệng anh ta bằng vòng tay ôm (Xc Lc 15,20).
Thiên đàng không phải là một nơi của chuyện huyền thoại, và cũng chẳng phải là vườn thần tiên. Thiên đàng là vòng tay ôm với Thiên Chúa, Ðấng là tình yêu vô biên, và chúng ta vào thiên đàng nhờ Chúa Giêsu, Người đã chết trên thập giá vì chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu, nơi ấy có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Chúa thì chỉ có lạnh lẽo và tối tăm. Trong giờ chết, Kitô hữu lập lại với Chúa Giêsu: "Xin Chúa nhớ đến con". Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Ðó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương.
Nếu chúng ta tin điều đó, thì cái chết không còn làm cho chúng ta sợ hãi nữa và chúng ta cũng có thể hy vọng rời khỏi thế giới này một cách thanh thản, với bao nhiêu lòng tín thác. Ai đã biết Chúa Giêsu, thì không còn sợ hãi gì nữa. Và chúng ta cũng có thể lập lại những lời của cụ già Simeon, cụ cũng đã được phúc gặp gỡ Chúa Kitô, sau trọn cuộc đời chờ đợi: "Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo lời Ngài, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa" (Lc 2,29-30).
Sau cùng, chính trong lúc ấy, chúng ta sẽ không còn cần gì nữa, không còn nhìn thấy mờ mờ. Không còn khóc than vô ích, vì tất cả đã qua đi; cả những lời tiên tri, cả những kiến thức. Nhưng tình yêu không qua đi, nó tồn tại. Vì "đức ái không bao giờ chấm dứt" (1 Cr 13,8)
Trong phần chào thăm bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha nhắc đến các nữ tu dòng Nữ tỳ Ðức Maria phục vụ bệnh nhân, các cha dòng Thánh Euđê, Phong trào Sứ điệp Fatima. Với các bạn trẻ, các đôi vợ chồng mới cưới và các bệnh nhân, ngài nhắc nhở rằng vào cuối tháng 10, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy đọc kinh Mân Côi. "Hỡi các bạn trẻ, ước gì kinh nguyện này trở thành cơ hội cho các con đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô đang hoạt động trong cuộc sống của các con. Anh chị em bệnh nhân quí mến, hãy yêu mến kinh Mân Côi vì kinh này mang lại cho anh chị em niềm an ủi và ý nghĩa những đau khổ anh chị em đang chịu. Và Hỡi các đôi tân hôn, ước gì kinh Mân Côi trở thành cơ hội ưu tiên để anh chị em cảm nghiệm sự thân mật thiêng liêng với Thiên Chúa, là Ðấng thiết lập một gia đình mới".

G. Trần Ðức Anh, OP