Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Tin Công Giáo Thế Giới Ngày 6.10.2017

Filled under:


Thiên Chúa không báo thù
nhưng xót thương

Thiên Chúa không báo thù nhưng xót thương.
Vatican (Vat. 8-10-2017) - Trưa Chúa nhật 08 tháng 10 năm 2017 trước khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật nói về lòng trung tín và xót thương của Thiên Chúa, cho dù con người tội lỗi và phản bội. Ðức Thánh Cha nói:
Con người phản bội
Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa nhật hôm nay kể cho chúng ta nghe dụ ngôn về những người làm thuê vườn nho cho ông chủ (Mt 21,33-43). Ðể kiểm chứng lòng trung thành của các tá điền, ông chủ đã trao cho họ vườn nho, để họ chăm sóc, bảo vệ và làm sinh lợi hoa màu. Khi vụ mùa đến, ông chủ sai các đầy tớ đến thu hoạch. Nhưng các tá điền muốn chiếm lấy vườn nho và hoa màu. Họ đánh người này, giết người nọ. Ông chủ tỏ ra kiên nhẫn và tiếp tục sai các người khác đến với những kẻ thuê vườn nho, và kết cục vẫn tệ hại như thế. Cuối cùng, ông chủ quyết định sai chính con trai của mình đến, nhưng bọn tá điền đã giết đứa con thừa tự ấy để mong chiếm lấy gia tài.
Thiên Chúa không báo thù
Dụ ngôn này trách cứ cách đối xử mà dân đã làm với các ngôn sứ trong lịch sử của Israel. Ðây cũng là câu chuyện của chúng ta trong giao ước Thiên Chúa muốn thiết lập với loài người. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta tham gia giao ước ấy. Dụ ngôn này cũng là câu chuyện tình yêu, có khoảnh khắc tích cực diễn tả cách phản ứng khi đứng trước sự phản bội. Ðể hiểu cách hành xử của Thiên Chúa Cha trước những kẻ từ chối tình yêu của Ngài, chúng ta hãy nghe câu hỏi được đặt ra: "Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì với bọn tá điền ?" (c.40). Câu hỏi này nhấn mạnh rằng, dù Thiên Chúa thất vọng trước tội ác của con người, nhưng đó vẫn chưa phải là câu trả lời cuối cùng. Ðây là sự vĩ đại của Thiên Chúa: cho dù con người phản bội, cho dù con người sai lầm, cho dù con người tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn một lòng giữ giao ước, Thiên Chúa không tìm cách báo thù!
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không trả thù! Thiên Chúa là Ðấng yêu thương, Ngài không trả thù, nhưng chờ đợi chúng ta để tha thứ, để cứu vớt chúng ta. Nhờ tảng đá bị loại bỏ, nhờ Chúa Kitô, Thiên Chúa cứu chúng ta, cho dù chúng ta yếu đuối và tội lỗi. Thiên Chúa tiếp tục sản xuất ra rượu mới từ vườn nho của Ngài. Rượu mới ấy là lòng thương xót. Rượu mới của Thiên Chúa là lòng từ bi xót thương. Ðứng trước sức mạnh và lòng từ nhân của Chúa, chỉ có một điều ngăn trở chúng ta, đó là lòng ngạo mạn và hay xét đoán, ngay cả đôi khi biến thành bạo lực! Khi đối diện với sự cứng lòng của những kẻ đang nghe, Chúa Giêsu đã nói cách mạnh mẽ rằng: "Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" (c. 43).
Ra đi sinh nhiều hoa trái
Trước lời mời gọi của Chúa, mời gọi chúng ta trở thành vườn nho của Chúa, chúng ta cần đáp lại bằng đời sống sinh nhiều hoa trái. Tính khẩn thiết của hành vi đáp lại ấy giúp chúng ta hiểu được đức tin Kitô cách mới mẻ và tinh tuyền. Ðức tin ấy không phải là một bộ những quy luật luân lý, nhưng trên hết, đó là tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu, diễn tả nơi những gì Chúa đã làm và tiếp tục làm cho con người. Ðó là lời mời gọi đi vào câu chuyện tình yêu, trở thành trái nho tươi đẹp tốt lành cởi mở, sinh ích lợi và hy vọng cho mọi người. Một trái nho khép kín có thể bị biến thành trái nho hoang dại và cũng có thể nảy sinh những trái nho dại khác. Chúng ta cũng được mời gọi ra khỏi vườn nho của mình, để đặt mình vào việc phục vụ những anh chị em không giống chúng ta, để chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích nhau trở thành vườn nho của Chúa trong mọi hoàn cảnh, cho dù có những hoàn cảnh xa xôi và khó khăn nhất.
Anh chị em thân mến! Xin Ðức Maria rất thánh cầu thay nguyện giúp chúng ta, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt tại các vùng ngoại biên của xã hội, tại những vườn nho mà Chúa đã trồng, để sinh ích lợi cho mọi người, và để mang lại "rượu mới" là lòng Chúa xót thương.

Tứ Quyết, SJ

(Radio Vatican)


Một em bé ở Lộ Đức: “Giêsu, nếu Chúa không chữa lành cho con, con sẽ mách Mẹ của Chúa”

bởi phanxicovn
Năm 1928 ở Lộ Đức, một em bé 10 tuổi bị liệt, em đi hành hương Lộ Đức với cha mẹ trong hy vọng được chữa lành.
Câu chuyện này không phải mới xảy ra gần đây nhưng mãi cho tới bây giờ, mỗi khi tôi muốn cầu nguyện đặc biệt với Chúa cho ai, tôi thường xin với Đức Mẹ trước, rồi tôi mới xin với Chúa sau.
Câu chuyện của em bé đó như sau: vào một buổi chiều, em dự buổi chầu Mình Thánh Chúa và ban phép lành cho các bệnh nhân, một em bé bị bệnh nói với linh mục ban phép lành cho em:
Em bé nói với cha: “Nếu Chúa không chữa lành cho con thì con mách mẹ của Chúa”. Linh mục tiếp tục đi ban phép lành cho các người khác, sau đó cha đi trở lại ban phép lành lại cho em. Nhưng em bé cứ nằn nì nói câu này. Mẹ em thường hay nói với em các phép lạ Lộ Đức, về tình yêu vô biên của Mẹ Maria và Mẹ đã cầu bàu với Chúa Giêsu, con của Mẹ như thế nào cho mình. Khi đó em bé la to lên: “Giêsu, nếu Chúa không chữa lành bệnh cho con, con sẽ mách Mẹ của Chúa”. Và lúc đó, phép lạ đã xảy ra.
Tôi không bao giờ thất vọng
Như tất cả các bà mẹ, Mẹ Maria là Mẹ nhân lành. Đầy ơn phước, Mẹ mang đến cho chúng ta ơn phước của Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ, mỗi khi tôi muốn xin gì với cha tôi, đầu tiên tôi đều nói với mẹ tôi. Mẹ tôi có nhiệm vụ nói với cha tôi chiều hôm đó và sáng hôm sau, tôi được những gì tôi mong muốn. Cũng vậy với Mẹ Maria, Chúa Giêsu không từ chối gì với Mẹ.
Câu chuyện tiệc cưới Cana là một ví dụ.
Marta An Nguyễn dịch

“Các phép lạ ở Lộ Đức thì không giải thích được”

bởi phanxicovn
Một câu nói thường hay bị bỏ quên nhưng nói lên hết cả sức mạnh của nó: “Ai vứt bỏ những chuyện họ không hiểu là họ đã phạm một chuyện sai lầm”.
Hàng năm có hàng ngàn phép lạ của các vụ “chữa lành không giải thích” được ở Lộ Đức, một trong những nơi hành hương được viếng thăm nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên chỉ một phần rất nhỏ “các chữa lành” này được Giáo hội xem là “phép lạ”. Nhưng thật ra, các tiêu chuẩn để được xem là chữa lành thì rất khắt khe.
Rất nhiều người vơ đũa cả nắm, họ vứt bỏ hoàn toàn các phép lạ vì họ không biết tiêu chuẩn khắt khe của Giáo hội về chuyện này, họ cũng không biết Giáo hội có một quy trình rất chính xác và chặt chẽ để xem trong hàng ngàn phép lạ, cái nào được nghiên cứu xem là phép lạ, cái nào không. Đối với nhiều người, khái niệm “phép lạ” chỉ là chuyện của những người buôn thần bán thánh, không dựa trên một cơ sở khoa học nào.
Quan niệm này cũng là quan niệm của một vài nhà “trí thức” nhưng nó ngược với quan điểm tôn trọng của một vài nhà khoa học uy tín như bác sĩ Luc Montagnier, người được giải Nobel y khoa năm 2008, trong số các phát minh của ông có việc tìm ra siêu vi trùng bệnh VIH.
Bác sĩ Montaignier là cựu giám đốc Viện Pasteur, năm 2009 nhà khoa học uy tín đã nói quan điểm của mình về các phép lạ ở Lộ Đức trong quyển sách có tên Người được giải Nobel và Đan sĩ, quyển sách ông đối thoại với đan sĩ Dòng Xitô Michel Niassaut.
Khi cuộc thảo luận đề cập đến các vụ chữa lành không giải thích được ở Lộ Đức, đan sĩ Michel hỏi một người không tin như ông nghĩ gì về chuyện này, ông trả lời: “Khi một hiện tượng không giải thích được, và nếu nó thật sự có thật thì đúng là vô ích khi phủ nhận nó”.
Nếu hiện tượng có đó, thì có ích gì để phủ nhận? Trong trường hợp này phải nghiên cứu các hiện tượng này chứ không phủ nhận. Bác sĩ Montagnier xác nhận “đối với các phép lạ ở Lộ Đức, có một cái gì không giải thích được” và ông bác bỏ quan điểm của một vài nhà khoa học đã “phạm sai lầm khi vứt bỏ những gì họ không hiểu. Tôi không thích thái độ này. Tôi thường trích câu nói của nhà vật lý thiên văn Carl Sagan, ông nói: “Không có bằng chứng không có nghĩa là thiếu bằng chứng”. Bác sĩ Montagnier nói tiếp: “Khi nghiên cứu các phép lạ đã xảy ra ở Lộ Đức, tôi tin thật sự có một cái gì đó không giải thích được. Tôi không giải thích được các phép lạ này. Tôi nhận biết có một vài vụ chữa lành vượt quá các giới hạn hiện nay của khoa học”.
Marta An Nguyễn dịch