Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 06/07/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10: 13-16)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozai, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Đấng đã sai Thầy".

Suy niệm 1

Trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu quở trách nặng lời: “Khốn cho ngươi hỡi Khoradin, khốn cho ngươi hỡi Bếtsaida… Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum…, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ”.

Sở dĩ Chúa có những lời lẽ nặng nề như vậy do bởi họ không sám hối khi chứng kiến các dấu lạ Người thực hiện giữa họ.

Chúa còn nhấn mạnh đến việc cả một tập thể: Khoradin, Bếtsaida, Capharnaum từ chối những huấn lệnh, những lẽ sống mà Chúa trao cho.

Họ bịt tai, bịt mắt, không thèm nhận ra các dấu chỉ của nước Trời, của tình yêu cứu độ mà chính Chúa thực hiện ở giữa họ.

Họ cứng đầu không hoán cải, không thay đổi lối sống, không trở nên người đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Nguy cơ mất linh hồn, xa cách sự sống đời đời là vô cùng lớn.

Chính vì ngăn cản họ lao xuống dốc trên con đường sống ơn thánh mà Chúa phải thổn thức, phải lên tiếng phản đối, phải quở trách nặng lời.

Ước gì sau khi nghe những lời quở trách này, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến ơn gọi và đời sống đức tin của mình mà nỗ lực cộng tác với ơn thánh Chúa, sống Lời Chúa dạy, nghiêm túc tuân thủ luật Chúa, luật Hội Thánh, nâng cao tinh thần đạo đức, nâng cao các việc làm bác ái, đào tạo lương tâm mình thành chính tâm và luôn biết sợ tội lỗi, biết tránh xa những cám dỗ phạm tội, v.v.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quan tâm đến đời sống phù hợp với ơn Chúa ngày một hơn, để chúng con chỉ sống theo đường lối của Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi chúng con, để chúng con không mất sự sống đời đời. Từ nay, xin Chúa giúp chúng con mạnh mẽ thắng cám dỗ, thắng tội lỗi, để chúng con luôn thuộc về Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
1. « Khốn cho ngươi… »
Trong các Tin Mừng, một trong những lời gay gắt của Đức Giê-su, là những lời chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay :
  • Đức Giê-su bắt đầu quở trách: « Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din, khốn cho các ngươi hỡi Bết-Sai-Đa ».
  • Vẫn chưa hết, « Còn ngươi hỡi Ca-Phác-na-um…, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ»
Chúng ta đừng để mình bị tê liệt bởi những án phạt nặng nề. Cũng giống như cha mẹ của chúng ta nói những lời rất mạnh, khi chúng ta phạm lỗi nặng, nhưng chỉ là để làm cho chúng sợ, không dám tái phạm và trở nên ngoan hơn.
Hơn nữa, đây không phải là lời nói cuối cùng của Đức Giê-su, nói cách khác, đây không phải là bức thư tối hậu. Lời nói cuối cùng, lời tối hậu của Đức Giê-su là « Lời Thập Giá » (x. 1Cr 1, 18), nói lên tình yêu bao dung, lòng thương xót và ơn tha thứ tuyệt đối của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu và chỉ có tình yêu mới biến đổi con tim của chúng ta thực sự và bền vững mà thôi (có thể đọc lại dụ ngôn « Người Cha nhân hậu », Lc 15, 11-32)
2Nhận ra dấu lạ
Điều quan trọng là ba thành phố này đã làm gì, đã phạm lỗi gì khiến cho Đức Giê-su nổi giận như vậy : đó là không sám hối, khi chứng kiến các dấu lạ Đức Giê-su đã thực hiện. Và trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự từ chối của cả một tập thể: Chorazin, Bethsaida và Capharnaum đã không biết đọc ra các dấu chỉ mà Ngài thực hiện ở giữa họ để hoán cải.
Khi nghe những lời này, ước gì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến cách thức cả Hội Dòng, cộng đoàn và gia đình nhận ra sự hiện diện, hoạt động và lời mời gọi của Chúa ngang qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta. Có thể nói, chúng ta cũng được Chúa ưu ái ban cho các dấu lạ như đã ban cho Chorazin, Bethsaida và Capharnaum. Và Chúng ta cũng được mời gọi nhận ra những dấu lạ Chúa làm cách nhưng không cho mỗi người chúng ta ở trong cuộc đời, để với lòng biết ơn, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự. Nếu không, có lẽ Chúa cũng « nổi giận » !
Trước hết, đó là dấu chỉ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống (thiên nhiên, môi trường sống, dân tộc, xã hội, gia đình, lương thực, tương quan, ý nghĩa cuộc đời, ơn gọi…), và nhất là Đức Giê-su Ki-tô, quà tặng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã ban cho loài người và cho từng người chúng ta. Người là Dấu Lạ của mọi dấu lạ, ơn huệ của mọi ơn huệ. Bởi vì, Người là đường đi, là ánh sáng, là lương thực hằng sống, là tình yêu và lòng thương xót của Thiên dành cho con người. Nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban (x. Ga 4, 10) sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng khát khao được Thiên Chúa dẫn đưa theo chính lộ ngàn đời (x. Tv 139, 23-24).
3. Liên đới trong loan báo và đón nhận Tin Mừng
Khi Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời (x. Lc 10, 1-12), Ngài không nói tới cá nhân, nhưng chỉ nói tới “cấp nhà” và “cấp thành”: vào nhà nào…; vào thành nào… Đó chính là chiều kích liên đới của ơn cứu độ mà Kinh Thánh và Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh; chẳng hạn, trong lời đối thoại của tổ phụ Abraham với Đức Chúa, chúng ta thấy rằng những người công chính có thể cứu được cả một thành đô; và Đức Giêsu nói với ông Giakêu: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9).
Trong thực tế, ơn cứu độ thường được nêu ra và giải đáp chỉ trên bình diện cá nhân: tội ai nấy chịu, công ai nấy hưởng. Điều này đúng, nhưng vẫn còn một sự thật khác: trong Chúa, còn có sự liên đới trong lầm lỗi, trong xét xử và trong cả ơn phúc nữa. Vì thế, đối tượng loan báo Tin Mừng của chúng ta không chỉ là những cá nhân, nhưng còn là và nhất là cả một dân tộc, một xã hội, một thành phố, một làng, một nhà, một cộng đoàn.
Sự liên đới trong sứ mạng loan báo Nước Trời, sự liên đới trong sự đón nhận lời loan báo, đặt nền tảng trên một sự liên đới khác, đó là sự liên đới thần linh:
Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai từ chối anh em là từ chối Thầy; nhưng ai từ chối Thầy là từ chối Đấng đã ai Thầy. (c. 16)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc