SUY NIỆM 2
Bản văn Tin Mừng có cấu trúc song song đối xứng như sau :
(A) « Những điều này » (c. 21)
(B) Người Con mặc khải Chúa Cha (c. 22)
(A’) Những điều được thấy và được nghe (c. 23-24)
(B) Người Con mặc khải Chúa Cha (c. 22)
(A’) Những điều được thấy và được nghe (c. 23-24)
1. « Con người được dựng nên để ca tụng Thiên Chúa » (Linh Thao, số 23)
Trước hết, chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Và niềm vui của Người đến từ việc nhận ra cách hành động của Chúa Cha và hoàn toàn được chinh phục. Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần: « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen :
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.
Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính ta cũng được Thánh Thần tác động, để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường, là « linh đạo », làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô. Nhưng, ai là những người khôn ngoan và ai những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ?
2. Chúa Cha, Chúa Con và « những người bé mọn »
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với Chúa Cha: « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất… » (c. 21), sau đó với mọi người: « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi… » (c. 22), và sau cùng với riêng các môn đệ đang hiện diện bên cạnh Người: « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy… » (c. 23-24). Như thế, « những người bé mọn » mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ là « những kẻ bé mọn » mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giê-su cũng trở nên « bé mọn » ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó ; và Chúa Cha nói về Người : « Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người ».
Trong cả ba lời nói này, Đức Giê-su đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải : « Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải… » ; « và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho » ; « phúc thay mắt nào được thấy », « muốn nghe điều anh em nghe ». Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là « những người bé mọn » thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giê-su : Đức Giê-su là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giê-su mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.
3. Mối phúc thấy và nghe Đức Giê-su
Đức Giê-su là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giê-su cho các môn đệ, là « những người bé mọn ». Vì thế, được « thấy và nghe » Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giê-su, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.
Chúng ta vẫn có thể sống mối phúc « thấy và nghe » Đấng Vô Hình, bởi đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu
(Tv 8, 2)
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu
(Tv 8, 2)
Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1) :
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
(Tv 19, 2)
không trung loan báo việc tay Người làm.
(Tv 19, 2)
Tương tự như với thánh Phê-rô, sau khi vượt qua sự chết để đi vào sự sống vĩnh hằng, Đấng Phục Sinh vẫn mời gọi thánh nhân, và ngang qua thánh nhân, Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay : « Hãy theo Thầy » (Ga 21, 19).
* * *
Và để đi theo Đức Ki-tô, chúng ta phải nhận ra Người. Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.
Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta.
Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc