THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU?
“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 10,9)
Suy niệm: Trong tác phẩm Nhà Giả Kim, Paulo Coelho đã kể về cậu bé chăn chiên nằm mơ thấy kho báu. Thế là cậu bán hết đàn chiên, thu góp hành trang để đến xứ Ai Cập xa xôi. Nhờ đi ra, cậu đã học được nhiều điều về thế giới, về bản thân, và rốt cuộc cậu tìm được kho báu ngay đúng chỗ trước đây cậu đã nằm mơ. Song bài học lớn nhất là cậu biết đặt niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên-sức mạnh luôn thúc đẩy và nâng đỡ cho những ai luôn khát khao truy tìm chân lý. Câu chuyện của Paulo Coelho có thể cho chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về Tin Mừng hôm nay. Các môn đệ cũng được sai đi với hai bàn tay trắng, phải đối diện với khó khăn như chiên giữa bầy sói. Thế nhưng, nhờ ra đi hành động cho Chân Lý, các ông đã vượt qua sợ hãi để tìm được niềm vui. Niềm vui không phải bởi việc đã làm, nhưng vì nhận ra được giá trị của sự từ bỏ, sức mạnh nội tại của lòng tin và trên hết là cảm nghiệm Thầy luôn kề bên: Thiên Chúa ở cùng các ông và Bình An của Người lan tỏa nơi các ông.
Mời Bạn: Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Giáo Hội nói chung và từng Ki-tô hữu nói riêng cần phải ‘ra đi’ đến những vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng. Bạn nghĩ gì khi nhiều gia đình trẻ của Giáo Hội Hàn Quốc sẵn sàng đến những vùng xa lạ và nghèo khổ để sống làm chứng cho Tin Mừng? Bạn có nghĩ và tin rằng: phải đi ra, bạn mới được biến đổi và tìm được hạnh phúc của mình ngay ở đời này không?
Sống Lời Chúa: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.
Chân Phước Marie-Rose Durocher (1811-1849)
|
Trong khoảng thời gian tám năm đầu của cuộc đời Chân Phước Marie-Rose Durocher, Gia Nã Đại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Đức Giám Mục Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.
Đức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội, một trong những tu hội ấy là các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Marie-Rose.
Marie-Rose sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ bé gần Montréal, và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa và cũng có thể dễ dàng lập gia đình. Khi lên 16 tuổi, ngài cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Lúc 18 tuổi, mẹ ngài từ trần, người anh linh mục của ngài mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Marie-Rose phục vụ như một người quản gia, người chủ nhà và là nhân viên của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là "vị thánh của Beloeil ."
Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính ngài lại thành lập một cộng đồng như vậy. Cha linh hướng của ngài, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của ngài, đã khuyên ngài thành lập một tu hội. Đức Giám Mục Bourget tán thành, nhưng sơ Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Đại nào dám làm điều như vậy. Ngài thì yếu ớt, trong khi cha và anh ngài đang cần đến sự giúp đỡ của ngài.
Sau cùng ngài đồng ý, và với hai người bạn, Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Từ từ, tu hội phát triển đến Bethlehem, Nazareth và Gethsemane. Lúc ấy Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa -- đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian "ẩn dật" đã lộ ra -- một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.
Ngài khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Đức Kitô trên thập giá.
Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe ngài thầm thĩ là "Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!" Trước khi chết, ngài mỉm cười và nói với các nữ tu, "Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây - hãy để tôi đi ."
Lời Bàn
Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Đức Kitộ Đó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Đức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.
Lời Trích
Đối với các nữ tu rời bỏ đời sống tu trì, chân phước Marie-Rose viết: "Đừng bắt chước những người, mà sau khi một vài tháng sống trong nhà dòng, họ ăn mặc thật khác biệt, nhiều khi lố bịch. Các bạn trở về với tình trạng thế tục. Lời khuyên của tôi là, hãy sống như những ngày ở trong dòng, dù có ở xa đi nữa ."
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôị Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôị Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữạ Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmanị Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lạị Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bạị Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổị Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúạ Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúạ Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".
Ðã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúạ Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.