Kỷ niệm 80 năm
các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót
đầu tiên được in
Kỷ niệm 80 năm các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được in.
Cracovia (ACI 05-10-2017) - Tháng 10 năm 1937, tại Cracovia, Chúa Giêsu đã truyền cho sơ Faustina, nay là thánh Faustina, tôn vinh giờ Ngài "chịu nạn", 3 giờ chiều, giờ mà chính Chúa Giêsu gọi là "giờ của lòng thương xót lớn lao cho toàn thế giới". Chúa Giêsu cũng nói: "Trong giờ đó, ơn cứu độ được thực hiện cho toàn thế giới, lòng thương xót chiến thắng sự xét xử ."
80 năm sau, lúc 15 giờ ngày 28/09 vừa qua, ngày kỉ niệm chân phước Michal Sopocko - cha giải tội của sơ Faustina - dân chúng đã lần hạt Lòng Chúa Thương xót trên nhiều đường phố của Balan. Ðây là sáng kiến của phong trào "Chiếu tỏa Lòng Chúa Thương xót", một phong trào được thành lập cách đây 10 năm. Dân chúng đọc kinh Lòng Thương xót trên các nẻo đường, các ngả tư, tại Balan cũng như trên thế giới, tại các nơi công cộng và mời gọi khách đi đường cùng cầu nguyện.
Ðức Thánh Cha Phanxicô trong thư gửi đức giám mục giáo phận Lodz cho biết ngài cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện. Năm 2017, các người tham dự buổi đọc kinh cầu nguyện cho chính mình, cho những người thân yêu của họ, cho quê hương, cho Giáo hội và cho thế giới, đặc biệt cho các Kitô hữu bị bách hại và cho những kẻ bách hại.
Chương trình cầu nguyện năm 2017 còn có một chiều kích đặc biệt khác, đó là 80 năm trước, vào ngày 27 tháng 09 năm 1937, tại nhà in J. Cebulski, số 22 đường Szewska, thành phố Cracovia, 22 hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên, với dòng chữ: "Giêsu, con tín thác vào Chúa", đã được in trước sự hiện diện của sơ Faustina.
Trong nghi thức đặt bảng kỷ niệm nhà in này, Mẹ tổng quyền của dòng Ðức Bà Lòng Thương xót Petra Kowalczyk đã nhắc rằng thánh Faustina đã nhìn thấy Chúa Giêsu như được vẽ trong các hình ảnh tại đan viện ở Plock. Sau đó thánh nữ đã theo dõi việc vẽ Chúa Giêsu ở Vilnius và cuối cùng, với sự kiểm soát của thánh Faustina, các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên đã được in. Ngày nay hình ảnh này là một trong những hình ảnh đạo được phổ biến nhất trên thế giới.
Ðức tổng giám mục Cracovia - đức cha Marek Jedraszewski - nhấn mạnh rằng nghi thức cầu nguyện và đặt bảng kỷ niệm nhà in hôm nay là một bước trong việc tuyên bố sự thật về Lòng Chúa Thương xót đã được bắt đầu với việc in các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót. Ngài cũng nhấn mạnh nghi thức này được cử hành vào dịp kỷ niệm 9 năm cha Michal Sopocko - linh hướng và giải tội của sơ Faustina - được phong chân phước.
Cha Sopocko là vị tông đồ đầu tiên của Lòng Chúa Thương xót; cha đã xuất bản các tác phẩm về Lòng Chúa Thương xót, tìm cách để thiết lập ngày lễ Lòng Chúa Thương xót, đóng góp vào việc vẽ hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên và đồng sáng lập một hội dòng. Năm 2004, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức của cha. Tháng 12 năm 2007, Ðức Biển đức XVI đã chứng nhận phép lạ qua lời chuyển cầu của cha Sopocko. Ngày 28 tháng 09 năm 2008, lễ phong chân phước cho cha đã được cử hành tại đền thành Lòng Chúa Thương xót ở Bialystok. (ACI 05/10/2017)
Hồng Thủy
(Radio Vatican)
Các nhóm thánh chiến ở Mali
bắt đầu nhắm đến các cộng đoàn Kitô giáo ở Mali
Các nhóm thánh chiến ở Mali bắt đầu nhắm đến các cộng đoàn Kitô giáo ở Mali.
Bamako (Agenzia Fides 5-10-2017) - Các phần tử thánh chiến đã bắt đầu nhắm đến các cộng đoàn Kitô giáo và đây là một sự phát triển đáng lo ngại ." Ðó là nhận định của cha Edmond Dembélé, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Mali.
Cha Dembélé cho biết tại giáo phận Mopti, miền trung bắc Mali, đã có ít nhất 3 nhà thờ bị chiến binh đến và họ cấm các tín hữu họp nhâu cầu nguyện, rung chuông nhà thờ và họ cũng đã pháy hủy một số đồ trang trí và đồ thánh trong các nhà thờ. Trong tuần vừa qua, tại làng Dobara, một số người có vũ trang đã phá cửa nhà thờ, lấy Thánh giá, các ảnh tượng Ðức Mẹ và đốt tiền đường nhà thờ. Trước đó, tại làng Bodwal, các tín hữu bị các người cs vũ khí đuổi khỏi nơi thờ phượng và đe dọa rằng họ sẽ giết các tín hữu nếu còn tiếp tục cầu nguyện trong nhà thờ.
Cha Dembélé cho biết là cho đến nay, vùng Mopti chưa bị các nhóm thánh chiến gây tổn hại đặc biệt. Từ vài tháng nay nay tình hình đã thay đổi và cần được báo động. Các nhóm này đang nhắm vào các cộng đoàn Kitô giáo.
Các nhóm thánh chiến cũng đang gia tăng sự hiện diện ở miền nam Mali, là nơi cho đến nay chưa bị bạo lực, như vụ bắt cóc sơ Gloria Cecilia Narváez Argoti, dòng Phan sinh Ðức Mẹ vô nhiễm, ở Karangasso. Trước đây các nhóm thánh chiến chưa quan tâm đến Karangasso. Về số phận của sơ Gloria, cha Dembélé tiếc là không có tin gì về sơ và Giáo hội ở đây cũng không có liên lạc với những kẻ bắt cóc. (Agenzia Fides 5/10/2017)
Hồng Thủy
(Radio Vatican)