Đức Phanxicô chia buồn sau vụ thảm sát ở Las Vegas
Một vụ thảm sát đẫm máu khác vừa xảy ra ở Las Vegas, nước Mỹ trong một buổi hòa nhạc đồng quê được tổ chức ngoài trời ở Las Vegas, tiểu bang Nevada đã làm cho ít nhất 50 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, trong đêm chúa nhật rạng sáng thứ hai 2 tháng 10-2017.
Tác giả vụ nổ súng là ông Stephen Paddock, 64 tuổi, từ tầng lầu 32 của khách sạn gần đó nổ súng xuống. Khi cảnh sát đến thì ông đã tự tử.
Trong điện thư gởi Đức Giám mục Joseph Anthony Pepe của thành phố Las Vegas do Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin ký, Đức Phanxicô cho biết, ngài “rất đau buồn khi nghe tin có vụ nổ súng ở Las Vegas” Ngài bày tỏ sự gần gũi trong lời cầu nguyện với tất cả các nạn nhân của vụ thảm sát phi lý này”. Ngài chân thành cám ơn các nỗ lực của cảnh sát và các tổ chức cứu cấp và cầu nguyện cho các người bị thiệt mạng, các thân nhân, xin phó thác họ trong lòng thương xót vô biên của Đấng Toàn Năng”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Năm lý do để Đức Phanxicô có thể nhận Giải Nobel hòa bình
Từ năm 1901, Giải Nobel hòa bình được trao cho “nhân vật hay cộng đoàn nào góp phần hay cọng tác nhất cho sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc, cho việc giải trừ vũ khí và cổ động cho các tiến bộ nhằm kiến tạo hòa bình”.
Hội đồng tuyển chọn họp để lựa ra năm nhân vật, sau đó hội đồng đề cử có nhiệm vụ chọn một người để đề cử nhận Giải Nobel hòa bình. Tên của nhân vật này sẽ được công bố ngày 6 tháng 10. Các nhà tiên đoán ở Anh đã lựa ra nhiều nhân vật, nhiều tổ chức hy vọng được giải, trong số này có tổ chức Các nhân viên Mũ trắng ở Syria (Casques blancs en Syrie) Hiệp hội bài-Trump ở Mỹ “American Civil Liberties Union”, bà Angela Merkel và cả Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Năm lý do để Đức Phanxicô có thể được chọn nhận Giải Nobel hòa bình năm nay:
- Ngài chủ trương tiếp nhận người tị nạn
Tháng 8 vừa qua, ngài công bố một tài liệu cam kết giúp người di dân, cổ động việc đoàn tụ gia đình, di chuyển tự do, quyền quốc tịch của người được sinh ra ở nước tạm cư, tôn trọng các nền văn hóa gốc, cấp chiếu khán tạm thời cho người tị nạn chiến tranh. Từ lâu, ngài đã cổ động cho nền văn hóa gặp gỡ, hạ các bức tường phân cách, để không bao giờ còn các nạn nhân vô tội bị giết vì tín ngưỡng hay tôn giáo của họ. Chúng ta cần các cây cầu, chúng ta không cần các bức tường”.
Trong tầm nhìn này, ngài lên án mạnh mẽ dự án xây tường giữa nước Mỹ và Mêhicô của Tổng thống Donald Trump. Tháng 9 năm 2017, ngài hy vọng ông Trump xem lại quyết định chấm dứt chương trình bảo vệ các em bé của những người di dân bất hợp pháp, một chương trình được thành lập trong thời Tổng thống Obama.
- Ngài bảo vệ việc đấu tranh chống tăng khí hậu, một vấn đề địa chính trị được mọi người ủng hộ
Với Thông điệp Chúc tụng Chúa, ngài phổ thông hóa khái niệm “môi sinh toàn diện”, vừa tôn trọng đời sống con người, vừa tôn trọng môi sinh. Ngày 11 tháng 9 vừa qua, trên máy bay từ Colombia về Rôma, ngài trả lời cho những người còn hoài nghi về trách nhiệm của con người trên sự thay đổi khí hậu. Ngài khuyên “nên đi hỏi các nhà khoa học, họ nói rất rõ ràng và chính xác. [ …] Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm ít nhiều. Một trách nhiệm về mặt tinh thần. Để chấp nhận ý kiến và để có quyết định. Chúng ta phải xem việc này là nghiêm túc. Lịch sử sẽ phán xét các quyết định này”.
Tháng 5, trong chuyến đi Âu châu lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã tặng Đức Phanxicô năm quyển sách của mục sư Martin Luther King. Về phần mình, Đức Phanxicô tặng Tổng thống Mỹ các văn bản ngài viết về ngày hòa bình thế giới, trong đó có một tông thư về bảo vệ môi trường, khi đó Tổng thống Donald Trump vẫn còn là người hoài nghi về tác động của khí hậu trên môi trường.
- Ngài ủng hộ các cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Châu Mỹ La Tinh do các nhân vật đã được Giải Nobel hướng dẫn
Trong chuyến đi Cuba tháng 9 năm 2015, khi nhắc đến một “thế giới khao khát hòa bình”, Đức Phanxicô đã nêu lên các quan hệ hòa dịu giữa Mỹ và Cuba như “tấm gương cho sự hòa giải của toàn thế giới”. Ngài nói thêm: “Đứng trước thế chiến thứ ba phân mảnh mà chúng ta đang sống, thế giới cần được hòa giải”.
Ngài đã gởi một thông điệp cho những người tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 của những người được Giải Nobel Hòa bình tổ chức ở thủ đô Bogota, Colombie, tháng 2-2017. Ngài khuyến khích họ “nỗ lực cổ động cho sự thông cảm và đối thoại giữa các dân tộc”, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Parolin đã viết như trên nhân danh ngài. Ngài bày tỏ hy vọng của mình, “để các nỗ lực ở Colombia nhằm xây dựng các cây cầu hòa bình và giải hòa có thể tạo nguồn cảm hứng cho các cộng đoàn”, để họ vượt lên các chia rẽ của mình.
- Ngài nâng đỡ những người tị nạn và những người bị bách hại các tôn giáo khác nhau
Vào cuối tháng 8, ngài kêu gọi giúp đỡ cộng đồng thiểu số người Rohingyas ở Miến Điện. Miến Điện là nước phật giáo, họ xem người Rohingyas là người nước ngoài. Ngài lên tiếng: “Tôi muốn bày tỏ cho người Rohingyas biết sự gần gũi của tôi, của tất cả chúng ta, xin Chúa cứu họ, và khơi dây những người có thiện tâm giúp đỡ để họ có đụ mọi quyền lợi, chúng ta cùng cầu nguyện cho người anh em Rohingyas của chúng ta”. Cũng vậy, tháng 4 năm 2016, trên chuyến bay từ đảo Lesbos, Hy Lạp, ngài đã đem ba gia đình hồi giáo tị nạn người Syria về Rôma trên máy bay của mình.
- Ngài không đi tìm Giải Nobel hòa bình
Đây không phải là năm đầu tiên Đức Phanxicô có tên trong các nhân vật được đề cử nhận giải này. Tháng 7 năm 2015, tại Vatican, ngài trả lời cho một ký giả Argentina về tin đồn này: “Thành thật mà nói, chuyện này không có trong lịch làm việc của tôi. Không coi thường, nhưng tôi không bao giờ muốn nhận một giải nào hay một bằng khen thưởng nào. Nói rộng ra, về Giải Nobel hòa bình, tôi nghĩ nó dành cho tất cả những ai dấn thân làm việc vì hòa bình. Vì giải là ngôn ngữ mình phải nói lên”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch